Diễn viên Anh Thơ: "Không thể cháy hết mình với ước mơ khi chúng ta... đói"

Mi Lan - Huyền Chi (thực hiện) |

Diễn viên Anh Thơ có cơ hội lựa chọn giữa nhiều lĩnh vực, nhưng cuối cùng, chị đã chọn trở thành một diễn viên, về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Giấc mơ trở thành diễn viên của Anh Thơ từng khiến chị sốc, thậm chí nản lòng, khi thời gian dài không có vai, phải tìm nhiều cách để xoay xở mưu sinh.
Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với diễn viên Anh Thơ về câu chuyện ước mơ và cả cái giá phải trả cho ước mơ.

Chị có biết mình được khán giả màn ảnh nhỏ đặt biệt danh là “Osin bá đạo” của phim truyền hình Việt?

- Tôi rất biết ơn khán giả vì đã yêu mến, truyền cho tôi động lực để theo đuổi nghề diễn viên.
Việc lấn sân sang mảng phim truyền hình là một cơ duyên, là một may mắn. Khi tôi ở Đoàn kịch 1, tôi gặp đạo diễn Đỗ Thanh Hải (bây giờ anh là Phó Tổng Giám đốc VTV) trong một buổi tổng duyệt. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải luôn được ngợi khen về khả năng nhìn nhận, đánh giá và sử dụng diễn viên đúng vai, đúng chất.
Anh Hải hẳn đã có những ấn tượng riêng với tôi, anh mời tôi tham gia đóng một vài tiểu phẩm của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Diễn được 2 - 3 số thì tôi nghỉ vì phải chăm sóc cho gia đình và bận việc cá nhân.
Sau đó, bẵng đi một thời gian, đạo diễn Khải Anh bỗng mời tôi đóng “Bà nội không ăn pizza”. Tôi rất bất ngờ vì lúc đó tôi không quen ai trong hãng phim. Sau này, Khải Anh nói, anh Đỗ Thanh Hải vẫn nhớ đến tôi, và gợi ý Khải Anh mời tôi đóng “Bà nội không ăn bánh pizza”.
Có được dấu ấn với phim truyền hình, tôi tham gia nhiều dự án hơn, từ "11 tháng 5 ngày", "Hương vị tình thân", đến "Cuộc đời vẫn đẹp sao"... Lại hay có duyên đóng các vai osin, giúp việc... Tôi cảm ơn khán giả đã yêu mến, ngay cả với những diễn viên đóng vai phụ như tôi.

Quan điểm của chị về vai chính - vai phụ trong nghề diễn?

- Với tôi, trong một bộ phim, vai nào cũng quan trọng. Khi mới ra trường, tôi chỉ được giao các vai quần chúng. Thỉnh thoảng, một vài vở mới có vai quần chúng. Thậm chí, tôi mơ ước được đóng vai quần chúng. Trong hàng chục người diễn quần chúng mà tôi lại làm hời hợt thì sẽ chẳng có ai nhớ đến tôi.
Tôi luôn nghiêm túc khi làm nghề. Vai quần chúng cũng có cái hay riêng. Có những vai chỉ chạy qua sân khấu vài giây, nhưng tôi vẫn diễn hết mình, đến mức êkip phải nhắc “diễn thế thôi cho vai chính còn diễn”.
Vì vậy, chỉ cần nghiêm túc với vai diễn, dù vai rất nhỏ thôi, đạo diễn cũng sẽ ghi nhận. Ta không thể chờ đến khi có vai chính mới thể hiện, mới diễn hay. Tôi không chê những vai nhỏ, dù nhận bất kỳ vai diễn nào, tôi cũng sẽ chọn cách thể hiện tốt nhất có thể.
Đơn cử, chỉ đóng một vai chạy qua sân khấu, tôi cũng phải giả vờ vấp ngã một chút, để tạo dấu ấn riêng cho vai.

Chị từng tốt nghiệp xuất sắc, từng có bảng thành tích học tập tốt trước khi trở thành diễn viên đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Thế nhưng, chị lại bắt đầu nghề diễn khá gian truân, vất vả. Đã khi nào, chị hối hận về lựa chọn của mình?

- Tôi đã mê nghề biểu diễn sân khấu từ rất lâu rồi. Khi còn bé, bố tôi yêu nghệ thuật nên cho anh trai tôi học guitar, chị gái tôi học đàn tì bà, còn tôi học violin. Tôi không thích chơi violin nhưng vì bố tôi muốn hướng tôi theo nghệ thuật nên tôi đã học trong vòng 7 năm. Thế nhưng, tầng 1 của tòa nhà mà tôi học đàn lại có một lớp kịch.
Chiều nào cũng vậy, cứ 2h tôi lên trả bài cho thầy dạy violin rồi 2h30 tôi xuống lớp kịch ấy xem. Mỗi ngày tôi xem một chút rồi yêu kịch từ lúc nào không hay. Tình yêu đó lớn dần, đến cuối cấp 2, tôi xin vào một câu lạc bộ kịch của cung thiếu nhi. Khi thi cấp 3, tôi thấy nhiều trường tuyển lớp kịch, sân khấu nên tôi đăng ký.
Lí do tôi chọn Nhà hát Tuổi trẻ đơn giản là vì... gần nhà, đi xe đạp 15 phút là đến. Năm 1990, tôi đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ.
Bố mẹ hoàn toàn không biết tôi yêu thích và đăng ký vào nhà hát. Khi thi tuyển, tôi cũng nghĩ tôi sẽ trượt nên tôi không kể với ai.
Trong 3 tháng thi tuyển cho Nhà hát Tuổi trẻ, tôi mất ăn mất ngủ. Tôi trải qua 3 vòng đánh giá. Có hơn 1.000 thí sinh đăng ký dự tuyển. Danh sách trúng tuyển cuối cùng có 25 người.
Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng ngày 3.9.1990, khi tôi thấy tên mình trong danh sách những người đỗ vào nhà hát, tôi cảm giác như trên mây. Tôi đạp xe từ nhà hát về nhà mà tôi run, sung sướng. Tôi đạp quanh chợ 3 vòng, rồi lại vòng về Nhà hát Tuổi trẻ. Lúc đó tôi gặp bạn tôi cũng trúng tuyển năm đó và 2 đứa đi một mạch đến tối mới về, cứ lang thang như vậy, vì quá vui.
Đúng là tôi đã có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp, tôi đỗ nhiều trường đại học, nhưng cuối cùng chọn nghề diễn viên vì quá yêu thích. Phải đến mãi về sau này, khi phải trải qua nhiều thăng trầm, mưu sinh vất vả, mới chạnh lòng nghĩ lại lựa chọn hồi ấy. Cũng có lúc tôi từng nản lòng, có lúc thấy khó khăn quá.
Chúng ta không thể ước mơ, hay yêu ước mơ, yêu nghề với cái bụng đói. Cuối thập niên 1990, sân khấu đã rất khó khăn, khi khán giả không còn đến với nhà hát.

Chị từng phải đi làm trang điểm cô dâu để kiếm thêm?

- Thời đó, tất cả nghệ sĩ sân khấu đều phải đi làm thêm, phải có công việc “tay trái” để nuôi nghề tay phải - là nghề diễn.
Anh Chí Trung - chị Ngọc Huyền khi ấy là diễn viên giỏi, là thế hệ vàng của sân khấu, mà họ còn vất vả, lao đao lo mưu sinh, huống chi tôi. Anh Trung đi buôn ở chợ trời, anh còn mở tiệm áo cưới, tôi đến đó làm trang điểm cô dâu kiếm thêm.
Thập niên cuối những năm 1990, sân khấu vắng vẻ, rất ít vở dựng, diễn viên quay cuồng lo mưu sinh với nhiều nghề.
Nhưng, chúng tôi vẫn yêu sân khấu, yêu nghề. Dù phải lo kiếm sống vất vả, đều vẫn bám trụ với nhà hát.

Diễn viên Anh Thơ (giữa) đã có chặng đường dài vất vả với nghề diễn. Ảnh: Đoàn phim Cuộc đời vẫn đẹp sao cung cấp
Diễn viên Anh Thơ (giữa) đã có chặng đường dài vất vả với nghề diễn. Ảnh: Đoàn phim Cuộc đời vẫn đẹp sao cung cấp

Có một anh ở Nhà hát Tuổi trẻ nghỉ việc, anh ấy kể, rất nhiều năm về sau, anh ấy không dám đi qua cổng nhà hát ở đường Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). Dù nhà ở gần đó, anh vẫn đi đường vòng, để không đi qua nhà hát. Anh ấy không thể đối diện được với việc đã từ bỏ sân khấu. Chúng tôi yêu nghề như vậy đấy!
Tôi còn từng có thời gian học tiếng Anh, tin học để làm văn phòng và có những lúc hoài nghi mình có nên bám đuổi ước mơ diễn xuất nữa hay không. Làm công việc văn phòng, tôi khó tập trung và thấy oải nên lại quay về làm thợ trang điểm. Cứ nhìn các anh chị diễn, tôi lại “thèm”, nên không bỏ nghề được.

Tốt nghiệp xuất sắc nhưng khi chị về Nhà hát Tuổi trẻ, thế hệ vàng của sân khấu như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, Minh Hằng... còn đang ở thời kỳ đỉnh cao, đang “làm mưa làm gió”, luôn giữ vai chính trong các vở. Chị có choáng ngợp trước họ?

- Tôi choáng ngợp và sốc. Đó là cú sốc đối với tôi. Thời đi học, tôi thường xuyên đứng đầu lớp, hay được đóng vai chính trong các tiểu phẩm, kịch báo cáo hết học kỳ và bài tốt nghiệp.
Từ một người toàn đóng vai chính, cầm tấm bằng xuất sắc, khi ra trường, tôi gần như không có vai diễn nào. Tôi còn nhớ, mỗi sáng ngủ dậy, tôi cứ nhìn vào chiếc điện thoại bàn ở nhà và chờ một cuộc gọi. Bởi điện thoại reo nghĩa là nhà hát gọi có việc. Tôi chờ hàng tháng trời. Một năm nhà hát dựng 2 - 3 vở kịch, mỗi vở thường có 2 vai chính. Khi đó, thế hệ vàng của Nhà hát Tuổi trẻ đang ở thời đỉnh cao. Các diễn viên như Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương đều rất đẹp, diễn rất hay.
Tôi và các bạn trong lớp như Đức Khuê, Bá Anh, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn, Vân Dung... thực sự choáng ngợp khi đứng trước các anh các chị.
May mắn, thời điểm đó, bác Đức Trung là Đoàn trưởng Đoàn Kịch hay gọi tôi đi diễn nếu đoàn thiếu người. Ở Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi có một thuận lợi là được xem các anh chị diễn hàng ngày, thỉnh thoảng được vào diễn cùng các anh chị. Đó là những cơ hội quý giá. Có thể nói, dù đã học bài bản, tốt nghiệp bằng xuất sắc, nhưng khi đứng cạnh những người đã có kinh nghiệm, mình vẫn là con số 0.
Tôi là người có điểm số cao, có tự tin nhưng lần đầu đứng trên sân khấu, tôi run không nhớ nổi 3 câu thoại. Lúc đó, tôi mới hiểu rõ học và làm khác nhau như thế nào.
Suốt thời gian dài, mọi thứ khá khó khăn với những diễn viên trẻ như chúng tôi vì không có vai, không có thu nhập.

Sức hút nào ở sân khấu đã giữ chị ở lại đến bây giờ?

- Thế hệ của tôi rất may mắn khi được đào tạo bởi NSND Lê Hùng. Thầy là người đưa luồng gió mới, dạy chúng tôi theo phong cách thích ứng. Khi lên lớp, thầy dạy ngẫu hứng và không cần đến giáo trình. Có lần, thầy cho cả lớp một chiếc cốc, một tờ giấy và một cái khung ảnh làm đạo cụ. Sau đó, thầy cho chúng tôi 15 phút nghĩ tiểu phẩm với 3 vật dụng đó rồi diễn. Thầy muốn dạy sinh viên cách thích ứng trên sân khấu. Nhờ vậy, lứa của tôi có sự nhanh nhạy khi diễn với đạo cụ.
Tôi nhớ nhất câu thầy nói: “Làm nghệ sĩ biểu diễn, phải diễn như không diễn, là diễn nhưng cũng không phải là diễn”.
Lần đầu nghe câu đó, tôi chỉ cười. Nhưng thời gian qua, tôi trải nghiệm mới thấy thầy nói đúng. Còn nhớ, trong bài tốt nghiệp, tôi đóng vai bà mẹ có người con hi sinh trong chiến tranh.
Thầy bắt tôi cầm một bó hương cắm lên bàn thờ và hát bài ru con. Năm đó tôi 21 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai và buộc phải tưởng tượng ra hoàn cảnh đó.
Khi diễn tập, tôi cắm nén hương và khóc, nhưng không thể hát được bài hát ru. Thầy nói rằng: “Cảm xúc là điều cực kỳ quan trọng với một nghệ sĩ. Em có cảm xúc rất tốt, nhưng thiếu sự lí trí để điều khiển cảm xúc của mình”. Thầy muốn tôi hát được 4 câu hát ru đó, có thể không tròn vành rõ tiếng nhưng phải hát được. Vào ngày tốt nghiệp, tôi đã làm được. Tôi hát đủ 4 câu và thấy khán giả khóc rất nhiều.
Đó chính là điều tuyệt vời của nghề diễn và sân khấu. Khi quay phim, chúng tôi được làm đi làm lại, đạo diễn chọn cảnh ưng nhất để đưa vào phim. Nhưng khi đứng dưới ánh đèn sân khấu, tôi chỉ có một mình, không ai hỗ trợ, không được phép làm lại, tôi khóc hay tôi cười, khán giả đều tận mắt chứng kiến. Tôi thành công hay thất bại - khán giả sẽ nhận ra ngay.
Bởi vậy, dù trải qua rất nhiều khó khăn, sân khấu vẫn có sức mê hoặc kỳ lạ.

Vậy theo chị, nếu để lựa chọn ước mơ, giữa lí trí, tính thực dụng và tình yêu đơn thuần của bản thân, chúng ta nên chọn lựa như thế nào?

- Hãy cứ lắng nghe trái tim mình mách bảo, nhưng cũng cần sự tư vấn, hỗ trợ thêm từ phía bố mẹ, gia đình, để chọn con đường đúng đắn nhất khi thực hiện ước mơ.

Mi Lan - Huyền Chi (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện sau sự thành công của phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao"

DI PY |

Từ việc phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" kết thúc nhận được sự hài lòng của khán giả, cộng với tác phẩm liên tục đứng top 1 rating thời gian qua, cho thấy hướng đi của nhà làm phim đã đúng khi chọn được đề tài, câu chuyện được khán giả quan tâm.

Tập cuối phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao": Luyến có con với Lưu, phim có kết trọn vẹn

DI PY |

Phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" tập cuối có cái kết trọn vẹn khi hai nhân vật Luyến và Lưu đã tổ chức đám cưới và có con với nhau.

Cú lừa của Doãn Quốc Đam khiến khán giả phải đợi đến tập cuối "Cuộc đời vẫn đẹp sao"

Huyền Chi |

"Cuộc đời vẫn đẹp sao" đã đi đến tập cuối nhưng khán giả vẫn chưa thấy sự xuất hiện của diễn viên Doãn Quốc Đam.

Hình hài 2 tuyến giao thông nối sân bay Long Thành với các tuyến cao tốc

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Hai tuyến giao thông số 1 và số 2 có vị trí đặc biệt quan trọng giúp kết nối sân bay Long Thành với các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng như các tuyến đường phía Tây của sân bay sau hơn 2 năm thi công theo dự kiến.

Thêm 6 vị trí cấp tướng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong công an

PHẠM ĐÔNG |

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân, trong đó 1 Thượng tướng và 5 Thiếu tướng.

Bão số 1 mạnh lên, Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng, dự kiến sơ tán gần 30.000 người

MINH HÀ - BẮC HÀ |

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người.

9.600 khách du lịch đang lưu trú tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) trước giờ bão đổ bộ

Mai Dung |

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng, tính đến 6h ngày 17.7, còn khoảng 9.600 khách du lịch đang lưu trú tại đảo Cát Bà.

Bổ nhiệm phó giáo sư, 2 đại tá, thượng tá làm phó giám đốc công an tỉnh

Quang Việt |

Bộ Công an tiếp tục điều động, bổ nhiệm 3 Phó Giám đốc Công an các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, trong đó có đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang.

Câu chuyện sau sự thành công của phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao"

DI PY |

Từ việc phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" kết thúc nhận được sự hài lòng của khán giả, cộng với tác phẩm liên tục đứng top 1 rating thời gian qua, cho thấy hướng đi của nhà làm phim đã đúng khi chọn được đề tài, câu chuyện được khán giả quan tâm.

Tập cuối phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao": Luyến có con với Lưu, phim có kết trọn vẹn

DI PY |

Phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" tập cuối có cái kết trọn vẹn khi hai nhân vật Luyến và Lưu đã tổ chức đám cưới và có con với nhau.

Cú lừa của Doãn Quốc Đam khiến khán giả phải đợi đến tập cuối "Cuộc đời vẫn đẹp sao"

Huyền Chi |

"Cuộc đời vẫn đẹp sao" đã đi đến tập cuối nhưng khán giả vẫn chưa thấy sự xuất hiện của diễn viên Doãn Quốc Đam.