Côn Đảo - Trăm năm đau thương

nguyễn huy minh |

Chưa đi hết thế gian nhưng tôi nghĩ rằng, hiếm có nơi nào trong những năm tháng mới qua, đau khổ dằng dặc đè nặng lên từng vuông đất nhỏ như Côn Đảo. 

Trước ngày 30.4.1975, Côn Đảo được coi là “Địa ngục của trần gian”. Suốt 113 năm (1862 - 1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo với những cái tên chỉ nghe qua đã cảm thấy hãi hùng: Biệt lập chuồng bò, biệt lập chuồng cọp, hầm xay lúa, nhà lim cấm cố... là nơi diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là những người tù không một tấc sắt trong tay, chỉ có lòng yêu nước để chống lại những đợt tra tấn tàn bạo của thực dân, đế quốc.

Trong cuộc chiến đấu ấy, gần hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau luôn ghi khắc trong tâm về một “Côn Đảo kiên trung, bất khuất”, coi Côn Đảo như một biểu tượng anh hùng của dân tộc.

Côn Đảo là một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc ta, với tổng diện tích 76km2, cách Vũng Tàu 97 hải lý (khoảng 180km), điểm đi đất liền gần nhất là cửa sông Hậu cách 47 hải lý (khoảng 83km).

Quần đảo Côn Lôn nguyên thủy do sự phun trào của núi lửa tạo thành một dãy núi mà hầu hết là cường thạch (granit); đất ở đây phần lớn là nham thạch biến thể với 10 loại khác nhau.

Hình dạng của Côn Đảo tương tự như một con trâu nước hay một con Gấu khổng lồ, lưng quay về phía đất liền, chân hướng ra Biển Đông; bao gồm 16 đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Côn Lôn lớn (Hòn Phú Hải) là đảo lớn nhất, dài khoảng 15km, chỗ rộng nhất 9km, chỗ hẹp nhất 1km tính theo đường chim bay, rộng 51,52km2, chiếm 2/3 diện tích quần đảo, nơi tập trung toàn bộ đời sống kinh tế chính trị, văn hóa xã hội của cả quần đảo.

1. Sử sách nước ta xưa đã gọi đảo lớn nhất là Côn Lôn, cả quần đảo cũng được gọi chung bằng địa danh này. Về nghĩa Hán văn, Côn Lôn thường dùng để chỉ biên địa xa xôi hẻo lánh. Thời Mỹ - Diệm tiếp tục chế độ lao tù của thực dân Pháp đã đổi tên gọi thành Hải đảo Côn Sơn. Ngày 22.10.1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn, một tỉnh ở trên một hòn đảo không có dân cư, chỉ có người tù và bộ máy trị tù.

Sau Hiệp định Paris 1973, Nguyễn Văn Thiệu đánh lạc hướng dư luận quốc tế trong âm mưu muốn ém giấu tù chính trị không trao trả nên đã một lần nữa đổi tên gọi của quần đảo. Tháng 11.1974, cơ sở hành chính ở khu trung tâm Côn Sơn đổi thành thị xã Phú Hải trực thuộc tỉnh Gia Định, cái tên này tồn tại cho đến ngày Côn Đảo giải phóng.

Ngày 25.11.1896, trong vòng thành trại 1, phạm nhân Đặng Văn Tám khi đào một cống thoát nước đã bắt gặp hai cái lu to, một cái đựng đồng tiền, một cái đựng đồ nữ trang bằng vàng. Người ta đoán rằng đây là một phần tài sản của vua Gia Long và tùy tùng chôn giấu. Năm 1930, một phạm nhân làm khổ sai ở Bến Đầm đã bắt gặp một cái hũ đựng dây đai bằng vàng.

Vào khoảng 1930 – 1940, người ta đào được ở An Hải một cái lu đựng chén đĩa sứ cùng những đồ văn phòng tứ bảo, ấn triện. Ngày 28.4.1944, trong khi xây dựng con đường xuyên đảo Côn Lôn, các tù nhân hành dịch đã phát hiện dưới độ sâu 1m có 6 dụng cụ bằng đá gồm 3 lưỡi rìu, 1 cái đục và 1 cái cuốc.

Những dụng cụ này đã được Chúa ngục Tisseyre gửi về Viện bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn, mang ký hiệu từ 3656 đến 3662. Ngoài ra còn nhiều phát hiện khác trong đó có những đồng tiền vàng mang hình Hoàng đế Charles V của Tây Ban Nha (1521), những đồ sành sứ và đồ trang sức bằng vàng, bạc trong các ngôi mộ cổ.

Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” kể từ khi trung úy Lespes chỉ huy chiến hạm Norgazaray đánh chiếm. Ngày 1.2.1862, Đô đốc Bonard ban hành Nghị định về việc thiết lập nhà tù Côn Đảo để dùng vào việc giam giữ các tù nhân có mức án từ 1 – 10 năm; phó hạm trưởng Felix Roussel giữ chức chỉ huy trưởng quần đảo và kiêm quản đốc đầu tiên của nhà tù Côn Đảo.

Tháng 3.1862, Đô đốc Bonard cho tàu chở 50 phạm nhân đầu tiên ra Côn Đảo. Ngày 16.5.1862, Tổng thống Pháp Jules Grevy ra sắc lệnh đặt Côn Đảo như một quận của Nam Kỳ, đứng đầu là viên chức hành chính hoặc sĩ quan ngoại ngạch với chức danh Giám đốc quần đảo và đề lao Côn Đảo, chức danh này được dùng trong suốt 25 đời chúa đảo tiếp sau của người Pháp.

Thực tế số lượng tù nhân đã tăng lên 1.200 người vào ngày 11.9.1908 và dao động ở mức trên dưới 2.000 người trong 30 năm tiếp theo. Thời Pháp thuộc, số tù nhân tăng cao nhất là vào thời điểm sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11.1940). Trong 2 năm 1941 - 1942, mỗi ngày có từ 10 - 20 người tù bị chết. Báo cáo ngày 15.1.1943 của nhà tù cho biết số tù nhân hiện hữu là 4.403 người; tháng 5.1945, số tù nhân còn lại là 3.308. Hơn 1.000 người đã chết vì bị đọa đày riêng trong 2 năm ấy.

Khu chuồng cọp trong hệ thống nhà tù Côn Đảo do Pháp xây dựng. Ảnh: TTXVN
Khu chuồng cọp trong hệ thống nhà tù Côn Đảo do Pháp xây dựng. Ảnh: TTXVN

Tháng 9.1945, hơn 2.000 tù chính trị đã nổi dậy giành chính quyền làm chủ Côn Đảo và trở về đất liền tham gia kháng chiến; gần 1.000 tù thường phạm còn lại được sinh sống tự do trên đảo. Ngày 18.4.1946, Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại chế độ nhà tù.

Chuyến tàu há mồm đầu tiên chở 300 tù nhân kháng chiến lưu đày đã cập bãi trước trung tâm Côn Đảo vào trưa ngày 27.5.1946, trong đó có 56 tù nhân mang án tử hình và 69 tù binh là tội phạm chiến tranh của Nhật Bản. Báo cáo của Giám đốc quần đảo và nhà tù cho biết, đến 31.12.1952, Côn Đảo giam giữ 548 tù binh và 1.739 tù án.

Sau hiệp định Geneve 1954, Pháp đã trao trả cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 4 đợt, tổng số 593 tù binh và 1.150 tù án. Năm 1957, ngụy quyền Sài Gòn đày ra đảo 10 chuyến tàu chở tù nhân, tổng số 3.080 người, trong đó có 100 phụ nữ, 2 cháu bé chưa đầy năm. Tất cả đều là tù chính trị bị câu lưu, không có án tiết.

Số tù nhân tăng đến mức 8.000 người vào những năm 1967 - 1969 và gần 10.000 người trong những năm 1970 - 1972. Báo cáo ngày 15.4.1970 của Trung tâm cải huấn Côn Sơn cho biết, số tù nhân lúc đó là 9.948 người, trong đó có 38 án tử hình. Sau khi có Hiệp định Paris và đến cuối năm 1974, số lượng tù nhân lúc này ở Côn Đảo khoảng 8.000 người. Hầu hết họ là nhân chứng lịch sử của ngày giải phóng Côn Đảo.

2. Bộ máy kìm kẹp tại Côn Đảo trước ngày 30.4.1975 lên tới 1.535 người (gồm lính chủ lực, bảo an, truyền tin, hải quân, quân cảnh) do trung tá Lâm Hữu Phương chỉ huy. Ngoài ra còn 76 cảnh sát, 26 cố vấn Mỹ và chư hầu, 109 công chức các loại. 16h30 ngày 29.4, toán cố vấn Mỹ ở Côn Đảo rút chạy, đêm ấy, chúa đảo Lâm Hữu Phương tự lái xe chở vợ con qua Bến Đầm, bí mật xuống ca nô trốn ra tàu di tản, bỏ lại cả phương án tử thủ Côn Đảo và tay chân đang hoang mang, nhốn nháo.

Sáng 30.4.1975, đại úy Phạm Huỳnh Trung, chỉ huy phó đặc khu Côn Sơn triệu tập các sĩ quan, công chức quyền thế và đám gác ngục ác ôn trên đảo, cho khóa chặt các buồng giam, lên kế hoạch thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Nhưng tin Dương Văn Minh đầu hàng như sét đánh ngang tai khiến chúng suy sụp, kinh hoàng tháo chạy, cuộc di tản hỗn loạn trên đảo kéo dài tới nửa đêm 30.4.1975.

Bằng nhiều nguồn tin, anh em tù chính trị phán đoán trong đất liền nhất định có biến động lớn, nhưng không biết tình hình cụ thể ra sao. Ban lãnh đạo của các khu trại VII quyết định tổ chức trọng thể ngày Quốc tế Lao động 1.5 để phát huy uy thế của tù chính trị, đồng thời thăm dò phản ứng của địch.

Lúc 23h ngày 30.4, đại úy Kiều Văn Dậu dẫn đầu 1 nhóm (trong đó có đặc tình do ta cắm vào hàng ngũ công chức nhà lao Côn Đảo mang bí số T31) mở cửa phòng 24 khu H báo tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, bọn ác ôn trên đảo bỏ chạy hết, bọn an ninh trật tự gốc thường án, quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo, yêu cầu các anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự và đảm bảo tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo.

Radio được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe giọng đọc thân thương của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin giải phóng và nghe các nhật lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời CH miền Nam Việt Nam. Ngay sau phút giây sung sướng đến bàng hoàng, lực lượng tù nhân quyết định hành động, các cửa phòng được mở ngay tức khắc, tiếng reo hò nhanh chóng lan đi tất cả 8 khu trại. Tù nhân Côn Đảo được tự do hoàn toàn lúc 3h sáng ngày Quốc tế Lao động.

Đến trưa ngày 1.5, lực lượng cách mạng đã sở hữu nhiều vũ khí quân sự, thành lập một tiểu đoàn, chiếm sân bay Côn Sơn, thu 27 máy bay các loại. Tới 18h chiều, các cựu tù nhân chiếm giữ tiếp chi khu Bến Đầm và chiếm luôn đài Radar trên núi Thánh Giá, hoàn toàn làm chủ Côn Đảo.

Tại đất liền chiều cùng ngày, Trung tướng Lê Trọng Tấn, tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã bàn với các đơn vị quân đội giải phóng Côn Đảo. Trước hết là thông tin Chính phủ Dương Văn Minh đã đầu hàng, nếu không buông súng thì dùng pháo binh, trực thăng, xe tăng đổ bộ cường tập để giải thoát cho anh em.

Tối 2.5, ta cử máy bay bay thăm dò mấy vòng trên bầu trời Côn Đảo; tối 3.5 cử 3 người nhái từ tàu chiến đậu ở ngoài khơi vào trinh sát... nhưng không ngờ Côn Đảo đã tự giải phóng mà không mất một giọt máu.

Sáng 4.5, quân giải phóng đổ bộ lên đảo. 3h chiều, tại sân Chúa đảo, nay là trụ sở của Ủy ban Cách mạng, đã cử hành lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng trong tiếng reo hò vang dội. Khoảng 5h chiều thì đoàn cựu tù đầu tiên bao gồm các tử tù và những người bị bệnh lên tàu trở về đất liền. Tính đến ngày 25.5.1975, “đoàn chiến sĩ chiến thắng” đã được đưa về đất liền bằng 6 chuyến tàu với tổng số 3.780 người.

Pháp trường nhà tù Côn Đảo, nơi Anh hùng Võ Thị Sáu và nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị Pháp xử bắn. Ảnh: TTXVN
Pháp trường nhà tù Côn Đảo, nơi Anh hùng Võ Thị Sáu và nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị Pháp xử bắn. Ảnh: TTXVN

3. Ngày 27.8.1976, trở lại sau ngót nửa thế kỷ, TBT Lê Duẩn nói: “Hôm nay tôi ra thăm lại Côn Đảo. Năm 1931 tôi bị đế quốc Pháp đày ra đây. Từ đó đến nay đã 45 năm. Hồi ấy tôi mới 23, 24 tuổi mà nay đã gần 70 rồi. Tôi thật không ngờ được sống đến ngày nay. Bây giờ tôi biết nói với các đồng chí những gì đây?

Hồi đó, mỗi buồng khoảng 60, 70 mét vuông, địch nhốt đến 140 - 150 người. Chật chội và ngột ngạt đến mức phải thay phiên nhau để ai cũng được nằm gần cửa ra vào để thở một chút. Chất tươi thì thiếu thốn vô cùng, bởi ngày nào cũng cơm hẩm, cá nục, cho nên được ăn một quả ớt, hay một cọng rau xanh là sung sướng, khoan khoái lắm rồi. Khi tắm thì mỗi người chỉ vẻn vẹn một lon nước. (...)

Ở Côn Đảo, đồng chí Hiếu bị địch đánh đập, hành hạ nhiều quá, biết mình đau ốm không thể sống được, một hôm nhân lúc bên ngoài gửi vào cho một cái áo mới, đồng chí Hiếu không mặc mà đưa cho tôi và nói: “Tao sắp chết rồi, tao nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tao có chết trần truồng cũng không sao, áo đây mày mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”. (...)

Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, anh Tố Hữu viết “Chết còn cởi áo cho nhau” là nói về chuyện đồng chí Hiếu đấy. Do có tâm trạng, ý thức “tất cả vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng” cho nên tinh thần, trí tuệ, tâm hồn mới sáng trong như vậy. (...)

Vừa thoát khỏi chiến tranh, thiếu thốn mọi bề làm sao mà không khó được. Nhưng bây giờ là khó trong thắng lợi, khó trong bước tiến lên. Nhân dân ta làm chủ cả nước rồi, Côn Đảo đã trở thành hòn đảo tự do, đất đai, non nước, trời biển này, tất cả là của chúng ta, thì không có khó khăn nào mà ta không khắc phục được. (...)

Hạnh phúc không có nghĩa là sống xa hoa đâu, mà hạnh phúc cao nhất là làm chủ xã hội, là làm cho mọi người Việt Nam đều được ăn no, mặc ấm, ai cũng có nhà ở, cũng được học hành, cả xã hội có văn hóa cao và một phần cuộc sống tinh thần tươi vui, lành mạnh. Hạnh phúc là mọi người đều thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không ghen ghét, thù oán nhau, không làm hại lẫn nhau. (...)

Chúng ta hy vọng các em nhỏ hôm nay và ngày mai sẽ được đến thăm Côn Đảo và mỗi năm một nhiều. Các em sẽ tự hào về các bậc cha anh của mình, sẽ luôn xứng đang là lớp người kế tục rất mực trung thành những người đi trước, hơn nữa các em sẽ đưa đất nước ta đi xa hơn, cao hơn nữa trên con đường văn minh so với hôm nay.

Mong rằng các đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên ở đây hãy phát huy truyền thống của hòn đảo anh hùng, ra sức xây dựng đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam để chứng tỏ rằng dân tộc ta chẳng những là một dân tộc biết chiến đấu và chiến thắng mà còn là một dân tộc biết làm người”.

4. Trước ngày giải phóng, Côn Đảo chỉ có nhà tù, tháp canh và trại lính, phần lớn diện tích đất của đảo là rừng, số còn lại ít ỏi là đất nông nghiệp được chia thành các sở (rẫy, ruộng, củi, lò gạch, lò vôi...) với nhân lực là tù nhân lao động khổ sai.

Sau giải phóng, số công chức, giám thị và binh lính trên đảo còn lại 374 gia đình với 2.467 người, hơn 300 tù quân phạm, thường phạm được coi là những người lao động nghèo khổ, sống vì đồng lương của chế độ cũ, không phải là thành phần đối kháng với cách mạng.

Tổng cộng gần 4 ngàn quần chúng không có cơ sở kinh tế để kiếm kế sinh nhai, không biết lao động. Đến năm 1976 thì hầu hết mọi người ở Côn Đảo đều đã có việc làm, tích cực lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất, không còn phải cứu tế như trước nữa.

Sản lượng lúa từ vài trăm giạ mỗi năm lên 10 ngàn giạ năm; 11 chiếc ghe câu và 13 tàu cá mỗi năm đánh bắt được hàng ngàn tấn cá, giải quyết thức ăn tại chỗ và đưa về đất liền bán để có thêm kinh phí. Mù chữ cơ bản được xóa.

Với tinh thần dũng cảm và mưu trí, cán bộ, công nhân viên và các chiến sĩ công an là hành khách đi trên tàu Cửu Long 102, xuất phát từ bến Ninh Kiều, Cần Thơ đi Côn Đảo vào chiều ngày 24.9.1978 đã liên tục chiến đấu trong suốt 5h đồng hồ chống lại một số côn đồ đang thực hiện hành vi cướp tàu để vượt biên, tiêu diệt và bắt sống 18 tên, đưa tàu đến Côn Đảo an toàn. Chỉ riêng trong cuộc chiến này, 3 thủy thủ và 4 hành khách đã hy sinh.

Ngày 30.5.1979, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 5 đã ra Nghị quyết thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương. Côn Đảo trở thành địa bàn chiến lược trong nhiệm vụ thăm dò và khai thác dầu khí, góp phần bảo vệ công cuộc tìm kiếm và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam.

Năm 1986, ngành hải sản đã thu hoạch được sản lượng lớn cá thu làm hàng xuất khẩu và thu được ngoại tệ (USD), đây là điểm khởi động tin cậy để hướng tới tương lai. Năm 1987, ý tưởng xây dựng Côn Đảo thành một đô thị kiểu đảo Thanh Niên của CuBa cũng đã được nhem nhóm, nhưng chưa có cơ hội thành hiện thực.

Việc để cho 4 tàu Thái Lan nhập cảnh vào đảo trái pháp luật tháng 12.1990 là một sơ hở về an ninh biên giới, khiến một số lãnh đạo Côn Đảo bị kỷ luật nặng nề. Đến đầu năm 1996, đội tàu vận tải của huyện gồm 2 tàu khách, trong đó tàu Hòn Cau 96 giường, tàu Bến Đầm 115 giường và hai tàu vận tải tổng trọng tải 160 tấn đã góp phần giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.

Thời điểm này, Liên doanh Vasco – Coimex – Pmc Jinwon (Hàn Quốc) được thành lập với dự án xây dựng một trung tâm du lịch phức hợp tại Côn Đảo với tổng giá trị đầu tư lên tới 290 triệu USD.

Khó có thể không nhắc tới cơn bão số 5 với sức gió giật trên cấp 12 bất ngờ đổ bộ vào Côn Đảo từ 8h30 đến 13h30 ngày chủ nhật 2.11.1997, nơi kinh nghiệm phòng chống bão gần như chưa có (vì trên 50 năm nay Côn Đảo không biết đến bão), lực lượng phòng chống bão quá mỏng, thông tin liên lạc bị cắt đứt với đất liền ngay từ đợt gió đầu tiên.

Hậu quả rất đau đớn: 28 ngư dân vãng lai chết, trong đó nhiều người không thể nhận dạng và tên tuổi; 167 người mất tích ngoài khơi; thiệt hại 199 tàu của ngư dân vãng lai; thiệt hại gần như toàn bộ tàu thuyền đang neo đậu tại Côn Đảo; gần 1.500 ngư dân vãng lai bị đắm tàu trôi dạt vào Côn Đảo; 241/502 nhà ở của nhân dân bị thiệt hại, trong đó có 48 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 80% của 7.000ha rừng vườn quốc gia Côn Đảo bị thiệt hại.

Hàng trăm tấn dầu, hàng ngàn tấn hải sản bị đổ xuống vịnh Côn Đảo và ngư trường xung quanh tạo thành một môi trường ngột ngạt không thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Nhiều tháng liền sau đó, rừng và biển Côn Đảo luôn ở trong tình trạng sẵn sàng bốc cháy.

Tới thăm Côn Đảo, khó ai có thể quên đi tù nhân Vũ Văn Hiếu với hình ảnh tiêu biểu của người cộng sản “Chết còn cởi áo trao nhau”; người thanh niên Lê Ngọc Hương không chịu cúi đầu với lời tuyên bố dứt khoát “Cái đầu của chúng tôi có thể rời khỏi cổ chứ quyết không chịu cúi”; người thiếu nữ Võ Thị Sáu ung dung ra pháp trường với câu nói khiến kẻ thù kinh sợ “Chúng tôi không có tội! Chính bọn thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội”...

Và hàng trăm, hàng ngàn người anh dũng hy sinh trong xà lim chuồng cọp đã vun đắp nên đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hàng vạn, hàng vạn lượt du khách đã tới đây để xem cỗ máy bạo lực khổng lồ từng tồn tại và có dịp suy ngẫm về “sứ mệnh”, “khai hóa văn minh” của người Pháp và “bảo vệ tự do” của người Mỹ, để rồi từ đó mà hiểu được cái giá các thế hệ tiền nhân đã phải trả cho độc lập, tự do của nước nhà.

Ngày nay, người chiến sĩ Võ Thị Sáu đã được nhân dân tôn thờ như một vị phúc thần của Côn Đảo. Côn Đảo không còn như xưa nữa, từ một vùng “đất chết” đã trở thành một quần đảo đầy hứa hẹn, như một chồi non vậm vạp khỏe khoắn bật lên xanh tốt từ tro tàn của những năm tháng đau thương và muôn vàn gian nan đè nặng.

“Mong rằng các đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên ở đây hãy phát huy truyền thống của hòn đảo anh hùng, ra sức xây dựng đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam để chứng tỏ rằng dân tộc ta chẳng những là một dân tộc biết chiến đấu và chiến thắng mà còn là một dân tộc biết làm người”.

(Cố Tổng bí thư Lê Duẩn)

nguyễn huy minh
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.