Những giấc mơ gửi cá chép lên trời

Hải An |

Với nhiều gia đình, Tết Nguyên đán đến từ rất sớm, ngay từ ngày 23 tháng Chạp, ngày mà nhà nhà đều làm mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo về trời. Những con cá chép tinh thần bay trong làn khói chất chứa biết bao ước vọng của người trần mắt thịt gửi tới đấng linh thiêng vô hình, vô ảnh.

Mâm cơm tiễn Táo Công ngày hăm ba tháng Chạp

Trong tâm thức của người Việt, lễ cúng ba vợ chồng Táo Quân - những vị thần cai quản bếp núc trong nhà - là một cái lễ rất quan trọng trong năm. Nhà cửa có ấm cúng, hạnh phúc hay không là phụ thuộc vào việc bếp có đỏ lửa hay nguội ngắt. Nên ngày ấy, bận gì thì bận, cũng phải chú tâm làm mâm cơm tươm tất để tiễn ba vị thần Bếp.

Từ tối hôm trước, đã phải lau dọn bếp núc, nồi niêu thật sạch sẽ. Sau đó đem gạo nếp và đỗ xanh ngâm, phần để đồ xôi, phần để nấu chè. Sáng ngày 23, dậy từ tờ mờ sáng để bắc chõ hông xôi. Xôi phải hông thực chú tâm, thực khéo để hạt xôi nở mọng như thân ong, dẻo mềm, không khô không nát còn đỗ xanh nhuyễn nhừ bao lấy hạt xôi, rồi mới đơm ra đĩa thật đầy đặn, no đủ.

Sau đó quay sang sửa soạn món gà cúng cũng vô cùng căng thẳng. Luộc gà thì đơn giản, nhưng luộc thế nào để có con gà cúng vàng tươi mà không cần bôi nghệ, nhất là phần cổ gà và mào gà không bị thâm, hình dáng nghiêm trang, rạng ngời ngậm bông hồng đỏ chót thì phải mất nhiều công sức và sự tập trung.

Ngay cả những món khác như đĩa xào hạnh nhân, bát bóng thả, bát canh măng miến, đĩa nem rán, đĩa giò cũng phải dụng công chế biến thì mới tạo nên một mâm cơm cúng thần bếp trang trọng và đủ đầy. Sự dụng công đó thể hiện sự thành kính của Lễ mà con người muốn gửi tới các vị thần linh. Bởi lòng chí thành tất cảm đến đấng chí linh.

Mâm cơm cúng Táo Công thường được bày ngay trong bếp chứ không bày ở chỗ thờ cúng. Nơi nào các vị thần bếp tác nghiệp thì bày ở đó, mới thật là đúng cách chứ chẳng phải tuỳ nghi gì. Thế mới phải lau dọn bếp sạch sẽ từ hôm trước, nấu nướng xong lại phải lau dọn tinh tươm mới được bày mâm cỗ cúng.

Khi mà mâm cơm cúng đã tươm tất thì chạy lên Quảng Bá để mua cành hoa đào. Chỉ có ở đây mới có những cành bích đào Nhật Tân nhỏ xinh cánh dầy, có sắc màu hồng đậm và hội đủ tứ quý gồm hoa, lá, quả, lộc. Ngoài cành đào, một thứ hoa khác không thể thiếu khi cúng thần bếp chính là một bó cúc đại đóa vàng rực.

Còn cá chép nữa, thiếu cá chép thì không thành lễ cúng ông Công, ông Táo. Cá chép là phương tiện di chuyển đưa các ông từ bếp nhà mình lên tới thiên đình. Cá chép bay lên còn là khát vọng của con người, mong cho mọi sự trong năm mới được tấn tới, thăng hoa và thành đạt.

Đấy, cá chép quan trọng như thế cho nên phải mua cho đầy đủ, nào là cá chép sống, cá chép mã, cá chép rán, xôi gấc nén hình cá chép để các ông tùy nghi sử dụng. Thôi thì các ông đã phù hộ độ trì cho bếp nhà mình quanh năm ấm áp, no đủ thì hôm nay là ngày các ông đi làm việc trọng, việc chuẩn bị cho các ông ắt phải chu toàn.

Cho dù xã hội có thay đổi như thế nào, có phiên phiến, có giản lược những đòi hỏi nghiêm ngặt của truyền thống, mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo có được “đặt online”, nhưng thái độ thành kính của con người hiện đại trong cái Tết cổ truyền vẫn cần phải được bảo tồn đúng như nếp xưa.

Không có truyền thống, con người sẽ mất nền tảng, sẽ mai một những ý nghĩa tốt đẹp của ngày 23 tháng Chạp. Xét cho cùng, mâm cơm tràn đầy thành ý đó rốt cuộc cũng là để cho chúng ta thụ hưởng cùng nhau, để hiểu được cái tâm, cái tình của người vợ, người mẹ, người bà trong từng miếng ngon.

Thả cá chép, gửi niềm hy vọng

Đăng, trà, quả, thực đã đầy đủ rồi, đã bày biện mâm lễ mặn, mâm lễ ngọt chỉn chu, lại phải bắc nồi nước quế lên bếp đun. Chỉ khi nồi nước quế sôi lục bục, hương quế thơm thoang thoảng khắp nhà thì mới bắt đầu lên hương. Thắp 3 nén hương, bà chủ nhà lầm rầm cầu khấn và gửi gắm những ước mơ cho một năm mới tốt lành.

Một điểm kỳ lạ, hầu như trong bữa cúng chư vị thần bếp của ngày 23, chủ lễ đều là bà nội tướng đứng ra đảm nhiệm việc giao tiếp, báo cáo, trình bày, khấn khứa với các vị thần bếp. Nó khác với mâm cơm tất niên, hay tân niên khi mà các đấng ông chồng thành kính mời tổ tiên về gia đình ăn Tết.

Âu cũng vì cả năm các bà mới là người nấu nướng, bếp núc, hiểu rõ gia cảnh nhà mình nên đứng vai chính là “đúng người, đúng việc”. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, mà hình ảnh tổ ấm nào chính xác hơn hình ảnh của công việc bếp núc đầy ắp những sự hy sinh, tần tảo, chịu thương, chịu khó.

Bà nội tướng thành kính khấn nhờ ba vị thần Bếp báo cáo với Ngọc Hoàng rằng bếp nhà mình năm qua đỏ lửa cho dù có khó khăn, điều kiện kinh tế có ngặt nghèo. Rằng, càng trong cảnh gian khó, càng thấy sự quan trọng của cái bếp. Không có những bữa cơm nóng hổi, ngon lành ở nhà, con người sẽ bơ vơ, cô độc và yếu ớt lắm giữa thời hoang mang.

Trần gian, trong những năm gần đây, đã trải qua những khó khăn của dịch bệnh, của suy thoái kinh tế, những biến cố dạy cho con người biết rằng hóa ra điều quan trọng nhất, tối cần thiết cho mỗi cá nhân trong cuộc đời là duy trì được cái bếp trong gia đình luôn được đỏ lửa.

Cái bếp chính là nơi náu cuối cùng của con người, gắn kết mọi thành viên trong gia đình bằng những bữa cơm nóng hổi, an lành, chan chứa tình thương yêu. Bếp còn đỏ lửa, con người còn được chở che. Xét cho cùng, “Dân dĩ thực vi thiên”, người dân coi miếng ăn là trời, nên còn được no bụng là còn được trời thương.

Thế nên, bà chủ nhà chỉ khẩn xin ông Công, ông Táo hãy giúp gia đình được quanh năm sum vầy qua các bữa cơm thường nhật, cùng nhau chia sẻ những miếng ngon ngọt, bùi béo và cả những tâm cảnh đắng cay, thất vọng. Chỉ thế thôi, chứ không phải công thành danh toại hay vinh hoa phú quý chi chi.

Sau bữa cơm rôm rả bàn tán chuyện sắm Tết, chơi Tết, bà lại lên một tuần hương. Đợi hương tàn thì sai chồng con đi hóa vàng và mang xô cá chép đi thả. Chọn một con hồ, con ao vắng vẻ, sạch sẽ, tốt nhất là ở ao chùa, để thả cá chép vào một không gian mà cá có thể sống được chứ không phải làm đại khái, quấy quá cho xong.

Khi cá chép nhập thủy, liền bơi đi, mang theo ước vọng của con người gửi gắm tới những đấng linh thiêng vô hình, vô ảnh. Nhìn theo những than cá chép chỉ còn là những chấm nhỏ, rồi những chấm nhỏ ấy cũng biến mất chỉ còn lại mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Với nhiều người Việt, thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp là gieo một niềm hy vọng.

Hy vọng có thể thành sự thật hay không thì chưa biết nhưng ít nhất là khi cá chép còn bơi thì con người còn có thứ neo vào và sống tốt hơn. Con người cần có ước mơ và niềm hy vọng đúng không nào! Sau khi cá chép cõng ông Công, ông Táo chầu Trời, cõng luôn những giấc mơ của con người, ấy là lúc Tết Nguyên đán thực sự đến nhà!

Hải An
TIN LIÊN QUAN

Thị trường đồ lễ cúng ông Công ông Táo bắt đầu nhộn nhịp

Minh Hà - Hoàng Xuyến |

Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến ngày lễ ông Công, ông Táo nhưng nhiều người dân Thủ đô đã sớm chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng tiễn đưa Táo quân về trời.

Vàng mã phục vụ lễ ông Công ông Táo giảm giá vẫn vắng khách mua

HẢI ĐĂNG |

Dù mẫu mã đa dạng, bắt mắt nhưng thị trường vàng mã trước Tết ông Công ông Táo năm nay lại ảm đạm, giá thành giảm sút.

Phạt hàng quán không công khai phụ phí ngày Tết

Ngọc Thiện |

Thực tế cho thấy, rất nhiều cơ sở kinh doanh sẽ thu thêm phí dịch vụ khi đón khách trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề về pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt.

Giá hoa lan tăng bất ngờ trước Tết Nguyên đán 2024

Anh Tuấn |

Càng gần Tết Nguyên đán 2024, giá hoa lan càng tăng hơn. Nếu một cành lan hồ điệp có giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng ở thời điểm cách đây 1 tháng thì bây giờ, một cành lan hồ điệp đã ở mức giá 200.000 - 280.000 đồng, tùy vào kích cỡ, màu sắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc Tết, tặng quà công nhân dầu khí

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Trong chuyến làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tại TP Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thăm công trường sản xuất, tặng quà và chúc Tết công nhân đang lao động.

Giờ thứ 9: Trả thù (Phần 2)

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Ranh giới giữa tình yêu chân thành và giả dối thật mỏng manh. Người phụ nữ trong câu chuyện đã gặp nhiều khổ sở vì quá tin vào những lời đường mật của đàn ông. Cái kết của câu chuyện sẽ ra sao, mời các bạn cùng theo dõi những diễn biến tiếp theo.

Nóng Sài Gòn: Cuối tuần, cửa ngõ phía Tây TPHCM kẹt không lối thoát

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

Tin tức Nóng Sài Gòn ngày 4.2: Tình hình dịch bệnh tại TPHCM trước Tết Nguyên đán; Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất chật kín người ngày cuối tuần; Người dân đi tảo mộ, cửa ngõ phía Tây TPHCM kẹt không lối thoát...

Chợ hoa Trên bến dưới thuyền tấp nập khách trước giờ khai mạc

Nguyên Chân |

TPHCM - Dù chưa tới giờ khai mạc nhưng chợ hoa "Trên bến dưới thuyền" (Quận 8) đã tấp nập khách tới mua, vui chơi.

Thị trường đồ lễ cúng ông Công ông Táo bắt đầu nhộn nhịp

Minh Hà - Hoàng Xuyến |

Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến ngày lễ ông Công, ông Táo nhưng nhiều người dân Thủ đô đã sớm chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng tiễn đưa Táo quân về trời.

Vàng mã phục vụ lễ ông Công ông Táo giảm giá vẫn vắng khách mua

HẢI ĐĂNG |

Dù mẫu mã đa dạng, bắt mắt nhưng thị trường vàng mã trước Tết ông Công ông Táo năm nay lại ảm đạm, giá thành giảm sút.

Phạt hàng quán không công khai phụ phí ngày Tết

Ngọc Thiện |

Thực tế cho thấy, rất nhiều cơ sở kinh doanh sẽ thu thêm phí dịch vụ khi đón khách trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề về pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt.