Đến Khe Sanh: Bâng khuâng nhớ bóng các Anh những ngày

nguyễn duy nghĩa |

Dường như lịch sử đã chọn Quảng Trị làm một trong những điểm tựa suốt hành trình giữ nước thời hiện đại. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, hẳn không đâu trên đất nước ta có chuỗi di tích tầm cỡ Quốc gia nhiều như ở Quảng Trị. Cả nước có 5 nghĩa trang Quốc gia thì 2 ở Quảng Trị là Nghĩa trang Đường 9 và Trường Sơn. 

Đôi dòng xúc cảm này xin được thay nén tâm nhang kính vọng các Anh – những tượng đài trên Đường trường chinh tới đích hòa bình!

Thời kháng chiến 9 năm Quảng Trị oằn mình nằm giữa “Bình - Trị - Thiên khói lửa”, đến Cuộc đụng đầu lịch sử 21 năm, lưỡi gươm chém đôi đất nước lại khứa ngang Quảng Trị. Và, nếu Quảng Trị được chọn là trọng điểm của đất nước “Máu và hoa” thì Đường 9 - Khe Sanh lại là sự lựa chọn của Quảng Trị để càng lẫy lừng... Quảng Trị.

Hồi sinh thần kỳ

Sự hủy diệt mà kẻ thù gieo rắc trên toàn cõi Việt Nam, có lẽ Quảng Trị được chúng tận lực nhất. Nhưng với sự trỗi dậy thần kỳ, Quảng Trị chẳng những không bị quay lại thời kỳ đồ đá mà đang bừng sáng cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển. Cung đoạn tới Khe Sanh trên Đường 9 vẫn vòng vèo với chỗ hiểm trở nhất mang hình hài cái khe, bên trên là hai vách đá dựng đứng giăng thành lũy, bên dưới thăm thẳm vực sâu, có lẽ cái tên “khe sanh” nảy ra từ đó, nay chỗ ấy đã có cây cầu cứng bắc ngang. Khu vực cầu Đắkrông hoang vắng ngày nào nay là thị trấn Krông Klang và là huyện lỵ của huyện Đắkrông thành lập ngày 17.12.1996. Huyện trẻ, Thị trấn huyện lỵ càng trẻ, 2004 mới khai sinh, vốn từ hai xã Mò Ô và Hướng Hiệp hợp thành với 1,8 nghìn ha và 2,6 nghìn nhân khẩu. Phố thị trấn san sát nhà mới xây, vẫn giữ cốt cách nhà sàn: Độ kiên cố chả thua sút miền xuôi song thênh thang thì ăn đứt, nhất hạng là hàm lượng gỗ lạt kiến trúc thì miền xuôi chớ có mơ.

Lồng lộng bốn phương gió rừng. Khoanh chân ngồi chiếu, ngất ngây rượu men rừng, với đồ nhắm là đặc sản... cũng rừng. Nào là thịt của “trâu đeo mõ - chó leo thang - gà chạy vũ trang - lợn đào công sự”. Cá chình dài, mình tròn mập lôi ra từ khe đá dưới sông sâu, nấu kiểu gì cũng thơm ngạt mũi. Khe Sanh nay là thị trấn huyện lỵ Hướng Hóa. Ít huyện nào trong cả nước có tới 2 thị trấn. Qua thị trấn huyện lỵ xe bon bon một loáng là tới thị trấn Lao Bảo trùng danh với Đặc khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, với lõi là Cửa khẩu Quốc tế cùng tên là Lao Bảo, đối diện phía bạn Lào là Đen-sa-vẳn. Đất rừng núi nên khuôn viên các công sở, các Trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội... rộng thênh thênh. Cửa hàng, nhà dân cũng đàng hoàng. Tưởng chỉ huyện lỵ mới thế, nào ngờ Lao Bảo chẳng kém cạnh. Sự khang trang của Lao Bảo có hơi hướng của Đặc khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo. Nhận ra ngay Trung tâm thương mại Lao Bảo với hài hòa đường nét kiến trúc Việt – Lào. Cuộc hồi sinh, thần kỳ ngay khi Khe Sanh tạnh mưa bom, tan bão đạn: “Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh/ Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi”(1)

Nguồn sáng thay sao trời từ Thủy điện Rào Quán hòa vào lưới điện quốc gia le lói trong các nếp nhà sàn chênh vênh trên vách đá. Xe cộ rầm rập ngược xuôi Đường 9. Đến cầu Đắkrông – km 50 quốc lộ 9 thì rẽ ngang nhập vào trục đường 14A - Đường mòn Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa. Xe cỡ nào cũng không phải dò dẫm như thời là “đường mòn chính hiệu”, cũng không phải ẩn mình trong rung rinh tán lá ngụy trang. Cầu Đakông, ngày trước là điểm khởi đầu đường mòn Trường Sơn, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (câu thơ trong bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật) nay là Đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, sẽ là giao điểm với Đại lộ Xuyên Á Đông – Tây thời hội nhập, mặc nhiên trở thành tâm điểm của các dòng giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch Đông sang Tây, vào Nam, ra Bắc, chắp cánh cho đất nước bay lên.

Khe Sanh – gạch nối từ Điện Biên Phủ

Ví Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh như một Điện Biên Phủ thời chống Mỹ không hề khiên cưỡng. Theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật chiến tranh, các chiến cụ cùng phương pháp tác chiến ngày càng hiện đại cộng với hầu bao căng đầy của trùm “lái súng” thì dễ gì so đọ. Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì Khe Sanh tạo bước ngoặt cho cuộc đụng đầu lịch sử để toàn thắng về ta. Sự tàn bạo giáng xuống Khe Sanh có lẽ còn hơn ở Điện Biên, thử lửa với sự trưởng thành vượt bậc của Đạo quân mang lá cờ Quyết thắng. Sự hoảng loạn của đội quân nhà nghề của đế quốc sừng sỏ lóp ngóp trong chiến hào tại Khe Sanh có lẽ chẳng khác với nỗi kinh hoàng trùm lên đầu lũ lính đánh thuê cho thực dân già cỗi bị vây hãm tại lòng chảo Điện Biên. Nghe nói lính Mỹ thoát chết tại Khe Sanh cầu nguyện, đến trăm tuổi xuống âm phủ sẽ được quỷ sứ “miễn trừ” khảo tra vì đã chịu đày ải tại địa ngục Khe Sanh, ưu tiên được “thăng vượt cấp” lên thiên đàng. Nghe câu nói đầy chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”, khác gì sự cay đắng của Trùm thực dân gây chiến tranh Đông Dương, khi Điện Biên thất thủ. Ngày nay, cũng như ở Điện Biên nhiều chiến lược gia quân sự, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Khe Sanh quay lại chiến trường xưa để giải mã sự thần kỳ của chí quật cường Việt Nam.

Đến đây còn thấy được sự tiếp nối Điện Biên qua các gương mặt Anh hùng Khe Sanh. Một trong số đó là Anh hùng Lê Mã Lương. Cha của Anh hy sinh tại mặt trận Điên Biên. 17 tuổi, Anh đã gác ước mơ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, lên đường ra mặt trận với chân lý sáng ngời của thế hệ trẻ “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Anh lập công trong nhiều trận, trong đó có Trận rừng Pakchang, Tây Khe Sanh. Sau ngày toàn thắng, Anh lại vào Giảng đường, lấy bằng tiến sĩ, làm Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

Trong cái gạch nối Điện Biên – Khe Sanh có một câu chuyện đậm nghĩa tình tiền tuyến – hậu phương. Bà Phương Chi – một trong những giọng đọc huyền thoại của “Tiếng nói Việt Nam”, trước khi bà được giao đọc bản tin về Chiến thắng Khe Sanh, thì được tin chồng bà chỉ huy trận Làng Vây, đó là Thiếu tướng Dũng Chi từng lập công ở Điện Biên.

Xâu chuỗi các sự kiện, thì cách so sánh logic là Khe Sanh kế thừa vẻ vang truyền thống Điện Biên Phủ, để đi tới cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh, giành toàn vẹn non sông.

“Bâng khuâng nhớ bóng các anh những ngày” (2)

Đành rằng “tự do, phải trả bao nhiêu máu này” (3), lại cũng đành rằng không ít chiến sĩ hy sinh, thân mình vương lại nơi chiến địa bị kẻ địch đốt cháy, san lấp vô tang, không có được một bộ hài cốt để đắp được một nấm mộ và có thể nại rằng đã quy tập về Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Nhưng khi thấy chỉ có cái miếu thờ nhỏ thó, thấp tè như miếu hoang giữa đồng không mông quạnh thì không thể cầm lòng. Được biết, những tháng năm qua vẫn có thân nhân các Anh lặn lội tìm đến, khom mình thắp nén tâm nhang trong cái miếu thờ khiêm tốn đó, nuốt nước mắt, vái vọng trời cao, tụng cầu những linh hồn phiêu dạt được siêu thoát, để vợi đi nỗi khắc khoải khôn nguôi của người ở lại, trong đó có cả những bậc cha mẹ nay đã gần đất xa trời, người vợ suốt đời cô quạnh, giữ nghĩa tao khang cùng đạo dâu con. Nhiều công cụ giết người hiện đại còn đó: Máy bay C130, Trực thăng các kiểu, xe bọc thép các loại phủ phục trợ trọi; các khẩu pháo hạng nặng gục nòng trong lùm cỏ dại. Tất cả trơ trơ thi gan với nắng núi, mưa ngàn, không mái che, chẳng dây rào chắn, đang ngậm ngùi chờ thành phế tích, may mà chưa bị phá dỡ bán sắt vụn. Bù lại cũng có Nhà Bảo tàng Chiến dịch Khe Sanh. Nói là Nhà cho oai chứ thực ra nó nhỏ nhoi, lọt thỏm, lặng lẽ giữa đồi vắng, không phô trương đến mức thừa chỗ trưng bày như một vài bảo tàng nơi đô thành.

Di tích nhà tù Lao Bảo cũng trong tình cảnh vậy. Đến địa danh này bây giờ, người ta thường tới cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là nhào vô Trung tâm thương mại khuân hàng Lào, hàng Thái miễn thuế, giá mềm, lại sẵn có xe cõng hộ. Ít ai biết nơi đây đã từng là địa ngục trần gian giam cầm các chiến sĩ cách mạng mà nay vẫn văng vẳng vần thơ “Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa” (4).

Nếu cứ để mặc vậy, không lâu nữa hậu thế dù nặng lòng với quá khứ, lạc lối tới đây khó mường tượng ra một thời oanh liệt. Đây không phải chỉ là hủy hoại một gia sản lịch sử truyền lửa vĩnh cửu cho mai sau mà còn phí phạm một tiềm năng vô giá.

Nhưng chẳng nhẽ tất cả đều vô tình. Vẫn hy vọng một ngày nào đó có những tâm huyết, dựng lại bóng hình xưa, trả lại cho lịch sử những gì đúng tầm vóc.

(1, 2, 3, 4) các câu trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” - Tố Hữu.

nguyễn duy nghĩa
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.