Tản mạn: Đàn ông diêm dúa

Đỗ Phấn |

Những tưởng trang sức là sở hữu riêng của đàn bà mà không phải. Hình như đàn ông có một lịch sử trang sức lâu đời hơn từ thời Ai Cập cổ đại cách chúng ta hơn bốn nghìn năm. Ngành khảo cổ học đã khai quật được khá nhiều đồ trang sức đàn ông trong các ngôi mộ hoàng đế Ai Cập có tên tuổi hẳn hoi. Người Việt cũng có những chứng tích cho thấy đàn ông đã dùng đồ trang sức vào thời kỳ Đông Sơn (700TCN).
Đó là những chiếc mũ lông chim tráng sĩ được khắc trên trống đồng. Đó còn là những binh khí thời đại đồ đồng Đông Sơn với những hình khắc tinh xảo làm ta liên tưởng đến món đồ trang sức có tính đẳng cấp của đàn ông thời ấy. Tâm lý này của đàn ông còn tồn tại cho đến tận hồi chiến tranh vài mươi năm trước. Đại khái sĩ quan cấp thấp được trang bị súng ngắn K54 thường không muốn đeo nó làm gì. Súng K59 nhỏ bé tinh xảo hơn có khá nhiều sĩ quan kè kè bên hông.
Nhìn chung thì ta quen với việc phân biệt nam nữ trong các đồ dùng hàng ngày. Xe đạp nam, xe đạp nữ. Mũ nam và mũ nữ. Quần áo, giày dép nam nữ rất rạch ròi... Thế nhưng trang sức thì có khi không phân biệt. Nhẫn cưới là hai chiếc giống nhau như hệt. Và đặc biệt các loại trang sức đàn bà có cái gì thì đàn ông cũng ngần ấy. Chỉ khác nhau hình thức chế tạo. Hơn thế, đàn ông có những vật dụng mang tính trang sức nhiều hơn. Tẩu hút thuốc, bật lửa Dupont, bộ đồ hút xì gà... Đó là còn chưa kể tấm danh thiếp in dài tha thướt những chức danh, học vị và đôi khi có cả giải thưởng văn nghệ quần chúng cấp quận.
Tưởng rằng đàn bà đeo chiếc túi Hermes Birkin làm bằng da cá sấu bạch tạng sông Nile có giá vài tỉ gây rất nhiều sóng gió trong showbiz đã là cực đỉnh của trang sức mà không hẳn thế. Vài đàn ông đeo những miếng ngọc trang sức giá trị còn lớn hơn thế nhiều mà chẳng ai để ý. Trang sức đàn ông còn ở những đồng hồ Patek Philippe hàng chục tỉ hoặc những xe hơi hàng triệu dollard.
Hà Nội là nơi có nhiều đàn ông ăn chơi kín đáo với những món đồ trang sức tưởng như rất bình dị nhưng thực ra rất đắt tiền. Ngay cả thời kỳ chiến tranh bao cấp khó khăn cũng vẫn kiên cường gìn giữ tác phong ấy. Những năm tháng quần áo cả nước nhuộm một màu ghi xám xịt vẫn thỉnh thoảng thấy lóe lên trên túi áo ngực một thanh niên nào đó chiếc bút máy Kim Tinh nắp mạ vàng. Một cặp kính râm gọng vàng và chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô nhãn hiệu Poljot, Slava hoặc Raketa. Dĩ nhiên cũng mạ vàng. Về sau khó khăn quá nhiều người mang đồng hồ vàng của mình đi bán cho thợ vàng phân kim cái vỏ. Sau đó mạ trắng lại để dùng. Đàn ông nông thôn sẵn sàng đeo chiếc đài bán dẫn Xiongmao hoặc Orionton to như cái hòm thợ cắt tóc ra đường mà không phải để nghe.
Trang sức đàn bà phần lớn tập trung vào việc củng cố nhan sắc. Đàn ông không thế. Hình như nó dùng để phân biệt đẳng cấp nhiều hơn. Chủ doanh nghiệp thường đeo nhẫn ruby to tướng và những đồng hồ hàng hiệu đắt tiền. Thắt lưng LV khóa vàng tây chói lọi. Công chức chải chuốt trong bộ comple có cái ghim cài cravat vàng kín đáo hơn. Sơ mi mặc trong phần lớn noi theo mode của lãnh đạo. Có khi vào cơ quan thấy đến dăm chiếc sơ mi bên trong đều màu hồng kẻ nhỏ. Dân văn nghệ cũng có cách trang sức riêng biệt. Dây chuyền hoặc nhẫn đeo trên người phần lớn được chế tác kỳ hình dị tướng chẳng giống ai. Vài anh luồn sợi dây da vào mảnh kim loại đen sì hình con cóc đeo trước ngực. Có anh thản nhiên đánh đai sợi dây gai trên mái tóc bù xù tơi tả. Ta buộc phải hiểu đó là trang sức của anh ấy bởi nếu để buộc tóc thì thiếu gì những loại dây không mang tinh thần tang lễ như vậy. Đám anh chị giang hồ đòi nợ thuê có dây chuyền bạc hoặc vàng sợi to toòng teng chiếc răng hổ bọc vàng. Dây chuyền ấy thường nằm trên cái nền xăm trổ “Cá chép om dưa” ngự trị trước ngực. Nhẫn vàng bạc chạm hình đầu lâu. Vòng cổ tay vài chiếc bằng đủ các vật liệu đồng, nhôm inox hoặc nhựa. Trang sức của họ còn thêm đôi giày lính cao cổ và áo quần rằn ri nhiều túi. Kính luôn phải đen sì và tóc thì húi cua.
Thanh niên chơi bời trẻ hơn là những người có hệ thống trang sức bất ngờ táo bạo nhất. Ngoài việc xăm trổ các màu hoặc dán đề can suốt dọc hai cánh tay sẽ còn thêm tóc nhuộm sặc sỡ. Khi đỏ khé như lông bò mà cũng có khi lả lướt xanh như mạ chết rét. Cũng có lúc nhiều màu chói chang như vẹt Hồng Kông. Đám này không ngần ngại xỏ lỗ đeo khuyên ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Thế nhưng chủ yếu dùng đồ mĩ kí cả thôi. Không mấy khi dùng vàng thật hoặc đá quý.
Có vẻ như đã đến thời đàn ông lấy lại vị trí tiên phong của mình trong việc dùng đồ trang sức. Tuy nhiên mục đích hình như vẫn khác hẳn đàn bà. Nếu không thế ắt sẽ thành những đàn ông diêm dúa mập mờ giới tính.(5-2017)
Đỗ Phấn
TIN LIÊN QUAN

Tản mạn: Nỗi nhớ

QUANG HÂN |

Nhớ câu ai nói trong một bữa rượu: “Người Hà Nội xưa coi uống trà là thanh cao còn uống rượu là tầm thường thôi”.

Ghé thăm thiên đường độc đáo dành cho mèo tại Malaysia

Tuấn Đạt |

Thiên đường của loài mèo ở thành phố Kuching (Malaysia) được dự kiến sẽ là điểm đến ưa chuộng của du khách vào dịp Tết Nguyên đán.

Để sống lại những phế tích ở vương quốc những lò gạch cũ Mang Thít

Thanh Hải |

Giữ di tích để bảo tồn văn hóa và tính đến việc phát triển du lịch - đó là "con đường" mà chính quyền, ngành Văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã lựa chọn để làm "sống lại" vương quốc những lò gạch cũ - Mang Thít...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.

Cháy lớn khu ổ chuột cuối cùng ở thủ đô Hàn Quốc

Song Minh |

500 người phải sơ tán khi đám cháy lớn bùng phát tại làng Guryong, một trong những khu ổ chuột cuối cùng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 20.1.

Ấm áp những chuyến xe mùa xuân đưa công nhân về quê ăn Tết

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Dù tình hình hoạt động kinh doanh năm 2022 không hiệu quả, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức những chuyến xe nghĩa tình, đưa người lao động về quê ăn Tết.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở An Giang đóng cửa vì hết xăng

Thành Nhân |

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) đóng cửa vì hết xăng khiến người dân xôn xao, phải lấy can nhựa đi mua xăng trong dịp gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tản mạn: Nỗi nhớ

QUANG HÂN |

Nhớ câu ai nói trong một bữa rượu: “Người Hà Nội xưa coi uống trà là thanh cao còn uống rượu là tầm thường thôi”.