Từ lâu, bà con nông dân miền Nam đã biết được đặc điểm này nên đã ghép mãng cầu xiêm với cây bình bát và trồng phổ biến trên bờ ruộng, bờ kênh theo dạng canh tác quảng canh. Bình bát chứa nhiều hoạt chất kháng sinh thực vật, chiết xuất từ lá, hoa, quả, vỏ cây và rễ dùng làm thuốc để chữa trị một số bệnh, trong đó có các bệnh nan y và cũng có thể dùng làm thuốc bảo vệ thực vật. Thịt quả mãng cầu xiêm dùng làm nước giải khát được người tiêu dùng ưa chuộng vì có chứa đầy đủ các khoáng chất cần thiết cho con người như Lân, Canxi, B1, B2...
Tuy mãng cầu xiêm ghép với cây bình bát có rất nhiều công dụng và dễ trồng nhưng so với các loại cây ăn trái khác thì bà con nông dân chưa chú ý trồng rộng rãi thành các trang trại lớn. Những năm gần đây nông dân tỉnh Tiền Giang, Bến Tre có nhiều hộ đã chuyên trồng mãng cầu xiêm dù chưa nhiều nhưng đã cho hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu các địa phương có kế hoạch cụ thể để phát triển loại cây này thì khả năng tăng thu nhập cho bà con nông dân sẽ nhanh chóng thành hiện thực.
Trồng mãng cầu xiêm khá đơn giản, chỉ cần áp dụng kỹ thuật giống như trồng chanh, cam, bón nhiều phân hữu cơ, bón phân N-P-K cân đối như N-P-K 16-16-16 +TE hoặc các loại phân N-P-K chuyên dùng cho cây ăn trái, mỗi năm chỉ cần bón từ 3-4 lần.
Trong canh tác thông minh, đảm bảo an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các tỉnh đất bị nhiễm mặn, phèn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long, thì việc phát triển những trang trại chuyên canh cây mãng cầu xiêm để thay thế cho các loại cây ăn trái khác là điều cần phải nghĩ tới. Đó cũng có thể là một hướng đi thích ứng với biến đổi khí hậu và cũng từ đây nông dân ta vươn lên khá giàu.
Mãng cầu xiêm dễ trồng, có thể thay thế các loại cây khác
Lê Quốc Phong |