Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập những tờ báo cách mạng đầu tiên

Nguyễn Hữu Mạnh |

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy vinh quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà báo vĩ đại, người sáng lập những tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Bác Hồ luôn coi báo chí là phương tiện hiệu quả để vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả.

Báo chí cách mạng - vũ khí sắc bén của Bác Hồ

Bác Hồ từng khẳng định: Báo chí là một mặt trận, các nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Với tinh thần đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, bất cứ giai đoạn hay tình hình thế nào, Bác cũng quyết tâm sáng lập, chỉ đạo và phát hành những tờ báo cách mạng. Từ tháng 3.1922 khi còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1.1941, Bác đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam Độc Lập và Cứu Quốc.

Tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác sáng lập là Le Paria. Năm 1921, tại Pháp, Bác với bí danh Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số đồng chí thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và năm 1922 lập ra tờ Le Paria là cơ quan ngôn luận của Hội. Le Paria thực thi tinh thần giải phóng con người, số đầu tiên xuất bản ngày 1.4.1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên, vừa là biên tập viên chính kiêm việc quản lý, phát hành.

Trong thời kỳ đầu Le Paria ra mắt độc giả Pháp, mặc cho kẻ thù răn đe, rình rập, bất chấp hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã in truyền đơn cổ động dân chúng mua báo của mình, đem phân phát cho những người đến tưởng niệm các chiến sĩ công xã Paris đã hy sinh hơn 30 năm trước đó ở nghĩa trang Père Lachaise.

Báo Le Paria tồn tại tròn 4 năm (1922-1926). Khi Nguyễn Ái Quốc đã sang Trung Quốc hoạt động, báo Le Paria ra được 38 số với chủ đề chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Báo được bí mật chuyển về Đông Dương và các xứ thuộc địa của Pháp, thực sự làm tròn mục đích, tôn chỉ của tờ báo là “Vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người” như được nêu rõ trong số báo ra mắt ngày 1.4.1922.

Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định trên tờ truyền đơn: "Báo Le Paria là tờ báo của bạn! Báo dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra..., bạn đừng đợi gì mà không mua báo..., báo giúp bạn thoát khỏi nô lệ, báo sẽ phát hành sang các nước thuộc địa để dẫn dắt người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm trong một phong trào quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột, mà chúng ta là những người Cùng Khổ".

Tờ truyền đơn còn viết: "Chỉ có chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc - sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui hòa bình hạnh phúc... Xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa... tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới, lao động tất cả các nước đoàn kết lại!".

Khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam

Cuối năm 1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội với báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận. Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21.6.1925, đến tháng 4.1927 ra được 88 số bằng tiếng Việt. Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận. Báo Thanh Niên đã nêu rõ những mâu thuẫn gay gắt giữa dân ta với thực dân Pháp, khẳng định tính đúng đắn của con đường cách mạng chống con đường “cải lương”; xác định “lực lượng cách mạng” là “toàn dân”, trong đó Công Nông là nền tảng và cơ sở. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo. Báo Thanh niên xuất bản được 202 số, số đầu tiên ra ngày 21.6.1925, số 202 ra ngày 14.2.1930.

Báo Thanh Niên giúp nhân dân nhận rõ con đường cách mạng, xác định người làm cách mạng phải chịu hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng đắn, cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cần có các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức công - nông, và khẳng định cách mạng Việt Nam đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga thì mới giành thắng lợi. Với bút danh “Diệu Hương”, Nguyễn Ái Quốc đã có bài thơ in ở Báo Thanh Niên số 64: “Đã làm cách mạng chớ lôi thôi. Cách mạng thì ta cách đến nơi. Trước phải giành quyền cho cả nước. Sau ra cách mạng cả bầu trời”.

Tháng 12.1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 2.1927, báo Lính Kách Mệnh (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập. Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật từ năm 1922 đến năm 1929 do Bác sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một đảng cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị để lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930), Bác sáng lập tạp chí Đỏ xuất bản ngày 5.8.1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên mật thiết của các tờ báo Đảng như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... với nhiều bài viết, nhiều bút danh khác nhau. Bác cũng chấn chỉnh cơ bản và đổi tên báo Đồng Thanh thành tờ báo cách mạng với tên Thân Ái. Đầu năm 1941, Bác về nước, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương cho lập tờ báo Việt Nam Độc Lập (năm 1941) và báo Cứu Quốc (năm 1942).

Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2.1951, báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân) ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân Dân - một cơ quan ngôn luận thiết thực hơn, gần gũi hơn, sâu rộng hơn. Số đầu tiên ra ngày 11.3.1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình: từ số 1 ngày 11.3.1951 đến số 5526 ngày 1.6.1969, Bác đã gửi tới và được đăng 1.206 bài viết trên báo Nhân Dân với 23 bút danh khác nhau.

Những tờ báo cách mạng đầu tiên của Bác Hồ không chỉ là những trang sử hào hùng của báo chí Việt Nam mà còn là những trang sử vàng của dân tộc, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những tờ báo ấy không chỉ phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nhà báo tiếp nối con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mở, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng vững mạnh, trung thực và vì nhân dân.

Hiện nay, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Vào năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chính, bên cạnh đó là 127 cơ quan báo chí, 671 cơ quan xuất bản tạp chí (trong số đó có 319 tạp chí khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật), và 72 đài phát thanh và truyền hình.

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

VƯƠNG TRẦN - PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH BẮC* |

Những ngày tháng 5 lịch sử, với nhiều hoạt động thi đua yêu nước sôi nổi, cả đất nước lại nhớ về Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tưởng nhớ và kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2024). Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo, động viên sức mạnh toàn dân tộc, lôi cuốn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Minh Hạnh |

Sáng 6.2, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - làm trưởng đoàn đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

VƯƠNG TRẦN |

Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc sẽ được tổ chức trang trọng vào ngày 11.6.2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023). Đây chính là những nhân tố điển hình xuất sắc đang khơi dậy những khát vọng mạnh mẽ về xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội đất nước, bảo vệ Tổ quốc theo đúng định hướng của Nghị quyết XIII của Đảng.

Hôm nay, Quốc hội bắt đầu bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước

PHẠM ĐÔNG |

Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước ngay trong ngày họp đầu tiên, vào cuối giờ sáng 20.5.

Nhan sắc đời thường của Hoa khôi bóng chuyền VTV9 Bình Điền - Chen Peiyan

MINH PHONG |

Vượt qua nhiều gương mặt như Kiều Trinh, Miao Yiwen, Lữ Thị Phương hay Lan Vy... ngoại binh Chen Peiyan của VTV Bình Điền Long An xuất sắc giành danh hiệu Hoa khôi giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền 2024.

Man City làm nên lịch sử với chức vô địch Premier League thứ 4 liên tiếp

An An |

Diễn biến của Premier League qua các vòng đấu trong 4 mùa giải gần đây có thể khác nhau, nhưng kết quả chung cuộc không hề thay đổi - Man City là nhà vô địch.

Diễn biến xấu vụ rơi trực thăng, tính mạng Tổng thống Iran gặp nguy hiểm

Thanh Hà |

Trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị rơi ngày 19.5 khi bay qua địa hình núi trong sương mù dày đặc.

Du lịch hè 2024: Tour ngoại đắt khách, tour nội địa vẫn "né" vé máy bay

thanh chân |

Mùa du lịch hè 2024, tour nước ngoài sẽ chiếm lợi thế ở thị phần khách lẻ, khách nhóm gia đình.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

VƯƠNG TRẦN - PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH BẮC* |

Những ngày tháng 5 lịch sử, với nhiều hoạt động thi đua yêu nước sôi nổi, cả đất nước lại nhớ về Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tưởng nhớ và kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2024). Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo, động viên sức mạnh toàn dân tộc, lôi cuốn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Minh Hạnh |

Sáng 6.2, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - làm trưởng đoàn đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

VƯƠNG TRẦN |

Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc sẽ được tổ chức trang trọng vào ngày 11.6.2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023). Đây chính là những nhân tố điển hình xuất sắc đang khơi dậy những khát vọng mạnh mẽ về xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội đất nước, bảo vệ Tổ quốc theo đúng định hướng của Nghị quyết XIII của Đảng.