Chiều 19.5, chương trình Vinh Quang Việt Nam năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam" đã vinh danh 20 tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu, trong đó có bà Trần Thị Kim Thia - Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) - người dành hơn 1/3 cuộc đời mình để dạy bơi miễn phí cho hơn 4.000 trẻ em miền Tây.
Trong niềm hạnh phúc sau khi nhận bằng khen, tối cùng ngày, bà Thia có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động để nhìn lại nỗ lực của chính mình cũng như định hướng sắp tới.
Bà Sáu Thia bày tỏ: "Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày được góp mặt, được tôn vinh danh giá tại chương trình lớn và ý nghĩa như thế này. Nói thật, cuộc đời tôi chỉ gắn bó với miền Tây, với sông nước hay nói chính xác hơn là chỉ quanh quẩn ở xã Hưng Thạnh cùng mấy em nhỏ nên chuyện đặt chân tới Thủ đô là điều mình không bao giờ nghĩ tới".
Nói đến đây, giọng bà giáo có chút nghẹn ngào vì nhớ lại chuyện của hơn chục năm trước, khi việc dạy bơi cho trẻ em ở "vùng rốn lũ" vẫn còn lắm gian nan. Kinh phí còn eo hẹp, không có hồ bơi, bà Sáu Thia đã tự đóng cọc, quây lưới dưới mé sông làm thành hồ bơi dã chiến để dạy trẻ. Vậy mà những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh, thậm chí có em 2 ngày đã bơi tốt.
Mãi cho đến ngày được mạnh thường quân hỗ trợ hồ bơi đặt tại nhà văn hóa của xã, công tác dạy và học bơi miễn phí cũng đỡ vất vả hơn, đồng thời cũng đảm bảo an toàn của các em nhỏ.
"Khi được gọi tên tôn vinh trên sân khấu, tôi hồi hộp lắm! Nhưng đâu đó, những ký ức lại ùa về càng khiến tôi có thêm động lực để dạy trẻ dù bản thân đã bước qua độ tuổi 60. Tôi vui vì mình được có được thành tích nhưng tự hứa sẽ không "ôm" bằng khen mà để trẻ em đối diện đuối nước. Khi nào còn khỏe là tôi vẫn sẽ dạy cho các em biết bơi, để những mầm non đất nước khỏe mạnh cống hiến cho xã hội" - bà Sáu Thia tâm sự.
Được biết, hiện bà Thia đã đặt hơn 70 bộ quần áo thể thao tặng cho các em nhỏ mặc tại lớp dạy bơi miễn phí vào mùa hè năm 2024. Tâm nguyện của bà là có thể in lên áo dòng chữ "Lớp dạy bơi miễn phí của bà Sáu Thia". Tổng chi phí đều từ nguồn cá nhân hằng ngày buôn bán vé số của bà.
"Tôi sống một mình, không chồng, không con, ăn uống cũng rất đơn giản nên khi nhận được tiền thưởng từ chương trình, tôi vẫn sẽ tiếp tục trích ra để mua đồ, phục vụ cho các em học bơi. Tôi cũng bắt tay vào làm ngay sau khi trở về Tháp Mười vào ngày 20.5.
Bây giờ, tôi dần hiểu trách nhiệm của mình không chỉ đơn giản là huấn luyện trẻ biết bơi mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng về công tác phòng chống đuối nước ở vùng sâu, vùng xa Đồng Tháp đến các tỉnh thành khác trên cả nước" - bà Thia chia sẻ.
Ngoài ra, với bà Thia, chuyến đi lần này còn là dấu ấn đáng nhớ bởi người con miền Nam đã đến viếng thăm bác trong dịp Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024). Khi ấy, câu thơ "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" cứ vang lên và lay động lòng bà, thôi thúc bà tiếp tục cống hiến vì trẻ em.