Rao gói “FULL VIP” cho người có thú vui bệnh hoạn
Camera an ninh vốn được xem là một công cụ hữu hiệu trong việc theo dõi, quản lý nhà cửa, công ty hoặc là công cụ để giúp cơ quan chức năng điều tra, phát hiện tội phạm... Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thiết bị ghi hình này trở thành công cụ để các hacker xâm nhập đánh cắp dữ liệu, video đời tư ngay bên trong các hộ gia đình.
Do tính nhạy cảm, hầu hết các bài quảng cáo rao bán các video dạng này chỉ tập trung chủ yếu trên Telegram (một ứng dụng trò chuyện bí mật, gọi điện video, VoIP và chia sẻ tệp). Phóng viên đã liên hệ với một số chủ kênh (hay còn gọi là admin, hacker) chuyên rao bán các nội dung này để tìm hiểu thông tin.
Hội nhóm có tên “Hack camera quay lén VN” với gần 200.000 thành viên đăng ký, bên trong đầy rẫy những lời lẽ thô tục và tràn ngập hình ảnh nóng được cắt trong các video hack từ camera hộ gia đình để chào hàng người mua.
Chủ kênh giấu tên này cho biết, trong hội nhóm video gì cũng có. Để xem được, khách hàng có thể lựa chọn các gói tài khoản từ thông thường cho đến vip.
Đáng nói, nhóm này chuyên video hack từ camera trong các phòng ngủ, cửa hàng, spa ở Việt Nam. Bao gồm từ cảnh sinh hoạt thông thường cho đến những cảnh thay đồ, tình cảm của các cặp vợ chồng.
Tương tự tại một nhóm kín khác có tên “Hack camera” với gần 60.000 người theo dõi, hacker đưa ra ba gói để khách lựa chọn. Đầu tiên là gói “VIP Reaction”, người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra số tiền là 150.000 đồng để trải nghiệm trước; nếu chấp nhận với mức giá 500.000 đồng, người mua sẽ sở hữu toàn bộ video và được cập nhật thường xuyên.
Theo hacker này, gói “VIP Reaction” là nhóm chuyên video cam hack "siêu phẩm" kín mà mọi người đều chưa được xem. Ngoài ra, gói “VIP ID Cam” có giá 400.000 đồng (sử dụng vĩnh viễn) sẽ là nhóm chuyên mã QR để người mua check camera trực tiếp trên app hik-connect (một ứng dụng có thể xem trực tiếp camera, lưu trữ dữ liệu).
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả các dịch vụ mà nhóm kín này có thể cung cấp. Để thu hút được nhiều hơn lượng khách hàng quan tâm, nhóm hacker cũng đưa ra gói dịch vụ có tên là “FULL VIP” với giá 800.000 đồng.
Nếu chuyển khoản số tiền này vào nhóm, người mua không chỉ trở thành thành viên chính thức mà còn được tự do check camera trực tiếp ở mọi nơi, thảo luận và trò chuyện với các thành viên khác về video hack từ camera.
Khi phóng viên đặt vấn đề có gì để chứng minh sau khi gửi tiền sẽ không bị lừa hay không, ngay lập tức, hacker này tung ra hàng loạt hình minh họa, video demo và đường link vào các nhóm liên quan để lấy lòng tin.
Điều đáng buồn, đa số người dùng trong nhóm đều chọn gói “FULL VIP” và tỏ ra hào hứng, bàn luận sôi nổi bằng những lời lẽ thô thiển.
Thấy phóng viên còn lưỡng lự chưa chuyển khoản, hacker mồi thêm rằng "một lần quét được cả trăm video đủ xem thông đêm tội gì lại không dùng".
Vì sao hacker dễ dàng lấy cắp thông tin, video từ camera?
Thực tế không phải ai cũng có thể dễ dàng hack vào camera lắp trong các gia đình. Tuy nhiên hiện có không ít hộ lựa chọn, sử dụng thiết bị camera trôi nổi, thiết lập mật khẩu dễ đoán hoặc thậm chí là để mặc định theo nhà sản xuất.
Việc này không những không đáp ứng được mức độ bảo mật cần thiết, mà còn tạo điều kiện cho hacker khai thác nguồn dữ liệu cá nhân một cách dễ dàng.
Để phòng trường hợp bị hack camera có thể xảy ra, ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, camera gia đình tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an ninh bảo mật và quyền riêng tư cá nhân. Do đó, người dùng nên thường xuyên cập nhật mật khẩu truy cập, chế độ bảo vệ.
Ngoài ra, người dùng cũng nên ngắt các nguồn điện kết nối với camera hoặc dùng vật dụng màu đen che kín mắt thần của camera ở các không gian có tính riêng tư cao như phòng ngủ.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đoàn (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi rao bán dữ liệu camera bị phạt tiền 40 - 60 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục là buộc hủy bỏ các thông tin trái phép. Ngoài ra, người rao bán dữ liệu camera còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo Điều 289 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt từ phạt tiền 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù 1 -1 2 năm.
Tuy nhiên vị luật sư cũng nhận định, rất khó để xử lý các hành vi này bởi việc xác minh thông tin của người vi phạm là không dễ. Do đó, người dùng nên chủ động trang bị cho mình thêm kiến thức và kỹ năng để bảo vệ quyền riêng tư.