Ngôi sao bay

TRUYỆN NGẮN CỦA TRỊNH MINH HIẾU |

Cả truyện chỉ theo chân hai cha con ông già mù hát rong, bán dạo, kiếm miếng cơm thiên hạ, khắp chợ cùng quê, dọc đường gió bụi. Lang thang đến áp Tết, thì câu chuyện riêng của họ mới được tác giả lần lần tháo cởi. 

Thì ra, họ ra đi và trở về, không chỉ vì mưu sinh, mà vì thăm thẳm ngóng đợi và kiếm tìm. Người chồng tìm người vợ đã bỏ đi. Đứa con trai ngóng đợi người mẹ dứt áo bỏ mình đã chục năm trường. Tết đến, động lòng nhớ cố hương, cha con đều muốn về làng.

Ở đấy, bến xưa, con đò đang đợi…

Chuyện chỉ thế, nhưng cách tác giả đưa đẩy nỗi nhớ thương dằng dặc của hai cha con lên tận… trời, gửi vào các ngôi sao nhấp nháy đời sống đồng quê của nông dân châu thổ Bắc Bộ, với dày đặc chi tiết sống động, đã khiến trái tim người đọc xao động. Và chỉ thế thôi, đã thấy hiện lên thông điệp đầy xót thương nhân hậu của Trịnh Minh Hiếu, đã dành dụm trong truyện ngắn này, gửi cho người đọc…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

-------------

Chợ đông. Thằng Kơn bắt đầu trổ tài dẹp đường. Mặt hơn hớn, mắt lem lém, rồi mồm tơn tởn, trơn nhẫy như đám lơ xe: Dô! Dô! Dô, lúc lại: Rê! Rê! Rê!…, Ẻo ẻo! Ẻo ẻo... Mồm nó như cái đồng xu mà giọng văng to. Chỗ nào bí, mồm nó hô, tay nó sạo. Nó quèo người nọ, đẩy người kia. Kéo xệch cái rổ rau chềnh ềnh vào trong. Nhấc tọt đứa bé đang đứng chìa ra đường vào phía trong. Nó làm nhộn cả lên.

Ông K thản nhiên đi. Ông đã quen với cung cách chỉ đạo đường lối. Quen cả tài láu khôn của thằng Kơn.

Một bước êm ru, một bước “cộc”!

Một bước êm ru, một bước “cộc”!...

Những âm thanh ấy rải đều đều. Nghe như bài học thở ra, hít vào, hít vào, lại thở ra của trẻ con. Thế nên, thằng Kơn cũng chẳng thèm để ý. Chỉ những lúc cái âm thanh ấy lạc ra. Ngay lập tức, nó quay ngoắt lại, tay lái ngoéo cây gậy rồi “cộc” mạnh một tiếng như đóng chỉ. Mồm nó kêu: “Dô!”.

“Cái thằng, đúng là “rạch giời rơi xuống”! Người ta gọi nó là cái gậy. Là cánh tay phải. Là cuộc đời của ông. Ông lại nghĩ: Nó là cái bóng che trùm số phận ông. Người ta nghĩ: Ông không nhìn thấy nó. Hai mắt ông đóng kín. Chỉ thấy hai hố sâu hom. Ngược lại. Ông nhìn thấy nó rất rõ. Nó như một dải sáng mà ông luôn bị hút theo. À không, nó là ngôi sao. Một ngôi sao luôn thắp sáng trong bầu trời tối tăm, tịch mịch, ngày cũng như đêm của ông. Ngôi sao ấy luôn nhấp nháy, lung linh. Ông chưa bao giờ ông dám nghĩ tới cuộc sống như ngày hôm nay. Ông chỉ biết vái lạy Trời Phật đã thương ông, trao thằng Kơn cho ông. Nó là báu vật, là hòn vàng, hòn ngọc… là thằng chó, thằng cứt đái, thằng ỉa đùn… Ông đã gọi nó với tất cả những gì có thể gọi được nhưng với một tình yêu khôn cùng.

Nay là phiên chợ Tết. Thằng Kơn khí thế hẳn lên. Nó không quan tâm chợ quê hay tỉnh, chợ giàu hay nghèo. Cứ chợ đông là nó thích. Ba nó ví: Chợ đông như con gái đang thì mười tám, đôi mươi. Hết người này ra, người kia vào. Rập rờn như ong, như bướm. Còn chợ ít người, chỏng trơ như gái ế. Chán òm. Ba nó còn bảo: “Trai khôn kén vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân”.

Người đi chợ Tết gồng gồng gánh gánh. Có bà, hai bên quang gánh, hai con chó con ngồi chồm chỗm. Có bà bồng bềnh mỗi bên thúng đựng dăm cái chổi lúa. Có bà, bên thì cái rọ nhốt mèo con, bên thì lồng gà. Rõ thật! Mèo nào chẳng là mèo. Mèo nào chẳng khoái gà con. Gà nào chẳng khiếp nanh mèo. Một miếng vồ là tiêu đời. Tình cảnh mâu thuẫn lại hay. Mèo thèm lẻm thèm lem muốn rút lồng chồm vọt. Gà rúm rụm, chúi đầu vào nhau kêu thảm thiết. Chạy đâu cho thoát? Thằng Kơn thấy sướng! Nhưng nó đã cho qua nhanh vụ này. Mắt nó sáng lên khi nhìn thấy bức tranh phú quý vẽ cậu bé tóc chỏm đào đang ôm chú gà trống. Nó chắc mẩm sẽ mua để bỏ cái tranh chuột cắn ở nhà. Rồi đột nhiên, nó nảy ra ý nghĩ, tự sướng. Nó nói như reo: “Ba ơi! Hôm nay “Xuân không về” đi ba!”.

Ông K đang lúng túng chọn bài. Ông giật ngớ người rồi à à, gật gật, tay lập bập so lại dây đàn. Giáp Tết rồi ư? Tết nhanh quá làm ông thảng thốt đến lạ. Rồi, như một điều gì đó tự nhiên bật dậy, ông bắt đầu hắng giọng để vào nhịp đàn: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng nơi nơi/ Năm trước con hẹn mùa xuân sẽ về/ Nay én bay đầy trước ngõ/ Mà tin con vẫn xa ngàn xa…”.

Không khí chợ ngưng dần. Tiếng đàn ngọt. Tiếng hát cũng ngọt. Chưa nghe ra giọng buồn chi mà chỉ thấy hay hay, đèm đẹp, mướt mát. Hát đến câu thứ ba, ông K không còn nghe thấy tiếng mua bán lao xao của chợ. Ông thấy hiện ra trước mắt một khung cảnh Tết thật đẹp nhưng buồn. Vẫn đào, mai, quất, hồng khoe sắc, không khí đâu đâu cũng đông vui nhộn nhịp, nhưng Tết ấy, một mình ông ngóng vọng. Một mình ông giữa mịt mù sương khói của sông dài, bãi rộng, lọt thỏm trong nỗi cô đơn thăm thẳm... Tiếng hát cứ vang lên như đau, như hờn, như trách, như réo lên những cung bậc của nỗi sầu nhân thế. Tết ấy, thằng Kơn không về.

Thằng Kơn thấy sướng. Mỗi lần nghe bài này, nó lại hình dung mình không còn là thằng Kơn nhỏ thó, gầy guộc. Oách lắm! Một chiến binh hoành tráng! Vai đeo khẩu súng bóng láng. Đồng phục cả cây rất tay chơi. Hoành tráng nhất là lúc duyệt binh. Hô đến rách mồm mà trống ngực vẫn đập thình thình. Rồi những trận tập kích. Những đợt hành quân... Sướng không tả nổi. Rồi Tết ấy, vì nghĩa vụ thiêng liêng, nó phải chốt giữ trên vọng gác tiền tiêu, nó phải bảo vệ những ngày xuân tươi đẹp cho đất nước. Rồi nó sẽ hát bài: “Xuân này con không về” và nói rằng: “Từ nơi chinh chiến xa nhà, con gửi về cho ba những lời hát yêu thương!”. Ba nó sẽ rất vui rồi nói: “Ba rất tự hào về con trai của ba! Con cứ yên tâm hoàn thành nghĩa vụ của một chiến binh!”… Mùa xuân… và những chiến binh! Nghe lãng mạn chưa? Nhiều tiếng vỗ tay. Tiếng xuýt xoa khen: “Hay quá!”. Thằng Kơn lại sực nhớ nhiệm vụ. Nó hồ hởi xốc lại giỏ hàng rồi cái mồm lại toe toe như cái còi: “Mua nào! Mua nào! Mua hai bán ba, mua năm bán bảy nào! Mua tận gốc, trẩy tận ngọn nào! Mua nảo! Mua nào!”.

Vừa mời, nó vừa ngó nghiêng, điệu bộ uốn éo để ghé sát từng người, mời gói tăm, bật lửa, bông tai, lọ dầu... Có lúc, nó lanh chanh nhặt đồ rồi ấn tận tay, mời như rót mật vào tai: “Mẹ mua cái này cho con!... Mua cho con trai đắt hàng!”. Nhiều lúc hứng lên, nó khua môi, múa mép, liến thoắng như chiêu bán thuốc của cao bồi miền Tây: “Mời hàng nào! Mời hàng nào! Hàng Việt Nam chất lượng cao. Không thối. Không thiu. Không ôi. Không mốc. Gia chủ phát lộc. Thịnh vượng dồi dào. Mua nảo! Mua nào!...”.

Những tiếng rao hàng của thằng Kơn làm chợ náo hoạt hẳn lên. Vậy mà, đang hứng vui, nó lại bị một tiếng gắt đến chói tai: “Đi đi! Tết mua về thờ à?”. Rồi bà ta ném cái nhìn đầy khinh miệt và khó chịu về phía nó, mồm vẫn làu bàu như vẫn còn một chùm lằng nhằng trong miệng còn chưa sổ hết. Nhiều cái nhìn xoáy vào nó với một sự thương hại. Nó cụp mắt xuống lặng lẽ, bã bời.

Ba nó vẫn bảo: “Nghề ăn mày thiên hạ đâu dễ! Nhục lắm! Cực lắm!”. Không ai nói, nó cũng quá hiểu cái thân phận nghèo hèn của nó. Nhưng hàng ngày, nó vẫn phải đãi đằng chỉ vì miếng cơm manh áo. Hoàn cảnh thế, nó phải chấp nhận và chịu đựng. Song, những lúc bị thương hại, khinh rẻ đã làm nó buồn rũ rượi mấy ngày. Những ngày ấy, nó cồn cào nhớ mẹ đến khủng khiếp. Nó mường tượng ra mẹ nó giống nhiều thứ người. Xinh có, xấu có. Già có, trẻ có. Lúc giàu có, sang trọng, lúc lại nghèo túng luộm thuộm. Nó còn mường tượng ra những sắc thái tình cảm của mẹ. Khi thì yêu thương dỗ dành, ngọt ngào, khi thì quát mắng, giận dữ. Rồi lại vuốt ve, chiều chuộng. Thích nhất vẫn là việc mẹ về để nó được đến trường học. Được đi học là ao ước của nó. Đi học mới vui. Đi học mới ra dáng người lớn. Mẹ có thương yêu nó không? Thương thì sao lại không về với nó? Tại sao mẹ lại đi? Mà đi mãi chưa về? Bây giờ mẹ ở đâu?... Những câu hỏi ấy chưa bao giờ nó được nghe trả lời. Ước mơ chỉ là ước mơ. Giống như việc nó vứt hòn sỏi xuống mương nước. Chẳng nhìn thấy tăm hơi đâu cả. Cũng có người bảo mẹ nó là ác. Nó cũng chẳng biết làm sao nữa. Nhưng dù mẹ nó có thế nào, nó vẫn mong mẹ nó về. Đã mấy năm nay, năm nào, cả hai ba con cũng đi tìm mẹ thế này. Lại sắp thêm một Tết nữa rồi.

Ba nó vẫn hát. Không biết ba có nhớ Tết không? Hai chân nó tự nhiên chùng xuống. Nó dằn dỗi nhìn ba nó như tất cả chỉ tại ba. Ba mới là người có lỗi. Rồi nó ngồi bệt luôn xuống đất. Nó muốn về Tết. Nó chán hát rồi. Chán lắm rồi! Sắp Tết rồi mà vẫn ở đây? Bao giờ mới được về? Không biết mẹ đã về nhà chưa? Những câu hỏi cứ khua đi khua lại như đốt nhiệt trong đầu làm nó bồn chồn, nóng ruột hẳn lên. Nó muốn được đi ngay về nhà. Nó muốn được nhìn thấy mẹ, nhìn thấy bến sông. Chưa bao giờ nó thấy nhớ nhà như lúc này.

Trước đây, những ngày giáp Tết này, bến sông nhà nó vui lắm. Mờ sáng đã có người đi chợ. Nghe gọi “Đò ơi!” là bác Khâm già lại cọt kẹt cây sào sang bên kia sông chở khách. Ngày ấy, cả bến sông chỉ quanh quẩn có mỗi bác Khâm làm bạn với hai ba con. Bác thường neo thuyền lại rồi lên ngồi chõng quán nhà nó. Mấy ai tốt như bác Khâm. Ba con nó coi bác còn hơn cả ân nhân. Nhớ nhất hình ảnh bác khi ngồi hút thuốc lào. Bác chĩa cái ống điếu lên rõ cao rồi hít một hơi thật dài. Nước trong nõ điếu kêu sòng sọc. Khi thả khói, bác cũng thả một hơi thật sâu. Bao nhiêu khói từ mồm bác bay ra xoắn thành những vòng chữ o, chữ a rồi cứ thế cuộn thẳng vút vùn vụt lên tận giữa trời. Xong, bác khà một tiếng. Mỗi khi nhìn thấy bác Khâm, việc đầu tiên là bác cởi sợi dây thừng vẫn xích chó buộc ở chân nó. Thế là nó ấy được tha hồ tự do chạy nhảy, hò hét khắp bãi sông. Cũng vài lần bác Khâm dọa đẩy xuống sông đến khiếp vía, khóc thét lên. Bác làm cho tiệt nọc khỏi mon men ra rìa sông rồi sa sẩy. Không nghe lời, bác lại cầm cái dây vẫn xích chó ấy xích chân nó lại.

Hồi ấy, nó thấy ba nó thật tài. Chỉ cần sờ chữ, đọc kết quả là biết đúng hay sai. Chuyện gì ba nó cũng biết. Nhiều khách còn bỏ cuốc đi đò để nghe chuyện. Nó thích nhất là ba nó kể chuyện về thế giới trên bầu trời. Đó là sự tích các vì sao, về cây đa, chú Cuội, chị Hằng, về Ngưu Lang, Chức Nữ, về Ngọc hoàng Thượng đế, về dải Ngân hà có đàn vịt đang bơi, về Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không lên động phá thiên cung... Rồi ba nó chỉ vào một ngôi sao chênh chếch. Ngôi sao ấy rất sáng. Sáng hơn cả những vì sao khác và nói rằng đó là ngôi sao của nó. Ba nó bảo: “Mỗi người có một số mệnh khác nhau. Số mệnh ấy ứng với một ngôi sao trên trời. Hàng đêm, cả bầu trời sao cùng thắp sáng bóng đêm. Vì vậy, mỗi người phải tự thắp sáng cho mình, cho cuộc đời mình, và phải làm sáng cả những vì sao khác”. Mẹ nó cũng là một ngôi sao. Sao của mẹ là sao Nguyệt Yến. Bao giờ mẹ về, sao Nguyệt Yến lại xuất hiện. Còn ba là sao Nhật Kê, hôn nhân không được hanh thông. Những điều ba nói, nó luôn tin là sự thật. Vì thế, đêm nào nó cũng ngồi nghếch lên nhìn bầu trời. Nó cầu mong sao Thiên Di của nó luôn tỏa sáng nhất và được bay lượn tự do khắp nơi trên bầu trời. Rồi nó sẽ tìm thấy sao của mẹ. Nhà nó sẽ là một chùm sao ba ngôi luôn chụm lại sáng rực trên bầu trời. Có đêm, nó đã mơ thấy sao Nguyệt Yến của mẹ bay về. Nó vội chồm dậy để ra mở cửa đón mẹ. Nhưng nó đã thất vọng khi thấy bầu trời sạch tinh. Những chùm sao đêm cũng đã lặn khuất không còn dấu tích. Nó hoảng hốt chạy dọc bãi sông tìm mẹ. Vừa khóc, nó vừa cố gọi to: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!...” nhưng cũng chẳng thấy mẹ đâu. Từ hôm ấy, nó đinh ninh là mẹ nó sắp về. Song, phải về bến sông mới tìm được ngôi sao của mẹ. Về bến sông, nó mới nhìn rõ hai bầu trời sao. Một bầu trời sao lung linh trên trời. Một bầu trời sao lấp lánh đầy mặt sông. Một bầu trời sao trải rộng mênh mông, từng chùm sao sáng vặc. Một bầu trời sao chi chít đổ tràn xuống mặt nước. Mỗi đợt gió thổi mạnh, cả trời sao như pháo hoa phụt sáng trào lên dập dềnh, sóng sánh, ngắm không chán mắt… Ôi nhớ nhà quá! Nó thầm kêu lên rồi đứng dậy đi về phía ba nó.

“Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người!”. Câu hát vang lên trong đầu. Nó thấy sướng rồi lẩm bẩm: “Ngu thì lâu. Thông minh thì mấy!”. Bài này hợp với không khí Tết quá. Nó rất thích hát bài này. Năm ngoái nó cũng hát và được cả chợ khen. Năm nay, nó sẽ cố hát hay hơn, làm xôm trò nhiều hơn, nhảy đẹp hơn để ai cũng phải nể mà mua thêm hàng và bo thêm chút tiền lì xì Tết cho nó. Nó liền chạy nhanh đến chỗ ba nó và cầm cái micro. Câu cuối của ba nó vừa dứt. Nó nối luôn vào: “Tết Tết Tết Tết đến rồi!... Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình…”.

Giọng nó trong trẻo, mạnh mẽ, đầy thanh khí. Nó vừa hát, vừa vỗ tay, vừa nhảy, biểu diễn điệu nghệ như một ca sĩ chuyên nghiệp, hút xô cả mặt chợ.

Ông K thấy lời hát của thằng Kơn hồn nhiên, reo réo như gọi Tết về. Tết đến thật rồi, làm ông thẫn thờ cả người. Đã mười Tết nay, ông luôn cồn cào ngóng bước chân của người đàn bà ấy trở về. Vui, buồn, ơn, hận, yêu, ghét về người ấy luôn xáo xới trong lòng. Thằng Kơn 3 tuổi. Người ấy đã dứt áo ra đi. Cay đắng. Cơ cực. Những tưởng không cầm cự nổi. Vậy mà, đã qua những thời khắc gian nan nhất. Vùng đất này chính là làng của mẹ thằng Kơn. Vì làng thờ ông Chó đã có công theo tướng đi đánh giặc nên cả làng kiêng đặt tên, “con chó” đọc chệch thành “con trộ”. Giữa làng vẫn còn cái giếng cổ. Nước vòng quanh thành giếng trong vắt. Nhưng ở giữa, nước lúc nào cũng nổi ùng ục và đục ngầu. Vì thế, gái làng, cô nào xinh đều bị chửa hoang rồi bỏ làng đi nơi khác. Một số đã bị dụ dỗ lừa bán sang Trung Quốc. Nhiều người bặt vô âm tín. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng người đàn bà ấy sẽ trở về vì còn sợi dây tình mẫu tử. Thằng Kơn tuy nhỏ nhưng Trời đã phú cho nó sự khôn ngoan. Nó không nói ra sợ ông buồn nhưng trong tâm tưởng, thằng bé vẫn luôn khát khao có mẹ. Đi bán hàng, nó đã gọi nhiều người là mẹ. Song, người mẹ duy nhất trên đời thì chưa bao giờ nó được cất lên tiếng ấy. Mỗi lần nó gọi “mẹ”, lòng ông lại xót như xát muối. Mẹ nó, dù có hư đốn thế nào vẫn là người thương yêu nó nhất. Tình mẫu tử là tình cảm quý giá nhất trên đời mà không gì có thể thay thế được. Lúc mẹ nó mới đi, ông đã vô cùng đau đớn, uất ức. Ông đã nguyện, bằng mọi cách nuôi thằng Kơn khôn lớn, được học hành bằng bạn bằng bè. Ông không cần người đàn bà khốn nạn, không xứng làm mẹ. Nhưng càng ngày, ông càng thấy sự thiệt thòi, trống vắng khi thiếu người ấy. Nhất là thằng Kơn, từ tấm bé đã không có mẹ. Ba thì mù lòa. Hoàn cảnh ấy càng làm ông day dứt, đau đáu tìm mẹ cho con, cho cả ông nữa. Người đàn bà ấy đã đốt lửa cho mái ấm gia đình, đem đến cho ông những ngọt ngào của thứ hạnh phúc mà lần đầu tiên ông được nếm trải. Có lúc, những tình cảm khát khao trào dậy làm ông căng tức đến ngột ngạt. Người ấy đã tự nguyện đến rồi lại ra đi. Vì cuộc sống quá khổ? Hay vì không còn tình yêu thương, chút nghĩa xưa? Hay người ấy đang đi tìm một tương lai tử tế cho thằng Kơn?... Song ông tin, người ấy không bạc tình, bạc nghĩa. Có lẽ, số phận người ấy đã không được may mắn? Không biết giờ đang trôi dạt phương nào? Có được danh phận hay chỉ là kẻ bị bạc đãi, hành hạ?... Với người ấy, ông còn mang một cái ơn lớn mà suốt cả cuộc đời ông cũng không trả nổi. Người ấy đã đem tặng vật báu quý giá nhất trên đời này cho ông, đó là thằng Kơn. Từng ngày, từng giờ, ông đều se sẽ lắng nghe, chờ đợi những âm thanh xưa cũ của người đàn bà ấy xuất hiện. Vậy mà, đã hơn mười năm...Giờ đây, ông chỉ biết bám víu vào niềm tin của số mệnh. Tin vào duyên nợ đời, nợ kiếp của người đàn bà ấy với ông. Đời ông cũng chỉ có người ấy là duy nhất. Ông đã nguyện với lòng mình như thế. Cũng giống như trên bầu trời sao kia, có hàng vạn, hàng nghìn ngôi sao nhưng cuộc đời ông vẫn u tịch. Chỉ có một ngôi sao của người đàn bà ấy mới tỏa sáng cho cuộc đời ông, tỏa sáng cho mái ấm gia đình của ông. Ông tin rồi một ngày sẽ thành hiện thực. Tiếng nói, tiếng cười, bước chân se sẽ của người đàn bà ấy sẽ xuất hiện trong ngôi nhà. Như con ông cũng đã từng mơ ước, chùm sao ba ngôi ấy sẽ luôn lung linh, lấp lánh giữa bầu trời đêm sâu thẳm.

Thằng Kơn đã hát xong. Ông K cầm micro lên rồi nói lời chào tạm biệt và chúc Tết cả chợ. Nghe thấy vậy, thằng Kơn cà cái mồm thật to rồi nhảy cẫng lên: “Tết rồi! Được về nhà rồi! Yyê! Yyê! Yyê!”.

Trên đường về, thằng Kơn vừa đi vừa nhảy chân sáo. Dù đi xa đến mấy thì đường về nhà bao giờ cũng thấy rất gần.

Con đường lại rải đều đều âm thanh: Một bước êm ru, một bước “cộc”! Một bước êm ru, một bước “cộc”!...

Thỉnh thoảng lại có vài vệt ướt đẫm, nặng như sương giá rơi nhòa vào những dấu tròn tròn in trên nền đường. Dấu nhỏ! Dặm dài! Bến sông, con đò vẫn còn xa lắm!

Ra đến đường cái lớn, thằng Kơn bỗng reo lên. Tiếng “cộc” hẫng lại. “Kia kìa! Ba nhìn kìa! Ôi dãy núi đẹp quá!… Ba thấy chưa?”.

Rồi nó lái cây gậy, kéo cả người ông K về hướng ấy. Lúc ấy, ông K cũng hào hứng theo nó: “Ba thấy rồi!”. “Ba thấy rồi à! Đẹp ba nhỉ…”.

Rồi như chợt nhớ ra, nó lại miêu tả thật chi tiết, tỉ mỉ những gì nó đã nhìn thấy cho ông K nghe. Ông K lấy tay dụi dụi mắt vừa để nước mắt nhòe đi, vừa để mắt tinh sáng hơn. Ông như thấy rõ ràng những cảnh vật đang bày hiện trước mặt.

Thỉnh thoảng, đi xuôi một đoạn, thằng Kơn lại đi lùi ngược một đoạn. Nó bảo, đi thế, mới quan sát được hết bốn xung quanh. Thỉnh thoảng nó quay ngoắt lại rồi reo lên cười bảo ông: “Ba quay lại như con đi! Ba có thấy cả trời, đất, con đường, cánh đồng, hàng cây cũng quay lại theo con ngay!”.

Có lúc, nó lại quay chong chóng giữa đường đến chóng mặt. Nó bảo, nó là tướng. Tất cả là tùy tùng. Tất cả phải quay theo nó, phải làm theo nó. Nó quay nhanh, tất cả phải nhanh theo nó. Nó quay chậm, tất cả cũng phải chậm lại theo nó. Quay một lúc, nó nằm lăn ra ngay vệ đường cười ha ha.

Cả quãng đường dài, thằng Kơn không lúc nào ngớt. Lúc thì hò, hét, lúc thì khoa chân, múa tay. Nó khoắng khuấy làm ông K không thể buồn được. Sự hồn nhiên, thông minh, những khám phá kỳ thú mới lạ của nó đã cho ông K những dự cảm về một tương lai tốt đẹp về số phận của con trai ông. Sẽ là những bí ẩn bất ngờ. Giống như những vì sao, đêm càng tối, lại càng tỏa sáng.

Một lúc thấy im im, ông K định lên tiếng thì thằng Kơn chạy lại lắc lắc cây gậy, giọng có vẻ trầm buồn: “Ba ơi! Nếu Tết này mẹ không về thì sao?”.

Ông K đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì nó đã liến thoắng nói: “Nhất định con sẽ đi tìm mẹ! Con sẽ xác định sao của mẹ ở vị trí nào rồi con sẽ đi tới chỗ đó tìm mẹ. Chắc chắn con sẽ tìm thấy mẹ!”.

Con ông đã thực sự trưởng thành. Ước mơ của thằng Kơn cũng là ước mơ của ông. Rồi con ông sẽ biến ước mơ thành hiện thực. Ông thầm nói với con: “Ba tin! Con sẽ làm được! Mọi ước mơ sẽ thành sự thật nếu biết khát khao, biết tìm kiếm và biết kiên trì chờ đợi!...”. Ông K muốn gào to lên những lời ấy!

“À! Ba ơi! Biết đâu mẹ đang đợi ba con mình ở nhà thì sao?”.

Câu nói của thằng Kơn như có lửa đốt. Sau câu nói ấy, cả ông K, cả thằng Kơn đều náo nức muốn về nhà thật nhanh. Đi một đoạn, nó lại quay lại dồn ông K đi nhanh hơn. Nó làm như Tết đang đuổi sau lưng. Như mẹ nó đang đợi ở nhà.

Những âm thanh quen thuộc lại vang lên. Một bước êm du, một bước “cộc” nhưng tiếng “cộc” vang lên đanh chắc hơn, gấp gáp hơn. Tết đã đến gần. Bến xưa, con đò đang đợi…

TRUYỆN NGẮN CỦA TRỊNH MINH HIẾU
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Cọng cỏ kiêu hãnh

Võ Thị Xuân Hà |

Tôi của ngày hôm qua, vụt sáng như sao băng, kiêu hãnh như cọng cỏ Tôi của hôm nay Gương mặt như bao diêm phong kín Những que diêm bé nhỏ khẽ khàng run (*)

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022. 

Khán giả Việt Nam tin thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vô địch AFF Cup 2022

AN NGUYÊN |

Dù gặp bất lợi về mặt tỉ số so với đối thủ Thái Lan, nhưng người hâm mộ và cổ động viên Việt Nam vẫn tin vào một chiến thắng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân khách, qua đó giành ngôi vô địch AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Truyện ngắn: Cọng cỏ kiêu hãnh

Võ Thị Xuân Hà |

Tôi của ngày hôm qua, vụt sáng như sao băng, kiêu hãnh như cọng cỏ Tôi của hôm nay Gương mặt như bao diêm phong kín Những que diêm bé nhỏ khẽ khàng run (*)