Angola - ác mộng đổi đời: Không bỏ mạng cũng tật nguyền

Đăng Khoa - Quang Đại - Hưng Thơ |

Mang giấc mộng đổi đời, nông dân các tỉnh miền Trung hăm hở cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để đi lao động “chui” ở Angola. Nhưng khi đặt chân đến xứ người, viễn cảnh đẹp mà “cò” đã vẽ ra chỉ là ác mộng. Người lao động phải sống thấp thỏm, luồn cúi và đối diện với nhiều nguy hiểm...

Những nông dân Việt Nam lao động trái phép tại Angola may mắn trở về quê hương thời gian này, đều bị tật nguyền, ám ảnh bởi tiếng súng, nạn cướp, bệnh tật và cảnh sát. Nhiều người, trên mình đầy vết thương tích. Thậm chí, có người bỏ mạng nơi đất khách, để lại ở quê nhà vợ trẻ, con thơ...

 Bỏ mạng

Ông Phạm Văn Khôi (SN 1942, trú tại xóm 1, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An) ngồi ngửa ở chiếc ghế gỗ, hai cánh tay nổi gân duỗi xuống nền đất, mắt nhìn xa xăm như người mất hồn. Con trai ông, anh Phạm Văn Tuân (SN 1982) bị bắn chết, nhưng thi thể còn ở phương trời xa, nơi mà ông và chưa hề đặt chân đến. “Nó chết rồi. Nghe mấy người trong xóm điện về nói bị cướp bắn. Chừ đang nằm ở nhà xác chi chi đó. Nhưng tui lấy đâu ra tiền, để đưa con về” - ông Khôi kéo hai cánh tay ôm lấy ngực, nước mắt ứa ra. Hay tin anh Tuân bị bắn chết, xóm làng vốn yên bình này xôn xao. Những gia đình có người thân đang làm việc ở Angola đứng ngồi không yên. Bây giờ, họ mới hay biết kiếm được đồng tiền ở nơi đất khách quê người không dễ gì.

Lấy vợ, sinh con, nhưng chưa xây được nhà, anh Tuân ở nhờ với người anh cả. Thấy hàng xóm đi lao động bên tây, đem tiền về xây nhà, mua ôtô, anh Tuân dứt áo vợ con, vay hơn trăm triệu đi nước ngoài. “Chồng em nộp cho họ 130 triệu rồi sang Angola làm việc. Em thì vào miền Nam làm công nhân. Vợ chồng bàn với nhau phải chắt bóp, lúc nào đủ tiền mua miếng đất ở quê dựng nhà thì về” - chị Phạm Thị Loan (SN 1980) - vợ anh Tuân, kể. Anh Tuân được một đối tượng “cò” quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An) mối lái dẫn sang Angola bằng đường du lịch, rồi ở lại trái phép để làm việc kiếm tiền. Nhớ nhà, nên anh Tuân hay gọi về cho vợ. Giọng nghẹn ngào, chị Loan tiếp tục: “Lúc nào anh cũng nói nhớ mẹ con em. Anh Tuân kể ở bên đó nguy hiểm, bệnh sốt rét thường xuyên xảy ra. Chứ không nói chuyện cướp giết gì cả, nên gia đình em động viên anh ở lại, làm tốt để sớm trở về”.

Hơn 2 năm không được về quê, anh Tuân chăm chỉ làm việc kiếm tiền. Nhưng vì công việc không thường xuyên, nên tiền gửi về quê nhỏ giọt, chưa đủ để trả nợ. Thế rồi, ngày 8.6.2015, cả gia đình ông Khôi đau đớn nhận tin sét đánh, anh Tuân bị bắn chết ở Angola bởi một nhóm cướp, khi đang trên đường đến nơi làm việc. Ông Khôi té ngửa, xây xẩm mặt mày, khóc không thành tiếng. Đang làm việc ở nhà máy, người bà con gọi điện báo anh Tuân bị giết chết, chị Loan không nói nên lời, chị trở về nhà trọ, ôm đứa con nhỏ vào lòng, bảo rằng “con không còn cha nữa” rồi bỏ việc trở về quê.

Giữa trưa, nắng nóng hầm hập ở căn nhà cấp 4. Ông Khôi ủ rũ ở chiếc ghế gỗ, chị Loan ôm đầu gối nhìn lên nơi sẽ đặt bàn thờ chồng, không ai buồn xua lũ gà đang rúc vào mái hiên tránh nắng. Đã gần nửa tháng từ khi anh Tuân mất, nhưng thi thể vẫn chưa đưa về quê được. “Chi phí để đưa xác em tôi về lên đến 13.000USD, nhưng gia đình không có đồng nào. Chừ chỉ trông vào tấm lòng của người Việt Nam tại Angola. Đến hôm 21.6, từ số tiền bà con quyên góp, thi thể nó mới được đưa về Việt Nam, nhưng không rõ ngày nào mới về tới nhà để an táng” - anh Phạm Văn Khoa (anh trai Tuân), rũ rượi.

Sống chui

Cách nay mấy năm, người dân ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế tò mò trước việc ông T - thầu xây dựng ở Nghệ An trở về quê làm thủ tục để “đi Mỹ”. Bẵng đi vài tháng, ông T gửi về gia đình vài nghìn USD đầu tiên khiến dân làng càng tin chuyện ông “đi Mỹ” là sự thật. Thời gian ngắn sau, hai đứa con ông T cũng theo chân cha. Bấy giờ, nhiều người cất công “điều tra” thì mới biết là cả ba cha con ông T đi lao động chui ở Angola bằng nghề xây dựng.

Người đi trước làm có ăn, bày đường chỉ lối cho người sau, rồi xuất hiện nhiều đối tượng “cò”. Những năm 
2012- 2013, xã Vinh Hà có hơn trăm người lũ lượt xuất ngoại sang xứ sở dầu mỏ, kim cương làm nghề xây dựng. Sau 3 năm lao động chui ở thành phố Luanda (thủ đô Angola), anh Tôn Thất Đại vừa mới trở về nhà. Nhớ lại những ngày đầu đi lao động chui, người thanh niên sức vóc vạm vỡ còn hiện nguyên ám ảnh. “Tui xuống sân bay được anh em ở quê ra đón rồi đưa thẳng vào một ngôi nhà đang xây dở. Họ bảo ngồi yên ở đó, không được lớ xớ ra đường kẻo bị công an bắt vô đồn là bị trục xuất về nước ngay tức khắc. Nghe rứa cũng lo, lo là bởi chi phí trả cho đường dây đưa đi lao động khá lớn - 130 triệu đồng và biết đâu số mình đen đủi”, anh Đại kể. 

Suốt ngày hôm đó, Đại ngồi thu mình trong bốn bức tường, nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn khi tiếng súng đùng đoàng liên tiếp nổ quanh quẩn bên tai. “Lúc chuẩn bị đi, anh “cò” có kể mấy chuyện ni mô. Đêm đầu ở xứ người, nằm đếm 70 tiếng súng, thật hãi hùng”. “Bùm, bùm, bùm” - tiếng chuông từ điện thoại của Đại reo lên. Chúng tôi giật mình, Đại cười giải thích: “Từ lúc qua bên Angola, tui cóp mấy tiếng súng ni, đặt làm nhạc chuông nghe cho quen tai, đêm mới ngủ ngon giấc”!

Khi đã quen với tiếng súng, những người Việt đi lao động chui trên đất Angola phải đối diện với nỗi sợ hãi khác là nạn cướp. Trong quãng thời gian lao động chui trên đất Angola, họ đều bị cướp ghé thăm ít nhất vài lần. Đêm ấy, anh Nguyễn Văn Hóa và Huỳnh Trọng Nhân (quê ở xã Vinh Hà) đang nằm ngủ ở công trường thì ba tên cướp cầm súng lẻn vào lục lọi lấy tiền, điện thoại. Cả hai anh nằm im thin thít, giả ngủ say không dám chống cự. Không lấy được tiền, trộm bê nguyên bộ bếp ga đi mất. “Đã thành khẩu hiệu “trộm vào chớ dại chống cự”, nó bắn chết. Nếu trộm vào ban đêm cứ ngủ, vào ban ngày giơ hai tay xin hàng, miệng nói “tôi chẳng có gì cho các anh”, anh Hóa thuật lại kỹ năng “chống cướp” trong thời gian làm việc trên các công trường xây dựng ở Luanda.

“Ở bên đó, tụi tui đổi tiền quan - Kwanza (tiền tệ Angola) sang đô la rồi đem đi gửi ngân hàng. Trường hợp không gửi được thì đem đi chôn ở công trường, chỉ cất vài nghìn quan trong ví phục vụ cho việc ăn uống, nếu có bị cướp cũng không tiếc”, anh Nhân kể. Nhưng cũng đã có nhiều trường hợp lao động bị cướp tấn công. Anh Nguyễn Vui, ở thôn 4 (xã Vinh Hà) báo về bị đâm vật nhọn, chấn thương nặng ở vùng mặt phải đi cấp cứu vì không chịu đưa tiền cho bọn cướp.

Phần lớn lao động ở xã Vinh Hà sang làm việc tại Angola theo hộ chiếu du lịch nên hầu hết họ phải sống cảnh chui lủi, không dám đi ra đường và thấy cảnh sát phải lẻn thật nhanh. “Trước khi về nước ba tháng, bảy anh em ở công trường bắt xe đi sang vùng bên. Xui thế nào bị cảnh sát chặn lại kiểm tra giấy tờ, bắt về đồn. Họ giữ ở đó nguyên một ngày, viết biên bản liên tục. Đồn dưới chuyển lên đồn trên, tình hình hết sức khẩn cấp, may mắn là có người anh em gom đủ 3.500 đô đem lên chuộc chứ để bị chuyển lên đồn thứ ba thì coi như bị trục xuất về nước. Từ đó, anh em tui không dám mò mặt ra đường nữa”, anh Tôn Thất Đại thuật lại.

Ngoài sợ cướp, tránh cảnh sát, thì dịch bệnh cũng là nỗi ám ảnh ở Angola. Mỗi người Việt sang đây phải tự trang bị thêm tay nghề “kê thuốc”. Trong hành lý của mỗi lao động khi sang Angola thường có đủ các loại thuốc trị bệnh thường gặp. Và dĩ nhiên, những lao động này sẽ kiêm luôn chức “bác sĩ đụng”. “Thấy nóng trong người, thì uống hạ sốt. Thấy đau bụng thì làm một nạm béc be rin. Đau đến đâu trị đến đấy. Nếu thấy bệnh không khỏi, trở chứng nặng thì đổi thuốc khác” - trở về từ Angola sau 3 tháng đi lao động chui, anh Phan Văn Ngọc (xóm 7, xã Diễn Thái) đã có kinh nghiệm “tự trị” như thế. Hỏi sao không đi bệnh viện, đau ốm mà tự chữa thì tiền để đâu cho hết? Anh Ngọc miệng méo xệch: “Sống chui sống rúc trong nhà, chứ thò mặt ra bệnh viện này nọ rồi gặp cướp, gặp cảnh sát thì… bệnh thêm nặng”.

 

Đăng Khoa - Quang Đại - Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.