Đi tìm sao la - loài “kỳ lân” bên bờ tuyệt chủng

Minh Hiền - Thanh Hào |

Cách đây đúng 10 năm, năm 2013, bức ảnh cuối cùng về sao la - “kỳ lân châu Á” được chụp lại bằng bẫy ảnh được công bố. Cho đến nay, sau chừng ấy thời gian, các nhà bảo tồn vẫn chưa tìm thêm được bằng chứng khoa học nào khác về sự tồn tại của chúng. Phải chăng sao la đã tuyệt chủng? Chúng tôi đã đi tự đi tìm câu trả lời.

Câu chuyện về cặp sừng dưới suối

Lần theo thông tin rất ít ỏi của sao la, chúng tôi đến với một thị trấn tại Tây Trường Sơn, thuộc tỉnh Quảng Bình. Đó là nơi mà chú Mười, một đồng bào Vân Kiều kể cho chúng tôi câu chuyện về cặp sừng sao la.

Chú Mười kể rằng: “Cỡ 30 năm trước, khoảng năm 1995, tôi vào rừng để lấy mật ong như thường lệ thì thấy một cặp sừng dưới khe suối. Lúc đầu, tôi tưởng đó là sừng hươu, hay mang. Nhưng nhìn kỹ, tôi mới nhận ra đây là cặp sừng của sao la. Cặp sừng dài gần 1m, nhọn hoắt, có vẻ như thuộc về một con sao la đực đã chết khá lâu. Di chuyển theo dọc khe suối, tôi thấy dấu chân của sao la dọc theo đó và chỉ có số lượng ít, từ 1 - 2 con”.

Trong khoảng vài chục năm, chú Mười cũng đi rừng không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng cố gắng tìm kiếm dấu vết của loài vật bí hiểm này. Thực tế thì chính chú Mười cũng không có nhiều thông tin về sao la. Chú nói, “sao la được người Vân Kiều gọi là A Ngao. Đây là một loài vô cùng hiếm gặp. Kể cả những người lấy rừng làm nhà đã hơn 50 năm như tôi cũng chưa gặp dù chỉ một lần. Chú chỉ biết tới sao la qua những câu chuyện mà mẹ kể, qua lời đồn đại của những người đi rừng”.

Thế rồi, chúng tôi lên tận vùng sâu A Lưới, Thừa Thiên Huế, tìm gặp già Lượng, một già làng Cơ Tu. “Hồi đó (năm 1996), ở đây mà gặp được sao la cực kỳ khó. Còn bây giờ chỉ có những người trên 60 tuổi mới còn nhớ về sao la. Hắn (sao la) thích chỗ yên tĩnh, ít người qua lại, đặc biệt là vùng lèn đá giữa khu vực rừng xanh nguyên sinh và rừng thấp. Cực kỳ hiếm trường hợp người dân gặp được từ hai con sao la trở lên. Nếu có thì là một sao la con và một sao la mẹ” - già Lượng nói.

Chúng tôi được gặp anh Viên Đăng Phú - một chủ homestay người Tà Ôi - một tấm gương điển hình về phát triển sinh kế bền vững để giữ rừng, giữ nét văn hóa của người Tà Ôi tại Trung Trường Sơn.

Anh Phú kể, cuộc sống của đồng bào Tà Ôi vẫn dựa vào rừng là chủ yếu. Vì thế mà anh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cải thiện sinh kế cho bà con dựa vào tài nguyên sẵn có mà không gây hại đến rừng.

“Khoảng vào năm 2000, trong làng có một người bắt về một con sao la con. Ấn tượng lớn nhất của tôi về sao la đó là loài động vật cực dễ thương, với đôi mắt to tròn, đen nhánh. Rất tiếc con sao la dễ thương đó được dân làng xem là thức ăn và sau đó chia nhau như văn hóa của người Tà Ôi chúng tôi. Nếu có một điều ước, tôi mong muốn mình được quay lại thời điểm đó và tôi sẽ cố hết sức để bảo vệ được sao la” - anh Phú nói.

Hơn một thập kỷ nay các nhà sinh vật học đã mất dấu sao la. Loài thú móng guốc này được xếp hạng ở mức Cực kỳ Nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là bước cuối cùng trước khi tuyệt chủng. Liệu có khi nào sao la lặng lẽ biến mất khỏi những cánh rừng Trung Trường Sơn?

Cho tới nay, sao la vẫn chỉ có thể tồn tại được trong môi trường rừng nguyên sinh. Giới khoa học đánh giá sao la là một trong những loài chỉ thị của rừng nguyên sinh, chưa bị con người tác động. Do chúng rất nhạy cảm và có cặp sừng dài dễ bị đe doạ nên không thể sống trong những khu rừng bị xâm hại.

Thế nhưng, “mái nhà’ duy nhất sao la có thể trú ngụ là rừng Trung Trường Sơn đang bị đe doạ nghiêm trọng. Cảnh quan Trung Trường Sơn, sinh cảnh của sao la, nổi tiếng với độ đa dạng sinh học cao và độc đáo, nhưng hiện nay, quần thể các loài đặc hữu trong khu vực đã suy giảm nghiêm trọng, đối mặt với hiện tượng “rừng lặng” do sinh cảnh bị chia cắt và suy thoái. Biến đổi khí hậu và tác động của các hoạt động đến từ phía con người là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hệ sinh thái nơi đây.

Tổ bảo vệ rừng Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đang tuần tra. Ảnh: Minh Hiền
Tổ bảo vệ rừng Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đang tuần tra. Ảnh: Minh Hiền

Vẫn còn hy vọng

Sau khi nghe những câu chuyện từ người dân về mối hiểm họa mà sao la và các loài động vật khác đang phải đối mặt, cả đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình cùng một câu hỏi: Liệu còn cơ hội nào để gặp lại sao la hay không?

Hành trình đưa chúng tôi đến với “khu rừng hy vọng”. Đúng như cái tên, đây là nơi chúng tôi được gặp những người đang ngày đêm giữ gìn những hy vọng - dù khó khăn - để giữ lại một minh chứng cho đa dạng sinh học của Trung Trường Sơn.

Cách đây khoảng 20-30 năm, sao la không quá hiếm gặp trong những cánh rừng ở Trung Trường Sơn, nhưng trong một thập kỷ gần đây, loài thú cổ đại này dường như đã biến mất khỏi tầm mắt của giới sinh vật học. Và thật đáng tiếc là việc bảo tồn sao la trong điều kiện nuôi nhốt vẫn chưa thành công. Năm 1996 và 1998, một số cá thể sao la đã được đưa vào các Vườn Quốc gia để nghiên cứu, bảo tồn nhưng các cá thể này đã chết sau đó vài tháng. Giới khoa học nhận định cách tốt nhất để bảo tồn loài này là trong tự nhiên bởi chúng chỉ có thể sinh sống ở những khu rừng chưa bị xâm hại.

“Khu rừng hy vọng” là cái tên mà anh Thuyết - Trưởng tổ bảo vệ rừng cùng đồng đội trong tổ bảo vệ rừng ưu ái gọi Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu Khe Nước Trong - khu rừng mà các anh đang bảo vệ. Đây là khu rừng được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới đánh giá rất quan trọng đối với công tác bảo tồn với tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: bò tót, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, trĩ sao, hồng hoàng...

"Khu rừng mình bảo vệ được gọi là khu rừng hy vọng, vì đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 98%, lại là nhà của nhiều loài động thực vật phong phú, đặc biệt là có sao la" - anh Thuyết nói.

Anh kể, để bảo vệ rừng, anh chưa lúc nào thảnh thơi. Nào là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Nào là việc thiếu trang thiết bị để bảo vệ bản thân khi tuần tra. Rồi buồn nhất là lúc anh bị chính bà con địa phương phản đối, vì không để họ khai thác rừng.

Vậy mà anh vẫn gắn bó với “khu rừng hy vọng” này hơn 16 năm nay. Lý do chính mà anh có thể trụ lại với nghề lâu vậy, là nhờ được nhìn thấy những thay đổi tích cực của rừng, của những người dân nơi đây.

“Trước đây bà con vào chặt cây, săn bắt nhiều lắm. Nhưng dần dần, nhờ Nhà nước tuyên truyền, rồi tổ bảo vệ mình cũng cố gắng khuyên nhủ, bà con cũng thay đổi nhiều. Giờ khu rừng của mình không còn nạn săn bắt nữa. Bà con cũng có nhiều cách để kiếm tiền mà không phá rừng. Có người làm chăn nuôi, có người làm du lịch sinh thái. Tự hào nhất là còn có nhóm bà con tự thành lập tổ bảo vệ rừng. Đỡ cho mình bao nhiêu” - anh Thuyết chia sẻ.

Trở lại câu chuyện của Viên Văn Phú, anh phát triển homestay của gia đình theo hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm. Du khách đến với homestay sẽ được tham gia các hoạt động như khám phá, thám hiểm rừng nguyên sinh, cắm trại qua đêm, tắm suối nước nóng, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức các loại đặc sản của địa phương. Tất cả những dịch vụ này đều không tổn hại tới rừng.

Đi cùng anh Phú trên hành trình khám phá rừng, chúng tôi mới thấy những người làm du lịch sinh thái như anh quý rừng tới mức nào. Anh cúi xuống nhặt từng vỏ chai nước, từng vỏ bim bim, rồi cẩn thận cho vào một chiếc túi nhỏ. “Nhiều du khách chưa có ý thức bảo vệ rừng nên cứ vứt bừa ra đây. Nhìn thấy là mình không chịu được. Làm du lịch thế này mà không giữ gìn cho rừng là không được” - anh Phú nói.

Trong những chuyến khám phá cùng du khách, anh luôn có một điểm dừng chân cố định bên khe suối và giới thiệu cho du khách nghe về cây môn thục - loài thức ăn chính của sao la. Bởi với anh, đây là một cách anh nhắc nhở bản thân về trách nhiệm bảo vệ rừng và các loài hoang dã, là cách anh đền bù lại sự tiếc nuối của mình trong quá khứ.

Câu chuyện của Viên Văn Phú - một người con của núi rừng Trường Sơn lại là một cảm hứng lớn để chúng tôi hy vọng vào một tương lai nơi những cách rừng được bảo vệ, nơi sao la cùng những loài hoang dã sống an toàn và yên bình trong ngôi nhà của chúng.

Và chúng tôi vẫn đi tìm...

Minh Hiền - Thanh Hào
TIN LIÊN QUAN

Phát hiện loài động vật quý hiếm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Trần Lâm |

Ngày 11.10, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa cho hay, kiểm lâm viên đã phát hiện Mang Hoẵng vó vàng (Muntiacus muntjak vaginalis) và Mang Lào (Muntiacus rooseveltorum) với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng Pù Hu.

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la”

Lâm Điền |

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la” là chủ đề chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn do WWF - Việt Nam phát động.

Quảng Bình giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Ngày 6.9 UBND tỉnh cho biết, vừa có công văn về việc triển khai các hoạt động dự án “giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng” tại Quảng Bình.

Phía sau việc khai thác khoáng sản trái phép có bóng dáng cán bộ địa phương

Thùy Linh- Ngô Cường |

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, phía sau các vụ khai thác khoáng sản trái phép có vấn đề liên quan đến cán bộ địa phương...

Tin 20h: Giải pháp thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ từ 1.7.2024

NHÓM PV |

Tin 20h ngày 6.11: Nguyên nhân các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cắt giảm lao động; Thực hư thông tin 11 trẻ mầm non bị nhồi nhét vào cốp xe khi đi dã ngoại; Bộ Nội vụ nêu 5 giải pháp thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ từ 1.7.2024…

Chặn hàng loạt nhóm dạy bùng nợ, hướng dẫn tự tử trên Facebook

KHÁNH AN |

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã phối hợp với Facebook chặn hàng loạt các nhóm dạy bùng nợ, hướng dẫn tự tử trên Facebook.

Thực hư việc nhóm học sinh tiểu học viết phần mềm luyện thi lớp 9

QUANG ĐẠI |

Phần mềm luyện thi lớp 9 lên lớp 10 của những học sinh lớp 4 và lớp 5 tại TP Vinh đạt giải trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" gây xôn xao dư luận.

588 ứng viên được công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023

Vân Trang |

Ngày 6.11, Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Phát hiện loài động vật quý hiếm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Trần Lâm |

Ngày 11.10, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa cho hay, kiểm lâm viên đã phát hiện Mang Hoẵng vó vàng (Muntiacus muntjak vaginalis) và Mang Lào (Muntiacus rooseveltorum) với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng Pù Hu.

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la”

Lâm Điền |

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la” là chủ đề chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn do WWF - Việt Nam phát động.

Quảng Bình giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Ngày 6.9 UBND tỉnh cho biết, vừa có công văn về việc triển khai các hoạt động dự án “giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng” tại Quảng Bình.