Ca trù Cổ Đạm

PHAN THẾ CẢI |

Nếu như ở Bắc Ninh có quan họ thì vùng đất Nghi Xuân - Hà Tĩnh của Tướng quân Uy viễn Nguyễn Công Trứ lại là cái nôi ca trù. Ca trù Cổ Đạm đã làm say đắm bao tao nhân mặc khách. Trên đất Nghi Xuân nay vẫn xuất hiện nhiều đào nương mới trẻ trung kế nghiệp.

Hỡi người xưa của ta nay

Theo “Đại Nam sử ký” thì làng Cổ Đạm (xã Xuân Hoa - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã có cách đây hơn bốn ngàn năm, riêng ca trù hay còn gọi là hát ả đào xuất hiện từ thế kỷ thứ XVI. Làng Cổ Đạm xưa là một làng yên ả, thanh bình. Có những dòng suối nhỏ "nước ngâm trong vắt" và trông ra xa là "Cát vàng cồn nọ" là những ngọn núi hồng vờn mây ngũ sắc, giống như "chốn bồng lai tiên cảnh". Mùa xuân lễ hội dập dìu, nhiều gái làng Cổ Đạm "Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen". Ca trù được hiện hình từ ánh mắt, từ tình yêu hay từ cội nguồn nhân nghĩa của xứ sở này. Theo truyền thuyết, thuở xưa có một người đàn ông tên là Đinh Lễ xuất thân từ con nhà nghèo ở làng Cổ Đạm. Đinh Lễ càng lớn càng khỏe mạnh và học hành rất sáng dạ. Do có công "dùi mài kinh sử", nên qua các kỳ thi ông đỗ đạt cao. Tuy thế Đinh Lễ không màng danh lợi và ghét thói nịnh thần, nên ông không chịu ra làm quan. Bản tính phóng khoáng, ông thích những chuyến du sơn, du thủy để mượn cảnh đề thơ. Vào một buổi chiều thu lúc mặt trời sắp tắt nắng, Đinh Lễ đang ngồi duỗi chân trên mỏm đá ở đỉnh núi cao, bất ngờ thấy một ông lão phúc hậu, tóc và râu đều bạc như cước tiến về phía mình.

Tiếng hát ca nương thu hút lòng người.

Ông lão vui vẻ nói: "Ta là người từ trên trời xuống đây, ta biết con từ lâu thích cầm, kỳ, thi, họa, vậy ta cho con khúc gỗ bằng cây ngô đồng này, đẽo thành một cây đàn đáy. Có cây đàn huyền diệu con sẽ mang tiếng hát và niềm vui đến cho mọi người". Nói xong, ông lão biến mất. Đinh Lễ cảm thấy lòng xốn xang, đưa cây gỗ về nhà và hì hục gọt đẽo thành đàn đáy. Đinh Lễ lấy tay gõ nhẹ, tiếng đàn đáy ngân lên một thứ nhạc kỳ lạ, không lảnh lót réo rắt mà nhẹ nhàng khoan thai, trầm trầm thấm sâu vào lòng vào dạ. Đinh Lễ vừa đàn, vừa hát những bài thơ của mình. Chẳng bao lâu tiếng tăm Đinh Lễ "người đàn và hát hay" nổi khắp làng khắp nước. Một hôm Đinh Lễ đưa bạn bè đi hát chơi ở Thanh Hóa thì được tin công chúa Bạch Hoa con vua bị cảm. Nhà vua bèn sai lính ra mời chàng đến hát, để giải sầu cho công chúa. Ai ngờ nghe xong tiếng đàn và giọng hát của Đinh Lễ, công chúa mặt ửng hồng và nàng trở lại với giọng thỏ thẻ oanh vàng. Nhà vua mừng rỡ khôn xiết thưởng cho Đinh Lễ rất hậu và tiếp tục mời Đinh Lễ hát cho vua và hoàng hậu cùng các quan trong triều cùng nghe. Thế là nguồn gốc khởi nghiệp ca trù bắt đầu từ đấy. Cho tới bay giờ tại làng Cổ Đạm vẫn còn đền thờ ông Đinh Lễ.

Ở làng Cổ Đạm từ xa xưa đã hình thành các giáo phường hát ca trù, người ta gọi là giáo phường ty Cổ Đạm. Cổ Đạm thành trung tâm của 4 phủ, 12 huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi đất nước thanh bình hay gặp thời binh lửa, đói rét, loạn lạc, món ăn tinh thần này vẫn không thể thiếu được trong lòng nhân dân. Ngoài cái chung của vùng văn hóa Nghệ Tĩnh là hát dân ca, hò, vè, ví dặm... vùng đất Nghi Xuân vẫn có nét đặc trưng riêng. Ví phường nón, hát chèo Kiều Tiên Điền, Xuân Mỹ, hát bội, hát tuồng cua Xuân Hội, Xuân Giang, Xuân Thành… , nhưng nổi trội nhất và có "chất men" nhất vẫn là hát ca trù của giáo phường ty Cổ Đạm. Ca trù Cổ Đạm bắt đầu từ hát thôn làng, sau đó vươn tới hát cung đình, cửa đình và "bén rễ" vào các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thái Bình. Các đào, kép Cổ Đạm thường được mời đi truyền nghề hoặc đi hát ở các nơi: Hát lễ thần (hát cửa đình) hát hầu ở các quan (hát cửa quyền) và hát ở hội hè đình đám. Ngày thường họ ở nhà cày cấy, làm ăn, con gái trong giáo phường lớn lên đều biết hát, và tham gia cùng hội đi hát cho đến lúc lấy chồng. Những đào hát, kép đào nổi tiếng thì hành nghề cho tới lúc già. Các đào nương ở đây người đẹp, hát hay, do nghề nghiệp được đi đây, đi đó giao du rộng nên quen nếp thanh nhã. Vào dịp giỗ tết hàng năm, giáo phường Cổ Đạm nao nức đón các giáo phường bạn bè từ muôn phương, về hội đền xứ. Ngoài các cuộc hát chầu, hát thì ở đền còn có những cuộc gặp gỡ bầu bạn, cùng hát và trao đổi nghề nghiệp trong từng gia đình đào nương kéo dài hàng chục ngày liền.

Tên tuổi và tài năng của họ đã được hiển hiện qua sử sách và truyền ngôn, ấy là nàng Nguyệt có nhan sắc quyến rũ, có giọng hát hay, nhưng phải sống cuộc đời đào nương lênh đênh mất trong cảnh nghèo khổ cô đơn ở Triều Khẩu. Ấy là chị Khang, một đào nương nổi tiếng thời kỳ 1936 - 1939, nhưng đã "đứt gánh tương tư" với người chồng ở cố đô Huế, ôm con về nhập với ả đào Cổ Đạm ở Vinh để kiếm sống. Lịch sử chẳng bao giờ quên người hát ca trù hay và cũng là người sáng tác các tác phẩm ca trù tuyệt tác - Nguyễn Công Trứ. Vào những năm đầu năm 1820, khi chưa làm quan, Nguyễn Công Trứ đã từng là một "kép đàn" giỏi của giáo phường Cổ Đạm. Những lần tham gia cùng gánh hát với người đẹp Huệ Thư, trái tim phiêu lãng của Tướng công Uy Viễn đã được đào nương. Nguyễn Công Trứ cố làm ngơ, nên mới có câu chuyện giai thoại về mối tình này: "Giang san một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên (ư hự) anh hùng nhớ không?”.

Khúc vui xin lại so dây cùng người

Tôi nhớ một lần xem bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, mở đầu bộ phim hay này là hình ảnh một bà mẹ già đến thăm con mình và đứng bên "miệng hố bom", hát ca trù cho cả đại đội TNXP nghe. Hát xong, bà mẹ móm mém cười, rồi đưa trầu têm cánh phượng ra ăn. Người mẹ trong phim và người mẹ ngoài đời, đó là nghệ nhân Phan Thị Mơn (quê ở Làng Cổ Đạm).

"Bây giờ thì mẹ Mơn đã cùng với cố nhân xưa ở cõi vĩnh hằng rồi. Lúc mẹ Mơn còn sống, không có tuần nào lớp trẻ yêu ca trù ở huyện Nghi Xuân không tới nhà mẹ để mẹ dạy hát ca trù. Thể loại đặc biệt này khó tập lắm, nếu không có những người hát hay và giàu kinh nghiệm như mẹ Mơn thì khó truyền nghề cho hậu duệ được. Công mẹ Mơn lớn lắm đó, càng nghĩ chúng em lại càng khâm phục và kính trọng mẹ". Chị Phan Thị Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa Nghi Xuân, bùi ngùi nhắc lại.

Cách đây 20 năm, ông Nguyễn Ban lúc đó làm Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, đã mạnh dạn đề xuất với ngành văn hóa Hà Tĩnh nên "dựng lại nghiệp ca trù”. Lập tức ý kiến của ông Ban được ngành văn hóa ủng hộ. Một cuộc hội thảo có các giáo sư, nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong nước được diễn ra tại huyện Nghi Xuân, nhằm khẳng định lại di sản văn hóa phi vật thể này, lấy lại những gì đã phôi pha theo thời gian và nhen lên một niềm yêu mới.

Chị Cảnh tâm sự với tôi: "Hồi nớ vất vả lắm, em cùng anh Tuấn, chị Vân đạp xe cà tàng tới nhà mẹ Mơn. Chúng em mang thêm mỗi người một chiếc bánh chưng nhỏ bằng nắp chuông xe để ăn trưa, rồi tập hát ca trù cho tới tối mịt mới về. Lúc nớ mình đã nghèo mà gia đình mẹ Mơn lại càng nghèo. Chẳng ai cho mẹ được đồng tiền nào, nhưng không hiểu sao mẹ Mơn lại nhiệt tình và dày công xây dựng nên lớp đào nương mới như vậy". Làng Cổ Đạm, lúc bấy giờ bà Phan Thị Hằng, Phan Thị Nga, Trần Thị Gia cũng thuộc diện "nghệ nhân sáng giá" của làng, được Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân vận động tham gia cùng mẹ Mơn dạy cho lớp trẻ học ca trù.

Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm, nhiều tối các ca nương lại tụ tập trải chiếu, ra giữa sân trăng vằng vặc, rồi mở băng đĩa ra nghe và tập lại nội dung mà các nghệ nhân đã hướng dẫn mình. Mưa dầm, thấm lâu, những lớp học đầu tiên được mẹ Mơn huấn luyện lần lượt trở thành ca nương "hát hay, đàn giỏi". Riêng chị Phan Thị Cảnh trong quá trình "đeo đuổi nghiệp ca trù", không chỉ truyền dạy tiếp cho những ca nương mới, chị còn sưu tầm được 21 làn điệu ca trù, 70 bài thơ cổ trên đất Cổ Đạm, ở tất cả các làn điệu. Sưu tầm và phục dựng, thành công 3 điệu múa: Tứ quý, Chúc Hổ, Nhịp 3 cung Bắc, đưa vào biểu diễn phục vụ công chúng.

Năm 1995, Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân được UBND huyện Nghi Xuân và Sở Văn hóa Du lịch Hà Tĩnh cho phép thành lập Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm. Đây là câu lạc bộ ca trù được tập hợp lực lượng ca nương, kép đàn cả ba thế hệ gồm 60 người. Thế hệ thứ nhất những người cao tuổi, thế hệ thứ hai lớp thanh niên, thế hệ thứ ba từ 9 tuổi đến 14 tuổi đang học tại trường tiểu học và trung học. Năm 1998, Câu lạc bộ ca trù của Trung tâm văn hóa du lịch huyện Nghi Xuân chính thức ra mắt gồm 20 người. Đây là đội ca trù được tuyển lựa tinh chất nhất gồm những “hạt nhân” đã được phát hiện qua các kỳ thi hội diễn văn nghệ trên địa bàn huyện và một số cán bộ chuyên ngành văn hóa huyện. Ông Bùi Tùng Phong nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, một vị lãnh đạo luôn luôn đau đáu với văn hóa phi vật thể, đặc biệt hát ca trù. Ông Phong bảo: “Chính tôi đã về làng Cổ Đạm và tới một số xã trên đất Nghi Xuân để tìm lại dấu tích các “nhà trò” mà các ca nương hát thuở xưa để tiếp tục phục chế lại “Nhà trò” mới trên nền đất cũ, dù ý tưởng đó chưa thực hiện được vì hồi đó khó khăn, huyện khó khăn về tài chính quá, đời sống dân lại nghèo.

Nhưng tôi cũng có một phần đóng góp, tổ chức thành công cuộc hội thảo ca trù. Động viên được các nghệ nhân giỏi ở làng Cổ Đạm truyền nghề cho câu lạc bộ ca trù đi tham gia biểu diễn toàn quốc dành được nhiều giải huy chương vàng, huy chương bạc”.

Còn ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch trẻ của UBND huyện Nghi Xuân, người cũng dành trái tim lớn cho “nhịp gõ” ca trù, ông Nam khẳng định: Muốn Nghi Xuân rạng danh đất văn hóa, đất đại thi hào Nguyễn Du, không thể xem nhẹ và lãng quên sản phẩm văn hóa dân gian, vốn quý giá ngàn đời cha ông để lại. So với 15 năm tỉnh thành có di sản ca trù trên cả nước thì huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã được cấp trên đánh giá là địa phương tổ chức tốt các hoạt động và phát huy nghệ thuật ca trù tốt nhất”.

Vì sao ông chủ tịch huyện đặt lạc quan vào ca trù, bởi ông tin từ thực tế ở huyện mình. Sau hàng chục năm trời dày công xây dựng, các câu lạc bộ ca trù huyện Nghi Xuân đã tạo ra một lớp ca nương, kép đàn như Trần Văn Đài, Dương Thị Nết, Cao Thị Phương Anh, Phan Thị Sâm, Phan Thị Trang, Nguyễn Thị Thu Hà. Đặc biệt xuất hiện vợ chồng kép đàn Trần Văn Đài và ca nương Dương Thị Xanh.

Từ ngày các kép, đào xuất hiện trước công chúng thì âm hưởng thể loại âm nhạc này dần dần lấy lại vị thế và có sức lan tỏa với nhiều du khách. Không ít những du khách nước ngoài đã mời câu lạc bộ ca trù huyện đến biểu diễn tại Nhà thờ Nguyễn Công Trứ và họ xem không ngớt lời tán thưởng. “Xuân đến, xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình chia sẻ chút con con” mùa xuân này tại nhà thờ và nhiều sân chiếu khác “nhịp phách” lại ngân lên giữa muôn màu áo của tao nhân mặc khách, biết đâu hương hồn Nguyễn Công Trứ sẽ mỉm cười và uống rượu, ngâm thơ.

PHAN THẾ CẢI
TIN LIÊN QUAN

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.