Vụ tranh chấp 712m2 đất tại Hà Tĩnh:

Huyện chỉ đạo cưỡng chế, sau 5 năm xã vẫn đang... làm báo cáo

Trần Tuấn |

Vụ việc tranh chấp mảnh đất 712m2 giữa 2 hộ dân tại xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) từ năm 2011 đã được UBND huyện Thạch Hà ra quyết định rõ ràng và giao UBND xã Thạch Khê đốc thúc thực hiện. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, chỉ đạo của huyện vẫn chưa được giải quyết

Quyền lợi bị ảnh hưởng kéo dài

Theo phản ánh của ông Hoàng Văn Thực (70 tuổi, trú xã Thạch Khê), năm 2002, anh Hoàng Quốc Trường nói đã được chú ruột (em cha) là Hoàng Quốc Sơn cho mình mảnh đất 712m2 (liền kề nhà ông Thực) sau một thời gian rời làng quê vào miền Nam lập nghiệp nên anh muốn bán mảnh đất mà chú cho mình. Thấy anh Trường rao bán nên ông Thực đã đồng ý mua với giá 450.000 đồng nhưng cho nợ một năm sau mới trả tiền. Việc mua bán có giấy viết tay hiện ông Thực vẫn còn giữ.
Gần một năm sau, khi ông Hoàng Quốc Sơn trong một lần về thăm quê đã cùng anh Trường đến nhà ông Thực lấy tiền mà trước đó anh Trường đã bán nợ đất cho ông Thực. Lúc lấy tiền, ông Sơn vẫn vui vẻ, không có ý kiến gì. Thế nhưng, đùng một cái, tháng 1.2010, ông Sơn về quê đòi lại mảnh đất mà trước đây cháu ruột mình bán cho ông Thực. Dù không được chấp nhận, nhưng ông Sơn vẫn tiến hành xây một ngôi nhà trên mảnh đất này. Cũng từ đó, gia đình ông Thực có đơn gửi chính quyền xã yêu cầu xử lý việc xây dựng trái phép trên đất mà mình đã mua. Sự việc đến ngày 1.3.2010 đã được UBND xã Thạch Khê tổ chức làm việc với hai bên tranh chấp theo hướng để hai bên thỏa thuận, nhưng cuối cùng không thống nhất được.
Đến ngày 30.1.2011, UBND huyện Thạch Hà có quyết định số 2583 về việc giải quyết khiếu nại đối với mảnh đất 712m2 đang tranh chấp của ông Thực. Nội dung quyết định nêu rõ, về nguồn gốc mảnh đất tranh chấp, theo xác minh của các chủ hộ liên quan thì gia đình ông Hoàng Quốc Sơn có làm nhà và ở trên mảnh đất đó khoảng thời gian từ 1985 - 1991 rồi chuyển vào miền Nam xây dựng kinh tế. Khi đi, gửi lại bằng miệng cho ông Hoàng Dinh (cha của ông Sơn). Ông Dinh cũng sinh sống một thời gian rồi vào miền Nam sống cùng con cháu nên ông Hoàng Văn (con ông Dinh, là anh trai ông Sơn) đã quản lý và sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất đó.
Theo hồ sơ 371 thì mảnh đất 712m2 thuộc bản đồ 05, thừa 245 đã kí xác nhận năm 1994 vào sổ mục kê của UBND xã Thạch Khê mang tên ông Hoàng Văn. Về giấy tờ mua bán thì năm 2002 anh Trường và ông Văn đã có giấy chuyển nhượng cho ông Thực. Đến năm 2004, khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất thì ông Thực đã đưa giấy viết tay đó xin xác nhận của UBND xã. Từ năm 2006, diện tích đất đó đã được vào sổ thuộc quyền sử dụng của ông Thực và các năm 2007, 2008, 2009, ông Thực đã đóng nộp thuế cho nhà nước.
Trên cơ sở đó, căn cứ Luật đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004, Nghị định 84/2007, UBND huyện Thạch Hà ra quyết định: Không thừa nhận việc đòi lại quyền sử dụng đất của ông Hoàng Quốc Sơn tại thửa đất số 245, tờ bản đồ số 5, hồ sơ đo đạc 371 năm 1994 của UBND xã Thạch Khê. Công nhận ông Hoàng Thành Thực được nhận chuyển nhượng sử dụng đất đối với thửa đất đó khi ông Thực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Giao trách nhiệm cho UBND xã Thạch Khê buộc ông Hoàng Quốc Sơn tháo dỡ phần xây dựng trên thửa đất đó và chịu chi phí hoàn trả lại mặt bằng như ban đầu.

Quyết định của UBND huyện Thạch Hà yêu cầu xã Thạch Khê đốc thúc tháo dỡ phần công trình xây trên đất ông Thực nhưng đến nay sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện. 
Ảnh: Trần Tuấn

Sau 5 năm vẫn đang... làm báo cáo

Mặc dù UBND huyện Thạch Hà đã có quyết định 2583 nêu trên giao nhiệm vụ cho UBND xã Thạch Khê buộc ông Hoàng Quốc Sơn tháo dỡ phần xây dựng trái phép để trả lại mặt bằng cho ông Thực. Thế nhưng, đến năm 2015, UBND xã Thạch Khê mới có thông báo lần 1 nêu: Sau khi có quyết định số 2583 của huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Khê đã mời các hộ gia đình có liên quan để thông báo thực hiện theo nội dung quyết định, nhưng ông Hoàng Quốc Sơn không chấp hành. Ngày 08.12.2015, UBND xã Thạch Khê đã mời hộ ông Hoàng Quốc Sơn về trụ sở xã và ấn định thời gian trong ngày 09.12.2015, gia đình ông Sơn phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng nhưng ông Sơn vẫn không chấp hành.
Thông báo số 01 của UBND xã này cũng yêu cầu hộ ông Hoàng Quốc Sơn (trú thôn Đan Khê, Thạch Khê) phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng trước ngày 18.4.2016 theo quyết định số 2583 của UBND huyện Thạch Hà. Sau thời gian trên, nếu không chấp hành, UBND xã cùng với các ban ngành có chức năng cấp huyện sẽ tiến hành tháo dỡ.
Thông báo như thế, nhưng ông Sơn vẫn không chấp hành, còn phía chính quyền xã vẫn không tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Đến ngày 08.12.2016, UBND huyện Thạch Hà có công văn số 2369 nêu ngày 25.3.2016, UBND huyện này đã có công văn 498 giao Chủ tịch UBND xã Thạch Khê giải quyết kiến nghị tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng trên đất ông Thực báo cáo về UBND huyện, nhưng huyện vẫn chưa nhận được báo cáo. Do vậy, nay UBND huyện tiếp tục giao Chủ tịch UBND xã Thạch Khê khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc trước ngày 30.12.2016. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Quyết định của huyện đã chỉ đạo giải quyết tháo dỡ phần xây dựng trái phép này trên đất của tôi. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, chưa có đơn vị nào tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Thử hỏi như thế ai mà không bức xúc” - ông Thực lớn tiếng.
Trả lời báo Lao Động lý do vì sao chậm cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trên đất ông Thực dù từ năm 2011 UBND huyện Thạch Hà đã có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND xã Thạch Khê, ngày 20.12, ông Dương Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho rằng, xã cũng đã thông báo cho gia đình ông Sơn tiến hành tháo dỡ phần xây dựng trên đất ông Thực. Tuy nhiên, ông Sơn không chấp hành mà đưa ra lý do Ban thanh tra huyện làm chưa đúng. Sau đó xã đã để cho gia đình ông Sơn tìm giấy tờ, cơ sở pháp lý chứng minh đất đó của ông. Thế nhưng rồi ông Sơn cũng không tìm được.
“Gia đình ông Sơn không tìm được giấy tờ chứng minh, thì rõ ràng đất đó thuộc về ông Thực rồi. Chúng tôi cũng đang làm báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của huyện rồi tiến hành cưỡng chế phần công trình ông Sơn xây dựng trên đất ông Thực, trả lại nguyên trạng đất cho ông Thực” - ông Tiến nói.  

Trần Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.