Gặp gỡ cuối tuần

NHẠC SĨ THAO GIANG - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ÂM NHẠC VIỆT NAM: “Giữ gìn văn hóa truyền thống cũng quan trọng như giữ biển, đảo của

KIM ANH THỰC HIỆN |

Khoảng chục năm nay, người ta biết đến nhạc sĩ Thao Giang với vai trò là người làm sống lại nghề hát xẩm - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của VN.

Ông đã cùng cố GS. NGND. Phạm Đình Khang thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN (Đình Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội). Mục tiêu của Trung tâm là khôi phục lại những loại hình âm nhạc truyền thống đã và đang trên đường bị quên lãng, đi theo nó là những loại nhạc cụ độc đáo, chỉ có ở Việt Nam. Trong số này, hát xẩm và ca trù là hai loại hình mà các ông cho rằng, cần phải “cứu khẩn cấp”.

Những gì người đàn ông nhỏ thó này nỗ lực làm trong hơn chục năm qua đã được trả giá xứng đáng. Hát xẩm đã có 11 năm hoạt động đều đặn ở phố cổ với tần suất lúc đầu là 1 buổi/tuần, từ năm 2010 đến nay là 3 buổi/tuần. Hát xẩm đã đi vào các trường học, điện ảnh, sân khấu vào các CLB quần chúng, sân khấu ca múa nhạc. Nhờ có nhiều người được tiếp cận với hát xẩm nên giờ nó có ảnh hưởng tích cực đến việc đào tạo. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, hiện Trung tâm có hai dạng đào tạo: Đào tạo cho công chúng - những người yêu thích; Đào tạo theo kiểu chính quy, năm 2015, có 20 học viên đã tốt nghiệp đại học và được nhận bằng cử nhân theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Tại sao ngay từ đầu ông đã đặt mục tiêu cho mình, cho Trung tâm là phải khôi phục lại loại hình hát xẩm, mà không phải một loại hình nào khác?

- Hát xẩm không có đối tượng riêng như một vài loại hình nghệ thuật khác. Có thể nói hát xẩm là loại âm nhạc bình dân. Tập hát cũng đơn giản, phương pháp thanh nhạc không cầu kỳ. Không gian diễn xướng là ngoài đường phố, chợ quê... Thể thơ cũng thế, mỗi bài hát xẩm là một câu chuyện nhỏ, do vậy ngay lập tức thâm nhập vào lòng người... Riêng các nghệ nhân ở Hà Nội rất tài tình vì họ đã tìm ra một phương thức diễn xướng mà chúng tôi cần học tập, đó là người ta hát những bài hát có tác giả (khác với làng quê, đôi khi là những bài thơ vô danh hoặc được truyền tụng trong dân gian), mà các tác giả ấy đều là những người nổi tiếng: Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Có thể nói, hát xẩm là một loại nghệ thuật đường phố độc đáo, thuần Việt. Trong khi đó, những năm cuối thập niên 1970, nhiều người còn biết đến xẩm, vậy mà chỉ vài chục năm sau, khi tôi đưa xẩm ra chợ Đồng Xuân (năm 2006), nhiều người xem/nghe rất thích thú, nhưng cũng không biết đó là loại hình nghệ thuật dân gian gì.

Không chỉ có xẩm, ca trù, trống quân cũng là mối lo lắng của chúng tôi bởi nếu ta không dốc sức làm thì nó mất đi bất kỳ lúc nào. Hiện nay, có thể có nhiều người thích nghe rồi đấy, nhưng những người giữ gìn nó, quảng bá nó thì không nhiều.

Nghe nói, trong số 20 bạn tốt nghiệp năm ngoái, đã có một số được học tiếp lên cao học?

- Hệ thống đào tạo chính quy (đại học) của chúng tôi nhận được sự trợ giúp của nhiều giảng viên, nghệ nhân, nghệ sĩ ở trong nước. Chúng tôi đào tạo theo hướng vừa nghiên cứu cơ bản (thông qua nghiên cứu, điền dã, sưu tầm), vừa thực hành. Chính vì thế, khi tốt nghiệp, các em đã có thể vừa thuyết trình được, vừa biểu diễn được, đúng như mô hình GS. Trần Văn Khê đã từng nói đến về đào tạo nghệ thuật. Trước đây chỉ có truyền miệng. Giờ những người được học này sẽ phải nghiên cứu, tìm ra quy luật sáng tác để giữ gìn nó, truyền bá nó trước sự phát triển như hiện nay. Bởi nếu không có gốc rễ này, không tìm ra nguyên lý cơ bản thì nó rất dễ phát triển theo chiều hướng khác. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ điều quan trọng của việc đào tạo là phải giữ được bản sắc vốn có của dòng âm nhạc dân gian truyền thống. Thế nhưng không thể không tiếp tục sáng tạo được... Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho phép Trung tâm đào tạo mấy ngành sau: Hát xẩm, trống quân, ca trù, hát văn, quan họ và các nhạc cụ dân tộc. Việc có 6 học viên (nay còn 4) theo học cao học tại Học viện Âm nhạc Huế là do chúng tôi chọn và xin đặc cách để có một đội ngũ giảng viên trong tương lai, giúp Trung tâm phát triển hơn nữa. Tôi hy vọng, đây sẽ là lực lượng nòng cốt để thay tôi tiếp tục công việc khó khăn, nhọc nhằn nhưng vô cùng cần thiết này.

Ông nghĩ sao trước thông tin Trung Quốc nhận đàn bầu là của nước họ, chứ không phải là của VN?

- Thứ nhất, đó mới chỉ là thông tin truyền miệng, tôi chưa nhìn thấy văn bản. Thứ nữa, nếu thông tin ấy là thật thì cũng không nên thờ ơ. Có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, nếu có hội thảo hay hội nghị gì đó về vấn đề này, với lương tâm của một công dân VN, một người nghệ sĩ, tôi sẽ có đủ bằng chứng để cho mọi người thấy đàn bầu là của VN. Bởi điều này rất hệ trọng, chúng ta chỉ có một vài của báu trong văn hóa dân tộc. Việc giữ gìn văn hóa truyền thống cũng quan trọng như việc giữ biển, đảo của VN. Qua việc này, và việc xảy ra với rối nước ngày xưa, lại càng khẳng định rằng, công tác sưu tầm, nghiên cứu, điền dã là vô cùng quan trọng bởi nếu không có nó làm sao mình có đủ cơ sở để bác bỏ.

Tôi nghĩ, khi đang là giảng viên Học viện Âm nhạc VN, ông hoàn toàn có thể vẫn làm được các công việc đào tạo như hiện nay. Vậy, sao ông lại bỏ để thành lập Trung tâm này?

- Trước đây tôi dạy trong Khoa Nhạc cụ Dân tộc. Năm 1985, sau khi đi học và nghiên cứu ở Ấn Độ về, tôi nghĩ cần phải có sự thay đổi cơ bản ở khoa nhạc cụ dân tộc, bởi nếu mình vẫn dạy theo lối của Tây như thế này, sẽ rơi rụng mất hồn cốt của âm nhạc truyền thống. Nhưng Nhạc viện không tán thành bởi nếu làm thế thì phải thay đổi cả một hệ thống từ giáo trình đến giáo viên... Có rất nhiều người ủng hộ, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc ấy và Giám đốc Nhạc viện..., nhưng sau đó họ về hưu nên lại rơi vào im lặng... Sau này, nhiều lần tôi đã đệ đề cương lên rất nhiều vị lãnh đạo để xin khôi phục lại cái dòng âm nhạc này. Ai cũng bảo hay, cũng khen, nhưng không ai quyết. Cuối cùng tôi nói với GS. Đình Khang: “Có lẽ chúng mình phải tự tổ chức ra một đơn vị để làm. Bây giờ còn sức khỏe thì phải làm...”, ông nhất trí và chúng tôi bắt đầu hành trình khốn khổ đi xin phép thành lập Trung tâm. Năm 2005, Hội Nhạc sĩ mới ra quyết định thành lập. Thế nhưng khi có Quyết định rồi thì trong tay không có một cái gì: Không tiền, không người, không trụ sở. Tôi phải bắt tay vào mọi việc đi xin từ cái bàn, cái ghế, cái tủ, điện thoại... Rồi phải đi kêu gọi các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Văn Ty, Hạnh Nhân... Rất may là các nghệ sĩ rất ủng hộ, nhưng tôi cũng phải “giao hẹn” làm mà không có gì đâu nhé! Mấy anh em cứ ngồi với nhau hết ngày này đến ngày khác, tập lại các bài xẩm cổ... Đến cuối 2005, Hà Nội mở phố đi bộ, chúng tôi mạnh dạn đưa xẩm ra. Nói mạnh dạn, bởi trước đó nhiều loại hình nghệ thuật đã được đưa ra phố đi bộ, nhưng chỉ được 1 - 2 buổi rồi “chết”... Và như mọi người đều thấy, xẩm nay đã trở thành một thương hiệu văn hóa không thể thiếu ở phố đi bộ, phố cổ.

Làm bao nhiêu việc có ý nghĩa như thế, Trung tâm có nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý văn hóa hay Hội Nhạc sĩ (cơ quan chủ quản) - về trụ sở chẳng hạn? Chả lẽ là một cơ sở đào tạo mà cứ đóng ở trong đình mãi sao, thưa ông?

- Không cơ quan văn hóa nào quan tâm đến sự tồn tại chứ nói gì đến các hoạt động của Trung tâm. Chúng tôi không có thời gian, điều kiện mà đi xin, cũng không biết xin ai, xin như thế nào. Bao nhiêu công sức để cho xẩm sống lại, có đời sống của nó, ai cũng biết, sờ sờ ra đó, vậy mà không ai nghĩ đến chuyện giữ gìn, không ai nghĩ đến việc tiếp tục phát huy nó, không một tổ chức nào hay một người quản lý nào nghĩ đến chuyện đầu tư cho nó....

Chúng tôi thấy may lắm khi được các cụ cho trú ngụ trong đình này. Vất vả nhưng thấy vui vì chứng tỏ được nhân dân yêu mến, cưu mang. Và quan trọng hơn là được sống trong dân, có không gian diễn xướng đúng với tinh thần âm nhạc truyền thống. Tôi vẫn tự trào: “Thôi, giờ ta học ông An Tiêm, ông Chử Đồng Tử, cứ trong dân mà sống”. Các học viên làm việc ở đây vừa được thỏa mãn việc học nghề, làm nghề mà cũng chẳng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhà ở đây không có điều hòa, nhưng lại được những tán lá hàng mấy trăm tuổi che cho, không khí thoáng đãng, trăng, sao đầy đủ. Tất cả những gì phục vụ cho chúng tôi làm việc để đóng góp cho xã hội, đóng góp cho đời đều có... Chúng tôi như một gia đình - đó là điều hạnh phúc nhất.

“Các học viên cũng chẳng thiếu ăn, thiếu mặc” - nghe ông nói thế, có vẻ như Trung tâm đang ở giai đoạn “ăn nên làm ra”?

- Trái lại, kinh phí luôn là vấn đề đối với Trung tâm. Có hai việc phải đầu tư, quỹ lương (cho gần chục người) và quỹ để điền dã sưu tầm. Trong đó, công tác điền dã sưu tầm phải được tiến hành thường xuyên và càng nhiều càng tốt, bởi số nghệ nhân càng ngày càng ít đi. Khi mới thành lập Trung tâm, chúng tôi có tới hơn 20 nghệ nhân thì nay chỉ còn 3 cụ - đều trên 80 tuổi, ốm đau, sống, chết không biết lúc nào. Hiện nay có dự án làm những nhà hát hàng trăm tỉ để làm gì, vô bổ, trong khi đó cả nghệ thuật dân gian truyền thống lẫn nghệ nhân đều “thoi thóp”. Khi nào có điều kiện tôi sẽ lên tiếng.

Nhân đây, tôi cũng nói thêm, ở ta cứ nói mãi về xã hội hóa. Nhưng thực chất là “thả” cho tự sống, tự đi xin tài trợ, rất mệt mỏi. Hơn nữa, với văn hóa dân gian không thể “thả” như thế được. Ở nhiều nước khác, các DN sẽ tự đăng ký tài trợ cho văn hóa nghệ thuật một số tiền nào đó, (tất nhiên là họ sẽ được trừ, giảm thuế, ưu tiên đầu tư...) nhà nước sẽ “phân bổ” sự tài trợ đó cho các loại hình nghệ thuật mà nhà nước quan tâm (phần lớn là nghệ thuật truyền thống). Như thế, rõ ràng tiền thuế được sử dụng một cách hiệu quả, thiết thực nhất, bởi khi đó, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chỉ việc lo làm tốt phần việc của mình là nghiên cứu, sáng tạo, biểu diễn... Tôi không phải là người làm chính sách, nhưng tôi nghĩ thuế người ta vẫn nộp đầy đủ, nhưng có một khoản dành cho hoạt động văn hóa truyền thống của quốc gia đó bằng hình thức ấy. Tại sao chúng ta lại không áp dụng?

Điều mong muốn nhất lúc này của ông, sau ngần ấy năm “vật lộn” với những xẩm, ca trù, quan họ, trống quân...?

- Làm thế nào để các em sống được bằng nghề. Phải nói là các học viên ở đây đã phải hy sinh rất nhiều bởi với những kiến thức đã được học, họ hoàn toàn có thể đi hát ở phòng trà, quán bar, các CLB... và dễ dàng kiếm cho mình tiền trăm, tiền triệu mỗi tối. Nhưng không, tất cả đều tập trung vào việc ở Trung tâm. Nếu chúng ta không ưu ái những người như thế thì liệu thế hệ trẻ nhìn vào đấy có theo không? Mỗi ngày tôi đều nhận được đề nghị xin học, nhưng liệu họ có theo được đến cuối con đường khi nhìn vào cuộc sống khó nhọc của những người đang làm nghề như hiện nay? Đó cũng chính là điều tôi vô cùng lo lắng.

Xin cảm ơn ông!

 

Cả một đời gắn bó với âm nhạc dân tộc, có thể nói, nhạc sĩ Thao Giang đã cùng một số nghệ sĩ khác như Đinh Thìn, Bá Phổ, Đức Nhuận… một thời đưa các cây đàn dân tộc lên đỉnh cao kỹ thuật khí nhạc để nhiều người trên thế giới biết đến.

 

Ba - bốn chục năm nay, hiếm có đoàn nghệ thuật nào ra nước ngoài mà lại không mang theo “Kể chuyện ngày mùa” - do nhạc sĩ Thao Giang sáng tác cho đàn nhị - để khoe với thiên hạ. Với thời lượng chỉ khoảng 8 phút, “Kể chuyện ngày mùa” đã khắc họa được hình ảnh tươi vui, thanh bình của làng quê VN trong những ngày thu hoạch thành quả làm việc của người nông dân qua mỗi vụ mùa.

Nhạc sĩ Thao Giang cũng là tác giả của công trình nghiên cứu, cải tiến mở rộng âm vực cho cây đàn nhị để nó có thể hiên ngang độc tấu trên sân khấu.

KIM ANH THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.