“Để xuất khẩu được phim ảnh, Việt Nam cần một chiến lược”

Hào Hoa (thực hiện) |

Cho đến bây giờ, câu chuyện về sự phát triển thần kỳ của điện ảnh và nền công nghiệp văn hóa, giải trí Hàn Quốc vẫn được lưu truyền như một “cú nhảy” mang tính lịch sử, biến Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói bậc nhất Châu Á thập niên 1960 trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 Châu Á, thứ 10 thế giới về GDP (số liệu năm 2020).

Việc có thể kiếm được tiền từ nền công nghiệp văn hóa giải trí đang được đặt ra với Việt Nam trong bối cảnh cả điện ảnh, truyền hình vẫn còn nhiều bất cập. Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với NSND Trọng Trinh về câu chuyện này, anh từng có thời gian sang Hàn Quốc học hỏi về công nghệ làm phim truyền hình cùng với nhiều đạo diễn khác của VFC.

Từng có câu chuyện, nhiều người Mỹ đã không dám mua xe do Hàn Quốc sản xuất cho đến khi họ xem bộ phim “Tay đua kiệt xuất”. Cũng giống như ở Châu Á, chúng ta đã từng không mua xe, không dùng mỹ phẩm Hàn, không ăn kim chi... cho đến khi phim Hàn tràn ngập Châu Á. Anh nhìn nhận thế nào về sự lớn mạnh của phim ảnh và sức kiếm tiền từ phim ảnh của Hàn Quốc?

- Điều này chúng ta đã bàn, đã khâm phục họ, kể từ khi làn sóng phim ảnh Hàn Quốc tràn ngập khắp Châu Á từ cuối thập niên 1990. Họ đã có cả một chiến lược bài bản để thực hiện được điều đó.

Tôi còn nhớ câu chuyện đầu tư vẫn được kể như một giai thoại về phim ảnh của Hàn Quốc. Đó là vào cuối những năm 1980 đầu 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã gửi 2.000 nhân sự ở tất cả các khâu biên kịch, đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng, quay phim... sang Mỹ học hỏi. Thế hệ này khi về nước đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm truyền hình nổi tiếng như Mối tình đầu, Anh em nhà bác sĩ, Bản tình ca mùa đông... làm nên làn sóng Hallyu (hay còn gọi là làn sóng Hàn lưu) lan rộng khắp Châu Á.

Hàn Quốc được xem là nơi có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất trong thế kỷ 21. Nhìn vào sự lớn mạnh của họ, chúng tôi rất nể phục. Chúng tôi từng tổ chức một đoàn các nhà làm phim truyền hình sang Hàn Quốc học hỏi, bắt đầu từ những tác phẩm hợp tác chung như “Tuổi thanh xuân”, đến nay, tôi cho rằng, phim truyền hình Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn.

Phim truyền hình Việt ngày càng được khán giả yêu mến, đón xem. Nhiều bộ phim gây bão dư luận như: Về nhà đi con, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh Búp Bê, hay các dự án phim gần đây. Các nhà làm phim truyền hình như chúng tôi vẫn đang nỗ lực, cố gắng để có thể tiến xa hơn, trong điều kiện sản xuất của mình.

Năm 2021, cả thế giới xem “Trò chơi con mực” (tựa gốc Squid Game) và nể phục sức gây bão khắp thế giới của phim truyền hình Hàn Quốc. Sang Hàn Quốc, hẳn anh có thể nhìn thấy sự chuyên nghiệp, đồng bộ, với một guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa phim ảnh - truyền hình của họ. Ấn tượng lớn nhất của anh?

- Tôi vẫn nhớ, ở trong một đài truyền hình Hàn Quốc khi chúng tôi sang, phía dưới sảnh họ có nơi ngồi uống cà phê. Khi các đạo diễn Hàn ngồi uống cà phê, thì ngay bên cạnh, chỉ số rating của loạt phim sẽ được phát. Có đạo diễn ngồi xem chỉ số rating, đang uống cà phê phải úp sụp cả mũ xuống, không dám ngẩng lên, không uống nổi phần cà phê còn lại. Nói như vậy để thấy, họ rất phát triển, nhưng áp lực đối với họ là “khủng khiếp”.

Chỉ số rating của phim chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, có thể do phim mới lên sóng thu hút hơn, có thể do phim cùng khung giờ xuất hiện tình tiết đột phá... Chỉ số rating lại quyết định sống còn đến dự án tiếp theo của đạo diễn, biên kịch.

Tôi thực lòng khâm phục đội ngũ biên kịch, đạo diễn của Hàn Quốc. Vì họ làm việc liên tục, cường độ lớn, hết dự án này đã phải bắt đầu dự án mới, trong khi, dự án nào cũng phải có được sức hút, chỉ số rating cao. Yêu cầu khán giả khắt khe, sự cạnh tranh lớn, guồng quay công việc liên tục, tôi nghĩ áp lực với các nhà làm phim Hàn Quốc không hề đơn giản.

Có thể chính áp lực, yêu cầu khắt khe của khán giả, đã giúp phim Hàn ngày càng chất lượng. Khi phim Hàn “làm mưa làm gió” trên các nền tảng số, khán giả Việt tiếp xúc với những nền công nghiệp phim ảnh hàng đầu thế giới, cũng sẽ yêu cầu khắt khe hơn với phim Việt. Đây hẳn là áp lực với các anh? Nếu các anh không có phim hay, khán giả sẽ tắt TV và còn vô số sự lựa chọn khác.

- Là áp lực rất lớn. Những năm gần đây như tôi biết, đơn vị sản xuất phim truyền hình đã có sự thay đổi lớn về cách vận hành và sản xuất phim, đặc biệt trong công nghệ, đào tạo đạo diễn và biên kịch. Công nghệ sản xuất phim truyền hình của chúng ta hiện nay đã vượt trội so với trước, quay phim thu tiếng đồng bộ với nhiều góc máy đã giúp chất lượng phim ngày càng chân thực, sống động. Đội ngũ biên kịch cũng đã làm việc theo cách khác, tiêu chuẩn khác. Biên kịch theo đoàn phim từ đầu, phim sản xuất đến đâu, biên kịch hoàn thiện kịch bản tới đó. Theo cách này, các nhà làm phim đến được gần hơn với khán giả, lắng nghe được tâm tư tình cảm của khán giả.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn những khó khăn tồn tại, ví dụ như chuyện trường quay. Hiện nay chúng ta vẫn chưa thể có được một trường quay, dù chuyện này đã được bàn rất nhiều.

Các đoàn phim vẫn phải đi thuê bối cảnh. Có nhiều bối cảnh phải tự dựng, nhưng không phải bối cảnh nào cũng dựng được. Tiến độ sản xuất phim bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, ví dụ như thời tiết. “Nắng mưa là chuyện của trời”, chúng tôi đi làm phim lại phụ thuộc hoàn toàn vào nắng mưa. Có đoàn phim đi quay xa, vận chuyển hì hục đến được bối cảnh thì mưa như trút mấy ngày liền. Vậy là cứ “chết chân” ngồi đợi mưa tạnh.

Hay việc đi thuê mướn bối cảnh cũng gặp muôn chuyện bi hài. Chúng tôi thuê nhà dân để quay, đang quay dở thì gia đình người ta có chuyện, hoặc có việc gì đó cần giải quyết, vậy là tiến độ quay phải dừng lại, đợi chủ nhà giải quyết xong, mới tiếp tục quay.

Có phải chính vì sức cạnh tranh lớn, chỉ số rating trở nên sống còn, nên đề tài về gia đình với những “Drama” dễ xem, dễ lấy “view”, đang chiếm sóng?

- Không hẳn. Việc xếp lịch lên sóng là do ban thư ký biên tập, họ cảm thấy ở thời điểm này khán giả có nhu cầu, mong muốn xem phim gì, họ sẽ xếp lịch lên sóng phim đó. Như tôi được biết, các dự án phim hình sự đã được sản xuất và chuẩn bị lên sóng sắp tới.

Còn chỉ số rating, chắc chắn đó là một áp lực. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo rating mỗi tuần. Nếu phim không có rating tốt, cũng có nghĩa chúng tôi đã không biết cách kể chuyện hay, hấp dẫn, không thu hút được khán giả. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để giới làm phim cố gắng hơn.

Với nhiều khó khăn như thế, việc kiếm được tiền từ nền điện ảnh, truyền hình của Việt Nam phải mất bao lâu, và theo anh điều kiện tiên quyết là gì?

- Tôi vẫn muốn nhắc lại câu chuyện phát triển thần kỳ của Hàn Quốc là nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Họ đã lên một chiến lược kéo dài cả 10 năm và rất bài bản. Họ đầu tư phát triển con người, công nghệ, trường quay... Sau khi phim được sản xuất, các doanh nghiệp, đại sứ quán ở nhiều nước thế giới đã tặng không phim cho đài truyền hình để nhờ phát sóng, chính vì bài bản ở mọi khâu như thế, làn sóng Hallyu mới phát triển rầm rộ.

Chúng ta muốn phát triển điện ảnh, truyền hình cũng cần sự đầu tư, hỗ trợ như vậy từ nhà nước, các cấp lãnh đạo ban ngành. Chúng ta cũng cần một chiến lược bài bản để phát triển con người và mọi khâu sản xuất phim.

Bên cạnh sự đầu tư vật chất, kinh phí, các nhà làm phim còn cần một cơ chế vận hành, sáng tạo cởi mở để phát huy hết tài năng của mình, để bộ phim khi ra mắt phải là một tác phẩm chất lượng, hấp dẫn. Để có nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình kiếm ra tiền phải cần sự quan tâm và đầu tư rất lớn, nên câu hỏi “Đến bao giờ” của bạn rất khó đoán.

Nếu được đầu tư lớn như thế, theo anh, nghệ sĩ Việt có đủ tài năng để làm nên kỳ tích?

- Nếu có đủ điều kiện tốt để làm nghề, nghệ sĩ chúng ta tài năng không kém, tôi có thể khẳng định như vậy.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!


Hào Hoa (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

NSND Trọng Trinh nói gì về "con gái" Dao Ánh trong "Em và Trịnh"?

Nhóm PV |

Trong buổi trò chuyện với Lao Động, NSND Trọng Trinh chia sẻ về vai diễn khiến anh ấn tượng nhất trong phim "Em và Trịnh", những câu chuyện hậu trường phim hay việc anh sẵn sàng đóng vai phụ, kể cả vai 3 phút ở "Về nhà đi con".

NSND Trọng Trinh kể chuyện đóng bố Dao Ánh, cấm con gái yêu Trịnh Công Sơn

Huyền Chi |

NSND Trọng Trinh đóng vai người cha Ngô Đốc Khánh của 2 con gái Ngô Vũ Dao Ánh và Ngô Vũ Bích Diễm trong phim "Em và Trịnh".

NSND Trọng Trinh, NSƯT Chiều Xuân đóng phim 40 tỉ đồng về Trịnh Công Sơn

DI PY |

Theo đó, NSND Trọng Trinh và NSƯT Chiều Xuân thủ vai bố mẹ của Bích Diễm và Dao Ánh trong "Em và Trịnh" - phim đầu tư 40 tỉ đồng về Trịnh Công Sơn.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

Đà Nẵng: 3 nữ quái dàn cảnh bán thuốc tiên, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Khánh Ngọc |

Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với 2 trong số 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều tối qua - 23.3.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

NSND Trọng Trinh nói gì về "con gái" Dao Ánh trong "Em và Trịnh"?

Nhóm PV |

Trong buổi trò chuyện với Lao Động, NSND Trọng Trinh chia sẻ về vai diễn khiến anh ấn tượng nhất trong phim "Em và Trịnh", những câu chuyện hậu trường phim hay việc anh sẵn sàng đóng vai phụ, kể cả vai 3 phút ở "Về nhà đi con".

NSND Trọng Trinh kể chuyện đóng bố Dao Ánh, cấm con gái yêu Trịnh Công Sơn

Huyền Chi |

NSND Trọng Trinh đóng vai người cha Ngô Đốc Khánh của 2 con gái Ngô Vũ Dao Ánh và Ngô Vũ Bích Diễm trong phim "Em và Trịnh".

NSND Trọng Trinh, NSƯT Chiều Xuân đóng phim 40 tỉ đồng về Trịnh Công Sơn

DI PY |

Theo đó, NSND Trọng Trinh và NSƯT Chiều Xuân thủ vai bố mẹ của Bích Diễm và Dao Ánh trong "Em và Trịnh" - phim đầu tư 40 tỉ đồng về Trịnh Công Sơn.