Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và sự cố kết cộng đồng

ts. Nguyễn Hữu Mạnh |

Trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh đã viết trong “Địa chí Vĩnh Phú: Văn hóa dân gian vùng đất Tổ”: “Cả nước làm giỗ Tổ! Đối với chúng ta thì đó dường như là một điều tự nhiên, một điều bình thường. Nhưng xét cho kỹ thì điều đó không bình thường một chút nào cả. Trái lại, đó là một trong những nét độc đáo, rất độc đáo trong văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Ở trên thế giới, cũng có những nước lấy quốc hiệu từ tên một vị thủy tổ. Nhưng không một nước nào giống như nước ta có lệ hằng năm lại làm lễ giỗ Tổ, tưởng niệm các vị thủy tổ đã khai cơ lập nghiệp, đã mở đầu việc xây dựng Tổ quốc”.

Từ truyền thống thờ cúng tổ tiên

Theo GS. Đào Duy Anh, cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” có viết: “Việc tế tự tổ tiên không phải chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa, là nhớ ơn sinh thành của tổ tiên và lưu truyền nòi giống mãi mãi về sau, cho nên ta có thể cho rằng tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”.

Từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn luôn được coi là một yếu tố hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình, mỗi dòng tộc. Người Việt coi trọng và thực hành các nghi thức cúng lễ tổ tiên và xem đó như một chuẩn mực của “Hiếu đạo” vì người Việt quan niệm kính mời cha mẹ, tổ tiên khi đã mất như khi còn sống. Đây là một truyền thống tốt đẹp trong lẽ sống và văn hóa của người Việt.

Đồng thời, nhu cầu tập hợp và đoàn kết của một quốc gia luôn là nhiệm vụ thường trực trong mọi thời đại. Để tập hợp dưới một ngọn cờ chung, việc có một biểu tượng quốc gia là một vấn đề cần thiết. Đối với người Việt Nam, biểu tượng đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vị Quốc Tổ của cả nước.

Tín ngưỡng này được tôn vinh là tín ngưỡng phổ quát, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh rất lớn đối với người Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị uống nước nhớ nguồn, thảo kính tổ tiên.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam, ngày 6.12.2012 tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam ở loại hình tín ngưỡng được vinh danh. Và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, từ bao đời nay, Hùng Vương là vị vua Thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của cộng đồng người Việt. Tín ngưỡng này có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc, là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đây là sức mạnh, sự cổ vũ tinh thần giúp người Việt quy tụ về một khối thống nhất mỗi khi đất nước gặp thiên tai, địch họa.

Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Ảnh: Khu di tích Lịch sử Đền Hùng
Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Ảnh: Khu di tích Lịch sử Đền Hùng

Chính lịch sử đã minh chứng hùng hồn về sức mạnh đoàn kết của người Việt, gắn kết cả dân tộc lại thành một làn sóng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả kẻ thù lớn mạnh hơn mình. Tín ngưỡng truyền thống này vượt qua mọi trở ngại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Nếu như năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thời Lê Trung Hưng cả Đại Việt có 73 làng có đền thờ Hùng Vương, hầu hết nằm trong vùng kinh đô Văn Lang thời Vua Hùng dựng nước. Từ Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở mọi miền đất nước. Nhiều đường phố, đại lộ, quảng trường, công viên... tại các thành phố lớn được đặt tên Hùng Vương.

Hiện tại, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, ở Việt Nam có 1.417 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất 11 nơi thờ Vua Hùng. Riêng tỉnh Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương.

Người Việt sống tại các nước trên thế giới cũng đang xây dựng các đền thờ Hùng Vương với tâm niệm hướng về quê cha đất tổ. Những người con Đất Việt ở các nước khác nhau, ai cũng nhận là con cháu các Vua Hùng, cùng chung một tổ, một giọt máu đào. Tất cả những hoạt động ấy cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được đề cao và khẳng định như là một biểu tượng quốc gia, một vị Tổ chung và duy nhất của cả đất nước Việt Nam.

Quá trình linh thiêng hóa thờ cúng Hùng Vương

Suy tôn, phong thần cho các bậc anh hùng và quy định tổ chức lễ tế hằng năm đã được ghi trong lịch sử nước nhà. Trong khu vực Kinh đô nước Văn Lang xưa, các Vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện các nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, con người được no đủ. Sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, người dân và triều đình đã lập đền thờ các Vua Hùng tại chính ngọn núi Nghĩa Lĩnh đó.

Tương truyền, ngay từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40), Hai Bà Trưng đã làm lễ tế cờ xuất binh với lời thề:

“Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Năm 1372, Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa các Vua Hùng với tư cách là một nhân vật lịch sử vào chính sử trong cuốn “Việt Nam thế chí”. “Sách Việt sử lược” chép về Hùng Vương dựng nước Văn Lang nhưng với tư cách là một pháp sư tài giỏi thâu tóm được quyền lực các bộ tộc để trở thành một vị thủ lĩnh tối cao của bộ lạc. Năm 1435, trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã nhắc đến Hùng Vương theo thư tịch thời Trần như một niềm tự hào dân tộc.

Đền Thượng là nơi diễn ra nghi lễ dâng hương Giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Đền Thượng là nơi diễn ra nghi lễ dâng hương Giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Truyền thuyết về nguồn gốc ra đời của các Vua Hùng là một trong những câu truyện thần thoại dân gian, nhưng khi được đưa vào “Quốc sử” thì ý nghĩa của huyền thoại đó cho thấy niềm kiêu hãnh về cội nguồn tổ tiên của người Việt là thuộc đẳng cấp Tiên - Rồng.

Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) trị vì cần khẳng định quyền lực chính trị của mình, nhà vua đã cho phép mình thực hiện quyền tế giao trời đất và quy định việc thờ cúng các vị vua của đất nước, xem đó là một điển lệ quan trọng của quốc gia. Chính vì vậy, năm 1470, sau 10 năm lên ngôi, Lê Thánh Tông đã cho Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố lập Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương Triều Hùng” (Hùng đổ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền) để khẳng định nền tảng uy quyền của các vương triều trên Đất Việt.

Với sự ra đời của bản Ngọc phả này, Hùng Vương được chính thức hóa trong chính sử Việt Nam. Từ đây, Vua Hùng có tông phả ở giữa thế gian. Cũng nhờ có tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện để làm lễ Tế Giao như các vua phương Bắc, xác nhận quyền độc lập quốc gia và quyền lực chuyên chế của ông vua nước Đại Việt.

Bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương Triều Hùng sao lại năm 1600 có ghi: “Phụng ban hương Trung Nghĩa làm dân trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu tô thuế ruộng của một vùng phía trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, phía dưới đến Việt Trì đều đem nộp cho dân trưởng tạo lệ làm hương hỏa thờ phụng”. Năm 1497, trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Ngô Sĩ Liên có đầy đủ yếu tố thuận lợi để đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam.

Sau này, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều vị vua Triều Nguyễn. Năm 1874, vua Tự Đức lệnh cho Tổng đốc Tam tuyên Nguyễn Bá Nghi xây dựng Lăng Hùng Vương ngay cạnh Đền Thượng, đồng thời cấp tiền và cử quan lại giám sát việc tu sửa, mở rộng Đền Thượng, ngôi đền thờ xuất hiện sớm nhất trên núi Nghĩa Lĩnh được xây vào thời Hậu Lê. Cổng Đền Hùng được xây vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), theo kiểu vòm cuốn cao 8,5cm, 2 tầng, 8 mái, lợp dạng ngói ống. Bốn góc tầng mái trang trí rồng đắp nổi 2 con nghê, nửa cột trụ là cổng đắp nổi phù điêu 2 võ sĩ.

Cũng trong năm 1917, dưới triều Vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25.7 phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy ngày mùng 10.3 Âm lịch hằng năm để cử hành “quốc tế”, lệ cứ 5 năm một lần vào năm chẵn gọi là hội chính. Theo quy định, khi ấy, các quan phải mặc phẩm phục lên Đền Hùng (Phú Thọ) thay mặt cúng tế. Từ đây, Hội Đền Hùng trở thành lễ hội tầm cỡ quốc gia vào thời Nguyễn.

Cho đến nay, có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn”, cơ sở của đạo lý đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau được phổ cập và thực hành như một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong xã hội đương đại.

Như vậy, từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là một quá trình hình thành và xây dựng một biểu tượng quốc gia. Biểu tượng ấy nhằm củng cố cộng đồng trước nhu cầu tồn tại và phát triển quốc gia. Hơn bao giờ hết, biểu tượng này là nhu cầu cần thiết và mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh thế giới bất ổn hiện nay và chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Nhà nước Việt Nam hôm nay.

Ngày nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10.3 Âm lịch hàng năm, đồng bào cả nước đều đồng lòng hướng về núi Nghĩa Lĩnh nơi có Đền Hùng cổ kính, linh thiêng. Đây như là sợi dây truyền thống đoàn kết dân tộc, kết nối quá khứ với hiện tại, là thiên anh hùng ca lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Có thể thấy, trải qua năm tháng, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và phát huy thông qua lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Chúng ta càng trân trọng những thành quả mà cha ông đã chiến đấu, bảo vệ và xây dựng giang sơn này; đồng thời chúng ta nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

ts. Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Người dân Đắk Nông làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Phan Tuấn |

Đúng vào ngày Giỗ Tổ 10.3 âm lịch người dân ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đến Đền thờ Vua Hùng do chính những người con Phú Thọ xây dựng trên quê hương thứ hai của mình để dâng hương tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Khách thập phương về Đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Chí Long - Vũ Linh |

Từ ngày 28.4 (9.3 âm lịch), người dân và du khách đến Đền Hùng để chuẩn bị tham gia ngày lễ chính Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch).

Về thăm ngôi làng cổ từ thời Hùng Vương ở Việt Trì, Phú Thọ

Vân Hoa |

Làng cổ Hùng Lô hình thành từ thời Hùng Vương ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, ngày nay vẫn tồn tại những ngõ nhỏ quanh co, nếp nhà cổ kính.

Khách Tây ăn Tết ở Việt Nam vui hơn đón Tết Dương lịch ở nhà

YẾN NHI - TUYẾT HỒNG |

Dịp Tết, các điểm du lịch ở trung tâm TP Hồ Chí Minh đón đông đảo du khách ăn uống, chụp ảnh, mua sắm đồ lưu niệm, ngồi xe bus hai tầng hoặc xích lô ngắm cảnh.

Công khai mua bán tiền lẻ ăn chênh lệch giá cao tại Phủ Tây Hồ

Hiệp Dương |

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, dù là hành vi bị cấm, tuy nhiên bằng nhiều cách dịch vụ đổi tiền lẻ mới ăn chênh lệch vẫn diễn ra tại hầu hết các gian hàng tại Phủ Tây Hồ dịp đầu năm.

Gần 3.000 lái đò Tràng An làm việc hết công suất, người dân xếp hàng 2 giờ để lên thuyền

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Tại khu du lịch sinh thái Tràng An, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về đây để tham quan khiến khu du lịch này rơi vào tình trạng quá tải.

Công thức tạo phim trăm tỉ, xô đổ mọi kỷ lục doanh thu của Trấn Thành

Mi Lan |

Trấn Thành bám sát hiện thực, kể những câu chuyện đậm tính đời sống, đặt nhân vật chính trong bối cảnh đầy va đập, xung đột điển hình.

Xếp hàng 30 phút để xin chữ ở Văn Miếu trong ngày nghỉ Tết cuối cùng

hồng diệp |

Sáng mùng 5 Tết, rất đông người dân xếp hàng chờ mua vé vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ ông đồ trong ngày nghỉ Tết cuối cùng.

Người dân Đắk Nông làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Phan Tuấn |

Đúng vào ngày Giỗ Tổ 10.3 âm lịch người dân ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đến Đền thờ Vua Hùng do chính những người con Phú Thọ xây dựng trên quê hương thứ hai của mình để dâng hương tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Khách thập phương về Đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Chí Long - Vũ Linh |

Từ ngày 28.4 (9.3 âm lịch), người dân và du khách đến Đền Hùng để chuẩn bị tham gia ngày lễ chính Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch).

Về thăm ngôi làng cổ từ thời Hùng Vương ở Việt Trì, Phú Thọ

Vân Hoa |

Làng cổ Hùng Lô hình thành từ thời Hùng Vương ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, ngày nay vẫn tồn tại những ngõ nhỏ quanh co, nếp nhà cổ kính.