Từ dòng sông "chết" đến phục hồi kỳ diệu

Phương Hà |

Báo chí mô tả sông Thames là một cống rãnh bẩn và có mùi hôi kinh hoàng. Dường như không có cách nào để cải tạo nó - nhưng nó đã hồi sinh trở lại một cách ngoạn mục.

Từ nhiều thế kỷ nay, dòng sông Thames phát triển rực rỡ với hàng nghìn sinh cảnh, chảy qua trái tim của nước Anh. Dòng sông như một viên ngọc quý trên vương miện của London. Nhưng dòng sông bắt đầu bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sự vô ý thức của con người. Đến năm 1957, các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London tuyên bố sông Thames bị ô nhiễm đến mức chúng "chết về mặt sinh học."

Sau 60 năm bị “khai tử”, sông Thames đã trở lại thành một trong những dòng sông sạch nhất thế giới. Ngày nay, cuộc sống đang phát triển mạnh mẽ cả bên trên và bên dưới mặt nước cũng như quang cảnh xung quanh. Cuộc cải tạo này đã giành được Giải thưởng Sông Thiess Quốc tế trị giá 220.000 bảng Anh vào năm 2010 cho quá trình trùng tu, cải tạo xuất sắc "dòng sông chết" này.

Thùng rác của London

Sông Thames dài 346 km, cắt qua miền Nam nước Anh, chảy qua thủ đô London và đổ ra eo biển Manche. Khi dân số London tăng lên trong nhiều thế kỷ, tác động của đời sống đô thị đối với dòng sông cũng gia tăng đáng kể. Con sông gắn với đời sống của London nhưng cũng là “thùng rác” của London. Vào thế kỷ 19, dưới thời Nữ hoàng Victoria, chất thải công nghiệp, nước thải chưa qua xử lý, chất thải của các lò mổ - mọi thứ đều đổ vào sông Thames và kết quả là dòng sông bị ô nhiễm nhanh chóng. Đến thế kỷ 20, các vụ đánh bom trong Thế chiến II nhằm vào nhà máy xử lý nước thải khiến nhiều nước thải tràn ra sông Thames. Do ô nhiễm, lượng ôxy trong nước giảm đến mức không có sự sống nào có thể tồn tại được và hậu quả là cá chết hàng loạt. Viên ngọc của London nay được đặt tên là "The Great Stink” (tạm dịch: Mùi hôi “vĩ đại”). Không có oxy và tiếp tục hững chịu các chất ô nhiễm chưa được xử lý được thải ra, sông Thames bắt đầu bốc mùi và “chết”.

Sông Thames vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của người dân nhưng khi nó bị ô nhiễm, dịch tả bùng phát vào năm 1932 và tồn tại trong 22 năm, cướp đi sinh mạng của 35.000 người. Ban đầu, không ai tin rằng những cái chết xảy ra vì ô nhiễm nguồn nước. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho "chướng khí" hoặc ô nhiễm bầu khí quyển. Bệnh tả chỉ được kiểm soát sau khi quá trình phục hồi dòng sông bắt đầu.

Quá trình cải tạo

Con sông có mùi hôi kinh khủng, "The Great Stink" cuối cùng đã được Quốc hội Anh để mắt đến vào đợt nắng nóng năm 1857. Đợt nắng nóng cùng với sự bùng phát của dịch tả buộc các nhà lập pháp phải thông qua luật làm sạch sông Thames. Và mãi đến năm 1865, kế hoạch mới được thống nhất. Kỹ sư Joseph Bazalgette làm “kiến trúc sư trưởng” cho kế hoạch chuyển hướng dòng nước thải đổ vào các cửa xả ở Beckton và Crossness, khiến sông Thames ở trung tâm London không có nước thải.

Điều này đã cải thiện rất nhiều tình hình ở trung tâm London, nhưng nước ở hạ lưu thậm chí còn trở nên hôi hơn. Việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải 20 năm sau đó đã giúp cố định lượng nước ở hạ lưu nhưng sự gia tăng công nghiệp hóa và dân số ngày càng tăng của London vào đầu thế kỷ 20 tiếp tục gây căng thẳng cho sông Thames. Nước thải chuyển hướng đã khắc phục được mùi hôi, nhưng dòng sông trở nên chết chóc.

Một sứ mệnh khác để làm sạch sông Thames đã được thực hiện vào năm 1960. Việc xử lý nước thải được cải thiện hơn nữa, chất thải công nghiệp được loại bỏ, nồng độ oxy tăng lên và chất tẩy rửa phân hủy sinh học được đưa vào sử dụng.

60 năm trước, không có gì có thể tồn tại ở sông Thames và nó đã được tuyên bố là đã chết về mặt sinh học. Nhưng ngày nay, đây là nơi sinh sống của hải cẩu, kỳ nhông, cá heo và thậm chí thỉnh thoảng là cá voi và cá heo đi lạc. Sau khi được dọn dẹp sạch sẽ, sông Thames hiện có rất nhiều loài cá khác nhau. "Great Stink" đã trở thành một dòng sông hoàn toàn khác. Sông Thames hiện là nơi sinh sống của 125 loài cá và hơn 400 loài động vật không xương sống sống dưới bùn. Sự sống đang phát triển mạnh cả trên và dưới mặt nước. Thuỷ cầm, chim lội nước và nhiều loài chim biển hiện sống trong môi trường xung quanh sông Thames.

Cuộc sống trở lại trên dòng sông

Sông Thames "trở về từ cõi chết" và đang phát triển mạnh mẽ nhưng báo cáo mới nhất năm 2021 cho thấy có tới 300 tấn rác đang được thu hồi từ sông Thames mỗi năm. Số lượng nhựa, đặc biệt là chai nhựa, ngày càng tăng lên theo từng năm. Giữ cho sông Thames sạch sẽ đang trở thành một thách thức. Gần đây, Học viện Royal Holloway thuộc Đại học London phát hiện ra rằng có tới 75% lượng cá ở một số loài cá có sợi nhựa trong ruột. Điều này cho thấy nhiều vấn đề không ổn và vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ cho sông Thames trong sạch.

Trước đó, một chiến dịch bắt đầu vào năm 2015 do nhà thám hiểm Paul Rose khởi xướng yêu cầu người dân London làm điều đúng đắn và đảm bảo rằng rác của họ đi vào thùng chứ không đổ vào sông Thames. Chiến dịch này nhằm ngăn chặn làn sóng rác đổ vào sông Thames.

Ngoài ra, mặc dù việc xử lý nước thải vào sông đã được cải thiện đáng kể trong những thập kỷ gần đây, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do hệ thống thoát nước của London phần lớn được xây dựng vào những năm 1800 khi dân số của London chưa bằng 1/4 so với ngày nay, các trận bão khiến lượng nước thải dư thừa tràn vào sông Thames, kết quả là, các báo cáo cho thấy sự gia tăng nitrat, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước và động vật hoang dã. Do đó, đến nay, dòng sông vẫn cần tiếp tục được cải tạo. Giải pháp mới nhất là London đang nghiên cứu xây dựng Đường hầm Thames Tideway - nơi sẽ thu thập và lưu trữ nước thải thô thay vì cho phép nó tràn vào lưu vực thủy triều.

Bản báo cáo năm 2021 được đưa ra vào thời điểm quan trọng và nêu bật nhu cầu cấp thiết đối với Đường hầm Thames Tideway, được gọi là siêu cống mới của London. Hệ thống cống mới, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025, được thiết kế để thu lại hơn 95% lượng nước thải tràn vào sông từ hệ thống cống thời Victoria của London. Nó sẽ có tác động đáng kể đến chất lượng nước, khiến môi trường trong lành hơn để cả động vật hoang dã cũng có thể tồn tại và phát triển. Hệ thống cống ngầm cũng hoạt động như một biện pháp phòng chống lũ lụt tự nhiên và giúp giảm thiểu thời tiết khắc nghiệt như bão và lũ lụt.

Rất nhiều kinh nghiệm để các thành phố trên thế giới có sông chảy qua có thể học hỏi từ quá trình làm sạch và phục hồi sự sống ngoạn mục này của sông Thames - nước Anh. Bài học rút ra cho các dòng sông khác đang ở trong tình trạng ô nhiễm hoặc cận kề mức ô nhiễm là ngăn chặn nước chưa qua xử lý và chất thải công nghiệp tràn trực tiếp vào các con sông cũng như các biện pháp liên tục cần được thực hiện để ngăn chặn nhựa và các loại rác khác chảy vào nó, giữ cho dòng nước trong lành, mang lại giá trị kinh tế, du lịch, cảnh quan cho thành phố.

Phương Hà
TIN LIÊN QUAN

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn

NGÂN PHƯƠNG |

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn sẽ giúp TPHCM phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, tạo không gian công cộng, nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ trên sông cũng như dọc hai bên bờ sông.

Không thể lãng quên dòng sông

PHƯƠNG NGÂN |

Với 80km chiều dài đi qua địa phận TPHCM, sông Sài Gòn đã tạo nên nét đặc trưng của TPHCM. Sông Sài Gòn gắn với quá trình phát triển của TPHCM hàng trăm năm qua nhưng dường như người dân đang dần quay lưng lại với dòng sông này.

Mỏ vàng quỹ đất hai bên sông Sài Gòn

Hải Hà |

Việc phê duyệt triển khai đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045" được đánh giá sẽ tạo hành lang quan trọng hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất ven sông Sài Gòn vốn luôn là sự trăn trở trong nhiều năm qua của lãnh đạo thành phố cũng như giới nghiên cứu, chuyên gia và cả người dân.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn

NGÂN PHƯƠNG |

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn sẽ giúp TPHCM phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, tạo không gian công cộng, nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ trên sông cũng như dọc hai bên bờ sông.

Không thể lãng quên dòng sông

PHƯƠNG NGÂN |

Với 80km chiều dài đi qua địa phận TPHCM, sông Sài Gòn đã tạo nên nét đặc trưng của TPHCM. Sông Sài Gòn gắn với quá trình phát triển của TPHCM hàng trăm năm qua nhưng dường như người dân đang dần quay lưng lại với dòng sông này.

Mỏ vàng quỹ đất hai bên sông Sài Gòn

Hải Hà |

Việc phê duyệt triển khai đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045" được đánh giá sẽ tạo hành lang quan trọng hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất ven sông Sài Gòn vốn luôn là sự trăn trở trong nhiều năm qua của lãnh đạo thành phố cũng như giới nghiên cứu, chuyên gia và cả người dân.