Vu Lan là lễ hội của tri ân, chuyển hóa và nguyện cầu

Ngọc Trang (thực hiện) |

Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan cũng như những đổi thay trong phong tục cúng lễ Vu Lan thời hiện đại.

Rằm tháng 7 Âm lịch thường được biết đến là ngày lễ Vu Lan. Xin Đại đức hãy chia sẻ về ý nghĩa và nguồn gốc của ngày này tại Việt Nam?

- Lễ Vu Lan trong tiếng Phạn (Sanskrit) được gọi là Ullambana, được dịch ra là “giải đảo huyền”, có nghĩa là cởi trói người treo ngược. Nó xuất phát từ câu chuyện của ngài Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật, có khả năng về thần thông biến hóa. Khi ngài xuất gia tu học, qua sự quán chiếu nhận ra rằng mẹ mình đã từng làm điều không tốt đẹp. Khi bà quá vãng bị đọa vào nơi không thiện lành, đầy những khổ đau.

Vì thổn thức muốn cứu mẹ ra khỏi nơi này, ngài Mục Kiền Liên đã bạch với Đức Phật làm sao để cứu độ mẹ mình. Từ lời thỉnh cầu của ngài Mục Kiền Liên, Đức Phật chỉ rằng muốn cứu độ mẹ, không ngoài gì khác là chuyển hóa tâm thức bà bằng cách nhờ thần lực lớn của nhiều người có năng lượng tu tập, là những vị xuất gia vừa hoàn tất 3 tháng an cư kiết hạ.

Từ lời dạy của Đức Phật, ngài Mục Kiền Liên đã thỉnh chư tăng cầu nguyện cho mẹ mình - tức bà Thanh Đề. Nhờ đó, bà chuyển hóa tâm thức và sinh về chốn an lành, giống như hình ảnh người bị treo ngược được cởi trói.

Từ nguồn gốc này, lễ Vu Lan có ý nghĩa thứ nhất là thể hiện tinh thần hiếu đạo. Tấm lòng của ngài Mục Kiền Liên với mẹ mình giúp mọi người nhận thức được công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Sinh ra làm người phải luôn thao thức và đáp đền công ơn đó, đồng thời có tâm báo đáp.

Với ý nghĩa trên, lễ Vu Lan được xem như là dịp để tri ân - báo ân, tạc dạ 4 ân trọng trong cuộc đời mà ta cần giữ gìn, báo đáp - đây là ý nghĩa thứ 2, gồm ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia và ân những người đã đem đến cho ta cơm ăn áo mặc.

Ý nghĩa thứ 3 của lễ Vu Lan là nguyện cầu và hướng tâm đến những người đang trong hoàn cảnh khổ đau. Đặc biệt, ý nghĩa này hòa quyện với truyền thống văn hóa người Việt của chúng ta đó là cầu nguyện những người mất chưa được siêu thoát. Do đó, người ta còn gọi Rằm tháng 7 là ngày Xá tội vong nhân.

Cuối cùng, lễ Vu Lan còn có ý nghĩa là dịp hướng tâm đến sự tu tập và chuyển hóa. Rằm tháng 7 là lúc kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ, chư Tăng sẽ cùng ngồi lại chỉ bảo, hướng dẫn cho nhau những điều được và chưa được trong quá trình cùng sống chung, tu tập, nhắc nhở về sự thay đổi để hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Đại đức có thể chia sẻ rõ hơn về tứ trọng ân trong ngày lễ Vu Lan?

- Theo quan niệm của Phật giáo, tứ trọng ân là những ân lớn đối với mỗi người khi hiện hữu trên cuộc đời. Trong đó, ân đầu tiên phải nhắc đến cha mẹ, những người có công sinh thành, dưỡng dục ta thành người.

Ân thứ 2 là ơn thầy bạn - những người đã truyền trao kiến thức, sự hiểu biết và cùng đồng hành, dìu dắt ta phát triển trong cuộc sống. Ân thứ 3 là ân quốc gia, được hiển thị qua hình ảnh những người đã bảo vệ biên cương bờ cõi, xây dựng đất nước để ta có nơi yên bình mà sống và phát triển.

Và cuối cùng là ân chúng sinh vạn loài - những người làm ra cơm áo, lúa gạo, vật thực, những điều kiện sống để ta có thể phát triển.

Đây là bốn đại ân mà bất cứ ai cũng phải nhớ kỹ và luôn tâm niệm trong lòng về sự báo đáp cho phù hợp.

Người dân và du khách tới dâng hương, lễ Phật tại chùa Quán Sứ trước dịp lễ Vu Lan. Ảnh: Hải Nguyễn
Người dân và du khách tới dâng hương, lễ Phật tại chùa Quán Sứ trước dịp lễ Vu Lan. Ảnh: Hải Nguyễn

Tháng 7 Âm lịch có nhiều nghĩa đặc biệt, vậy mâm lễ cúng mùng 1 và ngày Rằm để người dân cúng Phật, cúng gia tiên có gì khác so với những thời điểm mùng 1 và ngày Rằm khác trong năm, thưa Đại đức?

- Ngày Rằm và mùng 1 Âm lịch theo đạo Phật thường được gọi là ngày sóc vọng. Thông thường, trong những ngày này, người Việt hay tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất và sắm vật phẩm để dâng cúng. Rằm tháng 7 cũng vậy!

Mâm lễ cúng trong nhà và ngoài trời ngày Rằm tháng 7 có 2 ý nghĩa khác nhau.

Theo đó, mâm cúng trong nhà là cúng cho ông bà tổ tiên. Còn mâm cúng ngoài trời là để hướng tới những người khuất mặt khuất mày, linh hồn không nơi nương tựa, để cầu nguyện cho họ siêu thoát và phù hộ cho gia chủ được an lành.

Tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, vùng miền mà mâm lễ cúng ngày Rằm tháng 7 sẽ có thay đổi khác nhau, thường bao gồm hương hoa, bánh trái, mâm cỗ, đèn nến... Đặc biệt, mâm cúng ngoài trời thường có thêm cháo trắng để cúng các vong hồn. Nếu gia chủ là người hướng Phật thì thường dùng vật phẩm chay tịnh.

Theo tục lệ từ xưa, người Việt Nam thường đốt vàng mã trong các dịp lễ, Tết trong năm, đặc biệt là ngày Rằm tháng 7. Nhưng hiện nay, tục lệ này đang dần được thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Gần đây nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ra thông bạch, đề nghị không đốt vàng mã dịp lễ Vu Lan. Theo Đại đức, ta cần phải làm những gì để việc người dân không đốt vàng mã trở thành sự tự nguyện - tự giác?

- Hiện tại, khi phương tiện truyền thông phát triển, mỗi người có cách tiếp cận để hiểu được sinh hoạt nào là đúng, phù hợp. Trong đó, đốt vàng mã là một trong những sinh hoạt từ xưa gắn với nếp sống, phong tục của người Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều người đánh giá việc đốt vàng mã không đem lại nhiều lợi ích. Và theo quan niệm của Phật giáo, đốt vàng mã không có giá trị chuyển hóa gì đối với người đã mất.

Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua và cả năm nay, trước khi diễn ra lễ Vu Lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có thông bạch, hướng dẫn và nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử tuyệt đối không đốt vàng mã trong các khóa lễ, nghi thức và sinh hoạt tâm linh Phật giáo.

Điều này thể hiện sự văn minh, tiến bộ, tiết kiệm trong nếp sống và sinh hoạt. Song song đó cũng tạo cơ duyên thực hành lời Phật dạy về việc chuyển hóa tâm thức, kiến tạo năng lượng tích cực hơn là sử dụng vàng mã để cầu nguyện, cúng kiếng cho người đã mất.

Kết quả của việc thực hiện thông bạch không đốt vàng mã những năm gần đây ra sao, thưa Đại đức?

- Theo thực tế mà chúng tôi có dịp quan sát, phần lớn các tự viện và toàn thể chư Tăng Ni đều thực hành nghiêm hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc không đốt vàng mã trong các khóa lễ, nghi thức trong mùa lễ Vu Lan những năm qua. Điều đó cho thấy sự thay đổi lớn, rất văn minh trong sinh hoạt Phật giáo nhằm phù hợp với xã hội hiện đại.

Thay vì đốt vàng mã chúng ta nên làm những công việc gì để đón một mùa Vu Lan tháng 7 trọn vẹn mà vẫn thể hiện được tấm lòng của mình?

- Ý nghĩa lớn nhất của mùa lễ Vu Lan là tinh thần tri ân, báo ân và cầu nguyện. Do đó, chúng ta nên dành cả tâm thức và những điều kiện vật chất có được để tri ân, báo ân người đã có công sinh thành, dưỡng dục.

Song song đó, tiết kiệm từ việc không đốt vàng mã, ta có thể dành những khoản tài chính, kinh phí đó để hỗ trợ những người nghèo khó. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong thông bạch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm hướng tâm tới người có điều kiện sống không đủ đầy để cùng nhau phát triển. Chính việc làm này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tinh thần tương thân tương ái mà Giáo hội khuyến khích.

Xin cảm ơn Đại đức!

Ngọc Trang (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Pháp hội Vu lan báo hiếu với chủ đề "Đạo hiếu và dân tộc".

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ngày 11.8, tại chùa Bái Đính, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình Pháp hội Vu lan báo hiếu với chủ đề "Đạo hiếu và dân tộc".

5 loài hoa ý nghĩa dành tặng mẹ nhân mùa lễ Vu Lan

Tuấn Đạt (T/ Hợp) |

Nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu, hãy lựa chọn tặng mẹ những bông hoa tươi thắm và ý nghĩa để bài tỏ tình cảm, lòng hiếu kính.

Hàng nghìn Phật tử về Núi Bà Đen thực hành hiếu đạo mùa Vu Lan

Nhật Hạ |

Cuối tuần, Núi Bà Đen, Tây Ninh đón hàng nghìn Phật tử, du khách tham gia chuỗi chương trình văn hóa, nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan.

Đề xuất bệnh nhân ung thư được hưởng bảo hiểm y tế 100%

Thuỳ Linh |

Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư...

Metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn thiếu một điều để hút khách hơn

Thế Kỷ |

Metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục phá kỷ lục về lượt khách. Tuy nhiên, nếu có thêm các điểm gửi xe sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận.

Vụ máy bay rải hóa chất phá ruộng, chờ kết luận từ tòa án

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Phần diện tích 4.000m2 hoa màu bị máy bay rải hóa chất tàn phá là khu vực tranh chấp giữa 2 hộ gia đình, đang chờ kết luận từ tòa án.

Thông báo mới liên quan đến trái chủ ở vụ án Vạn Thịnh Phát

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 19.8, Tòa án tiếp tục phát thông báo về thời gian nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người mua trái phiếu trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Khai nhận của cựu Bí thư Bắc Ninh những lần nhận tiền tỉ

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, được cảm ơn tiền tỉ, kể cả khi sắp về hưu.

Pháp hội Vu lan báo hiếu với chủ đề "Đạo hiếu và dân tộc".

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ngày 11.8, tại chùa Bái Đính, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình Pháp hội Vu lan báo hiếu với chủ đề "Đạo hiếu và dân tộc".

5 loài hoa ý nghĩa dành tặng mẹ nhân mùa lễ Vu Lan

Tuấn Đạt (T/ Hợp) |

Nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu, hãy lựa chọn tặng mẹ những bông hoa tươi thắm và ý nghĩa để bài tỏ tình cảm, lòng hiếu kính.

Hàng nghìn Phật tử về Núi Bà Đen thực hành hiếu đạo mùa Vu Lan

Nhật Hạ |

Cuối tuần, Núi Bà Đen, Tây Ninh đón hàng nghìn Phật tử, du khách tham gia chuỗi chương trình văn hóa, nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan.