Theo thông tin, ngày 24.9, Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang làm việc với chị N - người mẹ bị cáo buộc đạp gãy xương đùi con trai, xảy ra tối 20.6 ở xã Quý Sơn.
Người thân nạn nhân cho rằng sự việc bắt nguồn từ việc cháu bé cầm chìa khóa của mẹ để chơi. Do tìm không thấy, người phụ nữ bực tức, dùng chân đạp liên tục vào đùi con trai.
Hiện, chị N đã thừa nhận vì bực tức nên gây ra thương tích cho con.
Theo dõi vụ việc, bà Hà Thị Khuyên - luật sư Đoàn luật sư Hà Nội, cho hay, trẻ em chơi đùa là chuyện bình thường, diễn ra hầu hết ở các gia đình. Bậc phụ huynh phải kiềm chế và có phương pháp giải quyết tâm lý khi trẻ tinh nghịch.
Theo luật sư, trước khi hành động nóng nảy, thiếu kiểm soát, bậc cha mẹ cần nhận thức được hậu quả về thể chất lẫn tinh thần của đứa trẻ khi họ vì nóng nảy, trút xuống con trẻ.
Trường hợp của bé trai ở Bắc Giang, qua camera ghi lại sự việc, luật sư thấy, bé còn rất nhỏ. Người mẹ cần nhận thức rằng, với sức nặng của người lớn, khi giẫm lên cơ thể trẻ sẽ gây thương tích nguy hiểm.
Dưới góc độ pháp lý, bà Khuyên cho rằng, cần giám định thương tổn với bé trai. Từ đó, nếu có đủ căn cứ, người mẹ có thể bị xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích", quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự.
"Vụ việc trên là bài học đắt giá cho những bậc làm cha mẹ khi ứng xử, giáo dục con trẻ", luật sư đánh giá dưới góc độ làm cha mẹ.
Cùng nhận định ở khía cạnh pháp lý, luật sư Hương Giang cho hay, việc bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Cố ý gây thương tích".
Cụ thể, khi có đủ căn cứ cho rằng người đó cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, thì có thể bị phạt tiền 5-8 triệu đồng, theo Điểm a Khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Luật Trẻ em 2016 quy định, bạo lực trẻ em gồm các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ.
Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành trẻ em. Bên cạnh đó, dư luận xã hội luôn quan tâm vấn đề bạo hành trẻ.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục làm rõ.