Điểm đáng ghi nhận trong quá trình trùng tu Chùa Cầu

Nguyễn Hữu Mạnh |

Sau hơn 400 năm tồn tại, Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng lần trùng tu mới nhất, bắt đầu từ ngày 28.12.2022, đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng.

Khác biệt với một vài ý kiến trái chiều, tôi cho rằng, việc trùng tu tôn tạo Chùa Cầu đã áp dụng các nguyên tắc bảo tồn đảm bảo tính chân xác và giá trị văn hóa của di tích, thậm chí được coi là hình mẫu cho việc thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích ở Việt Nam.

Sự cần thiết của phương án trùng tu hạ giải

Chùa Cầu không chỉ là một cây cầu đơn thuần mà còn là một biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hội An. Năm 1990, Chùa Cầu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 1999, UNESCO ghi tên Hội An vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, với Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng. Hình ảnh của Chùa Cầu còn được in trên tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng, thể hiện giá trị văn hóa và lịch sử của công trình này trong lòng người dân Việt Nam.

Sau hơn 400 năm tồn tại, Chùa Cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, và lũ lụt. Theo nhiều tài liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ vào các năm: 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, và 1996. Tuy nhiên, do các hạn chế về kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác, các lần tu bổ gần đây vẫn chưa giải quyết triệt để nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng trở nên cấp thiết.

Chùa Cầu, hay còn gọi là Lai Viễn kiều, là một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, Chùa Cầu không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mà còn là một phần quan trọng của Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Vào ngày 24.7.1999, Hội nghị tư vấn Trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước. Trong hơn một thập niên tiếp theo, các nội dung liên quan đến việc tu bổ Chùa Cầu liên tục được thảo luận và bàn bạc. Tuy nhiên, do lo ngại rằng việc tu bổ sẽ làm mất đi vẻ cổ kính của Chùa Cầu, và vì chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc bảo tồn một công trình mang tính biểu tượng và giá trị đặc sắc như Chùa Cầu, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích.

Trong quá trình chuẩn bị cho công việc trùng tu, là di sản Văn hóa Thế giới nên Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đơn vị được Thành phố Hội An giao cho việc trùng tu, tôn tạo Chùa Cầu đã tham vấn chuyên gia, nghiên cứu kỹ Hiến chương Athens năm 1931 về Tu bổ các Công trình Lịch sử; Hiến chương Venice năm 1964 về Bảo tồn và Phục hồi Di tích và Di chỉ. Đồng thời, là di tích biểu tượng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nên trong quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, di tích này đã nhận được sự trợ giúp của chuyên gia người Nhật Bản tới từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong nghiên cứu kỹ lưỡng Văn kiện Nara năm 1994 về Tính xác thực và Nguyên tắc Bảo tồn các Kiến trúc Lịch sử bằng gỗ năm 1999, trong đó, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc trùng tu các kiến trúc bằng gỗ đã giúp Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An có một lộ trình khoa học trong việc trùng tu Chùa Cầu.

Trước tiên, khi bắt đầu dự án trùng tu Chùa Cầu, đội ngũ chuyên gia đã tiến hành khảo sát chi tiết để xác định các phần nào của Chùa Cầu cần được bảo tồn, sửa chữa hoặc thay thế. Khảo sát không chỉ là việc kiểm tra bề mặt mà còn bao gồm việc phân tích các yếu tố như vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, và các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến công trình. Để thống nhất được phương án trùng tu, vào ngày 16.8.2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu đã diễn ra với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Việc lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” là rất cần thiết trong bối cảnh Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Các phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc... đã khiến tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng, thậm chí đe dọa đến sự sụp đổ của công trình.

Phương án này cho phép tháo dỡ những phần hư hỏng nặng, xử lý triệt để các vấn đề xuống cấp để gia cố và thay thế, đồng thời vẫn giữ lại những yếu tố nguyên bản có thể sử dụng. Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần”, các vấn đề này sẽ không được giải quyết triệt để, như đã xảy ra trong 6 lần trùng tu trước đó. Việc lựa chọn phương án đúng đắn là rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của công trình.

Vào ngày 28.12.2022, việc khởi công tu bổ Chùa Cầu đã diễn ra với sự quyết tâm cao độ từ đội ngũ thực hiện dự án, hy vọng rằng việc tu bổ sẽ giữ gìn và nâng cao giá trị của di tích một cách toàn diện. Lần trùng tu này được thực hiện với tổng vốn đầu tư 20,2 tỉ đồng từ ngân sách của Thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu chính của việc trùng tu là khôi phục lại diện mạo của Chùa Cầu, bảo đảm an toàn cho công trình và duy trì giá trị văn hóa lịch sử. Trên trang Fanpage của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nhấn mạnh: “Việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xử lý kỹ thuật... đảm bảo cho công việc thi công tu bổ được triển khai một cách thận trọng, bài bản”. Điều này chứng tỏ rằng, các chuyên gia đã thực hiện công việc với sự nghiêm túc và trách nhiệm cao.

Cận cảnh chi tiết mái Chùa Cầu. Ảnh: Mai Thành Chương
Cận cảnh chi tiết mái Chùa Cầu. Ảnh: Mai Thành Chương

Đảm bảo tính chân xác của di tích

Trong quá trình trùng tu, việc tháo dỡ các phần hư hỏng được thực hiện một cách cẩn thận và khoa học, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các phần còn lại của công trình. Đội ngũ trùng tu sử dụng các công cụ chuyên dụng để loại bỏ những bộ phận hư hỏng mà không gây tổn hại đến các phần khác.

Theo Văn kiện Nara về tính chân xác, “tính chân xác” bao gồm cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật và phương thức sử dụng. Vì là người hoạt động trong lĩnh vực di sản, khảo cổ học nên tôi có theo dõi quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo Chùa Cầu bởi đơn vị chủ đầu tư Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An có thực hiện công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua website Hoianheritage.net, chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản, trang Facebook Di sản Hội An, cùng với việc kết nối với các cơ quan báo chí để giới thiệu và cung cấp thông tin về dự án. Đồng thời, đội ngũ cũng như biên soạn và xuất bản tập "Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản chuyên đề về di tích Chùa Cầu" (bằng song ngữ Việt - Anh), sản xuất phim giới thiệu về giá trị của di tích này và định hướng cho dự án tu bổ.

Tất cả những hoạt động này đều nhằm xin ý kiến và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên môn về Di sản văn hóa trong nước cũng như các tổ chức quốc tế. Đồng thời, trong những dịp đi công tác của Hội An, tôi cũng ghé thăm “công trường trùng tu Chùa Cầu” và biết được đơn vị thực hiện đã rất cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình này, thậm chí đánh số quản lý từng cấu kiện gỗ, gạch... khi tháo dỡ.

Sau khi tháo dỡ, các phần móng và cấu trúc gỗ sẽ được gia cố để tăng cường độ bền và đảm bảo an toàn cho công trình. Các chuyên gia cũng đã tiến hành kiểm tra lại tình trạng của những phần còn lại nhằm xác định rằng chúng vẫn an toàn và có thể sử dụng được. Song song với quy trình này, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là bảo tồn các yếu tố nguyên gốc của công trình, bao gồm việc giữ lại các chi tiết hoa văn, gỗ và ngói hư hỏng, đồng thời thay thế bằng vật liệu tương đồng để đảm bảo tính chân xác. Trong quá trình trùng tu, tính chân xác của di tích đã được đội ngũ trùng tu Chùa Cầu tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đã thông tin về Chùa Cầu: "Gần 60% khối lượng gỗ, 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền và 35% số con giống trang trí bờ mái đã được gìn giữ và tái định vị tại di tích sau khi tu bổ". Điều này cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện hiệu quả các quy trình và giữ lại tối đa hình hài của di tích.

Ngoài ra, trong quá trình trùng tu, việc mời các chuyên gia từ Nhật Bản, đặc biệt là từ Tổ chức JICA, đã giúp cho đơn vị thi công Chùa Cầu áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm từ các nước phát triển, đảm bảo độ chuẩn xác cao trong quá trình trùng tu. Các chuyên gia Nhật Bản đã cung cấp các giải pháp bảo tồn hiệu quả, giúp nâng cao tính bền vững của công trình. Điều này cũng góp phần cho việc trùng tu Chùa Cầu không làm mất đi bản sắc văn hóa mà còn làm nổi bật những giá trị nghệ thuật của di tích.

Mặc dù đã có nhiều ý kiến tích cực về việc trùng tu Chùa Cầu, nhưng cũng không thiếu những phê phán từ cộng đồng. Nhiều người cho rằng, Chùa Cầu đã bị “trẻ hóa” và việc trùng tu đã phá hỏng một “biểu tượng của Hội An”. Màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu đã được tu bổ và phục hồi dựa trên các vị trí còn giữ nguyên trạng màu sắc ban đầu, kết hợp với các nghiên cứu và khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An theo đề xuất của các chuyên gia qua các buổi tham vấn và tọa đàm. Dù việc phục hồi màu sắc có thể làm cho di tích trông "mới" hơn, điều quan trọng là tính nguyên gốc đã được bảo tồn, tuân thủ nguyên tắc tu bổ phù hợp với bản chất của di tích. Theo thời gian, Chùa Cầu sẽ dần trở lại nét cổ kính và trầm mặc như trong lịch sử sau những lần trùng tu, cũng như trong các dịp cúng tế, lễ hội và Tết hằng năm.

Điều 9 của Hiến chương Venice năm 1964 về Bảo tồn và Trùng tu di tích và di chỉ nêu rõ: “Quá trình trùng tu là một thao tác chuyên môn cao. Mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm nổi bật giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực. Trùng tu phải dừng lại ngay khi có sự phỏng đoán, và nếu cần thiết phải làm thêm vì lý do thẩm mỹ hoặc kỹ thuật, phần thêm đó phải phân biệt rõ ràng với bố cục kiến trúc và ghi dấu ấn niên đại lúc thực hiện. Trong mọi trường hợp, trước và sau khi trùng tu phải có nghiên cứu về mặt khảo cổ và lịch sử”.

Việc trùng tu Chùa Cầu không chỉ là một hành động bảo tồn mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc gìn giữ Di sản văn hóa của nhân loại. Thực tế, công trình này đã được trùng tu một cách chặt chẽ, khoa học và đầy tâm huyết. Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng, nhưng điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia. Ngoài ra, quá trình trùng tu cũng được ghi chép, nghiên cứu một cách bài bản để chuẩn bị cho quá trình xuất bản sách ghi dấu và trao truyền cho thế hệ sau về cách thức sử dụng các phương pháp cổ truyền của cha ông ta, kết hợp với các phương pháp tiên tiến của Nhật Bản trong quá trình trùng tu Chùa Cầu.

Vậy thì, có gì đáng để “xôn xao” về Chùa Cầu sau trùng tu? Chúng ta nên nhìn nhận đây là một thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích lịch sử ở Việt Nam. GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từng khẳng định rằng: “Trùng tu Chùa Cầu đã được thực hiện một cách bài bản, khoa học và có thể là bài học tham khảo cho các cuộc trùng tu di sản khảo cổ học khác, nhất là loại hình di sản vật thể sống như Chùa Cầu”.

Bảo tồn và trùng tu di tích là một khoa học liên ngành: Xây dựng, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Công tác trùng tu phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá toàn diện. Quy trình trùng tu di tích Chùa Cầu được thực hiện theo nhiều bước:
- Kiểm kê và lập hồ sơ di tích.
- Hạn chế tối đa sự can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi không cần thiết làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích.
- Việc phục hồi phải dựa trên căn cứ xác thực, tuyệt đối không được thực hiện trên các giả thiết.
- Ưu tiên sử dụng các vật liệu, chất liệu và các quy trình, kỹ thuật thi công truyền thống tương đồng. Việc sử dụng các vật liệu, kỹ thuật mới khi cần thiết phải có các giải pháp không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm, giá trị vốn có của di tích.
- Giám sát, đào tạo, xuất bản ấn phẩm.

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Bài toán từ việc tu bổ Chùa Cầu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Phạm Huyền |

KTS Tôn Thất Liêm - chuyên gia kiến trúc đô thị (Hội Kiến trúc sư TPHCM) - chia sẻ với Lao Động về bài học từ dự án trùng tu Chùa Cầu ở TP Hội An, Quảng Nam.

Tu bổ Chùa Cầu: Cần trả lại tiếng nói cho người dân Hội An

Thanh Hoa |

KTS Trần Huy Ánh khẳng định, người dân Hội An mới là đối tượng có quyền lên tiếng trước tiên về việc tu bổ Chùa Cầu.

Trùng tu di tích nhìn từ chuyện Chùa Cầu

Anh Tuấn |

Sau 19 tháng trùng tu, Chùa Cầu (Hội An) vừa được dỡ bỏ phần tường bao, lộ diện trước công chúng và lập tức gây tranh cãi.

3 người thân giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt chục nghìn tỉ

Việt Dũng |

Em dâu, em họ và cháu của bà chủ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan, bị cáo buộc giúp sức chiếm đoạt hàng chục nghìn tỉ của các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Djokovic giành huy chương vàng Olympic 2024

TAM NGUYÊN |

Tối 4.8, Novak Djokovic đánh bại Carlos Alcaraz 2-0 để giành huy chương vàng nôi dung đơn nam quần vợt Olympic 2024.

Quốc gia châu Âu sẵn sàng gia nhập BRICS năm nay

Ngọc Vân |

Nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS trong năm 2024, trong đó có Belarus - quốc gia ở châu Âu.

Bích Tuyền: Cần học hỏi bản lĩnh từ bóng chuyền nữ Thái Lan

HOÀNG HUÊ |

Đối chuyền Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cần cải thiện về khả năng chắn bóng và phòng thủ.

Trường hợp đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ từ 1.8.2024

Linh Trang |

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1.8.2024 quy định nhiều điểm mới về việc cấp sổ đỏ.

Bài toán từ việc tu bổ Chùa Cầu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Phạm Huyền |

KTS Tôn Thất Liêm - chuyên gia kiến trúc đô thị (Hội Kiến trúc sư TPHCM) - chia sẻ với Lao Động về bài học từ dự án trùng tu Chùa Cầu ở TP Hội An, Quảng Nam.

Tu bổ Chùa Cầu: Cần trả lại tiếng nói cho người dân Hội An

Thanh Hoa |

KTS Trần Huy Ánh khẳng định, người dân Hội An mới là đối tượng có quyền lên tiếng trước tiên về việc tu bổ Chùa Cầu.

Trùng tu di tích nhìn từ chuyện Chùa Cầu

Anh Tuấn |

Sau 19 tháng trùng tu, Chùa Cầu (Hội An) vừa được dỡ bỏ phần tường bao, lộ diện trước công chúng và lập tức gây tranh cãi.