Bão khô càn quét đồng bằng

NHẬT HỒ |

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đã bị xâm nhập mặn tấn công. 8/13 tỉnh, thành công bố thiên tai hạn, mặn gồm: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau. Hàng trăm ngàn hécta lúa, vườn cây ăn trái... bị thiệt hại, gần 1 triệu dân thiếu nước sử dụng. Đợt hạn, mặn lịch sử năm nay đang ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng với những diễn biến khó lường.

Để khắc phục khô hạn, riêng khoản thủy lợi cần đến 90.000 tỉ đồng - tương đương với giá trị bằng tiền cơn bão số 5, năm 1997 cướp đi của người dân vùng ĐBSCL. Hệ lụy của khô hạn, xâm nhập mặn hiển hiện trên từng khuôn mặt của trên 500.000 nông dân nơi đây. Đó đây, ở ĐBSCL đã có thực trạng di dân, bỏ làng quê vì hạn...

Lúa chết trắng đồng

“Chết. Chết hết trơn rồi. Hỏi làm gì…!” - lời bà Huỳnh Thị Duyên, ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu khi tôi hỏi thăm về tình hình khô hạn. Ông Thạch Thanh, chồng bà đỡ lời “Làm lụng, bỏ biết bao nhiêu công sức mà 7 công (tương đương 1ha) thu về chưa đến 100 giạ lúa bán không ai mua, nên mấy rày bà ấy buồn lắm. Chú đừng chấp”. 

Tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày, công gặt… cộng lại gần 15 triệu đồng, thu hoạch bán chẳng ai mua, bà không biết tìm đâu ra tiền để trả nợ. Cùng cảnh với bà Duyên, ông Thạch Sao nói như mếu: “Tiền giống, tiền thuốc, tiền phân còn nợ, trong khi thu hoạch 1 công có 4 bao lúa bán chẳng ai mua. Làm ruộng từ nhỏ nay đã 60 tuổi rồi, chưa thấy năm nào hạn mặn như năm nay cả. Lúa chết cháy hết trơn luôn”.

Không riêng bà Duyên, ông Sao, cánh đồng thẳng tắp một màu vàng úa tưởng chừng như ai vô ý quẳng một tàn thuốc lá là cháy rụi của ông Quách Minh Tú không thể thu hoạch được. Là nông dân sản xuất giỏi của huyện nhiều năm liền, nhưng ông cũng đành bó tay vì thiếu nước, khô hạn. Ông Tú ngậm ngùi: “Gần 20ha chớ ít đâu, vậy mà đành bỏ luôn không thu hoạch được hạt nào cả”. Ông nói như thủ thỉ với chính mình “Chăm sóc tận tình, phân bón đầy đủ chớ có làm biếng gì đâu. Đúng là hạn chưa từng thấy bao giờ. Thiếu trên 200 triệu đồng bây giờ biết mần cái gì mà trả cho người ta đây”.

Hưng Hội có 1.300ha thì đến 1.000ha bị thiệt hại từ 70% - 100%. Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Vĩnh Lợi Đào Văn Vĩnh chia sẻ: “Chưa năm nào lúa chết khô nhiều như năm nay. Có rất nhiều hộ tại xã Hưng Hội, Hưng Thành không thu hoạch được gì. Nhiều người phải bỏ xứ ra đi phần vì nợ nần phần ở lại không biết lấy gì để sống”.

Thật ra, nông dân đã chủ động lấy nước vào đồng ruộng, nhưng nước ngọt ngày càng thiếu trong khi triều cường xâm nhập sâu vào đất liền khiến các con kênh nội đồng nhiễm mặn. Thiếu nước, lúa cũng chết; một số người nóng ruột bơm nước lên, gặp phải nước có độ mặn đến 8 phần ngàn cây lúa cũng đứng trơ ra không trổ bông.

Xuôi về huyện U Minh (Cà Mau), nơi có đến 14.000ha lúa chết khô. Ông Nguyễn Minh Thành, ấp 12 xã Khánh Lâm nói ngay: “Tôi làm ở ấp này, bây giờ ấp chỉ còn người già với trẻ con thôi chớ người trong độ tuổi lao động đi Bình Dương hết rồi... Vì lúa chết hết...”. Theo ông Thành, ấp có 210 hộ dân nhưng có đến 100 hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng lúa trên đất giao khoán rừng - lúa. Cây lúa nhiễm mặn, chết đồng loạt, người nghèo thêm nghèo. Ông Thành dự báo: “Chắc chắc hộ nghèo sẽ tăng lên. Mấy năm nay U Minh không còn đói, nhưng mùa màng thế này đói có thể xảy ra”.

Khánh Lâm có đến 35% hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Mùa đại hạn đã cướp đi tất cả những cánh đồng lúa của người nông dân, đe dọa những cánh rừng khiến cuộc sống đã khó càng thêm khổ. Nhiều người tìm giải pháp đi khỏi quê hương tìm việc tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ như giải thoát cho chính họ và gia đình của họ.

Tỉnh kề cận là Sóc Trăng tình trạng cũng tương tự. Trên 8.000ha lúa chết trắng đồng. Bà Thạch Thị Hồng (xã Lịnh Hội Thượng, huyện Long Phú) chua chát: “7 công đất không thu được gì. Xóm bây giờ chỉ còn người già, trẻ con thôi. Phụ nữ tụi tui vài ngày nữa cũng lên Bình Dương theo chồng làm ăn thôi. Ở đây nợ nần bủa vây, chẳng biết lấy gì sống”. Tại các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, những trà lúa còn lại cùng đang đối mặt với thiếu nước ngọt. Trên 600ha nằm trong đê bao Long Phú thiếu nước nghiêm trọng đang trong tình trạng vô phương cứu chữa.

 

Ông Quách Minh Tú thẩn thờ trước đám ruộng 20 ha cua mình bị chết khô không thu hoạch được. Ảnh: N.H

Những con số khô đến cháy lòng

Báo cáo chính thức của Bộ NNPTNT: Đến nay, tổng diện tích lúa đông - xuân là 139.000ha, trong đó có 86.000ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000ha thiệt hại từ 30% - 70% năng suất… Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau (hơn 49.000ha), Kiên Giang (hơn 34.000ha), Bạc Liêu (11.456ha), Bến Tre là 13.844ha… Đối với vụ lúa hè thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực. Không riêng gì cây lúa, báo cáo của các địa phương Bạc Liêu thiệt hại 12.000ha, Cà Mau 4.000ha, Sóc Trăng 8.000ha nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại mà nguyên nhân do độ mặn tăng cao khiến tôm nuôi chậm lớn, giảm năng suất.

Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người bị thiếu nước. Không chỉ đối với hộ gia đình, ở Bến Tre, thậm chí cả khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, nhà máy chế biến đều thiếu nước.

Tâm điểm của chuyện thiếu nước phải kể đến xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, Cà Mau). Nhiều ngày nay người dân nơi đây phải đổi nước từng thùng nhựa để nấu ăn với mức giá một khối lên đến 20.000 đồng. Ông Hoàng Bình Thạnh nói một cách hài hước về thiếu nước: “Phụ nữ, trẻ con, người lớn gì cũng ùm xuống sông nước mặn mà tắm giặt. Lên bờ chỉ xả lại một thau nước ngọt cho khỏi ngứa. Nước ở đây quý lắm”. Nước ngọt hợp vệ sinh đối với thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) nay là điều khá lạ với người dân. 

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết để có nước ngọt, ông và những người dân trong thị trấn tự khoan giếng nước ngầm để sinh hoạt. Ông Bùi Minh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, xác nhận: “Cho đến nay thị trấn Gành Hào vẫn chưa có nước ngọt hợp vệ sinh. Huyện đã kêu gọi đầu tư và đã có một nhà máy tư nhân vào, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoạt động được”.

90.000 tỉ đồng cho thủy lợi, bao nhiêu cho ổn định sản xuất?

Trước tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập, hầu hết các địa phương ĐBSCL đều “khẩn cấp” xin Chính phủ hỗ trợ vốn để kiên cố hóa kinh (kênh) mương, thủy lợi - thủy nông nội đồng và các công trình phục vụ dân sinh khác nhằm ứng phó với hạn, mặn. Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 170 tỉ đồng để nạo vét 179 kinh cấp II, cấp III, vượt cấp, 422 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống thủy lợi thuộc chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và 20 tỉ đồng để hoàn thiện kè Gành Hào đã bị sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua. 

Tương tự, Sóc Trăng cần đến trên 500 tỉ đồng để hoàn thành tuyến đê ven biển, một số hệ thống phân ranh mặn - ngọt huyện Long Phú, Trần Đề; Cà Mau cần trên 2.000 tỉ đồng …

Thống kê của Bộ KHĐT: Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể về thủy lợi cho vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2012-2020 khoảng 90.000 tỉ đồng. Đã bố trí giai đoạn 2011-20122 khoảng 16.500 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 khoảng 31.000 tỉ đồng. Đó chỉ là giải pháp cho thủy lợi, còn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với môi trường cần những khoản đầu tư lớn hơn nhiều.

Giải pháp ổn định sản xuất cho vùng ĐBSCL thường xuyên bị khô hạn, xâm nhập mặn cho đến nay đã bàn rất nhiều. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nước mặn cũng là một tài nguyên. Mặn không đáng sợ như chúng ta tưởng, nếu biết cách khai thác tốt tiềm năng nguồn nước mặn một cách hợp lý.

Trước thực trạng này, để đồng bằng tránh được những “cơn bão khô”, Cục Trồng trọt chính thức đưa ra khuyến cáo nên hạn chế trồng những loại cây tiêu hao nhiều nước ngọt; các tỉnh ven biển ĐBSCL cần thay đổi mùa vụ, cương quyết không để người dân làm lúa vụ ba trong điều kiện thiếu nước liên miên; tích cực trữ ngọt để sản xuất.

Trung Quốc sẽ cho xả nước từ hôm nay (15.3) đến ngày 4.4 sau khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước cứu hạn ĐBSCL.

“Vừa qua, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao, đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Me Kong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 14.3 cho biết.

“Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15.3 - 4.4” - bà Phạm Thu Hằng nói thêm.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Me Kong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Nước mặn đã đến Cần Thơ!

Lần đầu tiên, nước mặn đã xâm nhập đến TP.Cần Thơ. Còn ở tỉnh Kiên Giang, con số thiệt hại do hạn mặn gây ra lên đến 1.200 tỉ đồng, và sẽ chưa dừng lại ở đó... Dự báo, nhiều khả năng nồng độ mặn sẽ còn tăng cao thời gian tới, có thể sẽ gây nguy hại tới diện tích lớn lúa và vườn cây ăn trái trên địa bàn TP.Cần Thơ và các địa phương khác.

Tiền Giang: Dùng sà lan chở nước tiếp tế

Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang thuê sà lan chở nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho về cung cấp cho huyện cù lao Tân Phú Đông. Sà lan sẽ neo đậu trên sông Cửu Tiểu và bơm nước vào hệ thống hồ chứa nước của trạm cấp nước Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông từ nay đến hết tháng 4. Trạm cấp nước này sẽ xử lý nước và bơm vào đường ống để cấp cho 3.000 hộ dân khu vực xã vùng cuối nguồn của cù lao này là Phú Đông, Phú Thạnh. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho việc chở nước bằng sà lan đến vùng cù lao khoảng 13,5 tỉ đồng với hơn 430.000m3 nước ngọt.

Hạn, mặn làm giá lúa tăng mạnh: Lúa thường, thương lái mua tại ruộng giá trên 5.000 đồng/kg,tăng gần 300 đồng/kg so tuần trước, lúa chất lượng cao giá trên 6.500 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với tuần trước. Theo các thương lái, giá lúa gạo tăng là do vào cuối vụ số diện tích lúa còn ở giai đoạn thu hoạch giảm; nhiều diện tích lúa bị thất thu do hạn - mặn; trong khi đó nhiều doanh nghiệp tăng cường thu mua dự trữ. Với mức giá này sau một vụ, nông dân có lãi khoảng 25 triệu đồng/ha. Vụ đông - xuân, nông dân tỉnh Tiền Giang gieo sạ khoảng 80 ngàn hécta lúa. Đến nay, gần 50 ngàn hécta lúa ở khu vực phía tây của tỉnh đã thu hoạch xong với năng suất hơn 7 tấn/ha. Riêng khu vực phía Tây sắp bước vào thu hoạch.

T.C.A - MỸ THO - TRẦN LƯU

 

 

 

NHẬT HỒ
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.