Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

(... tiếp theo và hết)

Bây giờ để tôi kể nốt về cái không gian mà tôi đang nhìn thấy trước mặt. Tất cả các nhà xưởng, kho trạm, phòng ốc, khuôn viên kia đều nằm gọn trong một bức tường bao quanh. Bức tường được xây khá cao, bọc kín toàn bộ đất của xí nghiệp, chỉ để hở hai lối ra. Một lối là cổng chính có gắn tấm biển Xí nghiệp may Hoa Ban to đùng, dùng để công nhân ra vào.

Còn một lối là cổng hậu có gắn tấm biển Xí nghiệp may Hoa Ban bé tí, dùng để bảy chiếc xe vận tải ra vào vận chuyển hàng hóa. Cả hai cổng đều có cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Cả hai cổng đều có bảo vệ túc trực hai tư trên hai tư. Nói chung đó là một xí nghiệp may mặc rất quy củ, rất nghiêm túc, rất ra dáng là một cơ sở công nghiệp hiện đại, nó xứng đáng là lá cờ đầu, là niềm tự hào của huyện Mờ Lay vào những năm 80 thế kỉ trước.

“Sao giữa núi rừng mênh mông thế này, người ta lại đặt một xí nghiệp may ở đây làm gì?”, tôi hỏi cô Ban. Cô Ban bảo: “Thời ấy nó thế!”. Tôi lại hỏi: “Họ may thứ gì ở trong đó?”. Cô Ban bảo: “Áo jacket”. Tôi lại hỏi: “Dân miền núi cần loại áo đó à?”. Cô Ban bảo: “Áo đó không dành cho dân miền núi. Cũng chẳng dành cho dân miền xuôi. Áo ấy làm từ bông và vải của người Liên Xô. Cho người Liên Xô mặc. Mẫu mã của người Liên Xô. Chỉ màu và cúc áo cũng của người Liên Xô”.

Tôi bảo: “Mình làm công cho họ à?”. Cô Ban bảo: “Làm để trả nợ. Mình nợ họ nhiều lắm! Nhưng nợ tiền còn hơn là nợ máu. Nợ tiền thì rồi cũng sẽ trả hết. Nhưng phải làm ở đây, giữa núi rừng này, mới có ý nghĩa. Cháu không thấy trong các nữ công nhân kia có cả các cô gái Thái mặc áo cóm, váy đen, thắt lưng xanh đang chăm chỉ ngồi may à? Hình ảnh ấy mới cảm động chứ. Nó thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa dân mình với dân Liên Xô”.

Tôi bảo: “Rồi bảy cái xe vận tải kia phải leo qua biết bao nhiêu đồi dốc để mang những cái áo jacket ra biển, xuống tàu đi sang Liên Xô à?”. Cô Ban bảo: “Thời ấy nó thế. Nhưng mà vui. Cháu hãy xem những người công nhân đang vào làm ca tối kìa. Dân mình ai chả thích làm công nhân”.

Tôi nhìn thấy cánh cổng chính của Xí nghiệp may Hoa Ban mở rộng. Một trăm hai mươi công nhân nữ và 6 công nhân nam bước vào. Người có đồng phục, người không. Cô Ban bảo những người chưa có đồng phục là mới tuyển. Toàn vợ bộ đội với thanh niên xung phong chuyển ngành mới được ưu tiên tuyển vào đấy.

Trong số các công nhân nữ đang vào ca tối tôi thấy có một chị bụng chửa vượt mặt. Chị mặc một bộ váy áo màu chàm với hàng khuy bướm trắng xẻ dọc trước ngực. Nhìn tằng cẩu búi cao trên đầu tôi biết chị là người Thái. Thấy tôi cứ nhìn chằm chằm vào người phụ nữ mang thai, cô Ban bảo: “Chửa đến tháng thứ tám rồi đấy”. Tôi hỏi: “Chồng cô ấy đâu?”. Cô Ban đáp: “Đi bộ đội, đánh nhau bên Campuchia”. Tôi lại hỏi: “Bụng to thế sao không nghỉ?”. Cô Ban đáp: “Cả xí nghiệp có hơn trăm máy may. Mà những ba trăm công nhân. Có việc là mừng. Ca nào cũng đi”.

Tôi hỏi cô Ban: “Ngày có mấy ca?”. Cô Ban bảo: “Ngày ba ca. Một ca bốn tiếng. Ca tối từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm”. Tôi bảo: “Chủ yếu là công nhân nữ nhỉ?”. Cô Ban bảo: “Công nhân nữ thường ngồi máy may hoặc đảm nhiệm máy vắt sổ, máy thêu. Công nhân nam đứng máy là hoặc làm thợ cơ khí. Công nhân kho thì xuất nguyên liệu, nhận thành phẩm, ngoài ra kiêm thêm nhiệm vụ đóng gói bao bì.

Những chiếc áo jacket hoàn chỉnh được đặt trong một lớp nilon kẹp điện bọc kín, sau đó lại thêm một lớp túi vải, cuối cùng cứ mười cái túi vải lại cho vào một thùng carton”. Tôi hỏi cô Ban: “Sao cô biết rõ thế?”. Cô Ban bảo: “Biết rõ vì chính cái máy kẹp điện ở trong kho bị chập điện”. Tôi lại hỏi: “Chập điện thì sao?”.

Cô Ban không trả lời mà chăm chú nhìn xuống khoảng sân trước xưởng may lúc này đã dần vắng lặng vì không còn công nhân nào ở bên ngoài nữa. Chỉ còn một dáng phụ nữ mặc chiếc áo đồng phục sờn rách tập tễnh đi khóa các cửa ra vào xưởng may. Tôi hỏi: “Sao phải khóa?”. Cô Ban bảo: “Để công nhân không chạy lung tung, không đến muộn, về sớm, không tranh thủ ra ngoài ăn uống, phải nghiêm như kỉ luật quân đội”. Tôi lại hỏi: “Lúc nào cũng khóa thế à?”. Cô Ban bảo: “Không, chỉ khi quản đốc có việc chạy đi đâu đó thôi”.

Đúng là quản đốc có việc thật. Tôi thấy người phụ nữ thương binh đi ra ngoài thị trấn. Cô ấy đi chợ. Rồi cô ấy tranh thủ về nhà nấu cơm cho chồng. Chồng cô ấy cũng là một thương binh, đang công tác bên huyện ủy. Họ chưa có con. Hoặc là không thể có con. Nhà cô ấy ở khu tập thể, ngay phía sau bức tường Xí nghiệp. Nếu bữa cơm với chồng cô ấy diễn ra như mọi lần, tức là xong xuôi vào lúc bảy giờ ba mươi tối, thì chừng tám giờ kém mười lăm, người nữ quản đốc ấy sẽ quay lại xưởng may. Vừa kịp mở cửa để tám giờ mọi người xuống nhà ăn tập thể ăn bữa nhẹ giữa ca.

Đến chừng chín giờ tối cô ấy sẽ đi một lượt, khắp các ngóc ngách của nhà xưởng. Cô sẽ đến từng bàn may, nhắc việc này, bảo việc kia, rồi lượn một vòng vào nhà kho, tự tay hướng dẫn cách đóng gói theo đúng quy chuẩn, sau đó quay trở ra đi qua dãy máy là, dừng lại một chút ở chỗ máy thêu, cuối cùng là đứng kiễng chân, thẳng người ở chính giữa xưởng, nói vài câu về viễn cảnh vô cùng tươi đẹp của ngành dệt may sau khi Nhà nước kí Hiệp định hợp tác 19 tháng 5 với Liên Xô.

Nhưng hôm ấy nữ quản đốc chưa kịp ăn xong bữa cơm tối với chồng thì cái máy kẹp bao bì ở nhà kho bị chập điện. Lửa tóe ra. Bén vào bông. Bông ủ khói, nuôi tàn lửa lớn dần lên. Mấy công nhân cầm áo jacket đập tàn lửa. Khói bốc lên mù mịt. Khói phả từ nhà kho sang xưởng may. Những tiếng gào thét bắt đầu vang lên. Ầm ĩ và huyên náo.

Vài người lao ra cửa, nhưng tấm cửa sắt kéo đã bị khóa trái. Một sự hoảng loạn bao trùm lên cả trăm con người khi họ chợt nhận ra là mình đang bị nhốt. Không ai dám chạy về phía nhà kho. Không ai dám chạy về phía ngọn lửa đang mỗi lúc một bùng lên dữ dội. Tất cả chỉ biết chạy sang xưởng may. Người ở xưởng may dồn về hai cửa phụ. Cửa phụ đã khóa. Tất cả lại dồn về cửa chính. Cửa chính đương nhiên cũng đã khóa. Lại đều khóa từ bên ngoài nên không thể luồn cái gì ra mà cạy phá được.

Hàng chục cánh tay đưa lên giật, lắc, đẩy, kéo những thanh cửa sắt một cách bất lực. Khói mỗi lúc một đen đặc. Xưởng may lúc này không còn nhìn rõ bất cứ thứ gì, ngoài sự hoảng loạn. Bên trong hoảng loạn, bất lực và buông xuôi. Bên ngoài cũng lúng túng đến mức ngớ ngẩn. Bảo vệ đáng lẽ phải dùng vật gì đó để phá khóa thì lại chia nhau đi gọi quản đốc và lãnh đạo xí nghiệp đến giải cứu.

Cho đến khi nữ quản đốc xuất hiện thì lửa cơ bản đã liếm trọn nhà kho. Và đang từng lúc, từng lúc liếm nốt xưởng may. Nữ quản đốc vội mở khóa cửa chính. Công nhân lập tức ùa ra ngoài. Dẫm đạp lên nhau mà chạy. Quản đốc hét lên: “Đưa mọi người ra bể nước mưa, còn mấy cậu thanh niên mang hết xô nước lại đây”. Khi nước được mang đến, bằng một động tác rất thuần thục, nữ quản đốc giật tung áo đồng phục nhúng vào xô nước. Rồi cô ấy căng áo đội lên đầu, lao vào trong xưởng may. Lần lượt từng người được quản đốc dìu ra.

Mấy công nhân nam cũng học theo quản đốc, cởi áo nhúng vào nước, đội lên đầu, lao vào xưởng may cứu người. Nhưng lửa không chịu lùi bước trước nữ quản đốc dũng cảm. Một số công nhân nhận thấy sự nguy hiểm đang ụp xuống bất kì lúc nào nên giữ quản đốc lại, không cho cô ấy lao vào ngọn lửa đỏ cứu người nữa. Nhưng cô ấy hộc lên những tiếng căm hận. Không biết là căm hận ngọn lửa, căm hận ổ khóa, căm hận chiếc máy chập điện, căm hận sự bất lực hay là căm hận bản thân nữa. Sau tiếng hộc nộ khí cuối cùng, cô gạt tung mọi người ra để lao vào xưởng may một lần nữa.

Lần này cô ấy cõng ngửa một người ra. Phải cõng ngửa vì người công nhân trên lưng quản đốc đã mất ý thức. Và người công nhân ấy đang chửa tháng thứ tám. Mọi người lao tới đỡ nữ công nhân đang ngất xỉu trên lưng quản đốc. Đã tưởng đó là người cuối cùng. Nhưng nữ quản đốc vẫn không chịu dừng lại. Cô ta lại lao vào bên trong cánh cửa sắt. Lần này thì cô ta không trở ra nữa. Tiếng gầm đau đớn, mất mát, tủi hờn. Tiếng gầm uất hận, tái tê, li biệt. Tiếng gầm của chồng nữ quản đốc. Tiếng gầm ấy khiến tôi cúi mặt xuống. Tôi không dám nhìn ngọn lửa đang thiêu rụi trái tim của Xí nghiệp may Hoa Ban.

“Không chỉ thiêu rụi trái tim của xí nghiệp đâu” - cô Ban nói - “Trận lửa ấy còn thiêu chết cả nữ quản đốc và mười bốn công nhân kẹt lại trong xưởng may. Đến sáng hôm sau thì thêm một nữ công nhân nữa thiệt mạng. Người ta đã làm tất cả để cứu đứa con trong bụng cô ấy, còn người mẹ thì không cứu được”.

Tôi hỏi: “Đứa con cứu được ấy là trai hay gái?”. Cô Ban bảo: “Con trai”. Tôi bảo: “Thật may, dù sao thì chị ấy cũng để lại cho chồng một đứa con trai”. Cô Ban bảo: “Chồng cô ấy không trở về, anh ấy chết trận rồi”. Tôi hỏi: “Thế ai nuôi đứa bé?”. Cô Ban bảo: “Hội phụ nữ tỉnh nhận nuôi. Nhưng Hội giao cho một nữ công nhân làm ở xưởng may chăm sóc đứa bé. Hàng tháng Hội gửi tiền”. Tôi lại hỏi: “Đứa bé tên là gì?”. Cô Ban bảo: “Sinh ra từ ngọn lửa đỏ nên người ta đặt tên nó là Hỏa. Nó có một vết bớt ở trên trán. Vết bớt hình ngọn lửa. Người đời gọi nó là Hỏa sẹo”.

Cô Ban đưa tay chỉ lên một ngọn đồi cao ở cuối thung lũng. Cô bảo: “Cò lại về đậu trắng ngọn đồi rồi kìa”. Tôi hỏi: “Sao cô lại lên đồi Cò tìm Hỏa?”. Cô Ban đáp: “Vì có người bảo trông thấy Hỏa ở đấy”. Tôi hỏi: “Cô còn đi những đâu để tìm Hỏa nữa?”. Cô Ban bảo: “Cô đến nhà người nữ công nhân từng nuôi Hỏa”. Tôi hỏi: “Họ nói Hỏa đi đâu?”. Cô Ban bảo: “Người nữ công nhân ấy kể rằng, Hỏa nghịch ngợm lắm, gửi vào học trường dân tộc nội trú vùng cao nhưng bỏ học sớm, theo chúng bạn lên bãi đào vàng, thành tên giết người cướp của, giờ trốn ở đâu hay chết rồi cũng không biết nữa. Không một lần về nhận mẹ nuôi. Coi như chả còn liên hệ gì với nhau”.

Tôi lại hỏi: “Rồi cô đi tìm ở đâu nữa?”. Cô Ban bảo: “Cô đến gặp một bà giáo từng dạy ở trường dân tộc nội trú vùng cao. Bà giáo nói rằng, Hỏa bỏ lên bãi đào vàng, rồi đi làm cướp là Hỏa khác. Còn Hỏa được Hội phụ nữ gửi sang học hết cấp ba thì đi bộ đội biên phòng. Công tác ở đồn La Lay. Trong một lần bắt tội phạm ma túy thì bị đâm chết. Thành liệt sĩ. Có ảnh treo ở Hội phụ nữ tỉnh”.

Tôi lại hỏi: “Rồi cô đi tìm ở đâu nữa?”. Cô Ban bảo: “Cô qua hỏi chuyện Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Bà chủ tịch nghỉ hưu đã lâu, già sắp chết, nhưng còn minh mẫn lắm. Bà ấy bảo, không phải Hỏa đó, các cháu được Hội nhân nuôi dưỡng hi sinh thì nhiều, nhưng không có ai là Hỏa. Bà chủ tịch còn chắc chắn rằng, cậu Hỏa ấy thông minh lắm, học nội trú tỉnh xong thì được gửi xuống dự bị đại học, rồi vào đại học kinh tế, bây giờ là trưởng ban quản lí các khu kinh tế của tỉnh”.

Tôi lại hỏi: “Rồi cô đi tìm ở đâu nữa?”. Cô Ban bảo: “Cô qua gặp Trưởng ban kinh tế của tỉnh. Cậu ấy trẻ trung, năng động lắm, nhưng không phải là Hỏa. Cậu ấy là người Mông. Cậu ấy không có vết bớt trên trán”.

Tôi bảo: “Vậy thì chỉ còn một cách thôi”. Cô Ban hỏi: “Cách nào?”. Tôi bảo: “Qua công an huyện, họ có hồ sơ của Hỏa”. Cô Ban gật đầu: “Cô qua đó rồi. Nhưng...”. Tôi hỏi: “Cô xem hồ sơ chưa?”. Cô Ban đáp: “Theo mô tả của những nhân chứng còn sống sót trên mấy chiếc tàu cá, công an đã dựng lại chân dung hoàn chỉnh của Hỏa sẹo. Nhưng tìm trong hồ sơ danh chỉ bản thì không thấy có gương mặt này. Có vẻ như Hỏa sẹo chưa từng tồn tại trên hồ sơ lưu”.

Tôi lại hỏi: “Rồi cô đi tìm ở đâu nữa?”. Cô Ban bảo: “Cô bảo họ cho cô xem tấm ảnh họ mới phục dựng. Nhìn tấm ảnh đó cô đã khóc. Đúng là Hỏa sẹo của cô rồi. Cho nên cô mới lên đồi Cò tìm Hỏa. Nó chỉ quanh quẩn ở đấy thôi”.

Tôi bảo: “Sao cô phải đi tìm Hỏa?”. Cô Ban nói: “Hỏa vẫn luôn ở đâu đây, trên các nhánh hồ này. Cô phải tìm Hỏa về. Không thì Hỏa sẽ còn giết những người đánh cá trộm trên mặt hồ. Những người đánh cá không biết rằng, dưới mặt nước kia là nấm mồ của mười sáu công nhân may. Đừng ném quả nổ xuống đó. Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu. Lửa sẽ bùng lên thiêu chết những người đánh lưới trộm”.

Tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là bố, ông Thủ, và con gái út ông Thủ.

Trên khuôn mặt của bố tôi, hai dòng nước mắt chảy xuống, như hai vết khắc trên làn da nhăn nheo. Còn ông Thủ đứng chống nạng nhìn tôi, cười như mếu. Tiếng ông Thủ ong ong trong tai tôi: “May mà dạt được vào chân rặng ban đỏ đấy, nên hồn lại nhập xác, chứ không thì thành ma dưới lòng hồ rồi”.

Tôi nằm ở trạm y tế huyện Mờ Lay thêm một ngày nữa thì về nhà.

Nhiều năm sau, tôi lớn khôn hơn, tôi cầm đầu cả một nhóm thợ xây lành nghề, tôi vẫn thường ra rặng ban đỏ ngồi nhìn xuống lòng sông, nhưng tôi không kể với ai về cô Ban. Một hôm lão Thủ bảo tôi, mày lấy đứa con gái út của tao đi, tao cho mày cái nhà này, mày xây khách sạn lên mà kinh doanh, đừng ghét bỏ con gái tao là được.

Ngay cả khi tôi lấy con gái lão Thủ làm vợ rồi, tôi vẫn chưa lần nào kể cho vợ tôi nghe về chuyện cô Ban.

Tôi nhớ lời cô Ban. Tôi sợ khơi lại tàn lửa dưới sông sâu.

Lửa sẽ bùng lên...

>>> Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
Nguyễn Đình Tú
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Vụ xây 680 căn nhà trái phép: Đất lúa thực tế 12,7 ha chỉ xác định hơn 6 ha

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Dự án khu dân cư Tân Thịnh ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (gọi tắt là Công ty LDG) làm chủ đầu tư - xây dựng không phép 680 căn biệt thự và nhà liên kế. Theo kết luận thanh tra của tỉnh, ngoài thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lãnh đạo huyện Trảng Bom còn thống kê sai về số diện tích đất lúa trong ranh dự án...

Tranh cãi về đề xuất xây 2 thuỷ điện trên sông Hồng

Anh Tuấn |

Bộ Xây dựng cho rằng, hồ sơ của hai dự án thuỷ điện Thái Niên và dự án thủy điện Bảo Hà (xây dựng trên sông Hồng) cần bổ sung nhiều nội dung để có cơ sở đánh giá và xem xét việc bổ sung quy hoạch thủy điện.

Trước khi tự tử, nữ sinh trường chuyên đã nghỉ học 20 buổi

HẢI ĐĂNG |

Nghệ An - Trước khi tự tử, nữ sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh đã xin chuyển lớp và nghỉ học nhiều lần.

Hi hữu: Giả mạo chủ đầu tư, làm lễ khởi công dự án thuỷ điện ở Quảng Ngãi

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Trưa 17.4, lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi cho biết đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc tổ chức lễ khởi công dự án thủy điện Sơn Nham. Bước đầu xác minh đây là hành vi giả mạo chủ đầu tư để làm lễ khởi công…

Bắt giữ đối tượng mang súng cướp ngân hàng ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Tại huyện Bàu Bàng, nam thanh niên  mang vật giống súng cướp ngân hàng. Đối tượng này sau đó đã bị bắt giữ. Hiện công an đang truy tìm xem đối tượng có đồng bọn hay không.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.