Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Có tiếng cười khe khẽ của anh phụ xế:

“Không nhầm đâu anh ơi, chúng em ngày nào chả đi con đường này. Đấy! Anh xuống đi là vừa “rin” nhé!”.

Chẳng kịp ngoái nhìn đám hành khách còn say sưa ngủ trong những cái chăn ấm áp, Phương vừa tin vừa ngờ bước ra cửa khi cái xe khách dần giảm tốc. Và nó dừng lại, cái lạnh của sương đêm cuối đông phủ chụp lên Phương ngay tức khắc. Chiếc xe rời đi, còn Phương thì bàng hoàng.

Là quê nhà đây sao? Mới 4 năm trước, nó còn là một cánh đồng ngô, phấn hoa ngô bay lả tả trong gió, đập cả vào má người phóng xe bên đường. Cây gạo ở ngã ba, nơi con đường làng anh giao cắt với quốc lộ chắc chắn là mốc giới không thể gây nhầm lẫn cho bất cứ ai, chỉ cần nó còn ở đó. Bây giờ là 4 giờ sáng, Phương trấn tĩnh lại sau vài giây ngác ngơ bên đường. Kia rồi, cách khoảng chục mét phía sau lưng, chính là cây gạo. Nó đứng đó, vẫn còn đứng đó, kẻ thân quen đầu tiên ở quê hương đón Phương về.

Đứng ngẩn một lúc ngắm những khối nhà công xưởng rực sáng ánh đèn và phát ra hai kiểu âm thanh, một lách cách, một ầm ì, Phương mới bắt đầu cất bước. Một khu công nghiệp đã hình thành, đôi chỗ đi vào hoạt động trên một dải cánh đồng chạy dài theo quốc lộ của làng Phương và làng Hải. Chỉ sau bốn năm, nó biến đổi bộ mặt quê nhà nhanh đến nỗi Phương không còn nhận ra. Nếu còn ở nhà, trong bốn năm qua, có thể cả Phương và Hải đều đã trở thành công nhân của một trong những công ty đang và sắp đi vào hoạt động kia.

Đến gốc gạo, Phương dừng lại, bần thần tựa lưng vào những cái u sần sùi bởi những vết thương, do bom đạn chiến tranh, và do trẻ trâu, người lớn. Suốt cả tuổi thơ, đám trẻ làng và Phương vừa tò mò, vừa sợ hãi, vừa tôn kính cây gạo do những đồn thổi về nó. Vậy mà, không ngờ, khi đã ở miền đất lạ, mỗi lần nhớ về quê hương, Phương lại nhớ đến cây gạo đầu tiên.

Đặt cái ba lô bên mình, Phương ngồi bệt xuống nền bê tông của con đường làng được người ta nhồi sát gốc gạo. Có ánh đèn xe máy từ phía làng đi ra. Chắc những người buôn bán đang chở hàng ra chợ đầu mối. Còn trên quốc lộ, những chuyến xe đêm đang hối hả về bến. Phương vội ôm chiếc ba lô vào lòng, nhích người khuất sau thân cây để những người từ làng ra không nhận biết đến mình.

***

“Lạnh lắm, lạnh gấp tỉ lần bên mình. Lần đầu đến, tao phải mặc tới chục cái áo rét mà vẫn lạnh”.

Tiến nhỏ nhẻ, nhìn cái mũi chín đỏ của người đồng hương mới đến. Đó là khi hai người dừng lại bên một đống lửa to bên đường trước khi vào đến khu trang trại. Phương chua chát cười, nhìn khắp một vùng bao la đang chìm trong mùa đông ảm đạm. Một vùng thôn quê. Dù sao mình cũng chẳng được lựa chọn. Được sống và làm ra tiền là may lắm rồi.

“Còn lạc hậu hơn ấy. Nói thẳng là lúc đầu tao cũng họ choáng con nhà ông váng. Nhưng rồi suốt ngày bận bịu, cũng chẳng còn thời gian đâu mà ngó ra ngoài mày ạ!”.

Tiến dùng cái que dài cời cời cho đám than bên dưới trồi lên, tỏa hơi ấm mạnh hơn. Cậu ta bảo đã rời xa Việt Nam 5 năm rồi, cũng từ bến tàu khách là đến thẳng đây, rồi từ đó, chỉ năm bảy lần đến đúng cái bến cảng đó đón người của mình về, còn thì cũng chẳng thời gian đâu thăm thú khắp nơi, cái mỹ lệ nhân gian tưởng tượng ở nhà mãi mãi chỉ là tưởng tượng.

Trại có mười bảy người, toàn người Việt Nam sang. Ông chủ người bản địa, nhưng ông ta mỗi năm chỉ ghé trại một đôi lần, còn toàn làm việc qua điện thoại, email, camera.

Như thế cũng tiện, mình làm việc của mình, không biếng lười, không phạm pháp là được - Huấn, anh cả, trại trưởng thủng thẳng trong bữa cơm đầu tiên đón Phương.

“Thì bọn mình đang sống chui, không phạm pháp thì là gì, anh?” - một cậu tóc dài ngang vai vừa cười vừa nhấm nhẳng. Mọi người cùng cười, dăm phụ nữ hình như bị nghẹn. Đêm đầu tiên trên đất khách, Phương ngủ một giấc sâu vì mỏi mệt. Nhưng đêm thứ hai và nhiều đêm sau, anh khó ngủ và có những đêm thức trắng.

***

Đêm thứ bao nhiêu đó, Phương được Huấn giao nhiệm vụ đi đón người bên mình sang. Người cuối cùng, vì khả năng sau chuyến này, đường dây đứt. Phương nhận nhiệm vụ, lòng xốn xang khó tả. Vẫn con đường Tiến dẫn Phương đi mấy chục ngày trước, nay là mùa hè, rau màu xanh rờn đẹp mắt. Nhưng, đến khi gặp người đồng hương mà mình được giao nhiệm vụ đón, Phương lại ảm đạm trong lòng. Bao nhiêu nao nức của phong cảnh mùa hè vừa chiêm ngưỡng đã biến tan đi mất. Người đồng hương vừa chân ướt chân ráo bước từ trên tàu xuống kia là Hải.

“Hải! Hải ơi! Sao mày lại chết? Tại sao? Tại sao?”.

Ba tháng sau ngày gặp nhau ở bến tàu, Phương lay cái xác cứng đờ của Hải ngoài sân nông trại. Đêm ấy, Hải ra ngoài gọi điện về cho vợ, không biết vì sao không bao giờ tỉnh lại nữa.

Dung có biết chồng mình đã chết sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm hay không? Phương nghẹn đắng trong nước mắt. Phương khóc cho cái chết của Hải. Thật sao? Là thật! Nước mắt Phương chưa bao giờ rơi vì ai khác ngoài cha mẹ, kể cả với Dung, người vợ cũ, kẻ đã găm hàng ngàn mũi dao phản bội vào tim Phương.

“Bây giờ, nhỡ con Dung nó nghĩ mày mưu hại chồng nó thì sao? Nó có biết thằng Hải và mày sống chung không?”.

Câu hỏi của Huấn trưởng trại khiến Phương tái lặng. Điều này Phương cũng không biết. Ngay từ hôm đầu tiên đến đây Hải đã khoe với vợ ở nhà là được anh em đồng hương đón tiếp nhiệt tình. Trong số những lần sau, có khi nào Hải nhắc đến Phương không, mà đôi khi, không rõ cố ý hay vô tình, Hải để tiếng cười giòn tan, khanh khách của cô ta vang lên trong căn phòng nhỏ.

Giá như mỗi lần họ trò chuyện với nhau, cô ta không cười, như cái buổi chiều đau đớn Phương bật cửa căn phòng trọ của vợ và mấy cô bạn cùng công ty, thấy một gã đàn ông nồng nỗng đang dập dình mê say trên bụng vợ mình.

Gã đàn ông đó, mấy cô cùng xóm trọ bảo là quản đốc phân xưởng nơi Dung làm việc. Thử nghĩ mà xem, hắn xa vợ, các cô cũng xa chồng, thực chất chỉ là mối quan hệ làm ăn mà thôi.

Mối quan hệ làm ăn à?

Vâng, cô nào không chịu hắn, cứ khăng khăng chung thủy với chồng thì bị hắn điều đến bộ phận vất vả hơn, ưu đãi kém cỏi hơn, không được ưu tiên đi làm khi việc khan hiếm.

Không! Phương không thể chịu đựng được cảnh ấy. Phương không thể hiểu vì sao cả trăm gã chồng bị vợ cắm sừng kia lại có thể thấy đó là chuyện bình thường. Anh phải kiện thằng quản đốc khốn kiếp đó, không thể cho nó đặc quyền cơm no bò cưỡi trên danh dự của người khác như thế được.

Những lá đơn tố cáo của Phương qua cánh cổng bảo vệ của công ty vợ mãi mãi trôi vào im lặng. Họ sẽ không vì một anh chồng không chấp nhận nhục nhã như anh mà khiến cả guồng máy lao động của công ty xáo trộn được. Họ chỉ cần năng suất và hiệu quả công việc. Họ không quan tâm đâu.

Vết thương đó cứ miên miết chà vào trái tim rớm máu của Phương. Phương đã yêu vợ như thế nào, đã vì cô ta mà phụ lòng bố mẹ để cưới bằng được ra sao. Giờ thì, cô ta lấy lý do là “gặp phải thằng khốn như thế, bao nhiêu chị em cũng phải chịu cho nó, đâu phải mình tôi".

Ngày vợ bảo đi làm ở khu công nghiệp, Phương không bằng lòng. Khu công nghiệp cách làng mười lăm cây số, bình thường thì sáng đi tối về, hoặc tối đi sáng về, nhưng những khi hàng hóa gấp gáp, tăng ca, cứ đi đi về về như thế rất vất vả. Vất vả thì bọn em thuê một căn trọ, chỉ lấy chỗ ngủ nghỉ thôi mà.

***

Xác Hải lạnh lẽo ở góc căn nhà xưởng, cả mười bảy người bối rối. Việc báo về Việt Nam cái tin Hải đã chết là đương nhiên rồi. Không thể để cậu ta bỗng dưng biến mất như thế được. Báo tin Hải chết không rõ nguyên do đã khó, đằng này lại còn chuyện vô cùng tế nhị. Dung sẽ nghĩ sao khi biết chồng mới đã sống cùng chồng cũ trong một trang trại xa xôi ở một nơi đất nước xa xôi, và rồi với lối suy diễn đàn bà viển vông, liệu cô ta có cho là án mạng?

Những ngày sống cùng nhau chưa nhiều, nhưng cũng nhiều cơ hội để chia sẻ, chuyện trò, chỉ là chưa bao giờ Phương hỏi Hải về cuộc sống vợ chồng của cậu ta, ví dụ như vì sao lại quyết lấy Dung, một người đàn bà bị chồng bỏ vì cắm lên đầu chồng một đống sừng. Việc này, đương nhiên Phương không bao giờ chấp nhận mình sẽ mở lời, bởi sẽ càng khiến anh khó chịu. Hải cũng chưa từng bày tỏ tâm tư gì, có lẽ, chỉ vô tình cho Phương thấy là cậu ta đã chọn đúng và đang hạnh phúc.

Hạnh phúc à? Phương nhiều lần cười khẩy, khi Hải ngủ say và cười khùng khục trong đêm, đôi khi còn nói những câu rất dài. Phương không nhớ Hải đã nói gì sau mỗi sáng thức dậy, chỉ nhớ cảm giác khó chịu vô cùng, giống như muốn dùng con dao nhọn để đầu giường đâm vào lồng ngực đã và đang phập phồng vì người đàn bà bội phản từng thuộc về mình kia.

Phải thiêu xác Hải thôi. Nhưng thiêu thế nào? Có được không? Có phương án nào tốt hơn không?

“Tốt hơn con khỉ! Mình sống còn chẳng thằng nào biết, chết rồi còn lo được gì nữa?”

Huấn gào lên, mắt vằn đỏ, như thể anh ta là kẻ bị dồn vào chân tường, và trước mặt là những kẻ truy đuổi, mặt ai nấy cũng đằng đằng sát khí.

Ấy là khi người ta vừa bất ngờ, vừa bối rối, vừa xót thương, vừa sợ hãi trước cái chết đột ngột và bí ẩn của Hải. Có ai chỉ ra ngoài nói chuyện với vợ qua điện thoại rồi lăn đùng ra chết, quỷ không biết, thần không hay như Hải không?

Giờ không thể báo chính quyền, không thể khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân cái chết. Chỉ cần một người trong số họ bị chính quyền bắt giữ, nguy cơ lộ “tổ” là rõ ràng. Không phải dễ gì mọi người rời xa quê nhà, vợ con để đến được đây. Không phải cứ sang nước khác là yên ấm làm ăn như người ta ở nhà vẫn nghĩ. Ra ngoài, nghĩa là không thể đường đường chính chính làm ăn, không thể đường hoàng về nhà.

Giàn thiêu được dựng ngay trong sân trại. Huấn tự tay châm ngọn lửa. Mọi người buồn bã nhìn những lưỡi lửa liếm dần lên những khúc gỗ, rồi mỗi giây lại hung hăng hơn trước đó. Phừng phừng, lửa cuốn lấy thi thể Hải, như quái vật ngửi thấy mùi của con mồi. Chứng kiến cảnh một người (dẫu đã chết) đang bị đốt bởi những ngọn lửa lớn, mùi thịt cháy khét lẹt cuồn cuộn cùng khói củi, mấy người phụ nữ không dám nhìn tiếp, chạy vào nhà.

Phương không một lần rời mắt khỏi thi thể Hải đang bị đốt trên giàn lửa. Không ai biết Phương nghĩ gì, những ý nghĩ ấy thiêu đốt anh thế nào. Chỉ thấy khuôn mặt anh nhòa ướt, và anh xụm xuống như một cây khoai nước tươi non héo quắt và gục xuống vì hơi lửa.

Phương tỉnh lại thì đám thiêu đã tàn, người ta gom những gì còn lại của Hải vào chiếc bình gỗ mà Phương đã tìm thấy trong góc bếp của trại. Khi nhìn thấy chiếc bình, Phương đã tưởng tượng rằng một ngày nào đó anh sẽ mang nó theo trên hành trình về lại quê nhà...

***

Bây giờ, sau bao gian nan, Phương đã cùng Hải trở về. Chỉ là, Phương vẫn còn chưa quyết được mình sẽ bắt đầu như thế nào. Đưa Hải về nhà mình trước, hay đến thẳng nhà Hải, gõ cửa và đối mặt với Dung? Lạ nhỉ! Mình không giết Hải, mình cũng chẳng còn vấn vương gì Dung, nhưng sao vẫn chưa quyết được?

Phương mông lung nghĩ ngợi về ngày mai. Về rồi, Phương nếu không xin vào làm công nhân của một trong những công ty đang và sắp hoạt động trên đất đồng làng kia, thì chỉ có thể đi xa.

“Đừng đi đâu nữa, về với bố mẹ thôi con” - vài lần, trong những cuộc điện thoại, cha đã nói với Phương như vậy. Cha đã không được nhận vào làm bảo vệ ở công ty như các chủ đầu tư đã hứa trước đây. Ừ, thì mình không được đào tạo chuyên nghiệp, làm không ra gì, gây ra mất mát cho người ta, mình đền sao được.Cha cười, động viên Phương, và cũng động viên chính mình.

Để bình tro cốt của Hải cạnh giường nằm, Phương cứ trôi miên man cùng mộng mị. Từ khi đường dây đứt, trại không nhận thêm đồng hương nào sang, nhưng mất đi vài người. Một người tự bỏ đi tìm cơ hội khác, với lời thề sẽ không hé răng về “tổ”. Một người cưới được vợ, cô ta đã bảo lãnh cho chồng ở lại công khai trên đất nước này. Một người thì đã chết, đang nằm trong chiếc bình gỗ cạnh Phương đây. Từ ngày đặt chiếc bình cạnh giường ngủ của mình, Phương đâm ra luôn thổn thức, lo sợ. Lo sợ điều gì đó xảy ra, Phương sẽ không thể mang theo nó được, Hải sẽ nằm trong đó, trôi dạt và bị lãng quên.

Đêm ấy lạnh sâu, cái lạnh như cố nhấn vạn vật vào giấc ngủ vĩnh viễn. Có tiếng động bất thường, rồi tiếng chân huỳnh huỵch chạy, tiếng la hét của mấy người phụ nữ. Một vài giọng ngoại quốc vang lên...

Gần như cả “tổ” bị cảnh sát địa phương bắt giữ, và trục xuất. Ai cũng biết nếu không vì ai đó bội ước, thì cũng là một rủi ro nào đó từ lâu. Không còn những đêm thấp thỏm thở, nhưng cũng còn dở dang bao nỗi niềm. Đêm ấy, Phương chỉ kịp ôm lấy chiếc bình gỗ, và phải vất vả vô cùng mới bảo vệ được nó, đưa được nó hồi hương cùng mình.

***

Trở về không được ai chào đón, không danh chính ngôn thuận, không tiền, chỉ một chiếc bình gỗ đựng tro cốt người đồng hương xấu số, và một lời giải thích cho gia đình người đó, đôi chân Phương cứ miên man tự dẫn bước chính mình. Cánh đồng làng đã lùi xa trong ký ức. Làng đang uể oải tỉnh thức với bình minh, ngác ngơ trước thân phận lạ lùng của hai người con từ phương xa trở về.

Đôi chân tự dẫn bước Phương rẽ sang làng của Hải, đến trước cổng nhà Hải. Những bông hoa giấy hồng trước cổng ngôi nhà ấy đang lặng lẽ tỏa mùi hương ngòn ngọt. Sau ngày cưới, Dung và Hải dọn ra riêng với một căn nhà nho nhỏ trên đất vườn cha mẹ Hải chia cho. Họ xây một ngôi nhà nhỏ, cũng xây tường bao quanh để đảm bảo sự riêng tư. Gần bốn năm nay, khi Hải đi vắng, có vẻ Dung không nhiều thời gian để chăm sóc cái tổ ấm nhỏ đợi chồng về.

Có tiếng mở khóa, và khi cánh cửa hé mở, rất nhanh, một người đàn ông lách người ra.

Nhìn thấy tất cả, nhưng Phương không hề thấy trong lòng gợn lên một rung cảm nào. Tất cả những tình cảm về Dung đều đã chết. Chỉ là, anh thấy xót xa cho phần tro xám đen trong chiếc bình mà mình ôm trên tay đây.

Người đàn ông đã mở khóa cổng có giàn hoa giấy phủ kín và ló mặt ra ngoài. Sững lại khi thấy một người đàn ông lạ đứng trước cổng nhà người tình, gã bối rối bởi bị bắt quả tang vừa làm một việc xấu xa. Lặng lẽ lủi đi, rất nhanh khuất sau một con ngõ tường bao cắm đầy mảnh sành, Phương chắc chắn gã sẽ bấm điện thoại gọi cho Dung.

Ngay sau đó, Dung tóc tai rũ rượi, áo ngủ mỏng toang mở cửa. Cô ta nhìn trân trân người chồng cũ đang đột ngột đứng trước cửa nhà mình. Phương im lặng nhìn cô ta, rồi ôm chiếc bình gỗ quay đi...

Những âm thanh ngày mới mỗi lúc thêm rộn rã. Từ phía khu công nghiệp sát lưng làng, công nhân túa ra. Họ vừa tan ca, bước ra khỏi công ty khi mặt trời ló rạng.

14.2.2023

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Phạm Thanh Thúy
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.

Truyện ngắn dự thi: Quê mới

Đinh Ngọc Hùng |

Hết giờ làm thêm buổi tối, Sim cùng các công nhân dây chuyền may quẹt thẻ rồi ra khỏi xưởng.

- Sim ơi! Anh ở đây.

Là Tuấn người yêu Sim. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Sim đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Sim, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé!

Truyện ngắn dự thi: Những đường may cuộc đời

Ngô Nữ Thùy Linh |

Ba giờ sáng, xe chuyển bánh. Một vệt sáng dài, trượt ngang dãy phi lao trước mặt. Hàng cây gắn liền với tuổi thơ của chị. Rồi cứ thế mất hút lẫn sau ánh mắt buồn rười rượi.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Tuyển nữ Việt Nam thu được giá trị gì từ World Cup 2023?

NHÓM PV |

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đề cao việc thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Góc nhìn thể theo số 119 sẽ cùng trò chuyện với bình luận viên Quang Huy, nhận định về những giá trị mà tuyển nữ Việt Nam sẽ có được ở giải đấu sắp tới.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

KHÁNH AN |

Dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga

Ngọc Vân |

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga để cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.

Truyện ngắn dự thi: Quê mới

Đinh Ngọc Hùng |

Hết giờ làm thêm buổi tối, Sim cùng các công nhân dây chuyền may quẹt thẻ rồi ra khỏi xưởng.

- Sim ơi! Anh ở đây.

Là Tuấn người yêu Sim. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Sim đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Sim, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé!

Truyện ngắn dự thi: Những đường may cuộc đời

Ngô Nữ Thùy Linh |

Ba giờ sáng, xe chuyển bánh. Một vệt sáng dài, trượt ngang dãy phi lao trước mặt. Hàng cây gắn liền với tuổi thơ của chị. Rồi cứ thế mất hút lẫn sau ánh mắt buồn rười rượi.