Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám

Nguyễn Hữu Mạnh |

"Một năm có nhiều ngày Tết, nhưng chỉ riêng có Tết trung thu là của trẻ em. Trẻ em là khởi đầu của đời người, mọi người đều phải qua giai đoạn làm trẻ em rồi mới làm người lớn. Người ta làm bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, làm đèn ông sao cắm nến cho trẻ con rước đêm rằm, và làm mâm cỗ ngũ quả để trẻ phá cỗ" (Tập tục đời người - Văn hóa, tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20 của Phan Cẩm Thượng).

Nguồn gốc của Tết Trung thu

Có nhiều quan điểm lý giải về việc tổ chức Tết Trung thu. Phan Kế Bính, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng đầu thế kỷ 20, cho rằng Tết Trung thu có liên quan đến tục treo đèn thời Đường Minh Hoàng và tục rước đèn thời Tống bên Trung Hoa. Tương truyền, vào ngày Rằm tháng Tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Nhà vua truyền lệnh cho cả nước, mọi nhà đều phải treo đèn, bày tiệc ăn mừng. Để rồi, từ ngàn đời nay, hàng năm, người Việt Nam thường tổ chức Tết Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám, để cúng lễ tổ tiên ông bà, tối đến bày cỗ thưởng trăng.

“Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...”. Trẻ con rồng rắn rước đèn vừa ca vang các bài đồng dao vui vẻ. Có nơi, trẻ con trong xóm họp thành đám, tổ chức múa lân cũng có ông Địa dẫn đường, cũng nhảy múa diễn trò như lân của người lớn.

GS. Chu Quang Trứ lại đưa ra diễn giải rất lý thú về thời điểm tổ chức lễ Trung thu. Hết xuân sang hè gắn với mùa mưa thì cũng là mùa lao động, mọi người tất bật với công cuộc làm ăn, trẻ em cũng bị cuốn hút. Sang thu vào nhịp điệu nghỉ ngơi mới, nhưng tháng 7 đầu thu còn phải lo chống lũ lụt, thời tiết cũng ảm đạm "mưa dầm sùi sụt", người ta nghĩ đến những người ở thế giới hồn ma nên mới làm lễ “xá tội vong nhân”.

Tháng 8 giữa thu, thiên nhiên trở nên an bình, gió heo may thổi nhẹ, bầu trời thanh cao, ao nước trong xanh, một số nơi mở hội xuân trở lại. Cuối thu sang đông, nhịp lao động lại cuốn hút mọi người vào thời vụ thu hoạch mùa và làm màu. Như vậy, chỉ giữa tháng Tám, giữa thu thanh nhàn và cũng an nhàn, người ta mới nghĩ nhiều đến trẻ em, chăm sóc cho trẻ em được hưởng quyền vui chơi.

Cửa hàng bán đồ chơi phục vụ Tết Trung thu tại Hà Nội đầu thế kỷ 20. Ảnh: Madeleine Colani
Cửa hàng bán đồ chơi phục vụ Tết Trung thu tại Hà Nội đầu thế kỷ 20. Ảnh: Madeleine Colani

Trong tâm thức dân gian, Rằm tháng Tám là tháng của cốm mới, của lúa mùa đọng sữa, của sự non tơ chớm trưởng thành ở vạn vật ứng với lứa tuổi nhi đồng của xã hội loài người. Chăm sóc trẻ con là lễ thức mừng đón, cầu mong sự trưởng thành đang trong dạng mới kết tinh.

Ở nhiều địa phương của người Tày, Nùng hiện nay vẫn làm lễ ăn cơm mới vào ngày Rằm tháng Tám. Những món ăn trong dịp Tết này chủ yếu là những sản phẩm tự trồng được. Trong buổi lễ ăn cơm mới, người ta còn tổ chức vui chơi cho các em nhỏ, gọi là Tết nàng cuội trông trăng vào buổi tối trăng rằm. Trẻ em quây quần trên sân quanh mâm cỗ có các loại bánh ngọt, hoa quả, đèn ông sao... vừa chơi đùa nhảy múa, vừa hát mừng đón ánh trăng rằm.

Vang bóng một thời Tết Trung thu xưa

Đêm tháng tám vào hôm rằm trăng tỏa ánh vàng rạng rỡ. Thật ra không khí Tết đã được diễn ra từ đầu tháng tám. Người ta chuẩn bị đồ chơi cho các em. Xa xưa là những đồ chơi dân gian hầu hết bằng giấy bồi hoặc dán lên bộ khung bằng tre nứa, thậm chí một số đồ như đèn kéo quân, đầu sư tử người lớn cũng thích chơi, vì để chơi và phải thật hấp dẫn các em nên nó chính là hàng nghệ thuật.

Dịp này, bố mẹ mua cho con của mình những ông tiến sĩ giấy với hy vọng con mình sáng dạ, thông minh, học tập giỏi để ra làm quan giúp dân, giúp nước hoặc những ông phỗng được dán giấy xanh đỏ, biểu tượng cho sự thuần hậu, chất phác của người nông dân. Phố Hàng Mã và khu vực xung quanh trở thành chợ đồ chơi Trung thu của Hà Nội. Các chợ quê cũng không thể thiếu những quầy hàng này, về sau còn bổ sung thêm đồ chơi bằng sắt tây hàn thiếc, và giờ đây lan tràn đồ nhựa, đồ chơi điện tử.

Cụ Hoàng Đạo Thuý trong sách "Phố phường Hà Nội xưa" cũng có viết về không khí náo nhiệt của Tết Trung thu xưa ở phố Hàng Gai: “Từ mồng một tháng tám, là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội, đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng nướng phổ đều đã biến ra những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu bằng giấy. Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân. Trẻ em cứ nằng nặc đòi mua "ông nghè” ngồi ghế chéo, che lọng xanh, có cả cờ cả biển, đủ mũ cánh chuồn và cân đai, bối tử, mà giá chỉ vài xu thôi. Những người khéo tay đã làm những cái đèn có máy, chiếu ra bóng, nào cá lớn nuốt cá bé, nào chú bé leo cột mờ, nào cô gái hứng dứa, vừa mỉa mai, vừa làm cho người ta suy nghĩ. Qua ngày làm, thì cả phố, đâu lại vào đấy”.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Việt cổ - Phan Cẩm Thượng cho biết, trong thế kỷ 19 - 20, những nhà khá giả, trong dịp tết Trung thu người ta thường chơi đèn kéo quân, tối đến khi thắp sáng đèn, các vòng dán hình người thú và cảnh vật chuyển động từ ngoài nhìn qua các lớp giấy bóng màu, các hoạt cảnh cứ liên tục diễn ra nhịp nhàng, sống động như một màn hình hay một sân khấu nhỏ. Người xem, có cả người lớn nhưng phần đông là con cháu trong nhà và cả con em hàng xóm, cùng nhau chi trỏ và chuyện trò rôm rả, dựa vào hình của đèn mà kể lại những điển tích, sự tích, thậm chí cả sự thế, tình người. Từng nhà, trẻ em thế nào cũng được mẹ hoặc chị mua cho vài đồ chơi, trong đó ít khi thiếu được các ông phỗng giấy bồi, ông tiến sĩ giấy dán, đèn ông sao... Những đồ chơi bằng giấy màu ấy chẳng những làm bừng lên không khí Tết, nhất là khi nó tham gia vào cỗ trông trăng mà còn tạo nên một cảnh huyền ảo.

Cũng trong Tết Trung thu người ta thường tổ chức hát trống quân, tương truyền từ vua Quang Trung ra Bắc, tổ chức hát đối đánh trống quân cho quân sỹ. Trong sách "Không gian văn hóa quan họ Bắc sông Cầu" còn cho biết nhiều tri thức dân gian qua việc thưởng ngoạn Tết Trung thu. Nhân dân sẽ cùng nhau trông trăng khi đêm đã về khuya, đến khoảng 1 - 2 giờ sáng, rồi trông trăng để dự đoán thời tiết trong năm bằng cách: nếu trời trong, trăng sáng thì thời tiết trong năm sẽ lạnh giá nhiều, nếu trời nhiều mây, trăng u ám thì thời tiết trong năm sẽ nóng. Chính vì vậy, nhân dân có câu “cửu nguyệt phong lôi, tứ nguyệt hàn” tức là tháng chín có mưa gió, sấm sét thì tháng tư sang năm vẫn còn rét.

"Trời trong cao, sao trên trời được bổ sung bằng sao đèn của các em cứ như mời trăng, rước trăng về dự cỗ với các em. Đêm trăng nhà nhà bày cỗ giữa sân, nơi thoáng đãng để ánh trăng luôn soi tới. Cỗ trông trăng là cỗ chay chỉ một mâm, thế nào cũng có quả hồng, quả bưởi, nải chuối, rồi bánh dẻo, bánh nướng... cả ông phỗng, cả tiến sĩ giấy cũng vào cuộc như cùng thưởng thức với trăng". (Phan Cẩm Thượng)

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng tặng quà Tết Trung thu cho các bệnh nhân đặc biệt

PHẠM ĐÔNG |

Tới động viên, chung vui Tết Trung thu với các bệnh nhi tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các cháu thiếu niên, nhi đồng hãy luôn vững tin, lạc quan điều trị bệnh tật, cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, hướng tới một tương lai tươi đẹp.

Tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em yếu thế tại 6 trung tâm xã hội

Kiều Vũ |

Hà Nội – Nhân dịp Tết Trung thu Liên đoàn Lao động huyện Ba Vì tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em yếu thế tại 6 trung tâm xã hội trên địa bàn huyện với tổng số quà trị giá 64.697.000 đồng.

Mang Trung thu đến với trẻ em khuyết tật, vùng biên giới Kiên Giang

NGUYÊN ANH |

Chương trình “Vui tết Trung thu” cho các em thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Kiên Giang đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các em thiếu nhi, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật, mồ côi, nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Trực tiếp ASIAD 19 ngày 2.10: Môn Kurash sẽ có huy chương

NHÓM PV |

Cập nhật kết quả thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam trong ngày 2.10 tại ASIAD 19.

Chủ quán ở Hà Nội tự quét mã QR mỗi ngày, đề phòng bị dán đè chiếm đoạt tiền

KHÁNH AN |

Trước chiêu trò dán đè mã QR thanh toán nhằm chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng, các chủ cửa hàng tại Hà Nội đã chủ động nhắc nhở khách hàng và kiểm tra mã mỗi ngày.

Người đấu giá trúng biển số 51K-888.88 vẫn chưa nộp tiền

Việt Dũng |

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, 76 khách hàng trúng đấu giá biển số đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, song người trúng biển số 51K-888.88 chưa nộp tiền.

Chỉ một vụ, nhóm "cát tặc" ở Thanh Hóa làm thất thoát gần 100 tỉ đồng

Xuân Hùng |

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Số tiền các đối tượng “cát tặc” thu lợi bất chính được xác định lên đến gần 100 tỉ đồng.

Đình chỉ 15 ngày đối với cô giáo dùng roi tre đánh học sinh bầm tím

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Liên quan đến vụ cô giáo dùng roi tre đánh học sinh, nhà trường đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô giáo này.

Thủ tướng tặng quà Tết Trung thu cho các bệnh nhân đặc biệt

PHẠM ĐÔNG |

Tới động viên, chung vui Tết Trung thu với các bệnh nhi tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các cháu thiếu niên, nhi đồng hãy luôn vững tin, lạc quan điều trị bệnh tật, cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, hướng tới một tương lai tươi đẹp.

Tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em yếu thế tại 6 trung tâm xã hội

Kiều Vũ |

Hà Nội – Nhân dịp Tết Trung thu Liên đoàn Lao động huyện Ba Vì tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em yếu thế tại 6 trung tâm xã hội trên địa bàn huyện với tổng số quà trị giá 64.697.000 đồng.

Mang Trung thu đến với trẻ em khuyết tật, vùng biên giới Kiên Giang

NGUYÊN ANH |

Chương trình “Vui tết Trung thu” cho các em thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Kiên Giang đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các em thiếu nhi, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật, mồ côi, nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.