"Trên cánh đồng chữ nghĩa, tôi tìm được chính mình"

Việt Văn (thực hiện) |

Mảnh mai, xinh xắn nhưng hàm chứa sự bướng bỉnh và nghị lực sống, nhà thơ trẻ Lữ Mai tạo cảm giác thân thiện cho người đối thoại và khiến cho người khác luôn muốn khám phá một điều gì đó ở chị. Khác với những bài viết trên báo Nhân Dân (nơi Lữ Mai làm việc) mực thước, cẩn trọng, thơ của chị lại dữ dội và lãng mạn.

Có nhà văn đã nói “tôi viết văn bởi vì tôi không biết bơi”. Còn chị đến với nàng thơ vì nhân duyên nào? Có phải kiếp trước chị cũng từng làm thơ?

- Từ khi còn nhỏ, tôi phát hiện ra mình luôn có nhu cầu và cảm xúc để ghi lại mọi câu chuyện bằng văn hoặc thơ. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố tôi là người lính trở về từ chiến trường Cam-pu-chia. Tuổi thơ tôi gắn bó với sườn đồi nơi bố mẹ tôi đã khai hoang, dựng nên mái nhà tranh và cực nhọc cày cấy, làm lụng. Tôi thích ghi lại mọi câu chuyện như một cách bày tỏ tình cảm từ thuở ấy. Khi thì là những bài thơ dán ở góc học tập, khi xuất hiện trên báo tường ở lớp. Tôi không thể nào quên gương mặt khắc khổ của bố mẹ đã ánh lên niềm vui thật rạng rỡ khi đọc những trang viết đầu tiên ấy, khi nghe thầy cô khích lệ tôi. Thực ra, tôi không biết liệu có cơ duyên nào sâu thẳm, nhưng có một điều khá chắc chắn, đó là hiện thực cuộc sống, bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình là nguồn cảm hứng khiến tôi cầm bút.

Đã xuất bản 3 tập về biển đảo: Tản văn, ghi chép “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” (in chung với tác giả Trần Thành) và Trường ca “Ngang qua bình minh” do Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác, bản thân Mai đã đến Trường Sa năm 2019, đâu là kỷ niệm nhớ nhất của chị trong chuyến đi? Và nó có làm thay đổi cách nhìn của chị về những người lính biển?

- Bởi bố tôi là người lính, tuổi thơ tôi được đùm bọc bằng từng cân gạo, bao khoai sắn... từ đồng đội của bố nên cái nhìn về người lính trong tôi sớm rõ nét, sinh động qua bao câu chuyện. Trong chuyến công tác Trường Sa, nhãn quan ấy tiếp tục được rộng mở hơn với nhiều chất liệu thực tế của cuộc sống hôm nay. Tôi được gặp những thủy thủ trẻ trung, thông thạo nhiều ngoại ngữ, tự tin và nhạy cảm. Tôi được gặp những người lính đảo vốn sinh ra ở miền núi, trung du, cả tuổi thơ chưa từng được đi tới biển. Vậy mà vì những cơ duyên đặc biệt, cao hơn hết là lựa chọn hiến dâng, họ đã có tuổi thanh xuân đẫm sóng gió nơi hải đảo. Và sau chuyến đi, tôi tiếp tục nối dài hành trình bằng cách tìm hiểu, thăm nom gia đình những người lính biển.

Tôi đã chứng kiến bao niềm vui, nỗi buồn của đời sống thường nhật khi bố mẹ phải xa con, vợ xa chồng, con xa bố. Đã có những em nhỏ níu tay tôi mà “đòi”: “Con muốn được bố đưa đến trường như các bạn”, “Con muốn ngày khai trường được thấy bố”. Đó là lý do vì sao tôi đã tham gia nhiều chương trình dành cho hậu phương người lính, từ Trung thu cho con em lính đảo, tới ngày khai trường mang sắc màu Trường Sa... Tất cả khiến tôi nhận ra rằng, để hiểu về người lính, ta cần trải nghiệm nhiều hơn một chuyến đi. Làm sao để ta buồn, ta vui niềm vui của thân nhân và họ. Ta chỉ có thể làm được điều đó khi gắn bó với người lính bằng tình cảm như người thân thiết, như cơ duyên tiền kiếp.

“Cách cha ông ta từ chối sống cho mình/ không chỉ biển sâu/ đến trời cao còn khát/ đời đời lắng bồi mê man trầm tích/ nghìn năm triệu năm/ sóng bạc vẽ mắt người” hay “...lửa bùng lên mặc nhiên sẽ tro tàn/ phía sau tro tàn vẫn tình yêu thuần khiết/ Vẫn đoàn người hành quân từ miền khác/ Không về quê mình mà tới biển mênh mông." (trích tập thơ “Ngang qua bình minh”) - những câu thơ hào hùng và cũng rất lãng mạn. Nguồn cảm hứng nào thôi thúc chị viết những câu như thế và nó được viết ra giữa biển hay tại căn nhà ấm cúng của chị?

- Khi lênh đênh trên biển, có thể sẽ le lói những hình ảnh, cảm xúc hoặc tứ thơ... nhưng để viết ra thành tác phẩm tôi thường cần thời gian, độ lắng, độ lùi... Nhưng tôi sẽ chuẩn bị cho tất cả những điều đó. Suốt hải trình, tôi thường ghi chép rất kỹ mọi hình ảnh, câu chuyện, cảm xúc... để khi trở về, đó là chất liệu khơi nguồn giúp ta nghĩ và viết sâu hơn, xa hơn. Sự thật là có những con sóng bạc như cồn cào vẽ hình từng đôi mắt mở chong chong. Nhưng đó là cái nhìn của tôi, tôi đẩy câu chuyện theo chiều hướng đó. Cũng một hiện thực ấy, có người lại thấy khác, lại đẩy câu chuyện theo hướng khác. Thú vị là ở đó. Mỗi khi tôi viết trường ca, tôi thường tập trung và cũng tranh thủ nhiều thời gian trong ngày và hiếm có điều gì chi phối, xen lẫn được vào thế giới đó.

“Chư Tan Kra mây trắng” là trường ca đầy xúc động về chủ đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của những người lính thể hiện tình đồng đội cao cả. Trong có những câu thơ “Bao năm mẹ thắp nhang lên ngôi mộ/ giấc ngủ vẫn chưa yên/ vết cắt vẫn chưa lành/ngày con đi mẹ nhìn đò qua sông/sao con đò hóa hình trái ngư lôi/chờ phát nổ”. Thơ của chị giàu hình ảnh và có nhiều chi tiết mang tính biểu trưng. Vì chị hay quan sát cuộc sống và hình tượng hóa lên hay vì chị có trí tưởng tượng phong phú?

- Tôi nghĩ thơ ca cần cả hai, và cần thêm nhiều yếu tố khác nữa. Cùng một thực tế, nhưng để có tác phẩm thì người nghệ sĩ phải có cái nhìn khác, phải đẩy được những hình ảnh, cảm xúc mình nắm bắt được vào từ trường riêng biệt được tạo ra. Mỗi khi tôi định viết về một điều gì đó, tôi nghĩ ngợi nhiều và đôi khi đau ốm. Chẳng hạn, ngày tôi đi Trường Sa, đêm đến tổ phóng viên thường thức xem bộ đội câu cá. Các phóng viên ảnh sẽ kì cạch máy móc suốt. Phóng viên truyền hình tìm góc quay một cách chật vật. Tôi lặng lẽ ngồi một góc phía xa, không hỏi han chuyện trò nhiều mà im lặng. Trăng rất sáng, và không ai câu được con cá nào. Những đồng nghiệp lăm lăm máy ảnh máy quay cố giấu vẻ thất vọng. Người lính thấy tôi vẫn chưa rời chỗ, bèn thủ thỉ: “Trăng sáng thì nhiều cá, nhưng trăng mà sáng quá thì cá như thể đã bơi về cõi khác mất rồi...” Tôi bắt được ngay ý đó và viết những câu thơ: “Trăng sáng quá cá bơi về cõi khác/ Người vẫn buông câu nói chuyện quê mình”. Chuyện câu được cá hay không thực ra cũng không quan trọng, mà điều quý giá với những người lính đó là họ có được khoảnh khắc hiếm hoi được trò chuyện, tâm tình về quê hương, gia đình, bản thân... và nhận về sự chia sẻ. Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” cũng vậy. Tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động từ các cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt và tôi muốn thể hiện bằng cách nhìn của mình. Ví dụ, các ông kể, khi đi tìm hài cốt đồng đội, đào được nhiều chiếc bi đông, không hiểu lý do gì, trong đó vẫn có nước. Tôi viết: “Chiếc bi đông vùi sâu nguyên nước/ Rót cơn mưa lên mặt người về”. Các bác đọc sách, khóc vì cơn mưa đó...

Trường ca “Hồi sinh” của chị xuất bản đúng vào đại dịch, chủ đề về đại dịch, và toàn bộ doanh thu phát hành sẽ được sử dụng để hỗ trợ trẻ mồ côi sau đại dịch. Câu chuyện nào chị chứng kiến hay được nghe trong đại dịch làm chị cảm thấy nghẹn ngào nhất? Và Covid 19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sáng tác của chị như thế nào?

- Tôi là một người mẹ, nên mọi suy nghĩ và tình cảm có phiêu lưu đến mức nào thì cuối cùng vẫn quay lại bản năng được yêu thương, che chở, vỗ về con cái. Tôi còn nhớ giai đoạn toàn xã hội phải đối diện với dịch bệnh, trẻ nhỏ học online, người lớn vẫn đi làm, bấn loạn vì bao mối lo chồng chéo. Thế nhưng hễ đêm về, tôi đều thấy con giật mình, khóc trong mơ, khi khóc to, khi chỉ có nước mắt chảy thấm vào gối. Chúng ta cứ nghĩ rằng những vấn đề người lớn đang phải giải quyết mới thực sự cam go, cực nhọc... mà đã quên đi rằng thế giới của trẻ thơ đang đầy bất trắc, hiểm họa, dù chúng vẫn hiện hữu ở đó để ăn uống, học tập, chơi đồ chơi giữa bốn bức tường. Xa xôi hơn, có những trẻ em, cha mẹ đã vào vùng dịch, mồ côi cha mẹ thì còn nhiều nguy cơ, đau đớn hơn nhiều. Tôi chưa thể làm được điều gì đáng kể hơn để chia sẻ với trẻ nhỏ, với những mảnh đời bất hạnh sau đại dịch. Một tác phẩm nhỏ vừa là trách nhiệm của người cầm bút, cũng là niềm day dứt của tôi khi đã chưa thể làm được điều gì lớn lao hơn.

“Người ta đối thoại với nhau/ Sao mình đau/ Thấy như tim ngừng đập/Thấy đón đầu cửa ngực một dòng sông (trích bài “Thời cách ngăn trống rỗng”). Chị từng có những trải nghiệm về nỗi đau?

- Chúng ta có nhiều cách để trải nghiệm, và nhiều khi không nhất thiết đó phải là nỗi đau của chính mình. Tôi tin rằng, những con người tử tế, trong cuộc đời hẳn có những khi chứng kiến người thân yêu của mình đau đớn, thì còn đau gấp nhiều lần nỗi đau của chính mình. Sẽ có những khi chúng ta ước được đau thay cho nhau còn hơn nhìn thấy mà bất lực. Không ai muốn trải nghiệm nỗi đau, vì chúng ta không biết trước nỗi đau đó sẽ đẩy mình đi đến tận đâu. Nhưng trách nhiệm cuộc sống buộc ta phải đối diện. Tôi hay mọi người cũng đều như thế, người làm thơ thì có may mắn hơn đó là chia sẻ được nỗi đau của mình, của moi người lên trang viết.

Chị quan niệm về nghề văn: “Nghiệp chữ nhọc nhằn nhưng cao hơn tất cả đó là hạnh phúc.. Trên cánh đồng chữ nghĩa, tôi tìm được chính mình”. Chị đã hiểu hết về mình chưa? Đâu là khát vọng sống và mục đích cuối cùng của chị?

- Thật khó để hiểu hết về mình, tôi nghĩ mọi người cũng vậy thôi, khó ai tự tin khẳng định điều đó. Tôi luôn tự nhủ hãy sống tử tế, làm những việc tử tế, và nếu có thể, hãy cho đi thật nhiều. Tôi chưa từng có ý muốn giữ lại cho mình một điều gì cả. Tôi đăng ký hiến tạng từ rất sớm, ở độ tuổi thanh niên, lúc chưa lập gia đình. Như thế nghĩa là, tôi luôn sẵn sảng, nếu một ngày nào đó mình rời khỏi cuộc đời này, thì thân thể tôi, còn điều gì có ích, có thể cứu người, tôi sẵn sàng trao đi, không luyến tiếc.

Cám ơn Lữ Mai và chờ mong những tác phẩm mới của chị.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai, sinh năm 1988 ở Thanh Hóa, hiện sống tại Hà Nội. Nhiều tác phẩm đã xuất bản như “Giấc”, “Mở mắt rồi mơ”, “Thời cách ngăn trống rỗng”  (Tập thơ), “Hà Nội không vội được đâu” (Văn xuôi), “Linh hồ” (Tập truyện ngắn), “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”, “Những mùa hoa còn lại” (Tản văn), “ Ngang qua bình minh”, “Chư Tan Kra mây trắng”, “Hồi sinh” (Trường ca).

Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Căn nhà 6m2 của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh sau 34 năm

Tiến Anh |

Gần 34 năm, kể từ khi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trở về cõi tạm, căn phòng hai nghệ sĩ sinh sống vẫn lặng lẽ cùng tháng năm. Từng kỷ vật vẫn vẹn nguyên như thách thức sự chảy trôi của thời gian và thế sự.

Nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hữu Long |

Khánh Hòa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: “Giữ lại những giá trị hiện tồn của dân tộc mình

Phan Đức Lộc (thực hiện) |

Nhà thơ Lý Hữu Lương với tập thơ “Yao” đã được vinh danh tại Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I. Anh đã có những chia sẻ chân thành về tác phẩm đoạt giải cùng những trăn trở, dự định về con đường văn chương phía trước.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Căn nhà 6m2 của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh sau 34 năm

Tiến Anh |

Gần 34 năm, kể từ khi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trở về cõi tạm, căn phòng hai nghệ sĩ sinh sống vẫn lặng lẽ cùng tháng năm. Từng kỷ vật vẫn vẹn nguyên như thách thức sự chảy trôi của thời gian và thế sự.

Nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hữu Long |

Khánh Hòa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: “Giữ lại những giá trị hiện tồn của dân tộc mình

Phan Đức Lộc (thực hiện) |

Nhà thơ Lý Hữu Lương với tập thơ “Yao” đã được vinh danh tại Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I. Anh đã có những chia sẻ chân thành về tác phẩm đoạt giải cùng những trăn trở, dự định về con đường văn chương phía trước.