Tìm lại thành phố của nữ thần đầu mèo

Anh Tuấn |

Manh mối từ các văn bản cổ đại đã hướng dẫn các nhà khảo cổ Châu Âu trong cuộc tìm kiếm Bubastis - một thành phố linh thiêng tôn thờ nữ thần mèo của Ai Cập đã được kể trong Kinh thánh.

Phía Đông Nam thành phố Zagazig hiện đại của Ai Cập là những tàn tích bằng đá Granit đỏ, thuộc về một thành phố linh thiêng đối với những tín đồ của nữ thần mèo Bastet. Bastet là nữ thần mình người đầu mèo đã được tôn thờ trong suốt hàng nghìn năm tồn tại của nền văn minh Ai Cập cổ đại, đến mức các Pharaoh đã xây dựng cho bà một ngôi đền tráng lệ trong thành phố, đặt tên là Per-Bast.

Thành phố nơi nữ thần đầu mèo được tôn thờ này đã từng xuất hiện trong Kinh thánh. Nó cùng với Heliopolis, một đền thờ khác, được Kinh thánh dự đoán sẽ bị phá hủy bởi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Ngày nay, người ta biết đến thành phố với tên Hy Lạp là Bubastis.

Sau khi suy vong và rơi vào cảnh hoang tàn trong hàng thiên niên kỷ, câu chuyện về thành phố bí ẩn này đã thu hút các học giả Châu Âu ở thế kỷ XIX, khiến họ đổ xô đến khu vực Đồng bằng sông Nile để tìm kiếm nó. Được dẫn dắt bởi những gợi ý hấp dẫn mà người xưa ghi lại trong lịch sử, họ tới Ai Cập để tìm thành phố của Bastet, khai quật ngôi đền huy hoàng của bà và tìm hiểu rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của nữ thần đầu mèo trong suốt lịch sử lâu đời của Ai Cập cổ đại.

Dấu vết của giáo phái thờ thần mèo Bastet đã xuất hiện từ triều đại thứ 2 của Ai Cập, tức thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Hình ảnh của nữ thần đầu mèo đã trở nên phổ biến ở đây trong khoảng thời gian từ năm 2575 - 2150 trước Công nguyên. Ban đầu, bà được coi là người bảo vệ của Pharaoh, sau đó trở thành người bảo vệ linh hồn những người đã khuất.

Thời điểm hình ảnh vị thần đầu mèo trở thành biểu tượng cho tôn giáo này cũng trùng khớp với giai đoạn những con mèo đầu tiên được thuần hóa ở Ai Cập. Từ đó, hình ảnh của Bastet trở nên gắn bó chặt chẽ hơn với việc nuôi dưỡng và bảo vệ người khác, trong khi nữ thần chiến tranh đầu sư tử, Sekhmet, mang những đặc điểm của sự hung dữ, hiếu chiến và báo thù. Từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, vẻ ngoài của thần Bastet được mô tả theo cách ít giống sư tử hơn, dần dần gắn liền với hình ảnh một con mèo nhà có cơ thể của một phụ nữ.

Để lịch sử dẫn đường

Một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất về thành phố linh thiêng này được tìm thấy trong các tác phẩm của Herodotus, người được coi là "cha đẻ của môn sử học" trong văn hóa phương Tây. Vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, trong chuyến du lịch tới Ai Cập, nhà sử học người Hy Lạp đã mô tả một cách cực sống động về Bubastis, Đền thờ Bastet và lòng nhiệt thành thờ phụng bà tại đây: "Trong thành phố này có một ngôi đền rất đáng được nhắc đến, dù những ngôi đền khác lớn hơn và được xây dựng với chi phí cao hơn, nhưng không thể so sánh với vẻ đẹp của ngôi đền này, được ngắm nhìn nó là một niềm vinh hạnh cho đôi mắt của tôi".

"Đây là nơi họ tổ chức lễ hội để cử hành lễ hiến tế, lượng rượu được dùng trong lễ hội đó còn nhiều hơn số rượu thành phố uống trong suốt thời gian còn lại của năm" - ông mô tả thêm về thành phố linh thiêng này. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lăng của người Hồi giáo vào thế kỷ VII, thành phố Bubastis và ký ức về vị trí của nó đã chìm trong cát bụi suốt một khoảng thời gian dài.

Vào thế kỷ XVIII, các học giả Châu Âu bắt đầu săn lùng những địa điểm được đề cập trong các văn bản cổ. Đối với các học giả người Pháp đã tháp tùng Napoleon trong chuyến thám hiểm tới Ai Cập năm 1798, lời tường thuật của Herodotus là nguồn cảm hứng chính để xác định vị trí thành phố của thần mèo. Một trong số họ, nhà thám hiểm Étienne-Louis Malus, đã phát hiện ra các đặc điểm được Herodotus đề cập ở Đồng bằng sông Nile và tìm thấy những tàn tích gần đó. Theo ông, đây chính là vị trí bí ẩn của Bubastis. Nằm về phía Đông bắc thủ đô Cairo, Tell Basta chính là nơi được đặt điện thờ thần mèo, theo kết luận của các học giả Châu Âu.

Bức tượng mèo bằng đồng được khai quật ở Ai Cập. Ảnh: World History Encyclopedia
Bức tượng mèo bằng đồng được khai quật ở Ai Cập. Ảnh: World History Encyclopedia

Khi ngành Ai Cập học được mở rộng ở phương Tây vào thế kỷ XIX, sự quan tâm đến địa điểm huyền bí này cũng tăng theo. Trong chuyến thăm Ai Cập năm 1843, nhà khảo cổ học người Anh - John Gardner Wilkinson đã than thở rằng, Bubastis đang bị hư hại và tàn tích của ngôi đền đã bị khai thác để lấy đá. Sau này, một cuộc khai quật đã được thực hiện bởi nhà Ai Cập học người Thụy Sĩ - Édouard-Henri Naville vào năm 1887, tập trung vào việc nghiên cứu di tích của Đền thờ Bastet.

Nghiên cứu của ông Naville và nhiều nghiên cứu khác sau đó đã tiết lộ rằng, ngôi đền đã được xây dựng bởi Pharaoh Osorkon II vào thế kỷ thứ IX trước Công nguyên. Đương thời, vị Pharaoh này đặt thủ đô tại Tanis, một thành phố gần đó. Việc được xây dựng ở gần thủ đô đã cho thấy tầm quan trọng của đền thờ Bubastis, đồng thời cũng khẳng định sức ảnh hưởng to lớn của giáo phái thờ thần mèo Bastet vào thời điểm đó.

Kho báu của Bubastis

Vào mùa thu năm 1906, một phát hiện đáng kinh ngạc đã lộ diện gần địa điểm khai quật. Những công nhân đang xây dựng tuyến đường sắt gần Tell Basta đã tìm thấy một kho báu được cho là thuộc về điện thờ thần mèo gần phần di tích còn lại của ngôi đền.

Chữ khắc trên nhiều đồ vật được đào lên và xác định là từ triều đại thứ 19 trong thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập (khoảng 1539 - 1075 trước Công nguyên), trước triều đại của Osorkon II. Không rõ tại sao những đồ vật này lại được chôn cất, nhưng một số học giả suy đoán rằng, các vị linh mục Bubastis cổ đại đã chôn chúng để đảm bảo an toàn hoặc đây là chiến lợi phẩm của những kẻ cướp.

Các kho báu được phát hiện có giá trị rất lớn vào thời điểm đó, bao gồm một chiếc cốc bằng vàng được điêu khắc giống như những cánh hoa sen mang tên hoàng hậu Tawosret, vợ của Pharaoh Seti II, sống ở thế kỷ XII trước Công nguyên.

Sau đó, nhiều báu vật hơn, bao gồm cả những chiếc vòng tay bằng vàng có khắc tên của Pharaoh Ramses II cũng được tìm thấy tại đây. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, những đồ vật này còn mang đến cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của thành phố bí ẩn Bubastis, với tư cách là một trung tâm thương mại của Ai Cập cổ đại. Một số họa tiết trên những đồ vật không phải của người Ai Cập, cùng với sự hiện diện của bạc (thứ kim loại không thể có được ở Ai Cập) cho thấy sự giao thương rộng rãi với Hy Lạp hoặc các vương quốc ở Anatolia của Bubastis.

Anh Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Gặp chủ nhân tạo hình linh vật mèo duyên dáng nhất Xuân Quý Mão

HƯNG THƠ |

Nhận làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) với giá 31 triệu đồng, Đinh Văn Tâm tự nguyện bỏ thêm ít tiền túi để làm tượng đẹp hơn, to hơn. Nhờ vậy, linh vật mèo dù có giá không cao, nhưng so về độ đẹp và phù hợp thì có thể nói không địa phương nào bằng.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.

Đổ xô check in “tuyệt phẩm” mèo Quý Mão Hoà Bình

Khánh Linh |

Hàng nghìn người dân đã đổ xô về Quảng trường Hoà Bình để chiêm ngưỡng "tuyệt phẩm" mèo Quý Mão sau khi được khai trương vào lúc chiều tối ngày 23 tháng Chạp.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Gặp chủ nhân tạo hình linh vật mèo duyên dáng nhất Xuân Quý Mão

HƯNG THƠ |

Nhận làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) với giá 31 triệu đồng, Đinh Văn Tâm tự nguyện bỏ thêm ít tiền túi để làm tượng đẹp hơn, to hơn. Nhờ vậy, linh vật mèo dù có giá không cao, nhưng so về độ đẹp và phù hợp thì có thể nói không địa phương nào bằng.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.

Đổ xô check in “tuyệt phẩm” mèo Quý Mão Hoà Bình

Khánh Linh |

Hàng nghìn người dân đã đổ xô về Quảng trường Hoà Bình để chiêm ngưỡng "tuyệt phẩm" mèo Quý Mão sau khi được khai trương vào lúc chiều tối ngày 23 tháng Chạp.