Ghi nhận của Lao Động tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong những ngày này, lượng khách đến bến đang khá vắng vẻ, gần như các chuyến xe rời bến đều trong tình trạng chỉ chở trên dưới 10 hành khách. Phần lớn các chủ xe đều phải nhận thêm hàng hóa vận chuyển để có thêm thu nhập, chi trả chi phí cho các chuyến xe.
Thu không đủ bù chi, chủ xe bỏ tiền túi bù lỗ
Còn không đầy 3 giờ nữa là xe của anh Nguyễn Văn Đoán (chạy tuyến Hà Nội – TPHCM) xuất bến nhưng anh Đoán cho biết, xe của anh chỉ mới nhận được có 7 hành khách và một ít hàng hóa.
Theo chủ xe này, tình trạng vắng khách đã kéo dài trong nhiều tháng nay, gần như sau mỗi chuyến xe anh đều phải bỏ tiền túi ra bù lỗ.
“Chi phí cho mỗi chuyến xe 2 chiều ra vào là khoảng 50 triệu đồng, trong đó tiền dầu chiếm hơn một nửa (khoảng 26 triệu đồng), phần còn lại là chi phí cầu đường, bến bãi, ăn uống cũng như tiền nhân công cho anh em tài xế, phụ xe… trong khi hiện tại, mỗi chuyến xe gần như chỉ đón chưa được 10 lượt khách/chuyến với giá vé 750.000 đồng/người. Hàng hóa cũng không có nhiều nên gần như chuyến xe nào chúng tôi cũng lỗ, phải bỏ tiền túi ra để bù vào” - anh Đoán nói.
Theo anh Đoán, vắng khách cộng với giá dầu liên tục tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến việc kinh doanh vận tải trở nên khó khăn hơn ngày thường. Anh Đoán chia sẻ thêm: “Ngày xưa giá dầu thấp, 1 lít dầu khoảng 15.000 - 16.000 đồng nhưng giờ đã tăng lên trên 20.000 đồng. Giá dầu tăng cao khiến mỗi chuyến xe chúng tôi mất thêm khoảng 4 triệu đồng. Ngày trước, 4 triệu này cũng đủ để trả chi phí cho 1 người tài xế rồi”.
Lỗ cũng chạy để giữ mối
"Khách vắng, giá dầu lại liên tục tăng cao, vậy sao không tạm ngừng?" Trước câu hỏi của chúng tôi, anh Đoán cho rằng, đây là công việc và tính đến nay anh đã theo nghề xe hơn 10 năm, do vậy, dù khá khó khăn nhưng anh không muốn nghỉ, chỉ có thể cắt giảm số xe từ 4 chiếc xuống còn 1-2 chiếc hoạt động.
“Giá dầu tăng nhưng giá vé không được tăng theo, giá vé đã được niêm yết rõ ràng, không thể tăng tùy tiện được, có tăng thì cũng chỉ tăng giá chở hàng nhưng nhà xe lại không dám vì sợ mất khách. Xe thì nhiều, giá mình cao là khách họ tìm xe khác gửi liền nên trước giờ nhận giá sao thì giờ vẫn vậy, không dám tăng”, ông chủ xe tuyến Hà Nội - TPHCM tâm sự.
Tương tự tình trạng của anh Đoán, ông Võ Anh Tuấn (chủ xe Đồng Nai – TPHCM) cho biết, xe hơn 12h xuất bến nhưng trên xe chưa nhận được 1 hành khách nào. Đồng hồ lúc này đã điểm hơn 11h.
Khách vắng, giá dầu liên tục tăng cao khiến thu nhập của ông Tuấn giảm đi trông thấy. “Ngày xưa một chuyến xe đổ 700.000 đồng tiền dầu là đủ, giờ giá dầu tăng cao phải mất gần 1,3 triệu đồng/chuyến, trong khi giá vé vẫn không đổi là 56.000 đồng/lượt", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, thời cao điểm, ông luôn duy trì 20 chiếc xe chia ra chạy các khung giờ khác nhau trong ngày giữa TPHCM và Đồng Nai. Tuy nhiên, nay chỉ còn duy trì 1 chiếc do chính ông điều khiển. “Giá dầu mà còn tiếp tục tăng thì chiếc xe này cho về "đắp chiếu" luôn chứ không thể duy trì nổi nữa”, ông Tuấn tâm sự.
Trong khi đó, ông Mai Xuân Thuyền (một chủ nhà xe khác chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu) lại chấp nhận "lời ăn lỗ chịu" trong tình cảnh giá xăng dầu leo thang.
“Ngày xưa, một ngày mình cũng kiếm được 700.000 - 1 triệu đồng, nhưng từ đợt sau dịch, khách vắng đi trong khi giá dầu tăng lên, may ra chỉ kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhiều hôm vắng khách, hàng hóa ít thì chấp nhận lỗ", ông Thuyền nói.
Nói về lý do không tăng giá vé, ông Thuyền cho hay giá vé không thể tăng tùy tiện vì có hợp tác xã quy định. Hơn nữa, nhà xe muốn giữ khách hàng vì thời điểm này ngành nghề nào cũng đang bị ảnh hưởng bởi giá xăng tăng và dịch bệnh.
"Nếu mình tăng giá thì khách hàng sẽ chọn xe khác, lúc đó mình lại mất nhiều hơn được. Tôi chỉ mong xăng dầu hạ bớt hoặc bình ổn giá lại vì người dân hiện giờ ai cũng đang gặp khó khăn", ông Thuyền bày tỏ mong muốn.
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, đến thời điểm hiện tại, bến xe đã nhận được kê khai điều chỉnh giá vé của 20 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến. Theo quy định, các đơn vị sẽ phải gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải ở các tỉnh/thành phố. Sở GTVT là đơn vị xem xét mức giá. Tại bến, hiện có 138/153 đơn vị vận tải hoạt động, lượng khách bình quân khoảng 6.600 khách/ngày, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.