Đói, “ăn” vào rừng thôi!

Anh Tuấn |

Hơn 30 năm nay, gần 400 con người sống trong ngôi làng biệt lập giữa vùng lõi rừng phòng hộ sông Lò (thuộc xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) trong tình trạng thiếu đất để sản xuất nông nghiệp, chưa được giao rừng để canh giữ nhằm bảo đảm sự sinh tồn. Chính vì lẽ đó, thanh niên ở bản này khi đến tuổi lao động đều “nhòm ngó” vào những cánh rừng già xanh thẳm bao quanh...
Rừng “chảy máu”

Thông tin về việc khu vực rừng phòng hộ sông Lò (thuộc xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh) bị chặt phá liên tục được báo về. Và tôi đã đi một chuyến ngược rừng từ trung tâm xã Lâm Phú vào bản Nà Đang – điểm "nóng" của việc phá rừng phòng hộ trong thời gian qua. Mới đi được khoảng 500m, đập vào mắt tôi là hàng chục lóng gỗ lớn dạng cột nhà và một số súc gỗ hộp đang đắp đống gần con suối Nà Đang. 

Người dẫn đường nói, đây là số gỗ do một số người ở bản Nà Đang chặt thời gian gần đây nhưng bị dân phát hiện báo cáo lên cơ quan chức năng, sau đó Hạt Kiểm lâm Lang Chánh và Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Lò (BQLRPH sông Lò) vào bắt giữ. Song do điều kiện thời tiết mưa gió nên họ chưa thể vận chuyển về trạm được.

Ngược lên khoảnh 9, tiểu khu 374, lại gặp hàng chục gốc cây gỗ lớn (khu vực này có 17 cây gỗ bị đốn), đường kính từ 120-140cm trở lên, phần thân đã bị lấy đi. Còn lại tại hiện trường là gỗ bìa, mạt cưa, cho thấy việc chặt hạ diễn ra trong nhiều ngày. Cũng tại khoảnh 9, tiểu khu 374, rừng phòng hộ sông Lò, một cảnh tượng rừng bị tàn phá hiện ra với những cây gỗ đã bị đốn hạ, gốc còn tươi, “rỉ máu”. Chúng tôi đếm được hơn chục cây gỗ bị chặt phá, trong đó có khoảng 10 cây en, 2 cây táu và 2 cây dẻ. 

Tiếp tục lội đến tiểu khu 377, đi ngược trên con đường lớn do Nông trường Sông Lò mở trước đây là cảnh những cây gỗ có đường kính trung bình khoảng 40cm bị chặt hạ. Nhiều cây đã được đưa ra khỏi rừng, có những cây còn nằm lại tại hiện trường.

“Hoa tiêu” khẳng định: “Thời điểm lâm tặc triệt phá rừng là vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014”. Một người dân ở Nà Đang (đề nghị giấu tên) cho biết: “Chúng tôi nhiều lần phản ánh lên UBND xã Lâm Phú về hiện tượng cây gỗ bị đốn hạ giữa ban ngày, ngay gần đường ôtô, chủ yếu là gỗ táu, sến, en... nhưng gần như mọi việc chưa được lực lượng chức năng vào cuộc xử lý nghiêm túc”.

Kiểm lâm làm “gắt lắm”

Trong vai người đi mua nhà sàn, tôi tiếp cận người đàn ông trung niên, ông nói “lóng”: “Ở đây “trâu, chó” có cả. Vấn đề là các anh ở đâu đến?”. Tôi “dấn thêm”, “trâu, chó” là gì anh? Nghe vậy, người đàn ông tỏ vẻ nghi ngờ, phóng xe máy bỏ đi. Sau mới biết “trâu, chó” trong cách nói của “lâm tặc” là nhà sàn mới, nhà sàn cũ. Nhờ người dân chỉ, tôi tìm gặp Lò Văn Nhơ khi anh ta đang đánh bài ở ngôi nhà sàn ngay đầu bản. 

Dáng người thanh niên này nhỏ thó, nhưng đôi mắt khá tinh ranh. Đợi Nhơ chơi xong mấy ván bài, tôi kéo anh ra cầu thang trao đổi. Nhơ cho biết, mới đưa một nhà sàn xuống Lang Chánh bán cho một cán bộ huyện. Song đây là nhà sàn của người khác làm, chỉ tập kết ở sân nhà Nhơ trước khi đưa đi thôi. Tôi bảo muốn mua một nhà sàn loại 4 gian, 32 cột. Nhơ thủ thỉ: “Giờ kiểm lâm, BQLRPH sông Lò làm chặt lắm nên anh em đang phải... chơi. Để mấy tháng nữa, tình hình ổn định trở lại thì mới trả lời được”.

Gỗ quý bị người dân Nà Đang chặt phá tại RPH sông Lò. 

Theo quan sát, ở ngay đầu bản Nà Đang có Trạm bảo vệ rừng Hón Sài thuộc BQLRPH sông Lò, mỗi lần “lâm tặc” vào rừng đốn gỗ, một số người dân đều bí mật gọi báo cho cán bộ phụ trách trạm, song cán bộ trạm không tích cực giải quyết. Tháng 12.2013, khi người dân phát hiện tại khu vực dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy... xã Lâm Phú có nhiều cây gỗ en bị chặt, bà con phải gọi ra Hạt Kiểm lâm và BQLRPH sông Lò thì lực lượng chức năng mới vào cuộc xử lý. 

Ông Nguyễn Duy Vĩnh - Hạt trưởng Kiểm lâm Lang Chánh - cho biết: Lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng BQLRPH sông Lò tiến hành kiểm tra, cho thấy, tại lô d, khoảnh 8, TK374 phát hiện 5 cây gỗ en thuộc nhóm 5 bị chặt hạ, ở cuối lô này còn 6 hộp gỗ en xẻ có khối lượng 1,244m3; 12 khúc gỗ tròn, khối lượng 3,316m3, dạng xà và cột nhà. Ở lô 10, khoảnh 3, TK373, phát hiện 5 cây gỗ dẻ, gỗ tạp, đường kính 40-60cm bị cưa và lấy hết khỏi hiện trường. Khoảnh 1, TK234, khu vực Xa Võng, tổ kiểm tra tìm thấy 6 cây, trong đó có 5 cây gỗ táu (nhóm 2), 1 cây dổi (nhóm 3), tổng khối lượng 5,379m3 gỗ bị chặt hạ trái phép nhưng đang còn nằm tại hiện trường, riêng cây dổi có bị lấy đi một phần gỗ thịt.

Vậy nhưng, Trạm bảo vệ rừng Hón Sài mới lập hồ sơ đề nghị xử lý 2 vụ vi phạm về hành vi khai thác rừng trái phép đối với ông Hà Văn Công và ông Lương Văn Quyền, tịch thu 0,340m3 gồm táu (nhóm 2), 0,456m3 gỗ nhóm 4. Hạt Kiểm lâm Lang Chánh nhận định: “Việc tuần tra bảo vệ rừng của những người thực hiện chức trách ở Trạm bảo vệ rừng Hón Sài do ông Trương Tiến Quân làm trạm trưởng là chưa quyết liệt, không hiệu quả. Khi phát hiện có khai thác gỗ trái phép chưa phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm truy tìm đối tượng để xử lý”. 

Liên quan đến sai phạm của một số cán bộ Trạm bảo vệ rừng Hón Sài, ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc BQLRPH sông Lò - nói: “Tôi đang cho anh em làm tường trình. Ai sai sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Dứt khoát không có chuyện bao che hay nương nhẹ”.

Cần tháo gỡ bất cập

Điều ấn tượng nhất ở Nà Đang là những ngôi nhà sàn vững chắc, rộng rãi với những cây cột to lừng lững, nhưng bên trong gần như trống rỗng. 52 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sinh sống tại vùng lõi RPH sông Lò suốt hơn 30 năm qua nhưng đất sản xuất quá ít ỏi, nguồn sinh kế khác gần như không có, bà con tồn tại trong cảnh “giật gấu vá vai”. 

Ông Vi Văn Kiệt (trú thôn Nà Đang) tâm sự: “Nhà thì bà con dồn gỗ (chặt từ rừng), mỗi năm một ít nên yên tâm. Song đất đai canh tác quá ít, mỗi năm lại chỉ cấy được một vụ lúa. Gia đình tôi có gần 1.000m2, chăm tốt lắm cũng chỉ đạt khoảng 2 tạ thóc, chỉ đủ cho 5 miệng ăn trong thời gian hai tháng. 300 ngày còn lại nương nhờ vào củ sắn trồng ở những khoảng trống sát bìa rừng. Nhà tôi, năm nào cũng thiếu đói vào mỗi dịp giáp hạt”.

Ông Lò Văn Thăng - Phó bản Nà Đang - phân trần: Cả bản này vẻn vẹn có 9ha đất canh tác nông nghiệp, bình quân mỗi khẩu có khoảng 200m2, lại chỉ cấy lúa một vụ vì phụ thuộc nước trời. Đất đai cằn cỗi nên sản lượng lương thực cao lắm cũng chỉ được tạ thóc/sào. “Chúng tôi mong muốn được Nhà nước giao cho mỗi hộ giữ khoảng 10ha rừng để nhận tiền trông coi, khai thác phụ phẩm, ổn định cuộc sống, nuôi con cái học hành” - ông trình bày. Việc học hành của đám trẻ ở Nà Đang cũng rất trớ trêu. Cả bản có 26 cháu đang học từ lớp 1 đến lớp 5, 15 cháu học mầm non. “Chúng nó học để biết đếm tiền cho khỏi bị người ta lừa thôi, chứ chả mong sau này được làm ông này bà nọ. Rồi các con tôi cũng phải vào rừng đi săn con thú, hái cây măng mà sống thôi” - vợ anh Lò Văn Nhơ nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc BQLRPH sông Lò - chia sẻ: BQLRPH sông Lò có giao cho 3-4 hộ dân quản lý gần 200ha rừng giáp ranh với bản này để họ khai thác phụ phẩm dưới tán và nhận thù lao được gần 20 triệu đồng/năm. “Thực trạng vẫn còn gần 50 hộ dân ở Nà Đang trông chờ vào cánh RPH còn nhiều gỗ quý hiếm. Đối tượng phá rừng thường xuyên theo dõi, rình rập, thấy cán bộ quản lý sơ hở là vác cưa lẻn vào rừng cắt gỗ trái phép. BQLRPH sông Lò đang phối hợp cùng Tổ chức Tầm nhìn thế giới xin dự án trồng dược liệu tại Nà Đang với mong muốn giúp người dân có công ăn, việc làm nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép” - ông Anh nói.
Ông Lê Tiến Lam - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - xác nhận: “Không riêng ở Nà Đang, mà ở một số bản thuộc các xã khác tại huyện Lang Chánh, người dân cũng đang sinh sống trong vùng chồng lấn lên RPH. Bà con gặp khó khăn về đất sản xuất là do lịch sử để lại. Tôi đã ký một số tờ trình gửi lên Sở NNPTNT và UBND tỉnh đề nghị cơ quan chức năng về khảo sát thực tế, có biện pháp tháo gỡ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, nhưng việc này cần phải có thời gian, vì để giao RPH cho dân giữ là việc rất phức tạp”.
Anh Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.