Lấp lánh phía sau oanh liệt Truông Bồn

VĂN HIỀN |

Trên chảo lửa Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), bên cạnh lực lượng thanh niên xung phong và lực lượng vũ trang, các chiến sĩ dân quân du kích, tự vệ địa phương này đã tham gia hỗ trợ chiến đấu, cứu người, thông đường, lập nên những chiến công oanh liệt góp phần làm nên chiến thắng.

Dân quân anh dũng     

Còn nhớ những ngày nóng bỏng, khô khét mùi bom, khói đạn, không gian như vỡ vụn, xé rách bởi tiếng máy bay phản lực đủ loại rú rít chói tai, đơn vị bảo đảm giao thông mang phiên hiệu 1-5 hành quân về một xóm nhỏ, thuộc địa phận xã Mỹ Sơn (Đô Lương). Chúng tôi nổ mìn phá đá Lèn Sót rải mặt đường 15, đoạn từ nam Cầu Om tới Dốc Ba cấp Truông Bồn.

Ngày ấy chúng tôi dùng xe Kiến An kéo đá dăm, đôi khi cả đá hộc, men theo con đường đất chạy dưới chân dãy núi Mồng Gà, còn có tên núi Đầu Bảng chuyển ra đường 15 cho dân quân, thanh niên xung phong nâng cấp tuyến đường chiến lược. Mà cũng chỉ đủ đá dăm rải theo hai vệt bánh xe chống lầy thôi.

Chúng tôi chạm mặt với các cô dân quân trẻ măng, một số tốp thanh niên khoảng ngoài hai mươi, lầm lũi bước gấp gáp mang vác súng trường, cả súng máy 12 ly 7. Chiến tranh, chẳng dám hỏi. Sau mới biết họ tới trận địa phòng không, đặt trạm báo động máy bay Mỹ tại dốc Kỳ Lân và đỉnh Cồn Đôn. Thời ấy, không chỉ Mỹ Sơn mà còn các xã hai bên đường 15 cùng dồn hết công sức, tình cảm vì sự sống như dòng chảy không ngơi nghỉ mạch máu giao thông vào mặt trận miền Nam. Mỗi nhà dân đều gom đá, đất “chống Mỹ” đặt sẵn trước ngõ. Chỉ cần nghe tiếng kẻng báo động liên hồi là đất, đá được chuyển ra mặt đường san, lấp hố bom còn nóng bỏng mùi chết chóc.

Năm 1968, trước sự kiện bi tráng ngày 31.10, tôi về Ty Giao thông làm cán bộ tuyên huấn. Tôi được giao nhiệm vụ viết điển hình cá nhân, tập thể chuẩn bị cho Liên hoan Chiến sĩ hai giỏi của tỉnh. Tôi tìm về Đại đội Thanh niên xung phong C317, gặp dũng sĩ phá bom Truông Bồn Nguyễn Tâm Cớn, gốc gác Yên Thành. Anh và tiểu đội phá hơn 300 quả bom nổ chậm, dọn sạch cái chết cả dưới lòng đường cho hàng nghìn lượt xe quân sự vượt hơn 7 cây số dốc Truông Bồn vào mặt trận. Anh cười rổn rảng nói với tôi, ở Truông Bồn đối mặt với bom đạn còn có lực lượng dân quân xã Mỹ Sơn vô cùng anh dũng. "Họ bảo đảm giao thông, cứu xe cháy, sơ tán hàng hóa, cứu người bị thương, an táng người hy sinh từ năm 1965, chứ không phải chỉ mấy tháng khốc liệt đầu năm 1968 đâu. Chính tôi, một lần phá bom bị sức ép chết ngất, may mắn được các cô y tá Mỹ Sơn, chỉ nhớ một cô tên là Thảo, cô nữa tên là Sinh, xấp xỉ 20 tuổi dìu khỏi mặt đường còn nham nhở hố bom. Các cô sơ cứu vết thương, cho tôi uống mấy cốc nước pha đường mà lại sức. Anh nên viết chiến công phá bom nổ chậm của họ" - anh Cớn nói.

Khi làm báo, tôi cứ day dứt chưa có bài viết về chiến công của lực lượng dân quân xã Mỹ Sơn. Suốt chín năm, dưới tầm bom đạn, họ kiên gan bám trụ Cầu Om, bám trọng điểm dốc Kỳ Lân, dốc U Bò, cầu Vực Choòng, đường vào kho hàng quân sự binh trạm 8. Họ dũng cảm, kiên cường, mưu trí phá hơn 400 quả bom kể từ tháng 3 năm 1968 đến trước Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh phá hoại vào năm 1973.

Cùng viết những chiến công oanh liệt

Theo sự thôi thúc nội tâm, tôi háo hức tìm về Mỹ Sơn, vùng đất giáp xã Nam Hưng (Nam Đàn). Tự thuở nào, Mỹ Sơn lập cư, lập nghiệp không mấy thuận lợi trên đồng đất mấp mô, núi đồi nghiêng lệch, quanh năm thiếu nguồn nước canh tác ổn định. Hạt lúa, củ khoai còi cọc. Phải vậy chăng mà ý chí vượt lên trở ngại, khắc nghiệt, kiên cường chống chọi thiên tai, giặc dã tạo lập cho mình bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách.

Trở lại với thời khắc đối mặt chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tôi được gặp gần như đầy đủ đại đội dân quân xã Mỹ Sơn. Họ đã già đi nhiều, vì tuổi tác nhưng nhắc tới những tháng, năm máu lửa, bom đạn, giữ vững tuyến đường 15 với đêm đêm đoàn xe vận tải quân sự nối đuôi nhau vượt trọng điểm Cầu Om, Truông Bồn, gương mặt họ như trẻ lại, ánh mắt chợt bừng sáng lên.

Đấy là tiểu đội phá bom nổ chậm với các đội viên một thời quả cảm: Hoàng Đình Quyền, Đặng Văn Thùy, Bùi Tiến Vịnh, Võ Công Nga, Đặng Thị Nhiên, Nguyễn Định Đởu, Đặng Văn Nghiêm, Đặng Thị Thảo, Đặng Ngọc Thái, Hoàng Thị Tám, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Thị Sinh, Đặng Công Phú, Đặng Văn Bính. Đấy là khẩu đội 12 ly 7, trực chiến Hoàng Đình Quyền, Đặng Văn Huya, Đặng Công Bình. Họ từng mưu trí đưa trận địa lên cao, đánh chặn máy bay phản lực Mỹ khi chúng lao xuống ném bom Truông Bồn, Cầu Om. Đó là cô Đặng Thị Mai, trực đánh kẻng phòng không ở Cồn Đồn (làng Triều Dương), cùng anh Nguyễn Văn Ngữ chốt tại dốc Kỳ Lân, nơi hứng nhiều bom đạn trên đoạn đường qua Truông Bồn.

Theo lời kể của bác Đặng Ngọc Thái, nguyên Bí thư đoàn xã, Đại đội trưởng dân quân xã Mỹ Sơn từ năm 1966: Trong 9 năm chống chiến tranh phá hoại, lực lượng dân quân xung kích xuất quân 150 lượt phá bom nổ chậm, giải cứu hàng, cứu xe bị cháy, cứu thương binh. Ấy là chưa kể cùng với dân quân xã Nhân Sơn mở đường tránh trọng điểm Truông Bồn dài hơn 7 cây số, khởi đầu từ vách núi Eo Đồn vượt Khe Lá, khe Phú Nha, nối thông với đường 49 xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương). Đây là con đường giải cứu xe bị tắc tại

Cầu Om và Truông Bồn an toàn, bí mật. Trước thời điểm chưa có đường tránh, anh Nguyễn Văn Nghi, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy bảo đảm giao thông huyện Đô Lương mất ăn, mất ngủ, lo ngay ngáy xe tắc sẽ bị máy bay Mỹ phát hiện đánh chặn tại Cầu Om, Truông Bồn. Có đêm Cầu Om tắc, bị đánh cháy hơn một trăm xe quân sự. Năm 1968, không quân Mỹ ném 18.936 quả bom xuống các trọng điểm tuyến đường 15, gây tắc xe 78 đêm tại Cầu Om và trên 700 đêm tại Truông Bồn. Chỉ huy không quân Mỹ phát hiện trọng điểm Truông Bồn gần kho quân nhu binh trạm 8, nằm trong hệ thống dãy núi 12 thung. Suốt từ ngày 31.3.1968 đến ngày 31.10.1968, không quân Mỹ điên cuồng đánh phá 574 trận vào Truông Bồn và đường xế nối đường 15 vào kho hàng binh trạm 8. Các tháng 8, tháng 9, tháng 10 có ngày đánh 30 trận, ném 2.692 quả bom tấn, bom sát thương, bom từ trường, bom bi, bắn tên lửa Rocket, chưa kể đạn 20 ly 7.

Trên mặt tấm văn bia nguyên khối khắc chiến tích lịch sử Truông Bồn, dựng trang trọng trước khu đền thờ các anh hùng liệt sĩ, có tên một người con xã Mỹ Sơn. Anh Hoàng Văn Phúc, dũng sĩ phá bom từ trường, hy sinh lúc 11h ngày 11.9.1968. Đồng đội Nguyễn Tất Tiến, bùi ngùi kể lại khoảnh khắc bi tráng Hoàng Văn Phúc hy sinh khi phá quả bom từ trường thứ 223 tại khu vực Khe Môn, cách Truông Bồn khoảng 300m. Ngày hôm ấy, anh Tiến cùng Hoàng Văn Phúc, Đặng Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Sáu nhận lệnh phá quả bom nằm trên đường dẫn vào sát khu vực kho hàng quân sự binh trạm 8. Sáng ngày 11.9.1968, anh Tiến cùng Hoàng Văn Phúc đi nhận bộc phá đánh bom. Trước lúc đánh quả bom cuối cùng, hai người chỉ kịp ăn mấy củ khoai lang luộc, họ đâu biết cái chết bí ẩn rình rập, chỉ giây lát nữa thôi đang chờ các anh chạm vào nó.

Nguyễn Tất Tiến vào trước, anh nhanh nhẹn cài bộc phá vào cánh bom, kéo dây dẫn ngòi kích nổ về hầm trú ẩn. Huyện đội phó Trần Lắm ra lệnh, Nguyễn Tất Tiến bấm kích nổ, nhưng bộc phá chỉ làm bay cánh bom. Hoàng Văn Phúc xung phong ôm bộc phá vào đánh tiếp. Anh đặt xong hai quả bộc phá, những mong lượng nổ cao hơn sẽ phá tan quả bom câm lì, nhưng vừa lùi ra vài bước, quả bom bất ngờ nổ tung. Khói bom tan, cả tổ bàng hoàng thảng thốt, đau đớn không tìm thấy nguyên vẹn hình hài Hoàng Văn Phúc.

Hoàng Văn Phúc hy sinh, bảo vệ kho hàng binh trạm 8, khi anh chưa đầy 20 tuổi. Anh sinh năm 1949. Trước lúc ngã xuống đã cùng tiểu đội phá trên 200 quả bom nổ chậm. Chiến công bất tử của Hoàng Văn Phúc như thôi thúc, tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho Đại đội dân quân xã Mỹ Sơn vừa đánh trả bằng súng bộ binh, vừa tìm kiếm, phá nốt những quả bom còn sót lại sau năm 1968. Năm 1996, Đảng bộ, nhân dân, dân quân du kích xã Mỹ Sơn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vinh dự cao quý ấy có sự góp công của liệt sĩ Hoàng Văn Phúc. Tôi xúc động, tìm tới nhà người em đang thờ cúng liệt sĩ Hoàng Văn Phúc tại làng Triều Dương, xã Mỹ Sơn kính cẩn dâng hương tưởng nhớ anh.

Trong tâm khảm thế hệ trẻ hôm nay Hoàng Văn Phúc cùng 13 cô gái, chàng trai Đại đội Thanh niên xung phong C317 hóa thân, vào đất đai cây cỏ quê hương ngày 31.10.1968, mãi mãi bất tử...

VĂN HIỀN
TIN LIÊN QUAN

Lễ kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn

Quỳnh Trang |

Tối 29.10, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Truông Bồn (31.10.1968 – 31.10.2022) và Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại".

Tin văn hoá trong tuần: Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại

Hạ Âu |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với chương trình “Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại” tổ chức vào ngày 29.10. tới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu Di tích Kim Liên và Truông Bồn

Quang Đại |

Sáng 23.7, trong chuyến công tác tại Nghệ An, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ - cùng đoàn công tác đã về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) và Khu di tích Truông Bồn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Lễ kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn

Quỳnh Trang |

Tối 29.10, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Truông Bồn (31.10.1968 – 31.10.2022) và Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại".

Tin văn hoá trong tuần: Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại

Hạ Âu |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với chương trình “Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại” tổ chức vào ngày 29.10. tới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu Di tích Kim Liên và Truông Bồn

Quang Đại |

Sáng 23.7, trong chuyến công tác tại Nghệ An, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ - cùng đoàn công tác đã về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) và Khu di tích Truông Bồn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.