Cùng Báo Lao Động lên rừng xuống biển

Tản mạn của Vĩnh Quyền |

Lý do các anh ở tòa soạn Lao Động Chủ nhật đặt vấn đề tôi về báo hẳn là do đọc phóng sự/bút ký của tôi trên Văn nghệ, Sông Hương, Đất Quảng... Còn tôi nhận lời bởi nhiều lý do: Được lên rừng xuống biển, được viết phóng sự/ bút ký yêu thích, và lương mới cao gấp ba so lương hiện có. Lao Động Chủ nhật bấy giờ, 1990, là tờ báo sang trọng: Offset 4 màu khổ lớn đầu tiên ở Việt Nam và phát hành mỗi số trên 80 nghìn bản.

Mộng văn chương còn đó, nên cái sợ "báo nó sẽ giết văn" vẫn lởn vởn trong tôi những ngày đầu. Nhưng rồi tờ báo là một cỗ máy phức hợp, một đại gia đình ai cũng có trách nhiệm với ai, riêng tôi lại còn chưa qua đào tạo, buộc phải dành thời gian đuổi kịp yêu cầu kỹ năng của "nghề mới". Kỷ niệm nhớ mãi: Lội nước lũ Huế 1990, tôi làm "bản tin" 600 chữ gửi tòa soạn. Anh Chánh Trinh (Lý Quí Chung, thư ký tòa soạn) lập tức gọi điện: "150 chữ thôi". Yes Sir, sửa ngay! Rồi, cũng chính anh, gần như ngay sau đó, yêu cầu tiếp một phóng sự cùng đề tài 1.500 chữ, để đi chung bản tin trong cùng một số báo. Yes Sir, viết ngay! Là tôi hiểu anh muốn tôi tự "vỡ" thế nào là thể loại. Sau đó, để giúp một nhà văn nghiên cứu nghề báo, "dân trường Tây" ấy gửi tặng tôi bộ giáo trình báo chí 300 trang khổ lớn tiếng Pháp.

Lần đầu chạm bùn Đất Mũi, dâng trào cảm xúc, quên bén giáo trình, tôi gõ máy chữ như ma ám, năm giờ chiều vẫn vẫy xe lôi đi bưu điện Năm Căn, fax bản thảo về tòa soạn, dù không phải đề tài "nóng". Xong, thõng tay vào quán rượu bên Sông Cửa Lớn. Tối về khách sạn, muốn đọc lại bản thảo. Mới đoạn mở đầu thôi, tỉnh cả rượu, ân hận chuyện ngược đời: "Văn nó giết báo". Tôi đã viết cái chapeau phóng sự ra thế này: "Bùn ơi chào em. Phải nửa đời hẹn hò mới gặp. Phải đến đây để nhận thêm hàm nghĩa không cùng của bùn, nạp thêm năng lượng vô biên của mặt đất mặt nước. Cũng nâu nhạt tầng trên trơn trợt, cũng ngả xanh sét nhão tầng sâu, nhưng bùn Đất Mũi là quà tặng của thiên nhiên, là sự sống trông thấy được, là tiền thân của đất, của rừng, là cuộc vận động không ngừng của địa dư, của tương lai bất tận. Tôi đứng yên mở hết giác quan ghi nhận chuyến hành hương kỳ diệu vào lòng đất mới. Chầm chậm và êm ái đôi chân trần lún vào bùn, mềm mát vuốt ve rồi siết chặt ấm nóng, cuối cùng khẽ chạm đất nền dẽ cứng. Tôi rùng mình hóa thân cây mắm cắm rễ níu giữ phù sa, mắt như lá xôn xao vời trông biển cả hoang sơ mãi rì rầm khát vọng ngoài kia".

Nhà báo Vĩnh Quyền đi tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà báo Vĩnh Quyền đi tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến bàn lễ tân, tôi gọi điện về tòa soạn. Trong khi chờ, nhìn đồng hồ trên tường: 12h30. Nhân viên trực cho biết anh Chánh Trinh vẫn ở đấy, và chuyển máy. Tôi giành nói trước cho nhẹ lòng: "Anh chưa đọc bài em, phải không?". Anh Chánh Trinh: "Đang đọc em à". "Bỏ đi anh, mai viết lại!". "Là đọc bản "bông", anh vừa cho thay bài, in ngay số này". "Nhưng...". "Cần truyền cảm hứng mới đến bạn đọc nên tòa soạn gọi người Huế vào Nam viết phóng sự vùng đất cuối Việt đó nghe. Đọc thích lắm". "Yes Sir!". Nhận thêm bài học: Lúc cần bung lụa cứ bung, miễn đứng vững trên nền tảng non-fiction. Không trở về phòng, tôi lững thững đi về hướng bãi bùn đất mới đang sáng dần lên dưới ánh trăng, với niềm rung động công nghệ: Lúc này 80 nghìn bản Lao Động Chủ nhật đang rầm rập cắn đuôi nhau tuôn ra từ những cỗ máy in xịn nhất Sài Gòn, Hà Nội.

Ngay từ khi thiết kế nội dung và hình thức, ban biên tập Lao Động Chủ nhật đã chủ trương cách tân, trong đó có chuyên mục phóng sự, từ mở rộng biên độ văn phong, đến dành không gian cho cái tôi báo chí... Chủ trương ấy góp phần xây dựng tên tuổi những cây bút phóng sự tiêu biểu trong làng báo Việt một thời.Huỳnh Dũng Nhân là cái tên đình đám nhất.

Từ khi Báo Lao Động hướng đến mục tiêu xuất bản báo ngày, tôi phải "lao động" gấp đôi, gấp ba, không chỉ mỗi "đi" và "viết" mà còn phải ngồi vào bàn biên tập. Dẫu vậy, hành trình tác nghiệp báo chí trong hơn 20 năm đã giúp tôi thu thập một lượng thông tin nghiệm sinh đủ làm thay đổi sắc thái tiểu thuyết của chính tôi, sau này.

Nếu không cùng Báo Lao Động thực hiện những chuyến khảo sát Biển Đông, tôi sẽ không có "Trong vô tận", một tiểu thuyết lấy biển đảo Tổ quốc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước làm hồn cốt, cũng như sẽ không có được trang văn kiểu này:

"Cuộc đấu vòi rồng với tàu hải cảnh Trung Quốc chỉ dừng lại khi biên đội CSB Việt Nam lùi về khoảng cách mười hải lý đối với chân giàn khoan trái phép HD-981. Hai bên cùng “hạ trại” nghỉ ngơi lấy sức, hẹn đấu tiếp vào hôm sau. Tùng đã làm nên khác biệt giữa các đồng nghiệp khi kết thúc thiên phóng sự truyền hình trực tiếp từ vùng biển Hoàng Sa với hình ảnh chiến sĩ CSB xếp những hàng nghiêm trên boong, tất cả đều ướt sũng. Thuyền trưởng dõng dạc điểm quân số. Sau mỗi cái tên xướng lên là một tiếng đáp “Có” chắc nịch. Cuối cùng, thuyền thưởng hạ giọng: Thằng Cò? Bếp trưởng chỉ tay lên giàn ăngten: Có! Con cò trắng thản nhiên tỉa lông cánh, nổi bật trên nền trời xanh. Tùng mỉm cười nhìn thẳng vào camera: Xin đừng hỏi tôi con cò ấy từ đâu ra. Thuyền trưởng và thủy thủ còn không biết. Tàu rời cảng hơn nửa ngày bếp trưởng mới phát hiện nó đứng tránh gió sau cửa buồng thực phẩm. Nhưng điều tôi biết rõ là tất cả chiến sĩ trên CSB 4033 đều yêu cưng nó và xem nó như một “biên chế” đặc biệt, bởi trong thâm tâm họ đều có bóng dáng những cánh cò nơi quê xa...".

Những chuyến băng rừng Tây Nguyên, Trường Sơn viết phóng sự Báo Lao Động làm thay đổi cách nhìn thế giới tự nhiên của tôi và cả những suy nghiệm về nghề báo. Tất cả đã sống dậy một cách tự nhiên trong tiểu thuyết “Thương Ngàn”:

"Tôi nói anh chẳng phải nhà báo, làm sao giúp em được. Thư khăng khăng: Anh cùng làm thì không những được mà em còn mơ đến một bút ký độc đáo nữa. Là em đang nghĩ đến hình thức phối hợp giữa hiện trường và tòa soạn, kiểu combining reports. Thế này nghen, sáng mai anh ngược Thủy Điện Rào Trăng 3. Tất nhiên vào dịp nghỉ Tết sẽ chẳng còn cảnh người và phương tiện cơ giới khẩn trương, rầm rộ đào tìm nạn nhân như trong cả tháng nay. Thật ra em muốn anh đưa bạn đọc đến một Rào Trăng khác, Rào Trăng tịch mịch để chiêm nghiệm, hình dung về những gì đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi kia trong cả nước. Cũng không dừng ở tình cảnh xót xa mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha ngày cận Tết, mà nhìn sâu vào thảm họa gãy vỡ cân bằng thiên nhiên do tác động khai thác của con người, đồng thời không quên kèm câu hỏi quan trọng: Tại sao?

Anh sẽ chụp ảnh, quay clip và tường thuật điều nghe thấy ở Rào Trăng cùng những cảm xúc, suy nghĩ và bình luận ngẫu hứng tại chỗ qua điện thoại. Em ở tòa soạn trực tiếp nghe, ghi âm, xả băng, đặt câu hỏi cho anh, chèn số liệu, nghĩ về một kiểu tường thuật trung thực mà ấn tượng. Chừng cuối giờ chiều em bắt tay viết, được phần nào bắn ra phần đó để anh góp ý. Hạn cuối chuyển bài nhà in là 11 giờ tối. Cùng lúc post lên trang điện tử. Sau đó anh em mình ăn khuya online có rượu vang, đồng ý nghen đồng tác giả?".

***
Cuối năm 2011, tôi rời công việc tại VPĐD Báo Lao Động tại miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian hưu trí dành trọn cho tiểu thuyết, nhưng người đọc có thể nhận ra bóng dáng nhà báo năm xưa qua những trang văn và đâu đó giữa hai dòng chữ là lời cảm ơn sâu sắc phần đời làm báo dưới mái hiên đại gia đình Lao Động.

Tản mạn của Vĩnh Quyền
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Vĩnh Quyền góp phần khẳng định thương hiệu văn hoá, văn học Đà Nẵng

Tường Minh |

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói nhà văn Vĩnh Quyền được trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2021 không chỉ là vinh dự của cá nhân, gia đình tác giả mà còn góp phần tạo tiếng vang, khẳng định thương hiệu của văn hóa, văn học Đà Nẵng.

Trong vô tận là trang sử trong trang văn của Vĩnh Quyền

LÊ THANH PHONG |

Vĩnh Quyền không viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng "Trong vô tận" là những trang sử. Điều mà có thể chính tác giả cũng không ngờ, đó là "Trong vô tận" đã làm cho người đọc thêm yêu lịch sử nước nhà.

Chuyện nghề văn của Vĩnh Quyền: Cái bìa 4

vĩnh quyền |

Viết cuốn tiểu thuyết khó đã đành, làm bìa 4 cho nó cũng chẳng nhẹ nhàng.

Công sở ngày đầu năm mới ở Hà Nội vắng người dân tới làm thủ tục hành chính

VĨNH HOÀNG - KHÁNH AN |

Trong ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, có khá ít người dân đến cơ quan, công sở của TP Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính.

Nữ diễn viên Việt từng đóng phim Hollywood tỏa sáng ở “Mai” của Trấn Thành

Mi Lan |

Không phải Tuấn Trần, 2 nữ diễn viên Phương Anh Đào và Hồng Đào mới là những điểm sáng lớn nhất về diễn xuất trong phim “Mai”.

2 vợ chồng bị đuối nước khi bơi thuyền ra sông để chụp ảnh ở Thanh Hoá

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nhóm 8 người chèo thuyền ra khu vực lòng hồ thủy điện để chụp ảnh thì không may bị lật thuyền, hậu quả khiến 2 vợ chồng bị đuối nước thương tâm.

Đầu năm mới cùng ngư dân Thái Bình vươn khơi săn lộc biển

TRUNG DU |

Thái Bình - Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, giá cá khoai lưới tăng cao ở mức 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg. Phóng viên Lao Động đã có chuyến ra khơi đầu năm cùng ngư dân ở huyện ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để đi săn loài cá được gọi là lộc biển này.

Chủ đầu tư nợ hàng chục tỉ đồng, KCN Mỹ Xuân A2 bị giảm 50% áp lực nước

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Đơn vị cấp nước đã thực hiện giảm 50% áp lực nước vào Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 do chủ đầu tư nợ hàng chục tỉ đồng tiền nước chưa thanh toán.

Nhà văn Vĩnh Quyền góp phần khẳng định thương hiệu văn hoá, văn học Đà Nẵng

Tường Minh |

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói nhà văn Vĩnh Quyền được trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2021 không chỉ là vinh dự của cá nhân, gia đình tác giả mà còn góp phần tạo tiếng vang, khẳng định thương hiệu của văn hóa, văn học Đà Nẵng.

Trong vô tận là trang sử trong trang văn của Vĩnh Quyền

LÊ THANH PHONG |

Vĩnh Quyền không viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng "Trong vô tận" là những trang sử. Điều mà có thể chính tác giả cũng không ngờ, đó là "Trong vô tận" đã làm cho người đọc thêm yêu lịch sử nước nhà.

Chuyện nghề văn của Vĩnh Quyền: Cái bìa 4

vĩnh quyền |

Viết cuốn tiểu thuyết khó đã đành, làm bìa 4 cho nó cũng chẳng nhẹ nhàng.