Văn chương và tiếng nói của loài vật

Lê Thị Hường |

“Tôi nặng lòng trước những đôi mắt lấm lét của voọc khi chúng phải băng qua đường nhựa trong rừng Sơn Trà. Thấy bất an đây đó đều có “đội quân” nhìn cánh chim trời như nhìn những miếng thịt tươi biết bay. Tôi chứng kiến cái ác từ thô sơ bẫy kẹp, bẫy dây cài đặt dưới đất, bẫy lồng, bẫy lưới giăng mắc trên cây đến cái ác mang tên dự án phát triển. Chụp tấm ảnh chim trời mà lòng tôi nơi mặt đất ngày dâu bể...”. Nhà văn Vĩnh Quyền chia sẻ trong bút ký Mây trắng hồi quang/ Viết & Đọc, mùa Hạ 2023 về “cái ác” của con người đối với tự nhiên.

Thái độ ứng xử với thiên nhiên ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn. Chối bỏ vai trò độc tôn của con người, văn chương gần đây đã lên tiếng về hành vi tàn phá tự nhiên trong đó có loài vật. Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn sớm lên tiếng về vấn đề này. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp luôn kiêu hãnh trong niềm khoái cảm săn bắt; và từ chỗ là kẻ thống trị tự nhiên con người trở thành nạn nhân do sự độc ác của mình (Con thú lớn nhất, Sói trả thù, Muối của rừng). Việc săn bắt động vật không còn là việc sinh tồn của loài người hoang sơ mà trở thành một phần của bản năng chiếm hữu, thống trị và xâm hại. Do niềm tự hào con người là trung tâm? Do quan niệm xem tự nhiên tồn tại lép trước con người? Do hệ quả của vô thức tập thể, coi động vật là đối tượng phải phục vụ con người?

Một nhân vật của Sương Nguyệt Minh tuyên bố “Con người là chúa tể của muôn loài. Voi, báo, hổ gấu, trăn rắn... rồi chim chóc, đến cỏ cây cũng chỉ để phục vụ con người” (Chim sâm cầm lại về). Với cái nhìn sinh thái, không chỉ săn bắt giết hại mà hành vi tách động vật ra khỏi môi trường hoang dã cũng là tội ác. Nhiều tác phẩm chính là tiếng nói lên án hành vi giết hại động vật như một khiếm khuyết về đạo đức sinh thái. Trong tiểu thuyết "Sậy" của nhà văn Thuận, một nhân vật người nước ngoài khi được mời ăn yến huyết (và được giải thích “đó là nước bọt phơi khô của một loài chim chỉ làm tổ trên những vách đá của biển”) đã “phun phì phì và kêu Chúa ơi”; ngạc nhiên và lạ lẫm trước lối ẩm thực của người Việt: “Còn cái gì mà người xứ này tha không ăn? Phân chồn, tim rắn, óc khỉ, tay gấu...” (Sậy).

Thiện ác là hai mặt luôn tồn tại trong con người và là cuộc đấu tranh không có điểm dừng. Văn chương đã lên tiếng thỏa đáng về cái ác, nhưng sự ác độc với loài vật vẫn là vấn đề nhức nhối còn khoảng trống. Với người cầm bút, thái độ thân thiện với tự nhiên là nguồn cảm hứng trong trẻo, nhân văn. Trong các nền văn học, nhiều tác phẩm thành kinh điển đã nói lên tiếng nói của động vật với cái nhìn hướng về cái đẹp.

Trân trọng cái đẹp của văn hóa ứng xử, Vĩnh Quyền là nhà văn luôn đeo đuổi khát vọng thấu thị tự nhiên. Chính vì lẽ đó, xuyên suốt và gắn kết trong các tác phẩm của ông (ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhiếp ảnh...) là cảm hứng về rừng, về thiên nhiên hoang sơ. Mê mải với rừng, trong bất cứ tác phẩm nào của Vĩnh Quyền cũng có những mảnh chuyện về giới động vật, hoặc đôi lúc chỉ là những khoảnh khắc xanh lặng yên mà như vô tận, là “những cảnh giới đẹp đẽ tuyệt vời”.

Trân trọng không gian sống của loài vật, nhà văn nhiều lần lên tiếng bảo tồn giá trị của chúng, từ các loài linh trưởng đến những bóng chim nhỏ nhoi đời thường.

Theo ông, “giá trị đặc hữu khiến nhà điểu học, nhiếp ảnh gia vượt nghìn dặm để gặp những loài chim duy nhất có tại một đất nước, một vùng miền, thậm chí một ngọn núi xa xôi”; trong khi đó tại rừng Kapet - “sinh cảnh tự nhiên của chim muông”, “mái nhà xanh lâu đời của các dân tộc anh em”, “một không-gian-sống bao đời của các cộng đồng thiểu số; một không-gian-thiêng đánh dấu bằng thánh tích, bằng lễ hội hành hương” lại có nguy cơ bị nhấn chìm vĩnh viễn (tản văn Kapet ơi tôi đã nghe lời thương ca).

Đọc tác phẩm của Vĩnh Quyền, cảm giác nhà văn không cần dụng công nghệ thuật, chỉ lắng nghe tiếng nói của tự nhiên và thổi mĩ cảm vào cái nhìn. Trong truyện ngắn "Sao hôm sao mai", từ những mảnh vỡ phân chia tứ tán nhưng có chất kết dính từ bên trong, tiếng nói của tự nhiên cất lên từ cuộc sống thường nhật nhưng không phải bao giờ cũng được lắng nghe. Đó là mảnh chuyện về vợ chồng khướu “nương vào mái che hòm thư để xây tổ đón mùa sinh sản”.

Chỉ vài dòng chữ như thơ, nhà văn đã vẽ một bức tranh thật yên bình “đôi chim cần mẫn gom lá thông khô lót ổ”, “... chúng lại bay đôi và có thể nghe tiếng kêu chiêm chiếp của chim non hóng lên trời xanh thiết tha”. Nhà văn đã thổi niềm yêu loài vật vào những trang văn vừa giàu lượng thông tin vừa mang đậm sắc thái thẩm mỹ. Đó là những phân cảnh về chim muông, giấc mơ phượng hoàng huyền thoại với “cây ngô đồng Việt trút sạch lá, trổ hết hoa, đau đáu phượng hoàng”, “tiếng đập cánh của lũ phượng hoàng trong mây mù”, sao hôm sao mai đan xen với những câu chuyện về lịch sử triều Nguyễn, về câu chuyện tình yêu, hôn nhân ở hai nửa bán cầu (Sao hôm sao mai).

Trong những trang văn của Vĩnh Quyền con người và loài vật luôn cùng nhịp điệu. Katy, người phụ nữ Úc say mê nghiên cứu động vật hoang dã, khao khát được nhìn thấy loài sói đỏ một lần trong đời nghiên cứu, nhưng trong khoảnh khắc nghe thấy dấu hiệu động dục của sói đỏ, “tiếng tru dài hào sảng bất đồ cất lên hướng thượng nguồn”; “níu tôi, Katy khẩn thiết: Để chúng tự do...” (Thương ngàn).

Trong cái nhìn mang tầm vĩ mô về tự nhiên, sinh thái qua những chi tiết nhỏ nhặt đời thường đã in đậm bóng dáng một con người nhân văn. Những trang văn của Vĩnh Quyền tiêu biểu cho một “lối viết xanh” và là hành vi văn hóa đẹp dành cho muôn loài. Cũng vì lẽ đó, Vĩnh Quyền đã góp phần đưa văn học Việt Nam vươn ra thế giới.

Trong bài “A book that brings Son Tra wildlife to your living room”/ “Một cuốn sách mang hoang dã Sơn Trà vào phòng khách bạn” (Lời nói đầu cuốn Rừng trong phố biển/ Forest in the coastal city của Vĩnh Quyền, Nxb Hội Nhà văn, 2019), Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập Tổ chức Heart For Primates, tâm sự: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà chính tình yêu dành cho các loài linh trưởng có thể lâm nguy và xứ Đông Nam Á đã dẫn tôi đi chung đường với nhà văn Vĩnh Quyền”.

Nhận ra tiếng nói loài vật từ những trang văn của Vĩnh Quyền, nhà động vật học người Bỉ đặt ra hàng loạt câu hỏi: Đời sống của chúng khác với chúng ta, con người? Chúng cũng có tình yêu, cảm xúc? Làm thế nào có thể chăm sóc chúng nếu hiểu biết ít hoặc không biết gì về chúng?... Con người không nên cho mình có quyền tước đoạt môi trường sống của chúng và khiến chúng rơi vào cảnh hiểm nghèo. Các loài linh trưởng không có tiếng nói tự vệ. Thay vào đó chúng ta hãy lên tiếng đại điện cho chúng (L. V. Beeken).

Đứng trước nguy cơ hủy diệt loài vật, ở Việt Nam, chưa bao giờ văn chương có tiếng nói mạnh mẽ như hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Tuy vậy, văn chương cần quan tâm hơn nữa đến “hạnh phúc” của các loài động vật, như cái nhìn và quan niệm của nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, Noah Harari, “khi đánh giá hạnh phúc toàn cầu, thật sai lầm nếu chúng ta chỉ xem xét hạnh phúc con người” (Yuval Noah Harari, Sapiens lược sử loài người, Nguyễn Thủy Chung dịch, NXB Tri thức, 2022).

Lê Thị Hường
TIN LIÊN QUAN

Còn 2 bước cuối, Hà Nam vẫn chưa lập được Khu bảo tồn voọc

Thu Giang |

Tỉnh Hà Nam hiện vẫn chưa thành lập được Khu bảo tồn voọc mông trắng dù 8 sở liên quan cùng UBND huyện Kim Bảng đã thống nhất đề nghị ban hành quyết định thành lập.

Voọc Sơn Trà được làm phim tư liệu để đưa đến khán giả Châu Âu

THÙY TRANG |

Đầu tháng 7 vừa qua, một đoàn làm phim đến từ Đức đã dành 15 ngày cho chuyến ghi hình tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Bất ngờ hơn khi nhân vật chính của bộ phim tài liệu là những đàn Voọc chà vá chân nâu – nữ hoàng linh trưởng đang cư ngụ ở núi Sơn Trà. Bộ phim dự kiến sẽ được phát song tại Châu Âu, giới thiệu về nỗ lực bảo tồn động vật quý hiếm của Việt Nam và vẻ đẹp của Voọc chà vá chân nâu.

Bảo vệ Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà

Mai Hương |

Là loại sinh vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện nay, Voọc chà vá chân nâu đang bị các đối tượng săn bắt trái phép bằng bẫy thú.

Vĩnh Phúc có tân Bí thư Tỉnh ủy

Nhóm PV |

Bộ Chính trị quyết định điều động ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025.

“Đế chế” Thanh Hằng Beauty Medi kinh doanh dịch vụ tế bào gốc ngay tại trụ sở

NHÓM PV |

Là một đơn vị kinh doanh làm đẹp lâu năm, "có tiếng" trong giới tuy nhiên tại Viện chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi (36 Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đang công khai mời gọi khách thực hiện dịch vụ làm đẹp bằng tiêm, truyền tế bào gốc giá cao.

Tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm khi điều hành giá điện

Cường Ngô |

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thống kê cho rằng, không cần thiết phải đưa nhiều cơ quan ban ngành vào cùng quản lý, điều hành giá điện, bởi khi có vấn đề gì xảy ra rất khó xử lý trách nhiệm tập thể, chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ.

Người dân ở Cần Thơ ngủ trưa ở cơ quan, săn sale để đối phó nắng nóng

VÂN HI |

Cần Thơ - Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, oi bức, giá điện nước tăng kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng khiến công nhân, người lao động phải hạn chế mua sắm, tiết kiệm chi tiêu.

Vụ 3 nữ sinh bị nước cuốn sau khi thủy điện xả nước, nhà máy thủy điện báo cáo gì?

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Phước - Liên quan đến vụ 3 nữ sinh bị nước cuốn mất tích, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể, 1 cháu vẫn mất tích. Qua báo cáo bước đầu, cơ quan chức năng xác định, nhà máy thủy điện vận hành đúng quy trình.

Còn 2 bước cuối, Hà Nam vẫn chưa lập được Khu bảo tồn voọc

Thu Giang |

Tỉnh Hà Nam hiện vẫn chưa thành lập được Khu bảo tồn voọc mông trắng dù 8 sở liên quan cùng UBND huyện Kim Bảng đã thống nhất đề nghị ban hành quyết định thành lập.

Voọc Sơn Trà được làm phim tư liệu để đưa đến khán giả Châu Âu

THÙY TRANG |

Đầu tháng 7 vừa qua, một đoàn làm phim đến từ Đức đã dành 15 ngày cho chuyến ghi hình tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Bất ngờ hơn khi nhân vật chính của bộ phim tài liệu là những đàn Voọc chà vá chân nâu – nữ hoàng linh trưởng đang cư ngụ ở núi Sơn Trà. Bộ phim dự kiến sẽ được phát song tại Châu Âu, giới thiệu về nỗ lực bảo tồn động vật quý hiếm của Việt Nam và vẻ đẹp của Voọc chà vá chân nâu.

Bảo vệ Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà

Mai Hương |

Là loại sinh vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện nay, Voọc chà vá chân nâu đang bị các đối tượng săn bắt trái phép bằng bẫy thú.