Điện Biên Phủ dưới nước: Chiến dịch End Sweep

NGUYỄN HUY MINH |

“Chiến dịch End Sweep” là tên gọi tắt của cuốn “Operation End Sweep - A history of Minesweeping Operations in North Vietnam” (Chiến dịch mang tên End Sweep - Lịch sử cuộc quét mìn tại miền Bắc Việt Nam), dày 129 trang, phát hành rộng rãi trong giới hàng hải Mỹ, do Trung tâm Sử Hải quân Hoa Kỳ xuất bản năm 1993. Những người phá thủy lôi Việt Nam năm xưa đã có một bản khi đến thăm Viện Bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ tại Washington, đem về photo, lược dịch lại những dữ kiện chính gửi tặng nhau, để cùng tham khảo, tìm hiểu thêm về chiến dịch cuối cùng Mỹ thực hiện trên sông biển miền Bắc nước ta.
1. Trong lời nói đầu, Dean C.Allard - GĐ Trung tâm Sử Hải quân Hoa Kỳ - viết: “Mỉa mai thay, những quả thủy lôi do chính Hải quân Mỹ thả xuống lại do chính lực lượng Hải quân Mỹ tự quét khỏi miền Bắc Việt Nam”. Ban đầu cuốn sách này là một tập tổng kết mà Hải quân Hoa Kỳ giao cho Cty Tensor Incorp thực hiện. Bản viết của Cty này xuất bản năm 1977, dựa trên các tổng kết của Phó Đô đốc McCauley và thuyền trưởng Vecchione Felix, hai nhân vật chính của chiến dịch, người thứ ba là Paul Gruendl, người vạch toàn bộ kế hoạch của cuộc quét thủy lôi này, một chuyên gia về thủy lôi trong khi McCauley chưa từng có kinh nghiệm về vấn đề này khi được giao nhiệm vụ - viết vào các năm 1974-1978.

 

Nhận thấy tầm quan trọng của thủy lôi trong chiến tranh, tầm quan trọng của vấn đề, không chỉ nhằm tổng kết mà còn rút ra các bài học cho chiến tranh hiện đại, TS Edward Marolda - Trưởng phân ban Sử Hải quân hiện đại thuộc Trung tâm Sử Hải quân Hoa Kỳ - đã vào cuộc. Loại bỏ những vấn đề cần bảo mật, cuốn sách được in để phát hành rộng rãi, ngoài bản micro phim có thể đọc tại các thư viện. Cuốn sách ngoài lời nói đầu của Dean Allard, lời chủ biên của E.Marolda, còn bao gồm 5 chương, 5 phụ lục, một bảng tra cứu theo abc và 41 hình minh họa.

Thượng tá Hoàng Hữu Thái - trưởng đoàn đàm phán về rà phá bom mìn ở Miền Bắc Việt Nam. Những người đồng cấp phía Mỹ đánh giá ông là một quân nhân thông minh, dày dạn kinh nghiệm, đồng thời là một nhà đàm phán khó nhằn. 

Ngày 8.5.1972, Mỹ ném hàng loạt thủy lôi Kẻ hủy diệt Destructor Mark 36 và Mark 52 Mod 2 xuống vùng nước cảng Hải Phòng. Khi bắt tay vào chuẩn bị rà quét thủy lôi đã thả, Mỹ tự nhận thấy khả năng rất kém cỏi vì kể từ chiến tranh Triều Tiên, sau chiến dịch rà quét tại Wonsan, Mỹ chưa từng phải làm việc này, thiếu kinh nghiệm từ cấp chỉ huy cao nhất cho tới các đơn vị hành động cụ thể. Các tàu quét mìn cũ, hỏng, cần đại tu, thay máy chính; quét thủy lôi từ máy bay trực thăng là phương pháp được cho là hữu hiệu nhất, nhưng mới được thử một chút tại Triều Tiên vào những năm 1950.

Thêm vào đó, bom và thủy lôi thả tại miền Bắc Việt Nam rất hiện đại, tinh vi, độ nhạy cao mà lực lượng quét lôi Mỹ chưa được làm quen. Đến tháng 10.1972, lực lượng quét lôi mới hoàn thiện chương trình mô phỏng Kẻ hủy diệt để huấn luyện cách rà phá. Ngoài ra, địa hình các cửa sông, cửa biển Việt Nam phức tạp, nông cạn, nhiều sình lầy, rất khó cho việc rà quét. Vì thế cuốn sách trích lời một bài báo trên tờ Boston Globe ngày 12.5.1972, bốn ngày sau khi Nixon hạ lệnh tiếp tục rải thủy lôi phong tỏa miền Bắc Việt Nam: “Chúng ta đều biết rằng chúng ta rất kém cỏi về việc quét lôi. Không thể tưởng tượng được chúng ta sẽ làm việc với thủy lôi một cách hoàn chỉnh ra sao”.

Phó Đô đốc McCauley - người lãnh đạo phái đoàn Mỹ gặp gỡ các quan chức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đàm phán về chi tiết của chiến dịch rà phá mìn. Các cuộc đàm phán diễn ra trên những con tàu của lực lượng rà phá mìn và tại nhiều địa điểm ở miền Bắc Việt Nam.
Cuốn sách đề cập tới việc chế tạo ống MOP (ống từ ca cam - Magnetic Orange Pipe), phương pháp định vị Raydist, các nghiên cứu tại Norfolk, Virginia, Charleston South Carolina, huấn luyện rà phá tại căn cứ Subic, Philippines. Giới truyền thông Mỹ rất quan tâm tới việc chuẩn bị quét lôi vì nó gắn liền với tiến triển của Hội nghị Paris, vấn đề hồi hương tù binh Mỹ mà công luận Mỹ quan tâm. Cuốn sách có ảnh của phóng viên Peter Jennings tường thuật cuộc thực tập quét lôi trên tàu New Orleans.

Con tàu này về sau trở thành soái hạm trong Chiến dịch End Sweep, nơi tiến hành một số cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam do thượng tá Hoàng Hữu Thái dẫn đầu và phía Mỹ do McCauley, chỉ huy Đội Đặc nhiệm 78 dẫn đầu. Sách viết về thượng tá Hoàng Hữu Thái với lòng kính trọng như một nhà ngoại giao cứng rắn, một người biết nhiều ngoại ngữ và tận tình trong công việc.

 Công binh Seabees của Hải quân và lính Thủy quân lục chiến Mỹ kéo thiết bị rà phá mìn từ tính mang tên “Ống da cam” tại một con sông gần căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Subic. Người Mỹ thử nghiệm thiết bị trên bằng cách kéo nó dọc theo con sông.

2. Tóm tắt về Chiến dịch

Đợt quét mìn đầu tiên diễn ra vào ngày 6.2.1973 do tàu kéo thiết bị phóng từ kết hợp với thiết bị phát tín hiệu âm thanh kích nổ ở vùng neo đậu Hải Phòng; đợt quét cuối cùng diễn ra vào ngày 5.7.1973 dùng ống MOP do trực thăng CH 53 kéo ở Cửa Sót. Toàn chiến dịch kéo dài 6 tháng (5.2 - 18.7), trong đó thời gian quét mìn 79 ngày, thời gian ngừng 83 ngày, đa phần việc ngừng do vướng mắc trong đàm phán ngoại giao.

Trong chiến dịch đã thực hiện 1.992 giờ kéo thiết bị rà quét, trong đó 1.553 giờ kéo bằng trực thăng và 439 giờ kéo bằng tàu, với 37 chiếc trực thăng CH53 và 6 tàu quét mìn MSO trực tiếp tham gia. Thiết bị rà quét gây nổ gồm từ riêng biệt (ống MOP đơn, ống MOP ghép, Mark 105); Từ cộng âm thanh (MOP với AMK2, Mark 106; MMK5 với AMK6, AMK4; MMK6 với AMK 6). Lực lượng quét mìn bằng trực thăng kéo thiết bị gồm 4 đơn vị Alpha, Bravo, Charlie, Delta. Chi phí vượt quá chi phí cho một chiến dịch quét mìn thông thường sử dụng thiết bị tương tự như End Sweep, gồm vận hành và bảo dưỡng, cung ứng vật tư thiết bị, tổn thất thiết bị/ tai nạn/ sửa chữa, tổng cộng 20.394.000 USD.

Một số mốc thời gian đáng chú ý trong năm 1972

Ngày 8.5.1972: Máy bay Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi MK52 Mod 2 và MK36, phong tỏa 6 cảng khác là Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Khê, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới bằng thủy lôi MK36. Ở Hải Phòng thả 1.345 quả thủy lôi, trong đó có 72 quả MK 52-2 (cuối tháng 2.1973 Mỹ báo cáo rằng phía Việt Nam nói đã ghi nhận có 850 tiếng nổ ở khu vực Hải Phòng do tự hủy, do tàu bè qua lại, do Việt Nam quét thủy lôi. Phía Mỹ nói theo tính toán thì vào thời gian đó có khoảng 925 quả thủy lôi tự hủy. Như vậy về mặt số liệu hai bên gần sát nhau).

Mìn được thả ở miền Bắc Việt Nam là loại được thiết kế mới nhất, một báo cáo nói rằng chúng có thể bật tắt bởi điều khiển từ xa. Các thủy lôi có thể được vô hiệu hóa nhưng nếu bị vết chém mạnh và sắc hoặc bị tổn thương nặng khi bị cuốc phải thì chúng vẫn nổ. Thông tin về thủy lôi do Mỹ cung cấp rất sơ sài nhưng đáng chú ý là ở MK36 có khả năng bật tắt mạch gây nổ, ở MK36 Mod 4 có thêm bộ phận cảm thụ âm thanh của tàu cỡ nhỏ và trung bình. Mỹ có hai tàu hư hỏng nặng do dính mìn dưới nước ở Đồng Hới vào tháng 6 - 7.1973 là Joseph Strauss (DD843) và Warrington (DD843), sau khi kiểm tra Mỹ kết luận cả hai tàu này đều dính thủy lôi MK36. Ngày 12.9.1972: Những quả MK36 Mod 4 được thả. 9.10: Sản xuất thiết bị mô phỏng MK36 để tập dượt rà quét. 23.10: Ngừng ném bom và thả mìn từ vĩ tuyến 20 trở ra. 18.12: Ném bom và thả mìn trở lại trong chiến dịch Line - Backer2.

  Thành viên phi hành đoàn CH-53D điều khiển thiết bị đặc biệt gắn trên máy bay này để theo dõi hoạt động quét mìn của Mark 105.

3. Một số mốc thời gian đáng chú ý trong năm 1973

Ngày 14.1.1973: Quả thủy lôi MK36 cuối cùng được thả.

27.1: Hiệp định về rà quét mìn được ký tại Paris.

28.1: Các tàu quét mìn rời căn cứ Subic đi Hải Phòng. Đội Đặc nhiệm 78 được thành lập và nhận lệnh tiến hành Chiến dịch End Sweep.

5.2: McCauley và tùy tùng rời Sài Gòn để bắt đầu đàm phán tại Hải Phòng. 6.2: Các tàu quét mìn bắt đầu quét vùng neo đậu Hải Phòng.

23.2: Hai đội quét mìn bằng trực thăng Alpha và Bravo đến Hải Phòng.

25.2: Lắp đặt xong hệ thống Raydist tại Hải Phòng.

27.2: Các đơn vị quét mìn bằng trực thăng bắt đầu quét trên luồng chính Hải Phòng. 28.2: Đội Đặc nhiệm rút do trở ngại về ngoại giao.

6.3: Quét mìn tiếp tục với toàn bộ 4 đơn vị quét mìn bằng trực thăng Alpha, Bravo, Charlie và Delta.

9.3: Quả thủy lôi đầu tiên nổ ngay sát mép luồng phía ngoài giữa phao 6 và phao 8. Cột nước cao ước tính 250 feet (khoảng 75m) do thiết bị Mark 105 gây nổ. Căn cứ vào vị trí nổ và cột nước McCauley kết luận thủy lôi nổ là MK52-2. Đây là vụ nổ thủy lôi duy nhất được chụp bằng camera gắn trên trực thăng và là quả thủy lôi duy nhất nổ trong cả Chiến dịch End Sweep.

17.3: Cháy lớn trên tàu Enhance. Tàu Enhance làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Delta khi đơn vị này quét luồng Hòn Gai. Khuya ngày 17.3, lửa phát ra từ buồng máy phía trước trong khi tàu đang neo đậu phía ngoài luồng nhánh cách bờ 1 hải lý. Trực thăng và lực lượng cứu hộ tham gia ứng cứu. Lửa được dập tắt nhưng hư hỏng quá lớn nên tàu Chowannoc phải kéo Enhance về Subic để sửa chữa.

18.3: Trực thăng CH53 rơi khi đang kéo ống MOP trên luồng Hòn Gai bị hỏng rotor đuôi. Phi hành đoàn thoát được khỏi máy bay 9 giây sau khi máy bay chạm mặt nước, nhiều người bị thương nặng. Đội cứu nạn thu hồi máy bay ở độ sâu 60 feet (khoảng 18m) 6 ngày sau đó.

26.3: Khai mạc lớp học quét mìn trong sông.

2.4: Trực thăng CH53 rơi khi đang kéo Mark 105, tổn thất thứ hai về trực thăng trong vòng 15 ngày, do rotor đuôi bị văng ra. Trực thăng thực hiện việc rơi có kiểm soát nhưng bị chìm trong luồng chính cảng Hải Phòng, trực thăng CH46 bay từ soái hạm New Orleans ra cứu được toàn bộ tổ bay, không ai bị thương. McCauley cho thu hồi máy bay rơi, ngừng bay tất cả các trực thăng trong Đội Đặc nhiệm để điều tra nguyên nhân. Sau 3 ngày bộ phận kỹ thuật xác định được vấn đề của rotor đuôi và đề ra cách sửa chữa.

6.4: Tiếp tục quét mìn bằng máy bay trực thăng kéo thiết bị.

12.4: Miền Bắc Việt Nam kết thúc lớp học quét mìn trong sông.

14.4: Tàu quét mìn đặc biệt Washtenaw County chạy 6 vòng trên luồng Hải Phòng. Khi chạy trên các bãi mìn, các thủy thủ được bảo vệ sẵn để tránh chấn động và các mảnh văng từ các vụ mìn nổ bằng các ghế giảm chấn, giấy tổ ong dán trên sàn, trần, vách; tàu được phía VNDCCH cho phép treo cờ “Old Glory” (Vinh quang xưa).

17.4: Đội Đặc nhiệm rời Hải Phòng vì vướng mắc ngoại giao.

24.4: Tàu Force cháy. Một bức điện của tàu Force được đánh lên không trung ở phía tây Thái Bình Dương, 770 dặm về phía tây đảo Guam với nội dung: “Lửa cháy không rõ nguyên nhân ở buồng máy phía sau”. Force tách khỏi Đội Đặc nhiệm ngày 12.4, về Subic lấy dầu rồi đi Guam để đại tu định kỳ, trước khi rời khu vực quét mìn đã ra ký hiệu “E” để báo mọi việc hoàn hảo. Tàu chìm lúc 10h53, toàn bộ thủy thủ được một tàu buôn cứu. Đây là vụ cháy nghiêm trọng thứ hai trong một đội đặc nhiệm quét mìn. Cùng ngày, Đội 78 đến Subic để chờ kết quả đàm phán.

17.6: Cháy trong buồng máy chính tàu Esteem.

20.6: Tiếp tục quét mìn.

26.6: Kết thúc quét mìn ở các cảng phía Bắc, Đội Đặc nhiệm khởi hành đi Vinh.

2.7: Trực thăng CH53 lại rơi.

4.7: Một thủy thủ trên boong máy bay của tàu Ogden thiệt mạng do vô ý vướng vào phần đuôi trực thăng CH53 chuẩn bị cất cánh.

5.7: Đơn vị Delta hoàn thành quét mìn tại Cửa Sót.

7.7: Bão Anita.

18.7: Cuộc họp cuối cùng giữa McCauley và thượng tá Hoàng Hữu Thái. Đội đặc nhiệm rời vùng nước miền Bắc Việt Nam.

Một chiếc Sea Knight của Thủy quân lục chiến kéo 3 thiết bị quét mìn từ tính “Ống da cam” ra khỏi sàn một con tàu thuộc Đội Đặc nhiệm 78.

4.Cuộc họp cuối cùng được kể lại rằng: Chiều 18.7.1973 (ngày cho phép cuối cùng đối với công việc quét mìn theo hiệp định ký ngày 13.6), thượng tá Hoàng Hữu Thái và McCauley gặp nhau lần cuối. Không khí thân mật, khác với không khí của các cuộc họp trước, nhưng không có sự tiến triển nào được ghi nhận về các đề tài tranh cãi. Tàu Inchon được giữ ở Hải Phòng để chở McCauley trong khi các đơn vị còn lại của lực lượng đặc nhiệm neo đậu ở ngoài khơi Vinh. McCauley có kế hoạch quay lại tàu bằng trực thăng CH46 lúc 13h.

Đã quá 13h mà không có một thông tin nào từ McCauley. Thuyền trưởng Thomas của tàu Inchon cho một trực thăng lên với chỉ thị phi công phải bay ở độ cao cần thiết để thiết lập được liên lạc với máy bay của McCauley. Không có một liên lạc nào. Thuyền trưởng đã nghĩ đến việc phát ra một bức điện khẩn báo cho toàn thế giới biết nhà đàm phán Mỹ đã bị giữ tại Hải Phòng thì vào lúc đó trực thăng của McCauley điện báo đang trên đường về. Đội Đặc nhiệm 78 rời điểm neo đậu tại Vinh chiều tối 18.7. Tàu Mỹ cuối cùng rời vùng nước Việt Nam lúc 21h. Đội Đặc nhiệm giải thể vào ngày 27.7.1973, sáu tháng sau ngày thành lập.

Chiến dịch End Sweep tốn kém, nhiều rủi ro, không hiệu quả, mà như những người phá thủy lôi năm xưa của Việt Nam gọi một cách trào phúng là “kéo cày trả nợ” đã kết thúc như vậy.

Mark 105 được thiết kế để mô phỏng các đặc điểm từ tính của một con tàu, thiết bị rà phá mìn chủ lực trong Chiến dịch End Sweep.

Cuối tháng 1.1973, người Mỹ quan sát thấy 2 tàu miền Bắc Việt Nam chạy trên luồng chính Hải Phòng kéo theo 1 thiết bị giống như thiết bị quét từ được dùng trong Hải quân Liên Xô. Với khung dây của thiết bị này có thể quét nổ được thủy lôi MK52. Mỗi tiếng nổ sẽ giúp miền Bắc Việt Nam từng bước tạo được một dải an toàn qua bãi mìn. Ngày 27.2.1973, luồng rà quét do Mỹ chuẩn bị tiến hành được ngăn không cho tàu thuyền qua lại, cũng như không cho các quan sát viên miền Bắc Việt Nam tiếp cận. Mặc dù vậy vẫn trông thấy nhiều người Việt tụ tập trên một đèn biển ngay sát luồng; hai thuyền máy vũ trang neo ngay sát ngoài luồng. Cuộc rà quét đầu tiên bằng trực thăng trong lịch sử bắt đầu.

 

Trực thăng CH - 53 bay rà quét thủy lôi, bên dưới là một thuyền đánh cá Miền Bắc chạy bằng sức gió và dải đảo nhỏ đẹp như tranh.

NGUYỄN HUY MINH
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.