Đi tìm lời giải cho bài toán ngập lụt ở TPHCM

Huyền Trân |

Những ngày qua, người dân TPHCM phải liên tiếp đối mặt với tình trạng ngập lụt sau những trận mưa, đỉnh điểm là trận mưa lịch sử tối 26.9, với vũ lượng mưa trên 200mm đã khiến cả thành phố gần như chìm ngập trong nước. Hàng nghìn xe gắn máy, hàng trăm xe ô tô bị nhấn chìm trong hàng chục tầng hầm của các căn hộ, tòa nhà gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, những trận mưa có vũ lượng trên 200mm, thậm chí lớn hơn vẫn còn tiếp diễn và ngập lụt tại TPHCM sẽ tồi tệ hơn nếu như không có những giải pháp phòng chống trước mắt và lâu dài.

Chống ngập TPHCM đi sau BangKok 20 năm

Kinh nghiệm chống ngập nước tại các thành phố lớn ở Hà Lan hay BangKok (Thái Lan) cho thấy, để giải quyết bài toán ngập nước, đặc biệt là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải thực hiện 3 bước giải pháp: Giải pháp ngăn chặn bằng các công trình chống ngập (xây dựng hoàn chỉnh hệ cống, trạm bơm, đê ngăn triều…); giải pháp thích nghi (xây dựng hệ thống dẫn dòng, hồ điều tiết, hầm chứa nước sự cố); giải pháp giảm nhẹ thiệt hại (xây dựng nhà thích ứng với vùng ngập lụt, xây nhà dân có hồ trữ nước mưa tạm thời, kịch bản ứng phó sự cố để giảm thiệt hại…).

Tuy nhiên, theo Phó GS, TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, thực tế tại TPHCM mới đang triển khai bước 1 (ngăn chặn bằng các công trình chống ngập) – chủ yếu thực hiện theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19.06.2001, về phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020. “Lẽ ra đến thời điểm này, TPHCM phải xây dựng hoàn chỉnh các công trình chống ngập thì thực tế lại thực hiện rất chậm, mới đạt khoảng 40% khối lượng. Trong khi đó, như Bangkok họ đã thực hiện hoàn chỉnh giải pháp ngăn chặn chống ngập bằng công trình từ năm 1995 – tức đi trước TPHCM khoảng 20 năm. Hiện nay, họ đang thực hiện các bước giải pháp tiếp theo là thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại do ngập, còn thành phố chúng ta gần như chưa có gì” - TS Hồ Long Phi đánh giá.

Một điều đáng nói là giải pháp các công trình chống ngập TPHCM đã và đang thực hiện dường như không còn phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết hệ thống thoát nước của thành phố hiện chỉ có khả năng đáp ứng được với những trận mưa có tần suất 75-95mm trong 3 giờ. Trong khi đó, những năm gần đây, các trận mưa có vũ lượng lớn vượt tần suất thường xuyên xảy ra (gần đây nhất là trận mưa ngày 26.8.2016 có vũ lượng hơn 150mm trong 2 giờ 30; trận mưa 26.9 có vũ lượng 204mm chỉ trong 1 giờ 30 phút), nên hệ thống thoát nước thành phố bị quá tải, nước không có lối thoát gây ngập nghiêm trọng. “Cũng may thời điểm xảy ra trận mưa lịch sử tối 26.9, đỉnh triều cường không cao, nếu không thì việc kết hợp giữa mưa to và triều cường dâng cao không biết hậu quả ngập lụt sẽ như thế nào” – Tiến sĩ Phạm Sanh (Giảng viên ĐH GTVT) nhận xét. Theo tiến sĩ Phạm Sanh, hiện nay khoảng 60% diện tích của thành phố có cao trình thấp hơn + 1.5m so mực nước triều, thậm chí một số khu vực cao trình chỉ đạt 0,6-0,9m. Còn mực nước triều thì lại đang có xu hướng tăng cao dần theo hằng năm, năm sau thường cao hơn năm trước (đỉnh triều cao nhất tại TPHCM (năm 2014) đã đạt gần + 1.7m). Điều này có nghĩa, chỉ cần triều cường dâng cao vượt mức + 1,5m là 60% diện tích TPHCM đã đối mặt với ngập úng, nếu cộng thêm mưa lớn thì ngập càng khủng khiếp.

 

 TPHCM ngày càng ngập nặng - Ảnh: M.Quân 

 Quyết tâm nhưng thiếu nguồn lực

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tại TPHCM, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai nhiều dự án chống ngập nước trên địa bàn TPHCM với tổng kinh phí gần 100.000 tỉ đồng. Trong đó, thành phố tập trung xây dựng các hồ điều tiết (tại Tân Bình, Thủ Đức, Q.4), nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch xuyên tâm, rạch chính phục vụ tiêu thoát nước; cải tạo hệ thống cống; xây dựng các đập ngăn triều; các tuyến đê bao…

“Chính quyền thành phố cho thấy được sự quyết tâm trong việc chống ngập và hiện thành phố cũng không thiếu giải pháp, tuy nhiên cái thiếu chính đó nguồn lực tài chính. Với số tiền hạn hẹp mà ngân sách Trung ương rót lại cho TPHCM hằng năm như thời gian vừa qua thì còn lâu thành phố mới xây dựng xong các giải pháp công trình để ngăn chặn ngập nước” - Tiến sĩ Hồ Long Phi nói.

Từ đó, tiến sĩ Hồ Long Phi cũng phân tích thêm, để thực hiện được hoàn chỉnh hệ thống công trình chống ngập thì thành phố phải mất khoảng gần 10 năm nữa. Khi đó, giải pháp các công trình chống ngập này cũng chỉ có thể giải quyết giảm được khoảng 70-80% tình trạng ngập của thành phố mà thôi. Tuy nhiên sau đó, thành phố sẽ nguy cơ tái ngập nặng trở lại, vì các giải pháp công trình (xây cống lớn, trạm bơm, đê bao ngăn triều) được thiết kế chỉ có khả năng đáp ứng thoát nước, ngăn triều tương ứng với một giới hạn nhất định. Do vậy, sớm muộn những giải pháp công trình cũng sẽ trở nên lạc hậu, quá tải trước diễn biến mưa lũ, triều cường đang có xu hướng ngày càng dâng cao rõ nét do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

TS Hồ Long Phi dẫn chứng như BangKok của Thái Lan, dù đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình chống ngập (cống thoát nước, trạm bơm, đê bao…) từ năm 1995. Thế nhưng, trận mưa lũ lịch sử năm 2011, cả hệ thống chống ngập của BangKok tê liệt hoàn toàn, làm hàng trăm người thiệt mạng.

TS Hồ Long Phi khuyến cáo: “TPHCM có những nét tương đồng BangKok về nguyên nhân ngập lụt (do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn bất thường, mực nước triều cường cao, nhiều vùng có địa hình thấp trũng, bị lún…). Vì vậy, đừng bao giờ hy vọng giải pháp công trình có thể giải quyết được 100% tình trạng ngập lụt, đặc biệt là những trận mưa bất thường có lượng mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao và xả lũ từ thượng nguồn”.

 Xây dựng kịch bản giảm nhẹ thiệt hại

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán ngập lụt tại TPHCM, ngoài việc thành phố huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chống ngập (hệ thống cống, trạm bơm, đê bao, đập ngăn triều…), khắc phục các quy hoạch lỗi thời, thì thành phố cũng phải nhanh chóng quy hoạch, xây dựng cho bằng được hệ thống các hồ điều tiết, hầm sự cố được coi như giải pháp thích nghi.

Hiện nay, một số nước trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản họ xây dựng cả hệ thống những cống ngầm, hầm chứa nước kinh khủng dưới lòng đất. Nhiệm vụ của các hồ điều, hầm sự cố nhằm đối phó kịp thời với những cơn mưa bất thường có vũ lượng mưa lớn, hạn chế tối đa gây ngập lụt. Khi xảy ra mưa, lượng nước mưa được dẫn dòng về các hồ điều tiết, hầm sự cố để lưu trữ tạm thời, sau đó nước được bơm ra sông hoặc dùng để tưới công viên, cây xanh…

 

Trận mưa ngày 26.9, làm ngập nặng tại các tầng hầm để xe của các tòa nhà tại TPHCM - Ảnh: M.Quân  

Qua tìm hiểu của PV, cách đây khoảng 2 năm, thành phố cũng đã xác định được khoảng 100 vị trí trên địa bàn thành phố để đưa vào quy hoạch xây dựng hồ điều tiết. Trong đó, dự kiến đầu năm 2016, xây dựng thí điểm trước 3 hồ khu vực Bàu Cát – Q.Tân Bình (rộng 0,4ha), khu vực Khánh Hội – Q.4 (rộng 4,8ha) và hồ Gò Dưa – Q.Thủ Đức (rộng 100ha), nhưng thực tế đến nay, các hồ điều tiết này vẫn nằm trên giấy.

“Song song với việc quy hoạch, xây dựng hệ thống hồ điều tiết, hầm sự cố, thành phố phải kiên quyết nạo vét, khai thông, cải tạo lại hệ thống sông – rạch đã và đang bị lấn chiếm vô tội vạ, để phục vụ cho việc thoát nước tự nhiên. Đồng thời, cũng phải xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể lấn chiếm, san lấp kênh rạch, ao hồ trái phép. Bởi nếu vẫn cứ để tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch ồ ạt tiếp diễn như những năm qua thì việc xây hồ điều tiết cũng không giải quyết được vấn đề ngập, vì không đủ bù đắp diện tích ao, hồ, sông rạch thoát nước tự nhiên bị san lấp” – tiến sĩ Phạm Sanh nhận định.

Một vấn đề đang đặt ra là nếu đợi thành phố xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình chống ngập, hồ điều tiết, hầm sự cố phải mất ít nhất 10 năm nữa, trong khi đó những trận mưa có vũ lượng như đêm 26.9, thậm chí lớn hơn cộng với yếu tố triều cường dâng cao đang hiển hiện trước mắt, vậy thành phố nên làm gì để hạn chế thiệt hại cho người dân? Theo tiến sĩ Hồ Long Phi, trong thời gian chờ những giải pháp dài hạn, thành phố rất cần có hệ thống dự báo chính xác về mưa để người dân đề phòng, nhằm giảm nhẹ thiệt hại.

Được biết, mới đây, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới với tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng. Trong đó, thành phố sẽ trang bị, xây dựng hệ thống trạm ra đa dự báo thời tiết, mưa cho từng khu vực. Với hệ thống này sẽ giúp thành phố dự báo tương đối chính xác về mưa xảy ra ở khu vực nào, thời gian mưa, lượng mưa bao nhiêu, từ đó nhắn tin thông báo cho người dân biết trước…

“Cùng với hệ thống dự báo tương đối chính xác này, thành phố cũng cần xây dựng những kịch bản ứng phó cụ thể (mức độ nào thì sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ ngập nặng, cho học sinh nghỉ học, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường tránh bị ngập nước, kẹt xe…), nhằm giảm nhẹ nhất thiệt hại khi mưa lớn bất thường kết hợp với triều cường dâng cao và lũ từ thượng nguồn xả xuống gây ngập lụt nặng” – TS Hồ Long Phi đề xuất.

Dự kiến phải đợi đến khoảng năm 2021, thành phố mới thực hiện xong dự án dự báo tương đối chính xác mưa, ngập cho từng khu vực trên địa bàn TPHCM. Trong thời gian chờ dự án này, không cách nào khác người dân cần phải chủ động “tự cứu” mình, thông qua một số việc làm cần thiết sống chung với ngập như: Đối với nhà dân thì phải chuẩn bị bao cát để chặn nước vào nhà, di dời các ổ điện lên vị trí cao hơn; với những căn hộ có tầng hầm phải tính toán trang bị máy bơm hút nước, lắp đặt các van ngăn nước tràn vào…

Sẽ xử lý cán bộ nếu để kênh rạch bị lấn chiếm

Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, dù năm nào TP cũng đầu tư nhiều kinh phí nạo vét kênh rạch nhưng vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng ngập lụt do mưa, triều cường. Từ khảo sát thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn tới ngập lụt là việc quản lý địa bàn ở các địa phương còn kém khiến người dân, doanh nghiệp... lấn chiếm kênh rạch. Trong thời gian tới, nếu quận - huyện nào để xảy ra tình trạng kênh rạch, cửa xả, cống thoát nước bị ngập, tắc nghẽn do lấn chiếm thì sẽ xem xét trách nhiệm, thậm chí kỷ luật cán bộ.

 

Huyền Trân
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.