Chuyện ở cửa ngõ “lục địa đen”

Đình Chúc |

Ngồi trước mặt tôi là người đàn bà da màu cao lớn, có phần hơi đẫy ở cái tuổi ngoại tứ tuần. Thoạt nghe chỉ với cái chức Chủ tịch HĐQT Công ty viễn thông Movitel thì chả có gì ghê gớm. Nhưng theo những người đồng hương đang làm việc ở Mozambique thì bà Safura Da Conceicao còn là một trong những nhân vật quan trọng (ủy viên Trung ương) của đảng cầm quyền tại quốc gia Đông Phi này- đảng Frelimo. Và hơn thế, bà còn có mối quan hệ thân tình với tổng thống và nhiều quan chức chính phủ sở tại. Thế nên, việc đăng ký gặp bà không phải lúc nào cũng hanh thông và thời gian bà tiếp cũng chả rộng rãi gì.

­Người đàn bà quyền lực “mềm” 

Maputo chiều cuối năm tây, trời cao xanh se lạnh, nhưng nắng thì vàng như rót mật. Trong căn phòng khiêm tốn của Tổng giám đốc Movitel (liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với đối tác PSI của Mozambique) - đại tá Nguyễn Đức Quang, tôi may mắn được hầu chuyện bà Safura. Với cặp kính cận khá dày, giọng tiếng Anh pha âm sắc trầm đều tiếng Bồ, bà Safura lôi kéo người nghe bằng sự mẫn tiệp, tinh tế của một chính khách hơn là một doanh nhân. Nghe nói bà có bằng tiến sĩ ở Anh quốc - một học vị khá cao ở nước này nếu biết tỉ lệ mù chữ ở Mozambique có thời điểm lên tới quá nửa. 

Không có phiên dịch chuyên nghiệp, TGĐ Quang kiêm luôn thông ngôn. Quang nói tiếng Anh không lưu loát, nhưng được cái hiểu nhanh nên cả chủ lẫn khách đều hỉ hả tâm đầu ý hợp.  “Bà có khái niệm gì về Việt Nam”? Tôi mở đầu chả ăn nhập gì với chủ đề chính của buổi làm việc. Một chút lúng túng, nhưng bà Safura nhanh chóng trấn tĩnh: “Ồ Việt Nam - có chứ. Lúc nào rảnh anh hãy bước qua đây vài con phố là đến đại lộ Hồ Chí Minh. Với những người Mozambique thế hệ chúng tôi nhiều người rất khâm phục Việt Nam và rất kính trọng Bác Hồ”. Bà dùng từ “uncle- bác” chứ không dùng “president - chủ tịch” tỏ rõ sự gần gũi. 

“Cơ duyên nào đưa bà đến với Viettel?” Tôi vào việc chính. Không trả lời thẳng, bà Safura dẫn ra câu chuyện mà có lần tôi đã được nghe một đồng nghiệp kể lại: “Lúc đầu nghe tôi có ý làm viễn thông với VN, không ít bạn bè là quan chức chính phủ Mozambique ngạc nhiên: Việt Nam mà có viễn thông ư? Chỉ có nông nghiệp và lúa gạo thôi. Làm với họ chắc chắn cô sẽ thất bại. Nhưng những gì mắt thấy tai nghe về Viettel sau vài chuyến sang VN, rồi qua những lần làm việc với ông Quang (TGĐ Movitel bây giờ) và ông Hùng (thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Viettel) tôi linh cảm có một niềm tin mãnh liệt rằng chúng tôi sẽ tạo ra một sự khác biệt về thị trường viễn thông ở Mozambique”.  

 “Và bà không hối hận về sự mạo hiểm của mình?”. “Ồ, không, mà ngược lại,  trên cả hài lòng”. Bà Safura thành thực. Rồi bà hào hứng bắt chuyện. Đại ý thế này, khen đối tác thì không nên vì họ dễ chủ quan, nhưng mới có hơn hai năm mà họ đã làm được những việc như một kỳ tích. Điều này không hề cảm tính mà được minh chứng bằng các con số.

Nói rồi bà liệt kê hàng loạt số liệu tăng “khủng” mà người viết bài này đã có lần dẫn ra ở bài viết trước đây. Nhưng điều đặc biệt nhất, theo bà Safura thì cách làm của Viettel không giống ai: Kéo dây, xây trạm ở những nơi vô cùng hẻo lánh, thậm chí chưa có người ở. Giá cước rẻ, sóng ở mọi nơi nên mạng Movitel được coi là mạng của người nghèo. 

Rồi thì cái “khác người” nữa của Movitel là không chỉ ham làm giàu cho mình mà luôn nghĩ đến những người dân còn rất nghèo (mà nói to tát là có trách nhiệm xã hội cao) với cái đất nước mà mình đang lập nghiệp. Thì đó, cả Mozambique có hơn 4.200 trường học thì tất tật được kết nối internet miễn phí, để trẻ em được mở tầm mắt với thế giới.  Nghe bà nói tôi mới hiểu vì sao cái bữa ra chợ huyện Magagia Da Costa, cách Maputo hơn 2.000 dặm mới thấy người lớn, trẻ em vẫn đi chân trần, ăn ngô, ăn sắn mà tay vẫn bốc điện thoại,  chuyện trò nổ như ngô rang.

 Chuyện này làm tôi bất giác nhớ lại tâm sự ruột gan của tướng Nguyễn Mạnh Hùng - người đứng đầu Tập đoàn Viettel: “Đừng nghĩ người nghèo sẽ nghèo mãi. Càng nghèo họ càng có động lực vươn lên. Một miếng khi đói thành một gói khi no. Người nghèo sẽ luôn nghĩ đến những người đã giúp họ khi còn khốn khó”. Thì ra, cắm rễ trong lòng người nghèo - đúng là một triết lý đặc biệt của những người lính Viettel không chỉ ở quê nhà.

Sau cú làm ăn thành công ngoài sức tưởng tượng này với Viettel, bà Safura đã tạo dựng được lòng tin gần như tuyệt đối với các quan chức chính phủ Mozambique. Nhiều người thầm đặt cho bà cái biệt danh “người đàn bà quyền lực mềm” - quyền lực tạo dựng từ lòng tin.

  Nhác thấy đồng hồ đã hơn 1 tiếng, không dám làm bà Safura mất thời gian hơn nữa vì 6 giờ tối nay bà phải dự buổi chiêu đãi của Tổng thống nước chủ nhà, tôi hỏi câu cuối: “Mozambique có phải là cửa ngõ để Movitel và đối tác của bà tiến sâu vào đông Phi?”. Không cần suy nghĩ bà nói luôn: “Thì đó, các bạn đã thâm nhập vào nước láng giềng phía bắc của chúng tôi là Tanzania, tôi cũng được biết là Viettel đang “dòm ngó” các thị trường lân cận như Swazilend, Malawi, Angola…và không chỉ có đông Phi đâu nhé, ở tây Phi các bạn đã thành công ở Cameroon rồi thì không có lý gì “lục địa đen” các bạn không chinh phục được”.

Chuyện của hai ông đại sứ

Ngày cuối ở Maputo tôi được đại tá Quang thông báo: 6 giờ chiều, Đại sứ VN tại Mozambique Nguyễn Văn Trung sẽ tiếp đoàn nhà báo mới từ VN sang. Đúng hẹn, chúng tôi đến sứ quán VN nằm trên một khu phố nhỏ và yên tĩnh. Một dãy nhà 2 tầng nối nhau như kiểu một chung cư quân đội bên ta thời bao cấp. Vẻ bề ngoài khá cũ kỹ không có vẻ gì là một tòa sứ quán. Bước vào căn phòng khách chừng hai chục mét vuông lại càng thấy vẻ đơn sơ. Đại sứ Trung người nhỏ nhắn, khuôn mặt trẻ hơn cái tuổi 50. 

“Chào các đồng nghiệp” - ông mở đầu câu chuyện thay cho lời giới thiệu. Thì ra cách đây 20 năm đại sứ đã có thời làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo của Bộ Ngoại giao. Câu chuyện giữa chủ và khách hết sự cách biệt. Rót chén trà Thái đặc quánh từ quê mới gửi sang, ông Trung bảo: “Sứ quán mới mở lại cách đây vài năm nên cũng còn khó khăn thiếu thốn lắm. Cả thảy chỉ có 6 anh chị em kể cả lái xe, phục vụ. Công việc thì nhiều riêng đất nước này đã gần triệu cây số vuông mà đại sứ thì kiêm nhiệm luôn cả 4 quốc gia lân cận: Seychelles; Madagascar, Mauritius và Malawi”.

Cũng mới nhận nhiệm sở nên Đại sứ Trung chưa có điều kiện đi các tỉnh xa như cánh nhà báo chúng tôi ở Mozambique, nhưng ông bảo đất nước này cũng như khu vực đông nam châu Phi còn nhiều tiềm năng lắm. Dân ở đây còn lạc hậu đời sống rất khó khăn, nhưng chính vì thế sẽ là mảnh đất tốt cho những ai dám đi tiên phong khai phá. Câu chuyện loanh quanh thế nào lại ra chuyện của Viettel đầu tư vào quốc gia này. 

Công nhân Mozambique trên đường đi lắp đặt một trạm viễn thông Vietel.  Ảnh: V.T 

Thực ra lúc đầu cũng chả ai dám nghĩ Viettel lại tung hàng trăm quân, đưa hàng trăm tấn thiết bị, máy móc, đường dây sang cái vùng đất hoang sơ này. Thế rồi họ làm như một chiến dịch, chưa đầy 1 năm, hạ tầng đã tươm tất. Còn hiệu quả thì như các anh đã tận mắt chứng kiến, tôi không muốn nói thêm. Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, mới kinh doanh hơn 2 năm, nhưng Movitel đã nhận 2 giải thưởng danh giá của các tổ chức độc lập: “Mạng viễn thông có giải pháp tốt nhất cho vùng nông nghiệp” và “Giải viễn thông châu Phi năm 2012”. Là người đại diện cho quốc gia tại xứ sở này, đại sứ Trung không giấu nổi sự tự tin, ông bảo từ người mở đường uy tín như Viettel chắc chắn DN nào của VN muốn thử sức ở thị trường này sẽ nhận được tấm thịnh tình của bạn.

Rời sứ quán, tôi được một đồng nghiệp rỉ tai: “Người tiền nhiệm của ông Trung là Đại sứ Đặng Giang- người chứng kiến những bước đi chập chững của Movitel từ những ngày trứng nước. Ông cũng sống như một người lính nên được mệnh danh là “đại sứ cơm bộ đội tự nấu”. Nhà viết sử của Viettel ở Mozambique đấy!” Tiếc là chúng tôi đến muộn.   

Khác với Đại sứ Nguyễn Văn Trung vốn có cái sôi nổi của dân làm báo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại Nam Phi Lê Huy Hoàng lại có cái vẻ điềm tĩnh của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và dày dặn kinh nghiệm. Chắc cũng vì ngân sách eo hẹp nên Đại sứ Hoàng cũng kiêm nhiệm luôn cả mấy nước láng giềng của Nam Phi. Tọa lạc trên một quả đồi thoai thoải của thủ đô Pretoria thơ mộng và cổ kính- nơi đầy cây xanh và tĩnh lặng, tòa sứ bộ VN tại Nam Phi có diện tích vài ngàn mét vuông. Trước và sau tòa nhà đều có bể bơi và rợp bóng cổ thụ. 

Đại sứ Hoàng bảo đất đai ở đây rất rẻ, ngay như cái tòa sứ quán này trước đây mua chỉ có 200 ngàn USD. Ngó nghiêng một hồi thấy đại bản doanh của cán bộ sứ quán ta khác hẳn bên Maputo. Cũng vẫn chuyện đầu tư buôn bán, chuyện người Việt sinh sống ở Nam Phi. Thoáng chút buồn khi nhắc lại chuyện có một vài cá nhân người Việt bị bạn xử lý vì buôn lậu sừng tê giác, nhưng khi nói đến Viettel, đến liên doanh Movitel, đại sứ Hoàng phấn chấn hẳn khi ông bảo tên tuổi của thương hiệu này đã vượt xa biên giới Mozambique. Ông hy vọng rồi đây cánh tay của Viettel sẽ vươn tới các nước láng giềng của Nam Phi- nơi địa bàn ông đang kiêm nhiệm.

Đi nhiều thành đường         

Maputo- có lẽ là địa danh khá xa lạ với nhiều người Việt. Bởi nó là thủ đô của đất nước Mozambique xa lắc xa lơ mãi bên sườn phía đông nam cheo leo lồi lõm của “lục địa đen”. Bữa leo lên núi Bàn - một trong 7 kỳ quan của thế giới - đỉnh cái sống trâu kéo đến mũi Hảo Vọng của nước láng giềng Nam Phi, ngó quanh thấy có một cái sa bàn bằng gỗ hình tròn. Căng mắt dò thì thấy khoảng cách từ đỉnh núi Bàn đó đến Hà Nội là 10.800km - dĩ nhiên là đường chim bay. Mà cái khoảng cách từ Maputo hay các quốc gia lân bang đến Hà Nội cũng nhang nhác cỡ đó. Quả là một vùng đất lạ lẫm và xa ngái.

Nhưng rồi, hôm tới thăm đại lộ Hồ Chí Minh - một trong những đại lộ lớn và đẹp của thủ đô Maputo mới  thấy vơi đi cái cảm giác xa lắc đó. Thì ra, ngẫm lại lịch sử hai nước mới thấy có sự trùng phùng: Cả hai đều gian khổ đấu tranh giành độc lập, cả hai đều có niềm vui thống nhất trọn vẹn đất nước vào năm 1975. Bạn rất khâm phục Việt Nam và kính trọng Bác Hồ, nên sau 2 năm ngày độc lập - vào năm 1977 đã dành hẳn một đại lộ để mang tên Bác. Giờ đây, trên những chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Johannesburg - cảng hàng không trung chuyển lớn nhất khu vực nam châu Phi không hiếm bóng dáng những người lính - doanh nhân Viettel. Từ đó họ lại bay tới Maputo, Tanzania rồi sau này biết đâu lại là Swaziland, Zambia, Zimbabwe, Angola, Malawi…. Đi nhiều, đi mãi rồi cũng sẽ thành đường. Mà nói như bà Safura - Movitel đã và sẽ là cây cầu tiên phong bắc vào khu vực đông nam châu Phi của các doanh nhân Việt.  
Đình Chúc
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.