Tính chuyện đổi đời ở những lõi nghèo

Bài và ảnh Nguyễn Tùng |

Miền núi phía Bắc đến nay vẫn là một trong những lõi nghèo của cả nước bởi đây là khu vực gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế xã hội, trong khi đó đồng bào dân tộc chiếm đa số với xuất phát điểm thấp. Để giảm nghèo bền vững, câu chuyện tạo sinh kế từ đó nâng cao thu nhập vẫn phải là giải pháp căn cơ.

Thay đổi tư duy sản xuất

Tỉnh miền núi Hà Giang với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo tại đây vẫn ở mức trên 40%. Địa phương này là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Thách thức về công tác giảm nghèo của Hà Giang không chỉ để đồng bào có cái ăn mà cao hơn là người dân có thu nhập ổn định bằng những sinh kế bền vững.

Bắt đầu trồng cây đương quy từ những năm 2000 nhưng phải đến năm 2015, anh Vàng Thiện Nghì (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) mới thực sự mở rộng diện tích cho loại dược liệu có giá trị này, từ 0,2 hécta đến nay diện tích cây đương quy của anh Nghì đã lến tới hơn 5ha. Cây dược liệu vốn đã được trồng ở vùng đất này từ hàng chục năm nhưng cũng chỉ dừng ở mức để dùng và bán nhỏ lẻ ngoài chợ, đồng bào chưa nghĩ đến những giá trị lớn mà nó có thể mang lại.

Có lẽ cũng vì thế mà người Dao, người Tày ở mảnh đất này quanh năm đối mặt với thiếu ăn, đói nghèo dai dẳng. Bởi đất sản xuất có hạn, cây ngô cây sắn cũng chỉ trồng có vụ, chuyện chưa đến mùa đã hết gạo là thường xuyên. Nhưng không mấy ai nghĩ tới chuyện sẽ trồng dược liệu ở quy mô lớn.

Anh Nghì cho biết: "Quyết định chuyển đổi từ cây ngô, cây rau vụ đông sang dược liệu là khá mạo hiểm, bởi thời điểm đó cả xã gần như không ai dám làm. Sau khi được học về kỹ thuật, rồi được hỗ trợ những cây giống ban đầu mình phải thử, chỉ có thử mới biết có làm được không".

Với anh Nghì đó là quyết định đúng đắn, trong khi cây ngô, vườn rau mỗi năm cũng chỉ mang lại hơn 20 triệu đồng, gọi là đủ ăn cho cả gia đình chứ chưa nói chuyện mua sắm gì, mỗi ha cây đương quy lại mang về từ 80 đến 100 triệu đồng. Nỗi lo về cơm gạo theo mùa vụ đã không còn, cả gia đình hiện nay chỉ tập trung làm dược liệu.

Thời gian đầu, những cây đương quy, hà thủ ô, atiso tại Quyết Tiến hầu như chỉ được bán tươi ngay tại vườn, giá trị cũng không thực sự cao. Nghĩ nhiều, rồi xem cách mà các nơi đã làm, những hộ đồng bào người Dao đã cùng nhau lập ra hợp tác xã (HTX) dược liệu đầu tiên cho riêng mình để chế biến cây dược liệu thành những sản phẩm cho giá trị. Năm 2014 HTX dược liệu Nặm Đăm ra đời.

Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã có 20 hộ đồng bào cùng tham gia với tổng diện tích dược liệu hơn 12 ha. Nhà xưởng rộng 5.000m2 hình thành với các loại máy móc nấu, chiết trách dược liệu bằng nguồn vốn vay chính sách. Thu nhập từ các sản phẩm như cao atiso, mật ong bạc hà, các loại thuốc mát gan... đã cho giá trị thu về cao gấp nhiều lần nếu chỉ bán tươi. Hiện nay doanh thu của HTX trung bình trên 1,5 tỉ đồng mỗi năm.

Anh Lý Tà Rèn - Giám đốc HTX dược liệu Nặm Đăm phấn khởi: "Đồng bào mình trước nghèo lắm, ăn không đủ đâu, làm thuê cho người ta thì ngày được ngày không. Từ khi có HTX mọi người cùng vào đây làm việc, thu nhập cũng đều hơn. Tính ra mỗi tháng cùng được hơn 4 triệu đấy, vậy là cao hơn cây ngô nhiều rồi. Giờ nhà nào cũng có xe máy để đi, nhiều người không còn là hộ nghèo nữa".

Huyện vùng cao Quản Bạ đã được xác định là 1 trong những vùng trồng dược liệu trọng điểm của tỉnh Hà Giang bởi khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi, tổng diện tích cây dược liệu tại đây đã phát triển lên hơn 3.000ha. Trồng và chế biến dược liệu đã trở thành hướng thoát nghèo chính và bền vững cho đồng bao dân tộc tại đây.

Theo ông Phạm Ngọc Pha - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cây dược liệu cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần các cây truyền thống, việc này đã được chứng minh bằng thực tế trong những năm qua. Cây dược liệu phát triển tốt, cho năng suất cao nhưng quan trọng hơn mang lại nguồn thu ổn định cho đồng bào.

"Chúng tôi có quy hoạch từng vùng trồng dược liệu để có những loại cây phù hợp, đặc biệt là phải luân phiên nhiều giống khác nhau để cho thu hoạch quanh năm. Khi rau vụ đông thì trồng xen kẽ cây dược liệu, rau thì ngắn ngày cho thu hoạch sau đó là đến cây dược liệu. Nhờ đó người dân có thu nhập ổn định và chỉ có thu nhập ổn định thì giảm nghèo mới bền vững được" - ông Pha cho hay.

Sinh kế là mấu chốt giảm nghèo bền vững

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang ước giảm được 33.163 hộ nghèo, đạt tỉ lệ hơn 4% mỗi năm, đặc biệt 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ có tỉ lệ giảm nghèo mỗi năm đạt trên 6,1%. Với các tỉnh miền núi phía Bắc khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang..., tỉ lệ giảm nghèo bình quân năm tương ứng từ 2 đến hơn 3%. Mặc dù vậy, với các lõi nghèo của cả nước số hộ nghèo trên tổng dân số vẫn khá cao.

Điều này đã đặt ra những thách thức mới cho giảm nghèo tại các địa phương, đặc biệt những tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn cũng như nguồn lực hạn chế cho phát triển kinh tế. Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, công tác giảm nghèo thời gian qua đã đạt nhiều tích cực, tuy nhiên nhìn tổng thể chính sách giảm nghèo còn nhiều và khá dàn trải khiến nguồn lực bị phân tán.

"Mặc dù những chính sách hỗ trợ mang tính cho không đã hạn chế đi rất nhiều nhưng chính sách lại đang dàn trải, thậm chí một số còn chồng chéo. Hiện nay mặc dù không nhiều nhưng ở một số bộ ngành và các địa phương vẫn đang tồn tại những chính sách riêng về hỗ trợ giảm nghèo. Việc này khiến nguồn lực bị phân tán, nhỏ lẻ kéo theo hệ lụy trong thực thi chính sách" - ông Lợi nhận định.

Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả hơn, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh và tập trung tổng lực vào một số chương trình nhất định như Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số giai đoạn tới. Khi đã có chương trình phù hợp thì nguồn lực cần tập trung vào những chính sách thiết thực và quan trọng nhất là phải khơi gợi và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Theo ông Lợi: "Chúng ta phải trao cần câu chứ không trao con cá, đó là là phải tạo ra được thu nhập ổn định cho người nghèo, đó chính là sinh kế bền vững. Chính sách phải ổn định và có tính lâu dài, không thể dồn lực hỗ trợ cho người dân có thu nhập ở giai đoạn đó rồi sau hết nguồn lực người nghèo lại tái nghèo. Mấu chốt thực hiện phải là tiến tới chấm dứt ngay tình trạng tự cung tự cấp tại những lõi nghèo và chuyển sang phát triển hàng hóa cho giá trị".

Bên cạnh đó nguồn lực cho chính sách không phải chỉ hướng tới mình đối tượng là người nghèo mà cần có cái nhìn tổng thể trên phạm vi vùng. Đó là dùng nguồn lực để thúc đẩy sự chuyển đổi trong sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức đầu tư kinh doanh tại những lõi nghèo, miền núi. Hàng hóa, sản phẩm làm ra có tiêu thụ được hay không, có giá trị cao hay không phần nhiều phụ thuộc vào chuỗi tiêu thụ chế biến. Do đó phải thúc đẩy mạnh khu vực này.

Sau cùng, ông Lợi nhấn mạnh: "Dù ở đâu và hoàn cảnh nào thì ý chí tự lực, tự vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi bàn tay khối óc của người nghèo sẽ là điều quyết định. Trước tiên có sinh kế rồi thì phải duy trì và phát triển nó từ đó tạo ra thu nhập ổn định, bền vững. Thoát nghèo và không tái nghèo mới là mục tiêu cao nhất".

Bài và ảnh Nguyễn Tùng
TIN LIÊN QUAN

Các điểm đến vùng cao chuẩn bị gì để đón du khách săn tuyết?

An Trịnh |

Nhu cầu du lịch mùa đông ngày càng tăng cao, đặc biệt trong những ngày gió mùa về, nền nhiệt độ xuống thấp. Để đón đầu xu thế này, nhiều tỉnh miền núi đã có những cách làm hiệu quả.

Thôn bản vùng cao yên tâm sản xuất với hệ thống đèn đường

Huỳnh Nguyên |

Nếu như trước đây, mỗi lần có việc đi hoặc về khuya, người dân xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum luôn nơm nớp lo lắng khi phải lưu thông trên những con đường tối tăm không ánh đèn; thì giờ đây, hệ thống đèn bằng năng lượng mặt trời đang tạo điều kiện để bà con yên tâm lao động và sản xuất.

Phụ nữ vùng cao Yên Bái tự lực vươn lên thoát nghèo

Văn Đức |

Nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, vươn lên thoát nghèo.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Các điểm đến vùng cao chuẩn bị gì để đón du khách săn tuyết?

An Trịnh |

Nhu cầu du lịch mùa đông ngày càng tăng cao, đặc biệt trong những ngày gió mùa về, nền nhiệt độ xuống thấp. Để đón đầu xu thế này, nhiều tỉnh miền núi đã có những cách làm hiệu quả.

Thôn bản vùng cao yên tâm sản xuất với hệ thống đèn đường

Huỳnh Nguyên |

Nếu như trước đây, mỗi lần có việc đi hoặc về khuya, người dân xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum luôn nơm nớp lo lắng khi phải lưu thông trên những con đường tối tăm không ánh đèn; thì giờ đây, hệ thống đèn bằng năng lượng mặt trời đang tạo điều kiện để bà con yên tâm lao động và sản xuất.

Phụ nữ vùng cao Yên Bái tự lực vươn lên thoát nghèo

Văn Đức |

Nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, vươn lên thoát nghèo.