Người 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm

Kỳ Quan |

Mới đây, ông Hà Minh Trí- người từng làm nổi sóng chính trường Sài Gòn khi nổ “phát súng trên cao nguyên” ám sát Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã qua đời ở tuổi 85. Không chỉ 1 lần, ông Hà Minh Trí từng 3 lần ám sát "hụt" Ngô Đình Diệm.

Cán bộ cách mạng thành tín đồ đạo Cao Đài   

Trong những năm cuối đời, ông Hà Minh Trí bị chứng bệnh chảy nước miếng liên tục, nói chuyện rất khó khăn. Nhưng nếu có ai nhắc đến chuyện ám sát Ngô Đình Diệm, ông luôn hào hứng kể. Ông tên thật là Phan Văn Điền, sinh năm 1935 tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mới 10 tuổi ông đã lưu lạc vào Nam, rồi tham gia cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 21.7.1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Trong khi Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định, ngăn cản thống nhất đất nước và thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ, thì ta vẫn kiên trì đấu tranh chính trị, nghiêm cấm đấu tranh vũ trang. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã nghĩ ra một kế đánh địch mà không sợ vi phạm chủ trương chung, đó là giả danh giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên để đánh Diệm. Ông Trí đã rời khỏi Đội Biệt động N2 ở Vũng Tàu, đi về vùng đất thánh địa của đạo ở tỉnh Tây Ninh và trở thành tín đồ đạo Cao Đài với tên Triệu Thiên Thương (vì vậy mà ông có thêm cái tên Mười Thương).

Trước đó, khi chính quyền Ngô Đình Diệm lộ rõ bản chất bán nước, các tín đồ đạo Cao Đài ở Tây Ninh đã đấu tranh chống Diệm. Cuối năm 1955, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào chiến khu Cao Đài ở Tây Ninh. Sau một thời gian cầm cự, Hộ pháp Phạm Công Tắc (người đứng đầu Cao Đài Tây Ninh) chạy sang Cao Miên. Phần lớn binh sĩ Cao Đài buông súng xin hàng, số còn lại tản mát về vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chiến đấu chống Diệm và đã tan rã dần. Ngay sau đó, Ngô Đình Diệm đích thân lên Tây Ninh để xoa dịu cũng là dằn mặt các tín đồ Cao Đài còn có xu hướng chống đối. Thông tin cuộc thân chinh đi Tây Ninh của Ngô Đình Diệm đã đến được với những nhà lãnh đạo cách mạng tỉnh Tây Ninh. Và tín đồ Triệu Thiên Thương được giao nhiệm vụ “đón tiếp”, khi xe chở Ngô Đình Diệm vừa dừng ở Tòa thánh, ông sẽ tung mấy quả lưu đạn và nổ súng lao về phía Diệm... Buổi trưa ngày 28.10, khi ra đường dò la tin tức, các ông thấy 1 đoàn xe có cảnh sát hộ tống từ trung tâm thị xã Tây Ninh chạy về hướng Sài Gòn. Thì ra Diệm đã bí mật đến Tây Ninh lúc sáng sớm, không tiền hô hậu ủng, làm việc xong là về ngay. Anh lính Cao Đài Triệu Thiên Thương chỉ biết ôm khẩu súng và mấy quả lựu đạn tiếc rẻ nhìn theo.

Đêm Giáng Sinh nào Ngô Đình Diệm cũng cùng gia đình đến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hành lễ. Kỳ Giáng Sinh năm 1956, ông Trí cùng 1 đồng đội trà trộn vào ngồi hàng ghế thứ 3 (hàng thứ 1 dành cho gia đình Diệm, hàng thứ 2 cho bộ máy chính quyền Diệm), chỉ cách Diệm khoảng 2-3m, mỗi người 1 khẩu súng ngắn. Bên ngoài ở đầu đường Catinat có 2 đồng đội sẵn sàng yểm trợ bằng cách khi nghe tiếng súng nổ thì cắt cầu dao trạm điện và tung lựu đạn khói để 2 chiến sĩ bên trong thoát thân. Để chuẩn bị cho vụ ám sát, các ông thậm chí còn vào rừng làm mô hình hiện trường, diễn tập thực hiện vụ ám sát, từ lúc bắn chết Ngô Đình Diệm trong khu vực hành lễ đến khi lên xe máy để đồng đội chở thoát thân chỉ mất chưa tới 30 giây...

Đêm Giáng Sinh cuối cùng rồi cũng đến. Ngay từ chiều tối, ông Trí đã vào vị trí “hàng thứ 3”. Trong nhà thờ, những tín đồ đến ngày một đông. Thế nhưng, cho tới 24 giờ kém, khi tiếng chuông nhà thờ đã gióng lên liên hồi báo hiệu giờ Giáng Sinh đã đến, mà trên đường Catinat vẫn yên ắng, không có dấu hiệu nào cho thấy có một yếu nhân đang chuẩn bị đến hành lễ. Ông không thể ngờ rằng, thay vì đến hành lễ tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đã lên đường trực chỉ hướng huyện Đức Huệ - tỉnh Long An cũng để dự lễ Giáng Sinh vào phút chót.

Phát súng trên cao nguyên

Được mật báo Ngô Đình Diệm sẽ lên dự và cắt băng khai mạc Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên tại TP.Buôn Mê Thuột vào ngày 22.2.1957, ông Trí đã nhận nhiệm vụ “đón Diệm” ở hội chợ. Qua một “huynh trưởng” từng là lính Cao Đài ở Tây Ninh tham gia Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ, ông nắm khá đầy đủ kế hoạch bảo vệ Diệm trong lễ khai mạc và đã vào được tận sân lễ.

Ông đứng sát 1 quân cảnh cao to hơn hẳn ông cái đầu. Từ chỗ ông đứng tới dãy bàn dành cho các nhân vật quan trọng ngồi dự lễ khai mạc và cắt băng khánh thành là khoảng sân trống, cách gần 20m. Gần đến 9 giờ, ban tổ chức yêu cầu mọi người đứng dậy nghiêm trang chào “Ngô tổng thống”. Các quan chức địa phương bước vào đầu tiên, sau đó là Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Nhu, rồi đến Ngô Đình Diệm và nhiều quan chức khác. Đoàn khách VIP vừa an vị, tiếng hô chào cờ vang lên cùng lúc điệu nhạc bài “Tiến lên thanh niên” vang lên...

Nhanh nhẹn và kín đáo, ông Trí đưa tay vào trong áo lắp băng đạn 21 viên vào súng. Khi bài quốc ca mới hát được nửa lời, bất ngờ 2 tiếng nổ vang lên từ phía hàng đại biểu là những thương gia. Sau vài giây sững sờ, mọi người mới biết chuyện gì xảy ra, cùng lúc tay Bộ trưởng Canh nông đứng cạnh Ngô Đình Diệm đổ sụp vì trúng đạn (và chết sau đó). Hà Minh Trí tiếp tục chĩa súng về phía Ngô Đình Diệm và siết cò, nhưng đạn đã không lên nòng tiếp... Ông Trí bình tĩnh kéo cần lên đạn lại, nhưng đã quá muộn, tay thượng sĩ an ninh đứng kề bên đã tức thì xô ông ngã sóng soài trên mặt đất. Ở phía khán đài, quân cảnh đã cõng Ngô Đình Diệm chạy mất.

Tại Ty Cảnh sát Buôn Mê Thuột, trước sự hiện diện đông đủ của Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo, khi bị thẩm vấn về động cơ ám sát, ông trả lời rành mạch theo đúng “lập trình”: “Tôi là lính giáo phái Cao Đài, tôi giết Ngô Đình Diệm để trả thù cho các thủ lĩnh Cao Đài, tôi hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh”. Nghe câu trả lời, Ngô Đình Nhu tái mặt, ra lệnh ngừng ngay cuộc thẩm vấn và yêu cầu những người có mặt tuyệt đối giữ kín nội dung. Đối với “ngài cố vấn” được xem là bộ não sách lược của chính quyền Diệm, có thể thông tin kẻ ám sát tổng thống là lính giáo phái Cao Đài không thật hệ trọng, nhưng lời khai “hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh” là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, ông ta ra lệnh dừng ngay cuộc hỏi cung với nhiều thành phần tham dự, để chuyển ngay kẻ ám sát về Sài Gòn tiếp tục làm rõ mọi chuyện. Chính lời khai này của ông đã góp phần làm nội bộ chính quyền Diệm phân hóa sâu sắc, gây đảo điên chính trường Sài Gòn, dẫn đến sự sụp đổ nền “Đệ nhất công hòa” và cái chết của anh em Diệm - Nhu.

Sau đó, ông bị kết án tử hình và đày đi Côn Đảo, rồi được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris 1973. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục phục vụ đúng với chuyên môn của ông trong chiến tranh: Ngành Công an, sau đó là Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh.

Kỳ Quan
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.