Đừng để cụm từ “hoa hậu” trở nên tầm thường

VIỆT PHONG (thực hiện) |

Sau hai năm tạm ngưng vì đại dịch COVID-19, các cuộc thi sắc đẹp đã quay trở lại với quy mô và mức độ ngày càng nhiều. Theo chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn, điều này sẽ gây ra tình trạng “bội thực” hoa hậu và cụm từ “hoa hậu” cũng dần trở nên tầm thường.

Trong nhiều năm qua, rõ ràng bản đồ sắc đẹp của Việt Nam được nâng tầm hơn ở quốc tế khi có nhiều người đẹp đăng quang các cuộc thi uy tín. Anh nhìn thấy tín hiệu tích cực gì về việc này?

- Thứ nhất, điều đầu tiên là hai chữ Việt Nam sẽ được thế giới quan tâm hơn và “vị nể” hơn. Ở mỗi cuộc thi sắc đẹp đều có từ 60 - 70 nước tham gia nên khi thí sinh Việt Nam thể hiện nổi trội hoặc vị trí quan trọng, đương nhiên nhiều quốc gia sẽ biết và để ý đến Việt Nam nhiều hơn. Đó là dấu hiệu tích cực.

Thứ hai là về nhan sắc. Khi mà những thí sinh Việt Nam đi thi và đạt được giải cao có nghĩa là nhan sắc của người Việt Nam đã có vị trí nhất định trên bản đồ nhan sắc thế giới.

Điều này cũng giúp cho việc tìm kiếm các đại diện đi thi quốc tế thuận lợi hơn bởi vì các bạn trẻ sẽ thấy rõ ràng được đường lối của các cuộc thi cũng như cách làm sao để các bạn tỏa sáng trên đấu trường. Đó là 3 điều tích cực mà tôi thấy từ việc có nhiều người đẹp đăng quang tại các cuộc thi quốc tế.

Theo anh việc đăng quang của các người đẹp Việt Nam ở đấu trường quốc tế có phải là chất xúc tác khiến các cuộc thi hoa hậu nở rộ trong nước?

- Điều này có hai mặt. Thứ nhất, đối với đơn vị tổ chức đặt mục tiêu tìm kiếm các đại diện đi thi quốc tế thì rõ ràng đây là một chất xúc tác để họ cảm thấy rằng việc làm này có ý nghĩa đưa sắc đẹp Việt Nam vươn tầm thế giới. Nhưng trên thế giới chỉ có 6 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thôi và việc làm này nếu giúp tìm ra đại diện cho 6 cuộc thi quốc tế thì đó là điều phù hợp và là một chất xúc tác tốt.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là, chỉ có các đơn vị giữ bản quyền của cuộc thi quốc tế mới coi việc đăng quang quốc tế là một điều kiện, môi trường thuận lợi, là chất xúc tác để nỗ lực hơn trên con đường chinh phục vương miện quốc tế của mình, còn với các đơn vị không giữ bản quyền quốc tế thì việc các thí sinh đăng quang quốc tế không có ý nghĩa đối với họ. Nói như vậy để thấy rằng các cuộc thi nở rộ hiện nay không liên quan đến việc người đẹp đăng quang ở các cuộc thi quốc tế, nó là hai phạm trù khác nhau.

Vậy theo anh đâu là chất xúc tác khiến cho các cuộc thi hoa hậu nở rộ nhiều như hiện nay?

- Tôi nghĩ, lý do là với Nghị định 144 được Chính phủ ban hành năm 2020, việc không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu chính là chất xúc tác để các nhà tổ chức có cơ hội đua nhau tổ chức thi nhan sắc. Trước đây Nhà nước quản lý một cách chặt chẽ, để xin cấp phép được tổ chức một cuộc thi nhan sắc vô cùng khó khăn vì một năm không quá 2 cuộc thi được tổ chức. Nhưng, bây giờ, với cơ chế mở, công ty nào cũng có thể xin được giấy phép tổ chức nên việc gia tăng cuộc thi là điều đương nhiên, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người đẹp muốn đọ sắc, tranh tài.

Tính trong năm nay, có khoảng 25 cuộc thi hoa hậu được cấp phép. Theo anh đây có phải là con số nhiều? Vậy thì theo anh bao nhiêu cuộc thi hoa hậu trong 1 năm là đủ?

- Thật ra thì con số 2 đã thuộc về số nhiều rồi. Con số hiện tại lên tận 25 nên không chỉ đối với tôi mà đối với tất cả mọi người quan tâm đến lĩnh vực này cũng đều là quá nhiều. Theo quan điểm của tôi, thế giới có 6 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới thì chúng ta có tương ứng với số cuộc thi đó để tìm đủ đại diện xứng đáng dự thi là phù hợp và mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Tình hình như hiện nay chỉ làm cho mọi thứ rối loạn lên, giảm giá trị của hai từ Hoa hậu. Bạn thử hỏi công chúng xem, có ai nhớ hết được tên Hoa hậu, Á hậu mới đăng quang các cuộc thi vừa rồi không? Tôi tin chắc số đông là không thể nhớ được. Như vậy vinh quang đó có bao nhiêu ý nghĩa?

Gần đây, có nhiều tranh cãi nổ ra về việc trùng tên cuộc thi, một số cuộc thi tổ chức chưa xin phép... Anh nghĩ rằng việc này có ảnh hưởng thế nào đến cái nhìn của khán giả về các cuộc thi hoa hậu trong nước?

- Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy cái nhìn về các cuộc thi hoa hậu bắt đầu thiếu thiện cảm. Bởi vì trong cái “vàng thau lẫn lộn” ấy, khán giả không đủ thời gian và chuyên môn để phân tích mục đích của Ban tổ chức, cho nên họ đánh giá chung chung cho hiện trạng “loạn hoa hậu”, khiến các cuộc thi lớn bị ảnh hưởng uy tín, giảm giá trị danh hiệu hoa hậu trong lòng công chúng. Bản thân những người làm trong nghề cũng không thể chứng minh được mục đích và ý nghĩa của cuộc thi mình tổ chức cho nên mọi người dần cảm thấy chữ hoa hậu bị tầm thường đi.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam thường cử các đại diện đi thi và lượt vote cho các hoa hậu luôn đứng đầu. Điều này chứng tỏ khán giả Việt rất quan tâm đến hoa hậu. Anh nghĩ Việt Nam có phải là quốc gia cuồng hoa hậu hay không?

- Tôi nghĩ, không thể dựa vào lượt vote để đánh giá là một cường quốc hoa hậu được, tuy nhiên chúng ta có thể tự hào là các người đẹp đi thi quốc tế luôn được công chúng quan tâm. Việc vote cho các đại diện chính là thể hiện sự đoàn kết, tinh thần dân tộc, khát vọng muốn cái tên Việt Nam được vang lên trên những đấu trường lớn thế giới của người Việt...  Đó là tinh thần tuyệt vời của người Việt mình và là nguồn động viên lớn nhất cho các đại diện khi chinh chiến. Tôi nghĩ, không chỉ lĩnh vực nhan sắc, ở các lĩnh vực khác, mỗi khi có đại diện Việt Nam ra đấu trường quốc tế, chúng ta đều nhận được sự cổ vũ tương tự của công chúng. Đó là điều tuyệt vời.

Nói Việt Nam là cường quốc hoa hậu, theo anh điều này có quá?

- Dĩ nhiên chúng ta không thể nói mình là một cường quốc hoa hậu được, chúng ta chỉ mới bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn trước đây và phải cố gắng trong nhiều thời gian dài nữa. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực ban đầu này sẽ kích thích chúng ta chuyên nghiệp hơn, nỗ lực hơn để bước vào đường đua trở thành cường quốc hoa hậu.

Vậy thì cần những yếu tố gì để Việt Nam thật sự trở thành cường quốc hoa hậu?

- Để trở thành cường quốc hoa hậu tôi nghĩ cần sự chuyên nghiệp, chuyên môn cao của Ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc, các đơn vị nắm giữ bản quyền. Từ đây, các đơn vị sẽ có chiến lược tìm kiếm đại diện xứng đáng, đào tạo, huấn luyện... như những chiến binh thực thụ để đi tranh tài với thế giới, đồng thời phải nắm chắc các yếu tố về tiêu chí, định hướng, gu... của các cuộc thi mới có thể “trăm trận trăm thắng” được.

Theo Bộ hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc năm nay quá nhiều cuộc thi Hoa hậu do dịch bệnh nên nhiều cuộc thi dồn lại, dẫn đến nhiều cuộc tổ chức cùng lúc. Riêng anh, anh nghĩ sao về việc này?

- Dịch bệnh cũng là một phần tác nhân bởi nó đã làm cho nhiều ban tổ chức đã được cấp phép nhưng không được tổ chức, cho nên buộc họ phải thực hiện kế hoạch đợi khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một yếu tố không mang tính quyết định, bởi nếu chúng ta có kiểm soát thì con số sẽ chỉ là gấp đôi so với năm cũ chứ không thể lên đến con số 25+ như hiện nay được. Lý do vẫn là do chúng ta đang mở cửa để các đơn vị tổ chức được tổ chức thoải mái nhất có thể, điều này sẽ dẫn tới việc một số đơn vị coi mở ra cuộc thi nhan sắc như một cách kinh doanh thuần túy, một show diễn giải trí kiếm tiền. Điều này sẽ để lại những hệ quả đáng tiếc.

Vậy để 25 cuộc thi tổ chức nhưng vẫn đảm bảo chuyên nghiệp, chất lượng thì đơn vị tổ chức cần làm gì?

- Trước hết, tôi nghĩ các cuộc thi phải có được hội đồng cố vấn là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hoa hậu và người đẹp, và phải tin tưởng vào đường lối, lựa chọn và tư vấn của họ thì mới hạn chế được những rủi ro có thể xảy đến. Bên cạnh đó, các cuộc thi phải bám vào mục tiêu, mục đích chính của các cuộc thi sắc đẹp là tìm ra được một biểu tượng sắc đẹp thật sự, đại diện cho vẻ đẹp, trí tuệ của con người, phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng truyền cảm hứng sống đẹp, sống tích cực cho cộng đồng, trở thành những đại diện xuất sắc khi bước ra đấu trường thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, nâng cao vị thế Việt Nam trên đấu trường nhan sắc thế giới, đúng với sứ mệnh của một danh hiệu. Cùng với đó, Ban tổ chức cần bám sát vào chuyên môn, lý tưởng cuộc thi cộng với việc đảm bảo về kinh tế. Ba yếu tố đó sẽ giúp xây dựng được một cuộc thi hoa hậu có tâm và có tầm.

Trong ba yếu tố anh vừa nhắc thì chúng ta đang thiếu yếu tố nào nhất?

- Chúng ta đang thiếu yếu tố chuyên môn. Bởi vì trong lĩnh vực hoa hậu này gần như chỉ có một số ít đơn vị là có đủ chuyên nghiệp và chuyên môn, đã từng tổ chức nhiều cuộc thi uy tín và giữ bản quyền các cuộc thi quốc tế. Tiếc rằng chúng ta đang chưa có nhiều những đơn vị như vậy.

Theo nhiều khán giả, việc có nhiều cuộc thi sẽ khiến chất lượng thí sinh đi xuống, nhiều gương mặt cũ thi hoa hậu nhiều lần, dẫn đến nhàm chán, khiến thi hoa hậu giống như chuyện chạy show của thí sinh?

- Đương nhiên rồi! Ví dụ như có 1.000 thí sinh đi thi chỉ chọn lấy 2 người đăng quang, chúng ta sẽ chọn được những người xuất sắc nhất. Cũng là 1.000 thí sinh đó bây giờ chọn đến 25 người thì tiêu chí, tiêu chuẩn xuất sắc sẽ giảm xuống nhiều lần. Nhiều cơ hội thì thí sinh sẽ chạy show đi thi để tìm cơ hội là lẽ đương nhiên, họ sẽ thi cho đến khi đạt danh hiệu thì thôi nên chuyện thí sinh rớt cuộc thi này lại đậu cuộc thi kia là chuyện phải đối mặt vì nhiều năm trong lĩnh vực này tôi quá hiểu rằng không phải tất cả các cô gái đẹp Việt Nam đều đi thi mà chỉ có những cô gái đẹp nhất định mới có đam mê bước vào đường đua nhan sắc. Cho nên mỗi mùa nhan sắc sẽ thấy các gương mặt quen chạy show qua các cuộc thi để tìm kiếm danh hiệu, vì vậy, sẽ có vương miện được đội lên cho những thí sinh không xứng đáng.

Vậy anh có nghĩ chúng ta cần có một tiêu chuẩn riêng cho những thí sinh đi thi lại không hay vẫn sẽ bình đẳng như những thí sinh mới?

- Điều này thuộc về sự chuyên môn của ban tổ chức cuộc thi. Khi BTC đủ chuyên môn thì sẽ nhìn nhận được thí sinh có tỏa sáng được hay không. Có những thí sinh đã thất bại ở các cuộc thi trước nhưng qua quá trình trau dồi và học hỏi, vẫn đủ tiêu chí để tham dự cuộc thi mới. Như vậy, việc cũ hay mới không quan trọng mà thí sinh phải hội tụ đủ những yếu tố mà cuộc thi cần. Giả sử như năm ngoái bạn đi thi mà ngoại ngữ không tốt nên bạn rớt, nhưng năm nay ngoại ngữ rất chuẩn nên bạn đậu thì cái đấy là điều tích cực, còn việc thi nhiều lần nhưng không có sự phát triển mà vẫn ráng thi để đậu thì đó mới là tiêu cực.

Nhìn nhận một cách tích cực, theo anh Hoa hậu có vai trò và lợi ích gì với cộng đồng, xã hội?

- Như tôi đã nói ở trên, Hoa hậu phải là biểu tượng sắc đẹp thật sự, đại diện cho vẻ đẹp, trí tuệ của con người, phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng truyền cảm hứng sống đẹp, sống tích cực cho cộng đồng, trở thành những đại diện xuất sắc khi bước ra đấu trường thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, nâng cao vị thế Việt Nam trên đấu trường nhan sắc thế giới, đúng với sứ mệnh của một danh hiệu. Khi trở thành Hoa hậu, Hoa hậu phải đại diện cho lòng nhân ái và lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi người, truyền cảm hứng, hướng giới trẻ đến với những giá trị văn hóa tích cực. Đó là mục tiêu mà những người làm trong lĩnh vực hoa hậu như tôi đặt ra.

Ở một số quốc gia họ đã không xem trọng cuộc thi hoa hậu bởi cho rằng đó chỉ là "sân chơi của những nhà làm kinh doanh" bởi suy cho cùng Hoa hậu cũng mang yếu tố thương mai, mang lại lợi nhuận cho nhà tổ chức. Anh nghĩ sao?

- Đối với tình trạng mà những công ty hoàn toàn không có chức năng, kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi hoa hậu thì dĩ nhiên khán giả sẽ có những cái nhìn khác. Tuy nhiên vẫn còn những đơn vị tổ chức vừa là mục đích kinh tế nhưng đồng thời cũng lan tỏa giá trị đích thực đến cộng đồng. Các đơn vị tổ chức phải biết dung hòa được giá trị kinh tế và giá trị của hoa hậu, văn hóa và xã hội. Chúng ta phải lan tỏa những thông điệp tôn vinh vẻ đẹp, tôn vinh giá trị từ vương miện Hoa hậu, lan tỏa được những thông điệp nhân văn, tích cực đối với cộng đồng... thì cuộc thi mới được công chúng đón nhận. Còn với công ty chỉ là thương mại thuần túy thì làm sao mà khán giả đón nhận được. Tôi nghĩ công chúng rất tinh tường, thông minh, họ rất dễ phát hiện được những ranh giới đó.

Vấn đề này mang lại tiêu cực gì trong tương lai?

- Nó sẽ ăn mòn tất cả những suy nghĩ tốt đẹp của khán giả về hoa hậu. Bên cạnh đó, điều này còn đẩy cụm từ “hoa hậu” trở nên thương mại và là một thứ gì đó rất tầm thường. Nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát thì cuộc thi hoa hậu dần dần sẽ chỉ như chương trình biểu diễn nghệ thuật hay chỉ đơn giản nó là một cái gameshow.

Trong thời gian tới, theo anh có nên siết lại các cuộc thi hoa hậu hay vẫn để nhiều cuộc thi tổ chức nhưng có biện pháp quản lý chặt chẽ?

- Chúng ta sẽ tổ chức nhiều hơn 2 cuộc thi hoa hậu, nhưng phải quản lý và phải xác định rõ mục đích và nhu cầu của đơn vị tổ chức là gì, công ty đó có đủ chuyên môn, định hướng và có thực hiện được điều mà mình tuyên bố hay không? Có nghĩa là chúng ta vẫn phải cần nhiều hơn số 2 nhưng mà chúng ta phải kiểm soát rất chặt chẽ.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

VIỆT PHONG (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Những hoa hậu, á hậu Việt nổi bật với chiều cao "khủng" trên 1,8m

DIỆU HUYỀN |

Tân á hậu 1 Miss World Vietnam 2022, Lê Nguyễn Bảo Ngọc trở thành mỹ nhân Việt sở hữu chiều cao "khủng" nhất lịch sử các cuộc thi sắc đẹp.

Tân hoa hậu Mai Phương: Tôi đã nỗ lực để chiến thắng của mình thuyết phục

DI PY |

Tân Miss World Vietnam 2022 Mai Phương đã có những chia sẻ đầu tiên sau đăng quang. Cô khẳng định mình đã nỗ lực rất nhiều để có chiến thắng này.

So kè học vấn của tân hoa hậu và 2 á hậu Miss World Vietnam 2022

PHƯƠNG LINH |

3 vị trí cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 đã tìm được chủ nhân. Ở cả 3 vị trí, tân hoa hậu cùng 2 á hậu đều được đánh giá cao về học vấn.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An |

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Những hoa hậu, á hậu Việt nổi bật với chiều cao "khủng" trên 1,8m

DIỆU HUYỀN |

Tân á hậu 1 Miss World Vietnam 2022, Lê Nguyễn Bảo Ngọc trở thành mỹ nhân Việt sở hữu chiều cao "khủng" nhất lịch sử các cuộc thi sắc đẹp.

Tân hoa hậu Mai Phương: Tôi đã nỗ lực để chiến thắng của mình thuyết phục

DI PY |

Tân Miss World Vietnam 2022 Mai Phương đã có những chia sẻ đầu tiên sau đăng quang. Cô khẳng định mình đã nỗ lực rất nhiều để có chiến thắng này.

So kè học vấn của tân hoa hậu và 2 á hậu Miss World Vietnam 2022

PHƯƠNG LINH |

3 vị trí cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 đã tìm được chủ nhân. Ở cả 3 vị trí, tân hoa hậu cùng 2 á hậu đều được đánh giá cao về học vấn.