Lắng nghe giai điệu của tre

TRANG PHAN |

Tựa như bức tranh âm nhạc sống động với những thanh âm từ tre vút lên đầy biến hóa, hòa cùng điệu hát xẩm da diết, màn tung hứng xiếc điệu nghệ và những hành động kịch đầy sáng tạo..., show nghệ thuật tổng hợp “Lời của tre” đã đưa người xem đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Thanh âm đa sắc màu

Trong cái nóng oi ả của thủ đô Hà Nội, không gian âm nhạc thể nghiệm Phù Sa Lab nằm ven hồ Tây tổ chức show nghệ thuật đặc biệt của 8 nghệ sĩ tài năng gồm Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Quang Sự, Nguyễn Đức Phương, Quyền Thiện Đắc, Đỗ Nguyễn Mai Khôi. Và bao mệt mỏi, bức bối của cái nóng mùa hè bỗng nhiên tan biến khi show diễn “Lời của tre” liên tục đưa khán gải đi đến những miền cảm xúc bất tận của sáng tạo.

Trên sân khấu nhỏ có khoảng cách rất gần với khán giả là sự xuất hiện của khoảng 20 loại nhạc cụ, trong đó ngoài những nhạc cụ dân tộc như đàn goong, khèn Mông, hưn-mạy, phần lớn là những nhạc cụ có lẽ lần đầu tiên người nghe nhạc nhìn thấy.

Mỗi nhạc cụ khi chơi phát ra những tiếng khá lạ nhưng bất ngờ là khi cùng vang lên, chúng lại tạo ra những giai điệu đẹp vô cùng hòa quyện, độc đáo mà không hề lạc nhịp. Những nhạc cụ này không để chơi nhạc mà còn được các nghệ sĩ sử dụng làm đạo cụ để tung hứng, diễn xiếc, biểu diễn rối, nhảy sạp, đóng kịch...

Chương trình được chia thành tám phần: Rối cột, Hưn-mạy (tên một nhạc cụ dân tộc), Hứng nước, Hạn hán, Chum, Chùa, Nhảy sạp, Hát xẩm; song không hề tạo điểm khấc mà kết nối nhuần nhuyễn trong nhịp chảy nghệ thuật liền mạch để chở đi thông điệp ý nghĩa về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên...

Giữa cả dàn nhạc cụ tre, chỉ xuất hiện duy nhất cây kèn saxophone do nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc thể hiện. Dường như chẳng mấy liên quan nhưng giai điệu da diết của cây kèn đồng này lại đặc biệt tạo sức nâng đỡ âm thanh ở những đoạn phải diễn tả cảm xúc mạnh với sự dằn vặt của nội tâm...

Không ít người đặt câu hỏi, trong dàn nghệ sĩ biểu diễn, chỉ duy nhất có Đức Minh là nghệ sĩ đàn môi và nhạc cụ dân tộc, còn lại đều là ca sĩ, nghệ sĩ xiếc, vậy mà sao có thể chơi các nhạc cụ tre nứa điêu luyện đến vậy. Thì ra, để đạt được sự nhuần nhuyễn ấy, cả nhóm đã phải mất tới hơn 5 năm để sáng tạo ra các nhạc cụ, lên ý tưởng chương trình và cùng nhau luyện tập.

Sáng tạo từ tre

Nghệ sĩ Quang Sự tâm huyết chia sẻ rằng, anh và hai nghệ sĩ Anh Tuấn, Kim Ngọc vốn là những diễn viên xiếc cùng tham gia show nghệ thuật Làng tôi từ năm 2005. Khi đó, họ đã từng biểu diễn với các đạo cụ từ tre nứa. Đến năm 2013, tình cờ cùng nghệ sĩ Đức Minh tạo ra cây đàn làm từ tre có từ một đến năm dây được đặt tên là đàn đó, các nghệ sĩ đã nảy ra ý tưởng làm một chương trình sử dụng toàn các nhạc cụ làm từ tre - loài cây vô cùng gần gũi, gắn bó với dân tộc Việt Nam. Và từ đó, công cuộc chế tác nhạc cụ bắt đầu.

Nghệ sĩ Kim Ngọc cũng tâm sự, đa phần các nhạc cụ được sử dụng trong chương trình như đàn đó, trống lợn, con tè, chum, khăng... (tên gọi các nhạc cụ được nghệ sĩ định danh) đều được một số nghệ sĩ sáng tạo trong lúc họ chơi hay nghịch với các vật liệu làm từ tre. Chẳng hạn, có lần ngồi bó tre bằng dây chun, dây chun đập vào ống tre phát ra tiếng, thế là anh em ngồi khoét lỗ tre, căng dây chun lên thành đàn.

Hay có lần, đặt miếng săm xe máy lên chum, thấy tạo ra âm thanh ngộ nghĩnh, thế là mày mò tạo thành trống chum. Ngay cả những lời hát được sử dụng trong chương trình cũng là sáng tạo ngẫu hứng của cả nhóm, mỗi người góp một chút để hoàn thiện.

Khi có ý tưởng đến khi chế tạo thành công từng loại nhạc cụ cũng mất khá nhiều thời gian, công sức. Như tạo ra cây đàn đó từ sự kết hợp giữa coọng-linh Tây Bắc và goong tre Tây Nguyên cũng mất tới hai năm mới tách được dây để lên âm chuẩn. Hay như để làm ra cây đàn đó lớn với bốn ống tre to, mỗi ống đường kính 15cm, chiều dài 3,5m, có thể phát ra âm thanh khi nhảy sạp, các nghệ sĩ đã phải lặn lội lên tận những khu rừng ở Tuyên Quang để tìm những cây tre thuộc dòng mai, bương có độ tuổi gần 20 năm mới có thể đáp ứng yêu cầu...

Để rồi, khi tất cả đã thành hình, người nghệ sĩ như nhập vào những nhạc cụ để đưa người xem cùng tham gia một cuộc chơi nghệ thuật với đầy ắp những sáng tạo vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc lại vừa dân tộc, vừa hiện đại.

Càng thú vị hơn khi được biết đạo diễn âm thanh của chương trình là nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - người sáng lập Phù Sa Lab, cũng là người đã thổi luồng gió mới cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam bằng nhiều show diễn gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà ở cả Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ như “Làng tôi 1, 2” hay “À ố show”, “Sương sớm”...

Là người đàn ông mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt và đã có khoảng thời gian dài sinh sống ở Pháp, song những sản phẩm nghệ thuật mà đạo diễn Nhất Lý thực hiện vẫn luôn mang đậm tinh thần dân tộc. Cũng như các chương trình đã làm nên tên tuổi của ông trước đây, "Lời của tre" cũng chinh phục người thưởng thức bằng một không gian âm nhạc hiện đại song lại đưa người nghe trở về cội nguồn dân tộc để thêm gắn bó, tự hào.

Đạo diễn Nhất Lý quan niệm, yếu tố dân tộc chính là nhịp cầu để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, tạo nên sự khác biệt, độc đáo trong dấu ấn nghệ thuật không thể trộn lẫn. Còn sự hiện đại là để công chúng có thể tìm thấy sự đồng cảm.

Hiện Lời của tre đang được diễn định kỳ vào những ngày cuối tuần ở Phù Sa Lab. Đạo diễn Nhất Lý cùng êkíp thực hiện cũng đang ấp ủ dự định có điều kiện sẽ đưa dự án nghệ thuật này gần hơn với thế giới, giúp khán giả quốc tế hiểu hơn về một nét văn hóa đặc trưng nghệ thuật của Việt Nam...

TRANG PHAN
TIN LIÊN QUAN

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.

Ông Park Hang-seo: Tôi sẽ là người hâm mộ nhiệt thành của đội tuyển Việt Nam

AN NGUYÊN |

Huấn luyện viên Park Hang-seo bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể giành chức vô địch AFF Cup 2022 và nói lời tạm biệt sau hành trình 5 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.