Ngày 10.3, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đã cung cấp thông tin về việc chấn chỉnh hoạt động kiểm soát giết mổ tại cơ sở, sau tuyến bài "Thâm nhập đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam" đăng trên Báo Lao Động.
Theo đó, ngày 30.03.2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM (Chi cục) đã tổ chức họp với đại diện các cơ sở giết mổ động vật về việc chấn chỉnh hoạt động giết mổ tại 15 cơ sở giết mổ, trong đó có Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng và Cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Sau khi trao đổi, thảo luận các tồn tại trong giám sát, quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ; việc xử lý động vật, sản phẩm động vật không đạt yêu cầu vệ sinh thú y; các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, Chi cục đã thống nhất đưa ra một số biện pháp chấn chỉnh hoạt động kiêm soát giết mổ đối với các chủ cơ sở giết mổ. Cụ thể như sau:
- Rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế, nội quy đối với hoạt động của cơ sở giết mổ, bao gồm thời gian hoạt động, trách nhiệm của người đại diện cơ sở, chủ ô giết mổ gia công, người trực tiếp giết mổ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, lực lượng bảo vệ và các yêu cầu đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở.
- Người đại diện cơ sở giết mổ phải có mặt thường xuyên và xuyên suốt quá trình hoạt động tại cơ sở (từ lúc bắt đầu hoạt động đến khi kết thúc ca giết mổ), để cùng phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y giám sát các hoạt động nhập, xuất động vật, sản phẩm động vật và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở. Cơ sở chỉ được hoạt động giết mổ khi có sự có mặt của chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp.
- Quản lý chặt chẽ tình hình nhập, xuất động vật, sản phẩm động vật tại cơ sở. Theo dõi và báo cáo số lượng xuất sản phẩm động vật của từng ô giết mổ cho nhân viên thú y sau khi kết thúc ca sản xuất.
- Thực hiện đúng các quy định về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thủ y trong quá trình giết mổ động vật; xử lý động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y (heo mệt, heo chết, phế phẩm...) theo sự hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y. Heo chết chỉ được xử lý vào cuối ca sản xuất.
- Có bảng tên thể hiện chức năng của từng khu vực: khu nhập gia súc, khu tồn trữ, khu giết mổ, khu trình khám, khu cách ly, khu hạ khẩn. Đồng thời, đảm bảo đủ điều kiện về ánh sáng, có camera giám sát các khu vực trên để phục vụ cho công tác kiểm tra hoạt động trước, trong quá trình kiểm soát giết mổ. Dữ liệu từ camera phải được lưu trữ tại cơ sở và trích xuất được thông tin trong thời hạn 30 ngày, nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Bố trí khu vực đậu xe riêng biệt với khu vực sản xuất. Có biện pháp kiểm tra, giám sát con người, dụng cụ chứa đựng và phương tiện vận chuyển đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chỉ có phương tiện vận chuyển chuyên dùng, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thủ y mới được phép vào khu vực giết mổ, để vận chuyển sản phẩm động vật.
- Bố trí khu vực hạ khẩn để hạ mổ các heo mệt, heo chỉ định giết mổ bắt buộc. Trường hợp cơ sở không bố trí được khu vực hạ khẩn, chỉ được giết mổ heo mệt, heo chỉ định giết mổ bắt buộc vào cuối ca sản xuất.
- Bố trí khu vực xử lý đốt huỷ riêng biệt, phía cuối cơ sở. Trường hợp cơ sở không bố trí được khu vực xử lý đốt huỷ, phải ký hợp đồng với tổ chức được cấp phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại. Việc xử lý phải có hồ sơ xử lý và bàn giao xử lý đầy đủ theo quy định.
- Đối với sản phẩm động vật chuyển mục đích làm thức ăn chăn nuôi, cơ sở phải có hợp đồng cụ thể với cơ sở tiêu thụ và lập sổ theo dõi, giám sát việc giao nhận. Đăng ký địa điểm của cơ sở tiêu thụ để cơ quan quản lý kiểm tra giám sát. Trường hợp không đăng ký địa điểm nơi tiếp nhận sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi, phải thực hiện tiêu hủy khi phát sinh trường hợp xử lý.
- Đăng ký giờ giết mổ bằng văn bản với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để bố trí sắp xếp nhân sự phục vụ cho hoạt động của cơ sở.
Trước đó, từ ngày 14.3, Báo Lao Động đăng tuyến bài điều tra "Thâm nhập đường dây kinh doanh thịt bẩn lớn nhất phía Nam", phản ánh việc một số cán bộ thú y đã tiếp tay cho đường dây cung cấp thịt bẩn này để tuồn heo chết ra ngoài tiêu thụ.
Theo đó, đối tượng “Biên Heo” - được xem là "ông trùm" trong đường dây cung cấp thịt bẩn này - đã thản nhiên lái xe ôtô ra vào nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, lò mổ heo tập trung lớn nhất TPHCM) để chở thịt heo chết đi tiêu thụ. Trong khi theo quy trình, những con heo chết trước khi nhập vào lò mổ buộc phải đưa đi tiêu hủy. Thế nhưng, một số cán bộ thú y tại đây đã không lập biên bản buộc đưa đi tiêu hủy mà để cho nhân viên lò mổ đem mổ thịt thủ công rồi giao cho “Biên Heo” đưa đi tiêu thụ.
Tương tự ở lò mổ tập trung Xuyên Á, một số cán bộ thú y không lập biên bản buộc đưa đi tiêu hủy những con heo bị chết, mà để cho nhân viên lò mổ tuồn heo chết ra ngoài cho các đầu nậu đưa đi tiêu thụ. Số heo chết này, sau khi được tuồn ra ngoài đã đem bỏ sỉ cho nhiều sạp bán thịt, quán ăn, lò sản xuất giò chả....
Tuyến bài cũng phản ánh, quanh khu vực phường 12, quận Gò Vấp (TPHCM) có nhiều lò mổ heo lậu. Mỗi ngày, khu vực này cung cấp ra thị trường nhiều thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có cả heo bệnh, heo chết và không qua kiểm dịch.
Sau khi báo đăng, UBND TPHCM và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo xử lý. Hiện nhiều cơ quan ban ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố, UBND Quận Gò Vấp, UBND Phường 12... cùng vào cuộc xử lý những vấn đề báo nêu. Những vấn đề báo phản ánh, đang được cơ quan chức năng TPHCM tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định.