Dùng mạng xã hội “câu” người lao động
Cuối tháng 12.2023, Công an thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh - cho biết, đơn vị này vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Minh Thiện (27 tuổi, trú tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động.
Cụ thể, Thiện làm nghề môi giới xuất khẩu lao động. Từ tháng 3.2023, anh Nguyễn Văn Hà (32 tuổi, trú phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) liên hệ nhờ làm thủ tục để xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo diện thời vụ 6 tháng làm nông nghiệp. Tuy chưa liên hệ với công ty nào và cũng không xác định được là có đợt đi xuất khẩu lao động theo diện thời vụ như yêu cầu của anh Hà hay không nhưng Thiện vẫn nhận lời.
Nhằm tạo lòng tin với anh Hà, Thiện đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối, đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật về những người đã được Thiện đưa đi xuất khẩu lao động, thông báo kết quả khám sức khỏe đạt yêu cầu, hình ảnh đơn trình xin visa giả và thông báo với Hà hiện đã có mã code visa… Thiện đã nhận hơn 117 triệu đồng từ anh Hà nhưng nhiều tháng sau vẫn không đưa được anh này đi xuất khẩu lao động như hứa hẹn.
Bằng thủ đoạn trên, Thiện còn lừa đảo, chiếm đoạt của anh Võ Văn Minh (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh) hơn 110 đồng và anh Vương Đình Tùng (32 tuổi, trú tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh hơn 120 triệu đồng.
Vài ngày trước, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân cũng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Huy (23 tuổi, trú tại ấp An Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, từ tháng 8.2023 đến nay Huy đã lập nhiều tài khoản Facebook “ảo”, tài khoản Zalo “ảo” đăng tải các bài viết trên không gian mạng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).
Kết quả điều tra xác định, Huy đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.
Cũng bằng chiêu trò sử dụng mạng xã hội, Công an huyện Can Lộc cho hay đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thắng và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nhận, do nắm được tâm lý nhiều người muốn làm thủ tục nhanh chóng, đơn giản để xuất cảnh đi nước ngoài với hy vọng việc nhẹ, lương cao. Do vậy, Thắng đã sử dụng các tài khoản Facebook cá nhân, truy cập vào các nhóm xuất khẩu lao động và đăng tin tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Sau đó, Thắng yêu cầu mỗi người lao động chuyển tiền cho Thắng, mỗi lần từ 250 - 3.000 USD. Khi nhận được tiền, khoảng một thời gian sau, Thắng gửi hình ảnh “giấy tư cách lưu trú” qua Zalo cho bị hại để bị hại tin tưởng và nộp thêm tiền. Trên thực tế, loại giấy tờ này, Thắng lấy trên mạng xã hội rồi sử dụng phần mềm sửa chữa thông tin, hình ảnh, ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ của bị hại vào.
Với thủ đoạn nói trên, Phạm Văn Thắng đã lừa đảo của hàng chục bị hại trên địa bàn cả nước với tổng số tiền gần 700 triệu đồng.
Cảnh báo nạn lừa đảo
Thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, Sở này đã có văn bản khuyến cáo người lao động Hà Tĩnh không nghe theo tổ chức, cá nhân giới thiệu, quảng cáo về dịch vụ đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước - bởi đến nay tỉnh Hà Tĩnh chưa ký kết chương trình này với các địa phương của Hàn Quốc.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh và một số địa phương của Hàn Quốc vẫn chưa đi đến thống nhất về một số nội dung như: Chưa thống nhất về các điều, khoản được quy định theo mẫu thỏa thuận hợp tác về Chương trình lao động thời vụ; Chưa thống nhất về việc chủ sử dụng lao động Hàn Quốc hỗ trợ người lao động chi phí mua bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ chi phí vé máy bay lượt về khi người lao động hoàn thành hợp đồng và về nước đúng hạn; Chưa thống nhất về các biện pháp quản lý lao động; các biện pháp xử lý khi người lao động của tỉnh Hà Tĩnh vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc hết hạn hợp đồng lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Sở này đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng LĐTBXH, các phòng, ngành liên quan phối hợp công an tuyên truyền đầy đủ và thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin từ cơ sở; kịp thời thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Khuyến cáo người lao động, học sinh, sinh viên trường nghề không đăng ký với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động thời vụ nói trên.
Ngăn chặn trục lợi trong xuất khẩu lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 225/NQ-CP Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nâng cao ý thức của người dân, người lao động, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật nước sở tại, cư trú bất hợp pháp.
Thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội về thị trường lao động ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn, mức lương cao, đồng thời giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Nghị quyết cũng yêu cầu thông tin công khai, minh bạch về thị trường lao động, thủ tục, điều kiện tiếp nhận lao động và các khoản chi phí đối với người lao động; đàm phán với bên nước ngoài để tăng cường hỗ trợ chi trả hoặc cắt giảm các khoản phí trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc, hướng đến giảm chi phí cho người lao động.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi, mua bán người, tổ chức, môi giới cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc móc nối, lôi kéo người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài tham gia hoạt động vi phạm pháp luật.
Minh Quang