Rác dân lập - khó xóa, cải tiến sẽ hiệu quả hơn!

Hoàng Hưng |

TP Hồ Chí Minh với gần 10 triệu dân, mỗi ngày thải ra khoảng 8.000 tấn rác sinh hoạt. Hàng chục năm nay, lực lượng rác dân lập đã đóng vai trò hết sức quan trọng, khi thu gom tới 60% số lượng rác trên (40% còn lại thuộc các đơn vị quốc doanh thu gom). Gần đây, có nhiều ý kiến than phiền về tính không chuyên nghiệp của lực lượng rác dân lập, dẫn tới ô nhiễm môi trường… Song, thời điểm này, việc xóa bỏ rác dân lập là không khả thi…

Nhếch nhác, nhưng không thể thiếu rác dân lập

Hàng chục năm nay, ngoại trừ những tuyến đường chính thuộc trách nhiệm của các công ty dịch vụ công ích, thì hầu hết các hẻm, đường nhỏ vô từng nhà dân, việc thu gom rác là thuộc trách nhiệm của lực lượng rác dân lập. Những đường dây rác trị giá hàng trăm triệu, đến hàng tỷ đồng do những “trùm rác” nắm giữ. Những “trùm rác” này tự thuê nhân công, cắt cử lịch thu dọn rác hàng ngày ở từng nhà người dân. Vì là tư nhân, nên rác dân lập không tuân thủ bất kỳ quy định nào như tại các công ty của nhà nước. Mức phí thu gom rác trên địa bàn TP được thực hiện theo Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20.12.2008 của UBND TPHCM.

Theo đó, ở khu vực nội thành, mức phí đối với hộ gia đình là 20.000 đồng/tháng (nhà mặt đường) và 15.000 đồng/tháng (nhà trong hẻm). Còn vùng ven, ngoại thành, mức phí từ 10.000 -15.000 đồng/tháng. Các đối tượng ngoài hộ gia đình, mức phí là 60.000 đồng/cơ sở/tháng; quán ăn là 110.000 đồng/cơ sở/tháng; còn các đối tượng như nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại... là 176.000/hộ/tháng. Thế nhưng trên thực tế, mức phí thu gom rác dân lập hiện nay, gần như chưa được quản lý chặt chẽ, nên dẫn đến việc mỗi nơi thu mỗi giá.

Đơn cử tuyến đường Vườn Lài (quận 12), mỗi hộ dân phải đóng là 25.000 đồng/tháng. Đường Vĩnh Viễn (quận 10) đóng 30.000 đồng/tháng. Hẻm Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) đóng 30.000 đồng/tháng. Đường Trường Sơn (quận Tân Bình) là 35.000 đồng/tháng... Cái giá trên, dường như mạnh “trùm rác” nào là “trùm rác” đó tự đưa ra. Và, gần như theo thời gian, chỉ tăng, chứ không giảm. Chưa kể, tới mỗi dịp lễ, tết trong năm, người dân phải “bồi dưỡng” dăm ba chục ngàn đồng cho nhân viên rác dân lập…

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM: “Vẫn biết nửa khối lượng rác sinh hoạt đang được rác dân lập thu gom. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thật sự quản lý hiệu quả lực lượng này. Đến nay, chưa có thống kê chính xác trên địa bàn TPHCM về số lượng phương tiện, số con người, số đường dây thu gom rác dân lập… Vì vậy, chất lượng thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt tại các khu vực do lực lượng này phụ trách còn rất nhiều hạn chế”.

 

Lực lượng rác dân lập có lịch sử hàng chục năm ở TPHCM. 

Ông Nguyễn Hùng – đại diện Công ty Samco (chuyên sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom- vận chuyển rác) – nói: “Họ (lực lượng rác dân lập) dùng đủ mọi phương tiện thu gom rác như: xe ba gác máy, ba gác đẩy bằng tay, xe lam cũ nát, xe cải tiến, thùng đẩy rác tự tạo; thậm chí, có nơi xài cả xe lôi.v.v… Rác thì thu dọn cũng tạp nham bằng chổi, bằng ky, bằng tay… Khi vận chuyển, bao rác móc tràn lan xung quanh phương tiện vận chuyển. Do đó, không chỉ kém mỹ quan, còn vung vãi rác đầy đường, vô cùng nhếch nhác, gây ô nhiễm đường phố”’.

Ông Huỳnh Minh Nhựt – Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP HCM, thì phản ánh: “ Giờ giấc đổ rác tại các điểm trung chuyển của rác dân lập cũng… vô chừng. Lịch chốt là 9 giờ, xe công ty chúng tôi đến điểm trung chuyển nhận rác để chở về bãi xử lý. Nhưng có không ít xe rác dân lập không đúng giờ, xe công ty không thể chờ… Vì vậy, khi chở rác tới không có ai nhận rác, họ đổ luôn xuống điểm trung chuyển, gây bao nhiêu phiền toái, vừa ô nhiễm đường phố, vừa tốn kém công sức anh em công ty phải hốt rác lên xe ép rác”. Chưa kể, tại không ít đường dây rác, mỗi khi có sự “cơm không lành, canh không ngọt” giữa người dân với lực lượng rác dân lập, họ lại… “nằm vạ”, không thèm hốt rác 3 – 4 ngày, gây hôi hám cả khu phố.

Ông Nguyễn Danh Quốc Anh (đường Tô Hiến Thành, quận 10), than thở: “Tiền thì họ thu đủ. Tết phải đóng thêm tiền tháng... 13 (?), nhưng họ muốn gom rác hay không thì... tùy. Xóm tui nhà liền kề, dân cư đông đúc, chỉ 2 ngày không gom rác là cả xóm bốc mùi ngay. Vừa qua, cả 3 ngày, người gom rác không đến. Khi gặp, họ nói tỉnh bơ: “Mấy ngày không hốt rác, do bận... đi đám cưới ở xa”. Cách đây không lâu, xóm phải cử người chở rác ra trạm trung chuyển vì người thu góm rác nghỉ liền 4 ngày để “về thăm quê”. Bà Nguyễn Thị An (thường trú đường Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình) cho biết: “Vẫn biết lực lượng rác dân lập còn bao điều đáng nói, nhưng không có họ, lấy ai thu gom rác đây ? Riết, chúng tôi buộc phải chiều lòng họ mọi thứ, để khu phố sạch sẽ”…

 

 Rác dân lập chở rác chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, tự tạo, không theo quy chuẩn nào...

Cải tiến, nâng cao hiệu quả rác dân lập, tại sao không?

Tại TPHCM, hoạt động của lực lượng rác dân lập thiếu chuyên nghiệp, cho dù họ rất đông, thu gom rác 60% số lượng rác sinh hoạt của TP. Một thống kê chưa chính thức, ước có hơn 2.000 đường dây thu gom rác dân lập trên địa bàn 24 quận, huyện. Ở nhiều quận, huyện, chính quyền rất muốn nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các tuyến đường trọng điểm.

Tuy nhiên, công tác trên khó thực hiện, bởi vướng…rác dân lập. Tại các quận Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh… tình trạng “da beo” trong hoạt động giữa rác dân lập và doanh nghiệp công ích đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng vệ sinh.v.v…

Ông Nguyễn Trung Tuấn Anh – Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở TNMT TP HCM) – cho rằng: “Việc tồn tại lực lượng thu gom rác dân lập được xem là do lịch sử để lại. Hiện nay, lực lượng này đang phát triển mạnh, do nhu cầu rác thải của người dân TP ngày một lớn. Hầu như những khu dân cư mới hoặc khu dân cư tự phát, ngay khi xuất hiện một, hai nóc nhà là ngay lập tức có lực lượng thu gom rác dân lập đến thu gom rác…Trong khi các đơn vị chính quy chưa kham nổi việc thu gom rác, thì việc cải tiến, nâng cao hiệu quả thu gom rác của lực lượng rác dân lập phải được coi trọng. Nếu chúng ta thực hiện được điều này, thì mọi phiền toái từ rác dân lập sẽ được khắc phục”.

Ông Lê Hoàng Hà – đại diện UBND quận Gò Vấp – cho biết: “Trên thực tế, thời gian qua, chúng tôi đã mời lực lượng thu gom rác dân lập lên làm việc, lên kế hoạch quản lý, giám sát.v.v… Nhưng cái khó ở đây là họ không chịu hợp tác. Nhiều chủ đường dây rác chỉ cho người thay mặt đến để tham dự. Tình trạng này đã dẫn đến thực tế nhức nhối là không thể kiểm soát chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn một số quận, huyện”.

Trong lúc đó, một lãnh đạo của Sở TNMT đã phải thừa nhận rằng: Lực lượng rác dân lập đang cung cấp một “dịch vụ công không chính thức” về quản lý chất thải và không có điều kiện tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội chính quy. Đa số công nhân rác dân lập không có hộ khẩu tại nơi làm việc ở TPHCM, điều kiện làm việc không an toàn, thu nhập từ phí thu gom rác rất thấp... Còn các công ty dịch vụ công ích ở các quận, huyện, thì đang trong điều kiện thiếu nhân sự, nên không thể cáng đáng hết việc thu gom 60% khối lượng rác thải tận các nhà dân…

 

 Rác dân lập luôn bị người dân than phiền là thiếu tính chuyên nghiệp, gây ô nhiễm đường phố...

Đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom rác

Ngày 27.9 vừa qua, Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM đã tổ chức cuộc họp đề cập tới việc “Nâng cao hiệu quả dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt”. Tại cuộc họp này, có không ít ý kiến đã đề nghị nâng cao, cải thiện chất lượng thu gom rác của lực lượng rác dân lập.

Đại diện Cty TNHH MTV Dịch vụ - Công ích quận 3 kiến nghị: “Đã tới lúc phải đưa hoạt động của lực lượng rác dân lập vào nề nếp, quy củ và có kỷ luật, phải mang tính chuyên nghiệp, chứ không thể bỏ lửng, thiếu quản lý như suốt hàng chục năm qua. Cần phải có sự thống kê số người, số phương tiện, số đường dây… của rác dân lập. Từ đó, chính quyền quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí cho từng tổ, từng lao động, loại phương tiện được phép thu gom của rác dân lập.

“Thậm chí, họ phải có đồng phục, phải dùng xe chở rác nào cho an toàn, bảo đảm không rơi vãi rác làm ô nhiễm đường phố... Đặc biệt, tổ chức công đoàn, lao động – thương binh – xã hội cũng phải xuống vận động, bảo vệ lợi quyền cho người lao động rác dân lập” – đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Công ích quận 1 nói.

Trong khi đó, mới đây, UBND TP HCM cũng vừa chấp thuận đề xuất của Sở TNMT, về chủ trương tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ công tác quét, thu gom rác trên đường phố và thu, gom, vận chuyển rác sinh hoạt từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển, nhà máy xử lý. Công tác đấu thầu sẽ thực hiện ngay trong năm 2017 trên địa bàn các quận, huyện của TPHCM. Trong đề án đấu thầu này, điều đáng quan tâm nhất, liên quan đến lực lượng rác dân lập. Đó là UBND TP yêu cầu các cơ quan chức năng phải chuẩn hóa phương tiện thu gom rác sinh hoạt tại nguồn. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập. Cụ thể, họ được trang bị bảo hộ lao động, được vay vốn để chuyển đổi phương tiện thu gom rác tại nguồn.v.v…

Có thể nói, khi cải thiện, phát triển hoạt động của lực lượng rác dân lập lên một tầm cao mới, sẽ giúp định hình quy mô về phương tiện, nhân sự và chất lượng dịch vụ cho lực lượng này. Từ đó, tạo cơ sở để họ có thể cạnh tranh công bằng với lực lượng thu gom rác của các doanh nghiệp có vốn sở hữu của nhà nước, cũng như các công ty dịch vụ công ích.

 

Hoàng Hưng
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.