Người nông dân “nâng tầm” bưởi Tân Triều ở Đồng Nai

Minh Châu |

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đặc sản bưởi Tân Triều (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), đến khi trưởng thành tiếp tục nối nghiệp gia đình trở thành người nông dân trồng bưởi có tiếng, nhưng khi tuổi đã ngoài “tứ tuần” anh Ngô Văn Sơn (47 tuổi) vẫn còn nhiều trăn trở với nghề, với quê hương. 

Anh Sơn cho rằng, bưởi Tân Triều có độ ngon vượt trội so với bưởi ở những vùng đất khác, nhưng người trồng bưởi ở Tân Triều quê anh vẫn chưa giàu lên được từ bưởi. Giá trị của mỗi trái bưởi còn thấp và lên xuống thất thường theo thời tiết.

Vì vậy, anh Sơn quyết tâm tìm hướng đi để nâng cao giá trị và thương hiệu bưởi Tân Triều bằng cách tạo cho trái bưởi thêm những dáng hình độc đáo, bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng.

Khát vọng nâng tầm bưởi Tân Triều

Làng bưởi Tân Triều nằm gọn trên một cù lao, ở đoạn sông Đồng Nai chảy qua rẻo cuối huyện Vĩnh Cửu để vào TP. Biên Hòa. Nơi đây trồng nhiều giống bưởi như bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi xiêm, bưởi bà Vân… Và nơi đây cũng đã nuôi dưỡng người nông dân Ngô Văn Sơn lớn lên từng ngày.

Trong ký ức tuổi thơ của anh Sơn đầy ắp những hình ảnh vườn bưởi xanh bạt ngàn và thơm đến nức mũi vào những đêm khuya vắng. Ở đó, có dánh hình những người nông dân là cha, là chú của anh Sơn, đang cần mẫn hàng ngày bên gốc bưởi để tạo ra những trái bưởi đặc sản mang thương hiệu bưởi Tân Triều của tỉnh Đồng Nai.

Cũng từ nơi đây, ngay từ nhỏ anh Sơn đã được tiếp xúc với nghề trồng bưởi của cha ông. Đến nay, anh Sơn đã có ngót hơn nửa đời gắn bó với cây bưởi. Theo anh Sơn, chất lượng trái bưởi Tân Triều, dù là bưởi da xanh hay bưởi đường lá cam đều vượt trội hơn trái bưởi ở những nơi khác. “Ngọt thanh, đậm không lẫn vào đâu được, càng ăn chậm lại càng cảm nhận sự khác biệt” – anh Sơn cho biết.

Nặng tình với quê hương, với cây bưởi đã nuôi anh lớn, nhìn những người nông dân trồng bưởi quanh năm vất vả nhưng cuộc sống vẫn không giàu lên được, anh Sơn đã tìm cách để thay đổi điều đó.

Anh Sơn kể về hành trình đưa bưởi Tân Triều vươn lên tầm cao mới trong 17 năm rằng, anh đã bắt đầu với nghề trồng bưởi cũng như bao người nông dân khác ở làng bưởi Tân Triều, trên mảnh đất hơn 2ha do ông bà để lại, anh đã sử dụng những kỹ thuật học được và những kinh nghiệm do ông cha truyền lại để trồng bưởi, và cứ năm này qua năm khác, các gốc bưởi ngày càng có nhiều năm tuổi và chất lượng trái bưởi của vườn anh Sơn cũng ngày càng chất lượng hơn.

Ngon và lạ đến vậy, thế nhưng người trồng bưởi Tân Triều vẫn cứ sụt sùi theo từng cơn “nóng lạnh” của thời tiết và cả sự o ép của thương lái. “Trồng và chăm sóc cây bưởi thì cực khổ và khó khăn. Thế nhưng năm nào ông trời thương thì giá lại thấp, năm nào nắng mưa thất thường, bưởi đậu ít, giá cao thì lại không có bưởi để bán”, anh Sơn chia sẻ.

Cũng bởi sự bấp bênh của nghề trồng bưởi, anh Sơn luôn ấp ủ cho mình một khát vọng nâng tầm bưởi Tân Triều để những người nông dân như anh có thể làm giàu lên từ cây bưởi truyền thống.

Ấp ủ mãi, nhưng chưa tìm được lối ra cho bưởi Tân Triều, anh Sơn kể: “Năm 2011, tôi có một nhóm bạn ở miền Tây Nam Bộ, nhiều lần xuống đó chơi tôi thấy họ tạo hình nên những trái bưởi mang hình hồ lô, tôi thấy nó quá độc đáo và lại bán được giá cao nên tôi nghĩ rằng đây có thể là lối ra cho trải bưởi ở quê hương mình, tôi quyết định học theo.

Cứ nghĩ là thắt ngang trái là sẽ ra trái bưởi hồ lô nên khi về tôi lấy dây kẽm thắt các trái bưởi trong vườn. Thế nhưng, sau 1 tháng phần trên trái bưởi thì ra hình còn phần dưới thì chả thấy hồ lô đâu”.

Sau năm đầu thất bại với hàng chục trái bưởi “tạo hình” dị dạng, anh Sơn quyết định “khăn gói” về miền Tây học nghề. Tìm đến vườn bưởi của ông Võ Trung Thành, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) – là “cha đẻ” tạo hình từ những trái bưởi tròn thành bưởi hồ lô để học nghề.

Mất cả năm ròng rã vừa học vừa thực hành, bỏ ra hơn 60 triệu đồng để làm khuôn, chữ, dây cột nhưng đến khi làm vẫn bị thất bại. Nguyên nhân là do giống bưởi Tân Triều nhỏ nên không vừa khuôn đã đặt, vì vậy phải thay khuôn liên tục. Bên cạnh đó, kỹ thuật siết eo bưởi vẫn chưa chuẩn nên hình hồ lô không cân đối. Có mùa Tết anh Sơn chỉ có 20/250 cặp bưởi đạt yêu cầu.

Anh Sơn quyết định mời thêm một giảng viên Đại học Cần Thơ nhiều kinh nghiệm trong ngành cộng tác cùng mình. Được sự hướng dẫn của chuyên gia cùng những kinh nghiệm đúc rút sau 2 lần thất bại, thành công bước đầu đã đến với anh.

Tết nguyên đán 2014, hơn 700/1.000 quả bưởi anh chọn để tạo hình hồ lô được anh xuất bán, không những giúp anh gỡ gạc lại ít vốn liếng mà còn cho anh thêm niềm tin để tiếp tục thực hiện khát vọng của mình.

Đến nay, ngoài bưởi chính vụ thu nhập quanh năm, mỗi dịp lễ, Tết đến anh lại cho ra đời sản phẩm bưởi hồ lô bán ra thị trường với giá trị gấp 10 lần bưởi bình thường, thu về hàng trăm triệu đồng. Từ đây, bưởi Tân Triều cũng đã có thêm một lối ra để giúp giá trị quả bưởi được nâng cao rõ rệt. 

Nông dân Ngô Văn Sơn đang tạo hình cho bưởi Tân Triều.
Nông dân Ngô Văn Sơn đang tạo hình cho bưởi Tân Triều.

Bưởi tứ quý tài lộc, bưởi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Không chỉ tạo dáng hình cho bưởi như quả hồ lô, anh Sơn còn sáng tạo thêm các dòng chữ Tài, Lộc bằng tiếng Việt, và bưởi in hình bản đồ Việt Nam gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Về kỹ thuật tạo hình bưởi hồ lô, theo anh Sơn ngoài việc tốn công sức nhiều hơn so với làm bưởi bình thường thì khâu chọn quả để tạo hình cũng như định hình hồ lô là quan trọng nhất. Đối với quả bưởi được chọn để tạo hình phải lựa chọn trái ở những cây bưởi đang thời kỳ sung sức để sau này trái bưởi phát triển ổn định. Trái được chọn cũng phải có những tiêu chuẩn nhất định như độ đồng đều, vị trí cuống trên trái cân đối sao cho sau này tạo được “nút bần” trên quả hồ lô.

Do đó trên một cây may mắn lắm chỉ chọn được vài trái. Đó là chưa kể đến những chùm bưởi hồ lô “Đồng sanh”, “Tam tài lộc ẩn”, “Tứ quý tài lộc”, tức những chùm bưởi gồm 2, 3 hoặc 4 trái thì việc lựa chọn được càng khó khăn hơn.

Sau khi đã chọn được những trái bưởi ưng ý, khâu tiếp theo quyết định sự thành bại của việc tạo bưởi hồ lô là định hình cho quả bưởi. Khi quả bưởi được khoảng 2 tháng tuổi thì anh bắt đầu định hình cho trái bưởi bằng cách thắt vòng dây ở giữa trái để có được hình hồ lô. Khoảng 3 tuần sau khi định hình thì đến công đoạn vào khuôn hình hồ lô cho quả bưởi đến lúc thu hoạch. Trong quá trình này đòi hỏi người trồng hàng ngày phải uốn nắn để quả bưởi cân đối trong khuôn cũng như phát hiện kịp thời sâu bệnh nhất là tránh cho ong vàng chích trái.

Đặc biệt để tăng giá trị cho quả bưởi hồ lô thì việc tạo những chữ như: “Phát – Tài - Lộc” cũng là điều rất quan trọng. Riêng việc tạo ra loại sơn để sơn vào các chữ cái này trên khuôn tôi cũng phải mày mò hơn 2 năm bởi không ai chia sẻ cho bí quyết này. Loại sơn này phải làm sao ngăn những phần được che trên trái bưởi không hấp thụ được ánh nắng mặt trời để tạo ra màu vàng trên nền trái bưởi lại vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển của trái bưởi nên tạo ra nó cũng rất kỳ công.

Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm anh Sơn lại tung ra thị trường một tạo hình mới trên quả bưởi. Năm 2014 cũng trên bưởi hồ lô nhưng có in thêm các chữ “tài, lộc, phát tài, phát lộc”. Năm 2015, lần đầu tiên anh cho ra mắt sản phẩm bưởi có in hình bản đồ Việt Nam. Và mùa Tết vừa qua, anh Sơn cũng tạo hình bưởi hồ lô bản đồ nhưng đầy đủ hơn, chi tiết hơn với tên các đảo và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Toàn bộ những tạo hình này đều do anh tính toán chi tiết kích thước, hình dáng rồi đặt hàng nhà sản xuất. “Năm nay mới nhất là bưởi Tân Triều hình thỏi vàng in chữ tài, lộc, phát”, anh Sơn chia sẻ về sản phẩm mới nhất của mình.

Hiện nay, anh Ngô Văn Sơn cũng đang thử nghiệm việc trồng bưởi hồ lô bonsai. “Trên cây hàng trăm quả, chọn ra quả có thể tạo dáng hồ lô cũng đã khó. Giờ đưa cây vào chậu, chăm cho cây ra quả rồi tạo hình còn khó hơn. Hiện, nhiều chậu bưởi hồ lô bonsai đã thành công nên trong năm tới, dự tính anh Sơn sẽ bắt đầu chào hàng mẫu sản phẩm mới này ra thị trường.

Cũng theo anh Sơn, mỗi quả bưởi tạo hình có giá bằng cả chục (12 quả) bưởi thường nên với khoảng 400 quả bưởi “tạo hình” mỗi mùa Tết cũng giúp anh có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, dù có giá trị thì quả bưởi Tân Triều “tạo hình” vẫn rất kén người mua.

“Mỗi quả giá cả triệu đồng nên không phải ai muốn cũng mua được”, anh Sơn nói. Cũng chính bởi vậy, khao khát lớn nhất của người nông dân này vẫn là làm sao có được đầu ra ổn định cho quả bưởi Tân Triều nói chung.

“Bưởi Tân Triều giờ đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Giờ nông dân tụi tui chỉ muốn có một doanh nghiệp nào đó về bắt tay cùng để chúng tôi sản xuất, họ bán. Ổn định đầu ra, người nông dân mới yên tâm gắn bó với cây bưởi”, anh Sơn tâm tư.

Minh Châu
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.