“Lò vôi thế kỷ” và lịch sử không thể bị lãng quên

Việt Văn |

Chuyến đi thăm lại chiến trường xưa do Ban liên lạc các cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên diễn ra vào những ngày cuối tháng 5 với sự tham gia của một số cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quân đội, VTC, Điện ảnh quân đội... Năm 2013, phóng viên Lao Động đã có dịp đi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên về thăm vùng đất in đậm dấu tích chiến trận và lần trở lại này có nhiều đổi khác, nhưng vẫn còn đó những ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến kéo dài gần 1.800 ngày.

Màu xanh ở “Lò vôi thế kỷ”

Đoạn đường mới chạy thoai thoải có thể chạy xe đưa khách từ ngoài vào để thăm nghĩa trang và đền thờ các liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. Tất cả giờ đã khang trang hơn rất nhiều, một số tấm bia xuất hiện để chỉ dẫn du khách và câu nói nổi tiếng của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử” đã được khắc ghi... Được biết tháng 7.2021, Bộ Quốc Phòng đã hỗ trợ tỉnh Hà Giang 50 tỉ đồng để thực hiện dự án tu bổ, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Vị tướng 92 tuổi Nguyễn Đức Huy vẫn không thể kìm nén sự xúc động khi nhìn thấy bia mộ của những người đồng đội năm xưa, nhất là những tấm bia” chưa có tên”. Mắt nhòa lệ, bàn tay cầm nén hương run run, giọng ông như lạc đi “Thương các anh em quá”...

Từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và từng là người đã  trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu mặt trận Vị Xuyên, tướng Huy là người có công đầu trong việc thành lập Ban liên lạc các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên. Ông kể lại: Từ 17.2.1979 đến 18.3.1979 là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ nhất của Trung Quốc diễn ra ở 6 tỉnh phía Bắc, còn đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai kéo dài gần 1.800 ngày từ năm 1984 đến năm 1989 ở Vị Xuyên. Đây là cuộc chiến quy mô nhất (sau 30.4.1975) khi địch huy động hơn 50 vạn quân, hơn 20 sư đoàn, hơn 177 trung đoàn bộ binh, 4 sư đoàn pháo binh...; ác liệt nhất khi mỗi ngày địch bắn vào đất Việt Nam từ 3 vạn đến 5 vạn viên đạn pháo lớn, có đợt 3 ngày liên tục, chúng bắn tới 15 vạn viên pháo, tổng cộng 5 năm địch đã bắn hơn 1 triệu 800.000 viên đạn pháo lớn vào. Những ngọn núi đá trong khu vực tác chiến vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên quân ta gọi là “lò vôi thế kỷ”. Việt Nam cũng huy động hàng chục sư đoàn, trung đoàn chủ lực, địa phương, hàng vạn dân quân du kích, dân công phục vụ cuộc chiến. Đây cũng là cuộc chiến kỳ lạ nhất vì ta và địch xen kẽ nhau, bám lấy nhau mà đánh có ngày tới 2 - 3 trận. Và suốt 5 năm, địch không lấn nổi vào đất liền 2km. Cách đánh của bộ đội ta cũng rất linh hoạt, lúc đánh công khai, lúc đánh bí mật và nhiều trận dùng pháo nghi binh. Công tác chuẩn bị cho từng trận đánh rất chu đáo, có những trận mà các chỉ huy từ tham mưu trưởng đến tư lệnh mặt trận trực tiếp xuống hướng dẫn, huấn luyện anh em từ cách bám núi đá leo trèo để không lộ bí mật đến cách sử dụng pháo cho mặt trận...

Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, nguyên Cục trưởng Cục quân nhu nhớ lại: Lính hồi đó kiêng cắt tóc, cạo râu và mặc quần áo mới. Trong ba lô có hai thứ không thể thiếu là rượu và hương, để tắm rửa, khâm liệm cho người hy sinh. Có những trận, quân Trung Quốc pháo kích vào, có những người cháy hết, mất cả phần đầu không thể nhận diện được, nhờ có cái vòng B40 đeo ở tay mới biết được. Có người lính bị cháy cong queo, khó mà khâm liệm được... Có anh em hy sinh bị rơi vào khe, không lấy được thi thể.

Đại tá Phan Hường, thuộc đại đội pháo binh mặt trận Vị Xuyên kể: Trong 5 năm, chúng tôi đã đánh 3.800 trận, tiêu thụ 50 vạn quả pháo (phía Trung Quốc tiêu thụ gấp ba số đó). Cách đánh của chúng ta rất sáng tạo, như dùng pháo cao xạ 100 ly (tầm bắn có thể tới 15km) và hỏa tiễn (tầm bắn 10km) trang bị cho không quân, nay chuyển sang đánh mặt đất. Trung quốc đã huy động tới 8/10 đại quân khu mà không thắng được ta.

Rời nghĩa trang Vị Xuyên, đoàn các cựu chiến binh cùng đi thăm lại các địa danh xưa, từ các cao điểm 772, 509, 1245, đồi chuối, hang dơi, đồi cô X, ngã ba gọi hồn... để “cùng nhớ lại và suy ngẫm, để hiểu và cảm nhận, để cùng tri ân các đồng đội, đồng bào” như lời Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồi cô X có tên gọi như thế bởi những năm 80 có cô X là cấp dưỡng trong bộ đội bị sốt rét ác tính chết nên được anh em chôn ở đó và đặt tên quả đồi luôn.

Nhiều điểm di tích sau chiến tranh nhiều năm trước còn tan hoang, trắng màu đá thì nay màu xanh đã dần trở lại... Theo thống kê, tỉnh Hà Giang có 92.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn chiếm 11,3% diện tích toàn tỉnh, tập trung ở các xã biên giới, riêng huyện Vị Xuyên có 30.000ha bị ô nhiễm chiếm 27% tổng diện tích toàn huyện. Hiện mới rà phá 13.733ha đạt 15,2% toàn tỉnh còn 76.000ha chưa được rà phá và còn cần nhiều năm nữa mới có thể rà phá được hết. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại thật nặng nề.

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đến thăm đội rà phá bom mìn và quy tập hài cốt. Trong căn phòng nhỏ có 9 bộ hài cốt mới được anh em trong đội tìm được thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy từ 14 đến 19.5 ở sườn đông bắc a6b đưa về quấn cờ Tổ quốc đợi ngày làm lễ, nhập nghĩa trang. Không ai không xúc động, nhiều cựu chiến binh đã rơi nước mắt...

Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng - đội phó Đội quy tập hài cốt cho biết: Đội có 18 người, được thành lập từ năm 2018. Từ đó đến nay đã quy tập được 107 hài cốt (nhiều mộ tập thể). Khi được hỏi lần quy tập hài cốt nào làm anh nhớ nhất, Dũng kể: “Vào tháng 5,2020 khi chúng tôi nhận được tin báo từ một cựu chiến binh ở Vị Xuyên nói có 1 hài cốt chưa được quy tập và đi tìm. Anh em đi tìm rất lâu, suốt cả một tháng trên địa hình núi đá mà chưa thấy, anh em rất buồn và day dứt. Khi chỉ còn 1, 2 hôm nữa là phải ra về, may mắn là chiều hôm đó, chúng tôi phát hiện ra hài cốt của người lính nằm dưới một tảng đá rất to và cảm nhận được sự hy sinh của anh và nó tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục đi tìm hài cốt những đồng đội đã anh dũng hy sinh đang nằm dưới khe sâu, hầm sập...”.

Hồi ức chiến trận của thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Ảnh: Việt Văn
Hồi ức chiến trận của thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Ảnh: Việt Văn

Những nguyện vọng chính đáng

Trong cuộc tọa đàm cảm nhận sau chuyến đi, nhiều ý kiến của các tướng lĩnh, cựu chiến binh rất đáng suy ngẫm.

Rõ ràng, lịch sử cần phải trả lại như đúng sự thật của nó. Cuốn hồi ký “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (được tái bản lần thứ ba) là một cuốn sách quý, lần đầu tiên công bố sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở mặt trận Vị Xuyên, nó hoàn toàn không thể bị lãng quên, cũng như không thể sai lệch, bóp méo thành xung đột biên giới. Còn đó sự vang vọng của khẩu hiệu “Cả nước vì Vị Xuyên, Hà Tuyên; Vị Xuyên, Hà Tuyên vì cả nước”.

Chị Liên, con dâu trưởng Tướng Vũ Lập cho rằng, việc giáo dục lịch sử là hết sức quan trọng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Và việc viết sử phải ngay từ những người đang sống, đang chứng kiến. Còn Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh rằng lãng quên lịch sử là có tội, cuộc chiến chống quân xâm lược ở Vị Xuyên là bài học mẫu mực của chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự tác chiến và còn rất nhiều điều phải cảm nhận và suy ngẫm, khi song song với chiến tranh quân sự, còn là chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Ông nói thêm: “Chúng ta khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Chúng ta không khơi dậy hận thù nhưng lịch sử là lịch sử, dù đó là “những trang buồn” thì vẫn phải nói, phải viết lại thật khách quan, trung thực, không cho phép chúng ta lãng quên, càng không cho phép sai lệch”.

Một trong những điều day dứt nhất, ám ảnh nhất của các cựu chiến binh chính là việc gần 5.000 liệt sĩ hy sinh nhưng vẫn còn trên 2.000 hài cốt chưa được tìm thấy.

Câu hỏi đặt ra là việc đi tìm hài cốt đồng đội vì sao ngay trên đất của ta mà không tìm được hết. Có nhiều nguyên nhân của nó, vì địa hình hiểm trở, chiến sĩ bị pháo đạn bắn, rơi xuống khe, vùi lấp vì sự phân hủy của thời gia, vì có sự chậm chễ khi mãi sau này đội rà phá bom mìn và quy tập hài cốt mới được thành lập. Còn việc tìm lại tên cho các liệt sĩ “chưa có tên” là hết sức khó khăn bởi thời đó có nhiều chiến sĩ thay đổi phiên hiệu, hơn nữa lại không được mang theo giấy tờ tùy thân để đảm bảo bí mật.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác, nguyên Phó chủ nhiệm sư đoàn 313 đề nghị bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm và đưa được hài cốt của các liệt sĩ về, nên kiến nghị Bộ Quốc Phòng cử các đội công binh có kinh nghiệm rà phá bom mìn về đây để cùng phối hợp với các chiến sĩ ở Hà Giang đi tìm đồng đội.

Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, nguyên Cục trưởng Cục quân nhu kiến nghị Bộ tư lệnh Quân khu 2 và chính quyền Hà Giang cho làm những tấm bia ghi lại chiến công của các chiến sĩ ở mặt trận Vị Xuyên, và đề nghị Nhà nước công nhận là di tích lịch sử.

Hơn thế, biến Vị Xuyên- Hà Giang trở thành điểm du lịch tâm linh kết hợp giới thiệu, giáo dục về lịch sử là một ý tưởng hay được mọi người ủng hộ. Bài học từ tour du lịch địa đạo Củ Chi và nhiều điểm du lịch lịch sử cách mạng khác là minh chứng rõ nét.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Nghệ An: Trang trọng lễ truy điệu và an táng 103 liệt sĩ hy sinh tại Lào

QUANG ĐẠI |

Ngày 25.5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Tháng 2 nhớ "Lời thề người lính Vị Xuyên"

Phong Quang |

Hà Giang - Mỗi dịp tháng 2 về cũng là lúc nhiều người tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, địa danh minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch nước dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Phong Quang |

Hà Giang - Sáng nay (8.12), trước giờ dự Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Hàng quán mọc lên như nấm bên trong công viên Thủ Lệ

PHƯƠNG ANH |

Là một trong ba công viên gắn liền với người dân Hà Nội từ nhiều năm về trước, tình trạng hàng quán được đặt dày đặc trong không gian của công viên Thủ Lệ (vườn bách thú) đang khiến nhiều người dân bức xúc. 

Chứng khoán: Áp lực chốt lời được dự báo diễn ra mạnh

Gia Miêu |

Áp lực chốt lời được dự báo sẽ diễn ra mạnh trong phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần, tuy nhiên khả năng cao chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu trụ.

Cập nhật giá vàng sáng 24.3: Đua nhau mua gom khi vàng tăng giá

KHƯƠNG DUY (T/H) |

Cập nhật giá vàng hôm nay: Tính đến 23h ngày 24.3, giá vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước niêm yết ở ngưỡng 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới trên Kitco ở mức 1.966,6 USD/ounce.

Tỷ giá USD chợ đen, tỷ giá hối đoái, giá USD ngân hàng hôm nay 24.3

Trà My |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: Giá USD thị trường tự do trong nước ở mức 23.500 - 23.570 đồng (mua vào - bán ra). Giá vàng thế giới ở mức 1992,20 - 1993,20 USD/ounce (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC trong nước ở mức 66,55 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Nghệ An: Dự án cao tốc Bắc Nam nguy cơ chậm tiến độ vì 1 hộ dân

QUANG ĐẠI |

Cho rằng việc thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam làm nứt nhà, một hộ dân ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã liên tục ngăn cản việc thi công trong nhiều tháng qua làm dự án trọng điểm này đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Nghệ An: Trang trọng lễ truy điệu và an táng 103 liệt sĩ hy sinh tại Lào

QUANG ĐẠI |

Ngày 25.5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Tháng 2 nhớ "Lời thề người lính Vị Xuyên"

Phong Quang |

Hà Giang - Mỗi dịp tháng 2 về cũng là lúc nhiều người tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, địa danh minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch nước dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Phong Quang |

Hà Giang - Sáng nay (8.12), trước giờ dự Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.