Rồng triều Nguyễn không chỉ là biểu tượng của vương quyền

Tường Minh |

Trong nghệ thuật và kiến trúc thời Nguyễn, con rồng không phải là vật sở hữu của riêng nhà vua hay hoàng gia. Con rồng thời nay đã vượt khỏi chốn cung cấm mà góp mặt ở hầu khắp các đình chùa, đền miếu nơi thôn dã.

Đa dạng và phong phú

Khác với sự nhận định thống nhất về hình tượng con rồng trong mỹ thuật các thời Lý, Trần, Lê, Mạc... Con rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn đã và đang có những nhận định trái chiều, chưa thống nhất. Tuy nhiên, theo TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thì hình ảnh con rồng là sự thể hiện thành công nhất trong nền mỹ thuật thời Nguyễn. Các nghệ nhân tạo nên hình ảnh con rồng không chỉ vì phụng sự mục đích nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội, những thiết chế văn hóa đương thời. Vì những lý do này mà cách thể hiện hình tượng con rồng dưới thời Nguyễn rất đa dạng và phong phú.

Chỉ xét riêng ở Huế, trung tâm văn hóa, chính trị và nghệ thuật lớn nhất bấy giờ, sự phong phú đó được biểu hiện trên nhiều mặt: Không gian, chất liệu, nghệ thuật thể hiện và đề tài trang trí. Về không gian, rồng có mặt trên các đền đài, cung điện, đình chùa ở trong và ngoài hoàng cung Huế. Rồng xuất hiện ở bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, đầu hồi, máng xối, bình phong, bậc cấp, vì kèo, khung cửa, nghi môn... của các công trình kiến trúc. Rồng trang trí trên Cửu đỉnh, ngai vàng, bửu tán, án thờ vua quan thời Nguyễn. Rồng làm thành tay núm các con triện, ấn tín, đồ văn phòng tứ bảo...

Rồng là họa tiết trang trí trên áo quần, mũ mão, giày dép của các bậc đế hậu, hay có khi là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt trong các sân chầu, đình viên như hai tượng rồng trước sân Duyệt Thị Đường. Rồng còn xuất hiện trên Cửu vị thần công hay là những hoa văn trên các khẩu súng điểu thương của vua Thiệu Trị, hiện vẫn lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế...

Về chất liệu, con rồng thời Nguyễn có thể được đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các loại vàng bạc, đá quý. Rồng xuất hiện trên vải, lụa trong y phục, mũ mão của vua quan, phi tần. Rồng làm bằng đất nung trong Ngưng Hy Điện ở lăng Đồng Khánh, đắp bằng vôi vữa ở lăng Gia Long hay Thế Tổ Miếu, ghép bằng sành sứ và thủy tinh trong lăng Khải Định, làm bằng pháp lam trên mái Hòa Khiêm Điện trong lăng Tự Đức. Rồng là họa tiết trang trí trên đồ sứ ký kiểu, trên tranh treo tường bằng giấy trong Thái Bình Lâu hay trên tranh gương trong Biểu Đức Điện ở lăng Thiệu Trị...

Nghệ thuật thể hiện con rồng thời Nguyễn ở Huế thực là đa dạng: Chạm lộng, chạm nổi, đúc đồng, gia công bằng vàng bạc, đá quý, khảm cẩn bằng trai, sành sứ, dệt thêu trên vải, vẽ bằng bột màu trên giấy, trên đồ sứ... Khi thì tạo thành hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác lại vẽ chìm dưới lớp men phủ, nói chung là thiên hình vạn trạng.

Đề tài thể hiện cũng là một nét đặc sắc khi nói về rồng thời Nguyễn. Các motif gồm: Lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long... xuất hiện ở hầu khắp các di tích kiến trúc, các tác phẩm trang trí, nghệ thuật.

Rồng còn được thể hiện trong các biến thể về hình thức của cỏ cây hoa lá hay các con vật hóa rồng như: Mai hóa rồng, trúc hóa rồng, liễu hóa rồng, cúc hóa rồng, cá chép hóa rồng... Đây là một sự cách điệu, hóa thân theo xu thế đơn giản hóa, nhưng khiến cho hình ảnh con rồng trở nên uyển chuyển hơn, sống động hơn.

Rồng thời Nguyễn cách điệu - ký họa trong sách ảnh “Nghệ thuật Huế”  của Linh mục Léopold Cadière, xuất bản từ cách đây hơn 100 năm. Ảnh: Tư liệu
Rồng thời Nguyễn cách điệu - ký họa trong sách ảnh “Nghệ thuật Huế” của Linh mục Léopold Cadière, xuất bản từ cách đây hơn 100 năm. Ảnh: Tư liệu

Rồng trong trang phục cung đình Huế

Dưới triều Nguyễn, hình tượng rồng không chỉ dành riêng cho vua mà còn dành cho quan lại, các hoàng thân quốc thích... nhưng mỗi tầng lớp lại có những quy định về rồng khác nhau. Đó là những biến thể thứ cấp của rồng, tùy theo vị trí, cấp độ cần được thể hiện. Ví dụ như trên chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha hồi 2 năm trước lại có gắn một con rồng 4 móng giỡn hạt châu bằng vàng làm nhiều người thắc mắc không hiểu.

Đây là một biến thể của rồng, trở thành con mãng hay giao long theo cách gọi của người Trung Quốc. Và việc gắn con mãng này lên mũ quan không phải là ngẫu nhiên mà điều này được quy định chính xác trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, gọi tắt là Hội điển. Trong đó quy định quan văn trên phẩm thứ nhất: Mũ đại triều kiểu mũ “Phốc đầu tròn”, ở trên đầu mũ đính cầu vàng, thêm hai cái hốt vàng, đều cao 6 phân. Ở phần dưới mũ có ngạch tưởng bằng vàng, hai mặt trước và sau đều dính một hoa vàng. Bao hai đầu cánh mũ trên mặt trang sức con giao (con rồng 4 móng, con mãng) giỡn hạt châu bằng vàng...

Ngoài mũ quan như đã nói thì con mãng còn xuất hiện trên trang phục cung đình, đi kèm là những quy định rất nghiêm ngặt về số lượng, chất liệu và quy cách thể hiện. Ví dụ rồng chỉ được thêu trên áo của vua và của hoàng thái tử, còn áo của hoàng tử chỉ được thêu con mãng. Rồng xuất hiện trên long bào của vua dưới các hình thức “phi long” (rồng bay) hay “hồi long hướng nhật” (rồng quay đầu về phía mặt trời), kích thước cân đối, mặt rồng uy nghi, chân có 5 móng. Rồng trên long bào của hoàng thái tử chỉ là rồng mặt nạ, thân rồng thu nhỏ, chân chỉ có 4 móng; còn trên mãng bào, hay mãng lan của hoàng tử thì chỉ là các loài giao, mãng...

Sự thể hiện của rồng trong trang phục cung đình Huế còn tùy thuộc vào tên gọi và chức năng của các loại áo mão. Chẳng hạn, áo vua mặc lúc thiết đại triều và trong các dịp lễ Tết, gọi là long bào, thì được thêu 9 con rồng, trong đó 2 con rồng ở thân trước và thân sau là những phi long thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến, mắt rồng đính các viên đá quý nhập khẩu từ Ấn Độ.

Áo vua mặc trong các dịp thường gọi là hoàng bào, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng có nạm trân châu. Áo vua mặc khi tế giao gọi là long cổn, màu đen, tay thụng, thêu lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời) dọc hai thân trước. Áo vua mặc khi cày ruộng tịch điền là áo sa kép màu gạch non, thêu long vân (rồng ẩn trong mây). Trong khi đó, áo đại triều của hoàng thái tử có lớp ngoài may bằng sa nam, lớp trong bằng the bát, thêu hình viên long, gấu áo thêu đồ án lý ngư hóa long (cá chép hóa rồng) nổi trên nền màu đỏ; còn mãng bào của các hoàng tử thì chỉ được thêu 9 con rồng 4 móng.

Điều đặc biệt, theo TS. Trần Đức Anh Sơn, trong nền nghệ thuật và kiến trúc thời Nguyễn, con rồng không phải là vật sở hữu của riêng nhà vua hay hoàng gia. Con rồng thời nay đã vượt khỏi chốn cung cấm mà góp mặt ở hầu khắp các đình chùa, đền vũ nơi thôn dã như một cách để triều đình chia sẻ hình tượng con rồng với thần dân của mình.

Thú vị là con rồng trong cung đình và con rồng trong những kiến trúc dân gian xứ Huế lại không phải là phiên bản của nhau. Điều này có thể nhìn thấy khi so sánh các chi tiết như: Đầu, sừng, vảy, móng và đuôi. Điều này phản ánh một thực tế là không có những quy định nghiêm ngặt theo kiểu độc chiếm hình tượng con rồng trong mỹ thuật cung đình Huế.

Tường Minh
TIN LIÊN QUAN

Nhiều Châu bản quý triều Nguyễn lần đầu được trưng bày tại Hà Nội

Ý Yên |

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”.

Kiến trúc đồ sộ của Đại Nội Huế và lăng tẩm vua triều Nguyễn từ trên cao

Mai Anh |

Dưới góc chụp từ trên cao, Đại Nội Huế và lăng tẩm của 4 vị vua triều Nguyễn hiện lên vừa cổ kính, vừa nên thơ, đẹp ấn tượng như một bức tranh.

Trưng bày tranh lễ phục triều Nguyễn của Nguyễn Văn Nhân tại Tàng Thơ Lâu

Tường Minh |

Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trưng bày bộ tranh vẽ lễ phục triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Văn Nhân tại Tàng Thơ Lâu.

Bi kịch của người đàn bà phóng hoả trả thù tình nhân

Việt Dũng |

Trong phiên toà, Trần Thị Thanh Hải - kẻ phóng hoả đốt khu nhà trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến ngọn lửa bùng phát, làm chết 1 phụ nữ đang mang thai - đã cay đắng cho hay, từ ngày vướng lao lý, cô bị chồng, người thân bỏ mặc, không ai đoái hoài.

Đón lễ Tình nhân khó quên dịp năm mới ở thành phố lãng mạn nhất châu Á

Thanh Hà |

Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay trùng với lễ Valentine 14.2, hay còn gọi là ngày lễ Tình nhân. Tại Hong Kong (Trung Quốc), nơi được mệnh danh là một trong những thành phố lãng mạn nhất châu Á, có nhiều địa điểm lý tưởng để nhân đôi niềm vui trong dịp này.

Cửa ngõ TPHCM sẽ thoát kẹt xe nhờ 5 dự án mở rộng đường

MINH QUÂN |

TPHCM - Mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22, trục đường Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên là 5 dự án BOT ở cửa ngõ TPHCM sẽ được khởi công năm 2025 giúp xóa kẹt xe, tăng kết nối vùng.

Biển người đổ về trung tâm thương mại tối mùng 4 Tết Giáp Thìn

Nhật Minh |

Mùng 4 Tết Giáp Thìn (ngày 13.2), nhiều trung tâm thương mại mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu vui chơi, ăn uống của người dân. Vào giờ cao điểm, nhiều quán ăn tại đây rơi vào cảnh đông kín, quá tải khách hàng.

Người nước ngoài nói về “đặc quyền” đón Tết hai lần một năm ở Việt Nam

Ý Yên |

“Thật sự là một “đặc quyền” khi được đón năm mới hai lần một năm, với hai không khí và phong cách hoàn toàn khác biệt”, ông Franck Rodriguez, chia sẻ cảm nhận về Tết Nguyên đán.

Nhiều Châu bản quý triều Nguyễn lần đầu được trưng bày tại Hà Nội

Ý Yên |

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”.

Kiến trúc đồ sộ của Đại Nội Huế và lăng tẩm vua triều Nguyễn từ trên cao

Mai Anh |

Dưới góc chụp từ trên cao, Đại Nội Huế và lăng tẩm của 4 vị vua triều Nguyễn hiện lên vừa cổ kính, vừa nên thơ, đẹp ấn tượng như một bức tranh.

Trưng bày tranh lễ phục triều Nguyễn của Nguyễn Văn Nhân tại Tàng Thơ Lâu

Tường Minh |

Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trưng bày bộ tranh vẽ lễ phục triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Văn Nhân tại Tàng Thơ Lâu.