Tay vợt Nguyễn Thùy Linh: Mong có nhiều giải cầu lông phong trào cho người lao động

PHƯƠNG TRANG (thực hiện) |

Trao đổi với Lao Động, tay vợt nữ cầu lông số 1 Việt Nam - Nguyễn Thùy Linh đã có những chia sẻ về mục tiêu tại Olympic 2024 cũng như việc lan tỏa, phát triển phong trào cầu lông cho cộng đồng.

Không còn hồi hộp như lần đầu tiên

Xin chúc mừng Nguyễn Thùy Linh đã có lần thứ 2 giành vé dự Olympic. Cảm xúc của chị khi đón nhận kết quả này có gì khác so với lần đầu tiên?

- Tôi không còn căng thẳng như lần đầu giành vé dự Olympic. Gần 1 năm qua, thành tích của tôi ổn định và cải thiện thứ hạng thế giới tốt nên việc giành vé đến Olympic không quá bất ngờ.

Hiện tại, thể trạng và tinh thần của tôi đã ổn hơn, nhưng thể lực cần cải thiện hơn nữa. Tôi thi đấu quá nhiều trong thời gian qua nên việc tập luyện cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Điều quan trọng nhất bây giờ là cần sự minh mẫn, giảm bớt stress để tập trung tập luyện, làm tiền đề cho Thế vận hội sắp tới.

Mục tiêu về thành tích của Thùy Linh như thế nào?

- Trong hành trình tìm kiếm tấm vé dự Olympic, mục tiêu của tôi là cải thiện thứ hạng, trở thành 1 trong 14 hạt giống ở đấu trường Olympic.

Điểm tích lũy sẽ tiếp tục được tính đến ngày 9.7 và việc lấy được hạt giống là khá khó khăn. Tôi sẽ cố gắng, hy vọng đạt được mục tiêu để có thể tránh các hạt giống khác ở vòng đầu tiên. Điều đó sẽ giúp tôi phần nào cải thiện thứ hạng, bốc thăm thi đấu thuận lợi hơn, đồng thời hướng đến cải thiện thành tích ở Olympic lần này.

Lịch trình của chị vẫn dày đặc từ lúc này cho đến khi Thế vận hội diễn ra?

- Tôi sẽ bắt đầu đánh giải đồng đội trong nước từ ngày 13-18.5. Sau đó, tôi đến Malaysia thi đấu rồi tiếp tục có mặt tại một số quốc gia khác như Singapore, Indonesia và có thể sẽ đi Australia. Sau khi quay về từ Australia, tôi sẽ chỉ nghỉ ngơi và tập hồi phục để chuẩn bị cho Olympic .

Hình ảnh của Thùy Linh thường gắn với sự độc hành ở các giải đấu quốc tế, điều gì khiến chị vượt qua khó khăn tâm lý?

- Tôi là vận động viên của một đất nước nhỏ bé, việc thi đấu một mình là một phần trong hành trình của bản thân. Có những lúc cũng cảm thấy tủi thân khi các đồng nghiệp nước ngoài đi thi đấu đều có lực lượng hùng hậu, còn bản thân thì lủi thủi một mình. Nhưng tôi biết rằng đây đã là điều kiện tốt nhất rồi. Thi đấu một mình, tôi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và nhiều thời gian hơn, đồng thời có thể tự đưa ra các quyết định.

Chị có thể nói gì về khoảnh khắc huấn luyện viên Thái Lan - Pakkawat Vilailak từng hướng dẫn, động viên tinh thần mình ở giải cầu lông quốc tế Phần Lan hồi tháng 10.2023?

- Tôi quen biết huấn luyện viên Pakkawat khi đi tập huấn ở một câu lạc bộ Thái Lan. Với tôi, trong công việc, họ là huấn luyện viên, còn bên ngoài là những người bạn thân thiết. Khi tôi đi thi đấu ở nước ngoài không có huấn luyện viên hướng dẫn thì họ ngỏ ý muốn giúp đỡ mình.

Dĩ nhiên, nếu có huấn luyện viên ngồi sau thì mình tự tin hơn. Tôi đã đồng ý và nhờ thầy Pakkawat xuống sân giúp mình. Đó là trận đấu rất đáng nhớ đối tôi khi đối đầu với vận động viên Ấn Độ rất giỏi.

Thành công nhờ sự hy sinh của gia đình

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với môn cầu lông?

- Ông ngoại là người đưa tôi đến với cầu lông. Ông tôi không phải là một vận động viên nhưng là một người yêu thích và chơi rất nhiều môn thể thao khác nhau.

Hành trình trở thành vận động viên chuyên nghiệp của tôi chưa bao giờ dễ dàng. Tôi đã có ít nhất 1 lần dừng lại vì không nhận được sự ủng hộ từ mẹ của mình.

Mẹ tôi đã mất năm tôi 12 tuổi. Sau khi mẹ mất 2 năm thì tôi trở lại với cầu lông và đã nỗ lực rất nhiều. Đến hiện tại, tôi nghĩ rằng mẹ sẽ tự hào về mình khi có được những thành tích nhất định. Dù có thể thành tích ấy không quá ghê gớm nhưng đó là kết quả mà tôi dày công khổ luyện, vượt qua khó khăn để có được nó.

Một năm qua Thùy Linh thi đấu liên tục từ các giải trong nước đến quốc tế, vậy bạn đã dành khoảng thời gian nào cho gia đình cũng như chính bản thân mình?

- Từ đầu năm ngoái cho đến bây giờ là một lịch trình xuyên suốt, tôi không có thời gian cho gia đình. Thậm chí, Tết Nguyên đán năm nay cũng phải đến 28, 29 Tết tôi mới có mặt ở nhà. Sau đó mùng 4 Tết lại tập trung lên đội tuyển quốc gia.

Tôi biết người thiệt thòi nhất là gia đình mình, là những người không bao giờ kêu ca gì. Họ luôn luôn xuất hiện với tinh thần tích cực trước mặt mình để mình bớt lo lắng, yên tâm công tác. Gia đình đã hi sinh rất nhiều cho tôi. Đó cũng là một trong những khó khăn mà tôi phải đối diện. Tôi không có thời gian chăm sóc gia đình, bà tôi thì càng ngày càng già đi, các em càng lớn hơn. Nhiều khi tôi cũng suy nghĩ về điều này.

Cầu lông Việt Nam cần được đặt nền móng từ các giải phong trào

Từng thi đấu, cọ xát ở nhiều giải quốc tế khác nhau, theo Nguyễn Thùy Linh, trình độ cầu lông ở Việt Nam hiện tại đang ở mức nào so với thế giới?

- Cầu lông thế giới đang đi rất nhanh. Các vận động viên Việt Nam đều là những người chăm chỉ, có khả năng nhưng điều kiện để thi đấu các giải quốc tế ít hơn vận động viên nước khác. Xét về trình độ, các tay vợt của Việt Nam không thua quá xa đối thủ. Song, chúng ta cần cố gắng hơn nữa, đi thi đấu quốc tế nhiều hơn nữa mới có thể tiếp cận được trình độ cầu lông thế giới.

Cầu lông Việt Nam cần học hỏi điều gì từ các quốc gia, ở cả góc độ chuyên môn và chiến lược phát triển?

- Đây là vấn đề khó vì nguồn kinh phí để đầu tư cho một vận động viên cầu lông rất lớn. Ở các quốc gia khác, họ có nhiều nguồn lực đầu tư, nhiều nhà tài trợ, thậm chí là gia đình có điều kiện đầu tư cho con em mình.

Cầu lông Việt Nam mất nhiều thời gian để tìm ra một vận động viên giỏi. Những rào cản này rất nan giải, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Tôi hy vọng trong tương lai, cầu lông Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà tài trợ, mạnh thường quân. Các gia đình đam mê cũng sẽ đồng hành cùng con em mình hướng tới tương lai tốt hơn, đưa cầu bộ môn này phát triển.

Thành công của cầu lông thành tích cao phần nào đó bắt nguồn từ các giải phong trào. Theo chị, điều này mang lại điều tích cực gì?

- Tôi thấy cầu lông phong trào hiện tại đang hoạt động rất tốt. Không chỉ các cô, chú, bác lớn tuổi chơi cầu lông để rèn luyện sức khỏe mà hiện nay, số lượng bạn trẻ đam mê cầu lông cũng nhiều hơn. Tôi cảm thấy vui và tự hào vì bộ môn của mình tiếp cận được với tất cả lứa tuổi và đang ở một trạng thái tích cực. Tôi nghĩ rằng phong trào cầu lông ở Việt Nam cũng không thua kém các nước khác đâu.

Việc phát triển các giải phong trào, đặc biệt là đối với công nhân, viên chức, người lao động có ý nghĩa ra sao?

- Trong số nhiều môn thể thao, cầu lông nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều người ở các nhóm tuổi khác nhau. Hi vọng sắp tới, các giải đấu cầu lông của các ngành, đặc biệt là giải cho người lao động được tổ chức nhiều hơn, góp phần nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa bộ môn này.

Theo chị, các giải cầu lông phong trào cần điều kiện gì để phát triển và tốt hơn hiện tại?

- Thể thao cần sự văn minh, sức khỏe, lành mạnh và tất cả đều phải xem nhau là bạn bè, đồng đội, không có sự cay cú hay ghét bỏ nhau, cũng như những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, tôi mong có thêm các giải đấu, nguồn tài trợ mới để phát triển đam mê cầu lông cho người dân ở mọi lứa tuổi.

Là một vận động viên chuyên nghiệp, có sức ảnh hưởng với công chúng, Nguyễn Thùy Linh có nghĩ rằng bản thân sẽ tham gia một số giải phong trào để có thể lan tỏa tinh thần và thúc đẩy sự phát triển bộ môn này?

- Thực ra tôi rất muốn giao lưu với người hâm mộ. Chính vì vậy, khi có trang mạng xã hội, đó là cách để tôi đến gần hơn với công chúng. Nhưng đâu đó, mọi người biết rằng tôi là vận động viên chuyên nghiệp, thời gian tập luyện và thi đấu khá dày, gần như không có thời gian về thăm gia đình. Vì vậy, để tham gia các giải phong trào là rất khó.

Hiện tại, tôi đang dốc sức tập trung cho Olympic. Sau khi Olympic kết thúc, chắc chắn tôi sẽ tham gia nhiều hoạt động phong trào hơn để có thể đến gần với người hâm mộ, lan tỏa nhiều hơn về đam mê với bộ môn cầu lông này mọi người.

Ngoài ra, nếu có thời gian nghỉ ít ỏi, tôi sẽ ưu tiên góp mặt trong những chương trình liên quan đến cầu lông để truyền đam mê đến các bạn trẻ cũng như đến gần hơn với những người yêu thương và ủng hộ mình.

Chị có từng nghĩ đến việc thành lập một câu lạc bộ cầu lông cho riêng cho mình?

- Đó là mong muốn của tôi, nhưng tôi chưa thể chốt được thời điểm. Hiện tôi vẫn đang thi đấu và tập luyện với lịch trình dày đặc. Tôi cần phải nỗ lực phát triển bản thân, cống hiến, đưa tên tuổi của mình vững vàng hơn và có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ, sau đó mới quay trở lại cống hiến cho xã hội ở một cương vị khác.

PHƯƠNG TRANG (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh đã có bạn trai nhưng chưa muốn kết hôn sớm

HOÀNG HUÊ - MINH PHONG |

Trao đổi với Lao Động, tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh cho biết, dù đã có bạn trai nhưng cô chưa muốn kết hôn sớm mà muốn dành thời gian thi đấu, cống hiến cho thể thao Việt Nam.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh: Tôi không bất ngờ khi giành vé đến Olympic

Nhóm PV |

Góc nhìn thể thao số 161 có cuộc trò chuyện với vận động viên cầu lông Nguyễn Thùy Linh về hành trình giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 và sự chuẩn bị cho Thế vận hội sắp tới.

Nguyễn Thùy Linh chính thức giành vé dự Olympic Paris 2024

HOÀNG HUÊ |

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh là vận động viên thứ 7 của thể thao Việt Nam giành vé dự Olympic Paris 2024.

Chăm lo cho người lao động bằng hành động thiết thực từ kinh phí công đoàn

Tuyết Lan |

Kinh phí công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng để chăm lo trực tiếp cho người lao động. Đây chính là nguồn lực để công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Kiểm tra hoạt động bán chui vàng miếng ở Lạng Sơn sau phản ánh của Lao Động

NHÓM PV |

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn gửi văn bản hỏa tốc giấy mời họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan để trao đổi các biện pháp xử lý trước thông tin phản ánh của Báo Lao Động về hoạt động bán chui vàng miếng trên địa bàn tỉnh này.

Bất chấp mạng sống, đua nhau vớt củi giữa nước lũ cuồn cuộn ở Điện Biên

NHÓM PV |

Mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao, rất nhiều người dân tại Điện Biên đã bất chấp nguy hiểm để vớt củi trên dòng nước đục ngàu, cuồn cuộn.

Thủy điện ở Hòa Bình xả lũ không thông báo, nhiều du khách suýt bị cuốn trôi

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Phản ánh đến Báo Lao Động, người dân, du khách bức xúc vì cho rằng Thủy điện Suối Mu (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn) xả lũ mà không thông báo khiến nhiều người suýt bị lũ cuốn trôi.

Bổ sung một dự án hơn 4ha vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Tây Hồ

KHÁNH AN |

Hà Nội bổ sung dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở, đất ở đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước với diện tích 4,006ha vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Tây Hồ.

VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh đã có bạn trai nhưng chưa muốn kết hôn sớm

HOÀNG HUÊ - MINH PHONG |

Trao đổi với Lao Động, tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh cho biết, dù đã có bạn trai nhưng cô chưa muốn kết hôn sớm mà muốn dành thời gian thi đấu, cống hiến cho thể thao Việt Nam.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh: Tôi không bất ngờ khi giành vé đến Olympic

Nhóm PV |

Góc nhìn thể thao số 161 có cuộc trò chuyện với vận động viên cầu lông Nguyễn Thùy Linh về hành trình giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 và sự chuẩn bị cho Thế vận hội sắp tới.

Nguyễn Thùy Linh chính thức giành vé dự Olympic Paris 2024

HOÀNG HUÊ |

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh là vận động viên thứ 7 của thể thao Việt Nam giành vé dự Olympic Paris 2024.