Biển của thời hoa đỏ

Bút ký của NSND Đào Trọng Khánh |

Năm nay 2016, đúng 50 năm những người làm phim tài liệu cùng đi với các chiến sĩ phá lôi chống Mỹ phong tỏa sông biển vùng Hải Phòng. Nửa thế kỷ đi qua, anh em không còn lại bao nhiêu, nhưng Biển của thời hoa đỏ vẫn còn mãi mãi.
Không thể quên những hình ảnh ghi được từ chiếc máy quay phim "Kôn Vát" cũ những luồng sáng của bom Mỹ và đạn pháo in trên mặt sóng của Cảng biển Hải Phòng những năm tháng ấy. Bầu trời đêm cháy rực chiếu xuống mặt biển phẳng lặng đến kỳ lạ. Chợt cảm thấy hình như không một chấn động nào có thể làm rối loạn được những gì biển đã biết và đang theo dõi bằng con mắt vô hình của biển, con mắt của vũ trụ, về cái lập trình của mọi số phận và kết thúc của cuộc chiến đấu thắng lợi đã được định trước. Nó giống như hình ảnh của một cuốn phim tài liệu đang trên bàn dựng.

 

Sau 40 năm cầm trên tay những đoạn phim ghi lại cảnh máy bay Mỹ ném thủy lôi xuống phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng, thấy ngạc nhiên quá! Tất cả đều như một trò chơi, tầm thường và đơn giản, cái cuộc chiến tranh tàn bạo này, vậy mà nó đã thiêu cháy một thời tuổi trẻ và bao số phận con người.

Biển của những năm tháng trước chiến tranh, không có một thước phim nào ghi lại, chỉ còn thoáng qua trong trí nhớ. Cảnh vật thanh bình quá. Nắng sớm soi trên cầu tàu. Bóng nước sẫm tối dưới mạn tàu êm ả, vụt sáng lên những cánh hải âu chao đảo như muốn chạm vào vai những người khuân vác còn rất trẻ là bọn chúng tôi ngày ấy "Thành phố ăn nằm với biển! Đẻ ra một lũ cần lao…".

Thế rồi chiến tranh phá hoại bùng nổ. Thành phố Cảng Hải Phòng bị phong tỏa bằng các loại thủy lôi hiện đại nhất. Mùa hè năm 1967, hoa phượng đỏ rơi trên mặt sóng, trong những thước phim tư liệu, hóa thành màu đen.

Thành phố ban đêm. Những chụp đèn phòng không rọi xuống con đường vào Cảng những quầng sáng. Những chiến sĩ phá lôi cùng đồng đội lặng lẽ xuống tàu ra biển.

 Cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu).

Phía sau lưng, hải cảng với những con tàu trên bến vẫn rực rỡ ánh đèn. Nhớ một câu của Cục trưởng Lê Văn Kỳ nhận định trong cuộc họp khẩn cấp vào lúc nửa đêm ở Cục Đường biển: "Ta đã phát hiện và rút ra kết luận: Mục tiêu của Mỹ là đánh vào giao thông vận tải, chưa dám đánh trực tiếp vào tàu nước ngoài đâu! Cứ tiếp tục vận chuyển bốc xếp hàng, thắp đèn lên mà làm, không việc gì phải sợ!".

Không một ai phải sợ! Máu của biển là như thế. Khẳng định được mục đích của địch tiến hành chiến tranh phong tỏa đường biển là nhằm ngăn chặn sự chi viện quốc tế cho Việt Nam, ta đã có những chỉ đạo rất sáng tạo trong vận chuyển bốc xếp hàng, để có được những con số tự hào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ: 40 triệu tấn hàng quốc tế chi viện qua Cảng Hải Phòng, gần 20 triệu tấn xăng dầu; hơn 4 triệu tấn phân bón, thuốc trừ sâu và gần chục triệu tấn gạo, bột mỳ, thực phẩm, gần 4 triệu tấn sắt thép, máy móc, thiết bị, vật tư, thiết bị làm đường, bắc cầu phà qua sông; hơn 1 triệu tấn khí tài, pháo tăng, chiến xa, quân trang, quân dụng, thiết bị y tế trong đó có 10 cần cẩu bay M16 có sức nặng 25 tấn, hàng vạn xe cơ giới, xe chuyên dùng như xe xúc, trạm thông tin ra-đa lưu động, bệnh xá lưu động, hàng vạn cỗ máy phát điện diezen, nguy hiểm hơn là có 4 kiện phóng xạ… được thực hiện trong quá trình tiếp nhận sơ tán và bảo vệ hàng hóa nhanh chóng an toàn. Những thiệt hại do địch đánh phá là không đáng kể. Trong cuốn "Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước" - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - đoạn mở đầu có viết: "Nếu không có một số lượng vũ khí nhất định thì không thể nói đến tiến hành chiến tranh, cũng không thể nói đến thắng lợi trong chiến tranh".

Ngồi xem những thước phim tư liệu ghi lại hình ảnh chiến đấu của quân dân ta trên khắp các chiến trường mới thấy hết khối lượng vật chất quốc tế chi viện bằng đường biển qua Cảng Hải Phòng đến khắp mọi nơi, to lớn như thế nào và công sức của các chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tải là quan trọng, góp một phần quyết định vào thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam với toàn bộ ý nghĩa lịch sử trọng đại trong thế kỷ XX.

Địch ném bom đánh phá các luồng lạch, phá hoại các hệ thống đèn biển. Đảo đèn Long Châu thành một núi lửa trong bộ phim tài liệu "Ngọn đèn cửa biển" do những nhà quay phim đầu tiên thời chống Mỹ quay được.

Cuộc chiến đấu chống phong tỏa đường sông biển của quân và dân miền Duyên Hải mở đầu bằng cuộc tìm kiếm, "săn bắt" những quả thủy lôi của Mỹ để nghiên cứu khám phá.

"Tổng kết lại thấy rõ hơn cuộc chiến tranh nhân dân của ta - một nguyên lý khoa học có tính dân dã cội nguồn". Tôi ghi lại câu này của Cục trưởng Đường biển Lê Văn Kỳ nói với Long Vân - Phó Ty Bảo đảm Hàng hải thời bấy giờ sau khi Long Vân đi vào Lạch Trào, Thanh Hóa cùng các cán bộ chỉ huy Hải quân Sông Mã tìm cách tháo 5 quả thủy lôi của Mỹ ném xuống Cồn Trường, thủy triều xuống, 5 quả thủy lôi nằm trơ trên cồn cát cửa sông. Mấy bà bắt cua, cào hà buổi sớm đã nhanh tay ngắt đi mấy cái dù đem về dùng. "Chính cái dạn dĩ dân gian đó đã khiến những người phá lôi bình tĩnh hơn !" - Long Vân nói.

Cả 5 quả thủy lôi được luồn dây qua bụng để anh em gánh đưa lên bè rồi kéo vào bờ. Nghe thì đơn giản nhưng cực nguy hiểm. Chỉ cần đánh rơi hoặc lật bè, thủy lôi gặp sức nén của nước là nổ. Được 4 quả an toàn, quả thứ 5 nổ. Chỉ nghe tiếng ục, một cột nước vung lên, kèm theo ngọn lửa… Không còn thấy chiếc bè đâu nữa! Người tháo quả thủy lôi đầu tiên là trung úy Trinh, tháo được cái ngòi nổ, phát hiện ra cái chốt an toàn là một cục đường, gặp nước đường tan là mất chốt an toàn, nước nén vào măng áp suất mỏng tang, thủy lôi nổ luôn. Rất tinh vi, rất bất ngờ, nhưng cũng không qua nổi con mắt kinh nghiệm dân gian Việt Nam.

Rồi đến quả thủy lôi đặc biệt M52, Mỹ rất tự hào về loại thủy lôi chiến lược này. Nó giá trị đến hàng triệu đô la Mỹ, trong khi các loại khác chỉ vài trăm, vài nghìn. Mỹ từng tuyên bố M52 chỉ lắp được mà không tháo gỡ được. Cấp chỉ huy trực tiếp đặt mã khóa và kíp nổ, ngoài ra không ai được biết. Vậy mà mấy anh em hải quân, tự vệ Cục Đường biển chưa hề được đụng đến thủy lôi lần nào, mày mò tháo hết, phá hết. Trong chiến tranh ác liệt, giữa cái sống và cái chết, hình như con người được tiếp thêm năng lượng và trí tuệ từ một thế giới khác. Ngón tay vô thức trở nên linh diệu! Đến nay các nước bạn tiên tiến với trình độ khoa học quân sự cao thỉnh thoảng vẫn còn phải hỏi ta về cái "ẩn số bên trong" bí mật của loại thủy lôi này.

Cả 4 quả thủy lôi được tháo gỡ, 3 quả đem về cho các tổ nghiên cứu chuyên ngành, 1 quả làm giáo cụ trực quan triệu tập đại diện các đơn vị trong vùng, cả dân quân du kích đến để mở lớp huấn luyện tháo gỡ ngay tại chỗ, mở ra một trận tuyến dân quân tự vệ dọc bờ biển tháo gỡ thủy lôi, phá hàng rào phong tỏa mà đế quốc Mỹ đã mất rất nhiều tiền của công sức để tiến hành.

Ở Cục Đường biển, tổ nghiên cứu phá lôi vẫn âm thầm tiếp tục tháo gỡ những quả thủy lôi chiến lược để làm cơ sở hình thành những phương tiện rà phá, tiêu hủy nó. Anh em nhận định với nhau: Phá thủy lôi chiến lược cần một cố gắng chiến lược. Không thể vội vã. Đối mặt với cái chết, chỉ cần dứt nhầm một sợi dây bằng sợi tóc là đủ để kết thúc mọi chuyện!

Nhưng bất chấp hết thảy những khó khăn, trí sáng tạo và tinh thần tự lực của người đường biển không ngừng vận động để hoàn thiện những con tàu phá lôi với các thiết bị hiện đại đưa vào sử dụng.

Từ đầu tháng 5 năm 1972, trận chiến trên biển ngày càng căng thẳng Cảng Hải Phòng có lúc hoàn toàn bị cô lập. Tuyến Đông Bắc - Việt Trung bị cắt đứt. Tàu không còn lối ra ăn hàng, nhận hàng. Tuyến khu 4 báo về hy sinh nhiều. Phải nhắc lại một chi tiết này để làm sáng tỏ thêm tình quốc tế những năm chiến tranh ác liệt. Ngay từ đầu cuộc chiến đấu chống phong tỏa, tàu phá lôi của bạn đã kịp thời xuất hiện, với sự quả cảm phi thường lao thẳng vào bãi mìn. Kinh nghiệm cũ cùng với lòng quả cảm không hóa giải được vũ khí hiện đại của kẻ địch. Lịch sử những ngày đầu chống phong tỏa, hàng hải Việt Nam mãi mãi không quên những người con của nước bạn Trung Hoa đã anh dũng hy sinh trên biển như biểu tượng của tình hữu nghị đời đời son sắt. Những chuyên gia lão thành của nước bạn Liên Xô với kinh nghiệm phá lôi của chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng mau chóng có mặt, nhưng cũng không tìm ra cách khắc phục loại vũ khí quái quỷ này.

Bộ Tư lệnh Liên quân Hỗn hợp Mỹ ở Thái Bình Dương điện về Washington DC báo tin đã làm tê liệt được Cảng Hải Phòng. Tổng thống Mỹ - R. Nixon - không thông báo cho Quốc hội Mỹ, ra lệnh tiếp tục dùng thủy lôi khóa chặt hơn nữa cửa Nam Triệu và tất cả các cửa biển khác, sẵn sàng trừng phạt cả tàu bè nước ngoài nếu các tàu đó không tuân thủ chỉ giới an toàn của chúng.

Hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, cuối cùng ta vẫn hóa giải phá vỡ hàng rào phong tỏa của Mỹ, nối liền mạch máu giao thông trên biển, nguồn chi viện chủ yếu cho các chiến trường giành chiến thắng. 

Ngẫm cho cùng, nguyên nhân thắng lợi là ở sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đã được ta vận dụng tuyệt đối vào chiến trường sông biển, thực sự là một trong những biểu tượng hùng tráng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Những chiếc tàu phá lôi từ trường của các đội phá lôi Quyết Thắng, Đội phá lôi Lê Mã Lương… lập nhiều chiến công xuất sắc. Những con tàu "tăng kít" vút trên mặt sóng giữa tiếng nổ của thủy lôi và những cột nước bốc lên cao ngất trên biển còn ghi lại trong những thước phim tư liệu là hình ảnh đẹp nhất của biển Việt Nam thời chống Mỹ.

Khắp miền duyên hải, những lớp bồi dưỡng huấn luyện rà phá thủy lôi ở các cửa biển trọng điểm vẫn tiếp tục phát huy sáng kiến. Những chiếc bè tre nứa do ca-nô kép tiếp tục kích nổ những quả thủy lôi hiện đại. Đơn giản và hay đến nỗi Trưởng ban điều hòa giao thông Trung ương Đỗ Mười, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải kêu lên với Cục trưởng Đường biển Lê Văn Kỳ: "Giỏi! Giỏi thật! Nói với anh em quay phim ghi lại để sau này chiếu cho thế giới cùng xem!".

Cách đây 10 năm - năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: "Chiến công đánh bại cuộc phong tỏa đường biển, đường sông của đế quốc Mỹ tại Cảng Hải Phòng và vùng phụ cận biểu thị quyết tâm lớn và đầy mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, là một cống hiến vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, lại có ý nghĩa làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự của ta trên chiến trường sông biển. Ý nghĩa ấy càng có tầm quan trọng khi quân và dân ta đang đứng trước nhiệm vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền đất nước trên hàng nghìn cây số bờ biển và trên vùng biển cả bao la, trong đó có hàng nghìn đảo và quần đảo, có quần đảo Vạn lý Trường Sa…".

Hơn 40 năm trôi qua, biển vẫn bình yên vỗ về những con sóng non trẻ như đã từng vỗ về những con sóng nào đã có từ nghìn xưa, như không hề xảy ra chuyện gì, mà cũng như không hề quên lãng!

Chỉ có con người đứng trên cầu tàu này là tôi bây giờ, vẫn còn băn khoăn thấy trong đầu mình những hình ảnh của thời chiến tranh đang diễn ra như một cuốn phim quay chậm. Làm sao có thể quên những gương mặt của bạn bè phá lôi thủa ấy. Làm sao có thể quên những ngày đêm cùng tàu quét mìn mở đường đưa tàu chở gạo vào cửa Lan Hạ. Những bao gạo còn thấm máu… Các bạn ở tổ quan sát, đánh dấu thủy lôi giữa trời và sóng, trên những doi cát chơ vơ ngoài cửa biển, những Huệ, Vân, Kim, Ngọc… giờ ở đâu? Chắc rằng nếu lịch sử còn lặp lại chúng ta sẽ lại trở về với biển như ngày nào, tiếp tục cuộc chiến đấu cho Tổ quốc, cho tình yêu, cho Biển của một thời hoa đỏ mãi mãi không quên!

Bút ký của NSND Đào Trọng Khánh
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.