Tại buổi họp báo định kỳ chiều tối 4.4, về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố cho rằng, liên quan đến tuyến bài điều tra "Thâm nhập đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam" đăng trên Báo Lao Động, thì trách nhiệm quản lý chính thuộc về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi thịt heo đã ra thành phẩm thì Ban Quản lý An toàn thực phẩm có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, khi vụ việc được Báo Lao Động phản ánh, thì UBND TPHCM đã có chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan vào cuộc xử lý.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM là địa phương hiếm hoi đã dẹp những lò giết mổ nhỏ lẻ để lập lò giết mổ tập trung. Thành phố cũng có đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, tuy nhiên vụ việc đường dây cung cấp thịt heo bẩn được Báo Lao Động điều tra, phát hiện này là bài học cho cơ quan chức năng để chấn chỉnh vấn đề này, đồng thời đặt ra vấn đề làm thế nào để quản lý và giám sát cán bộ thú y thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
"Chúng tôi cũng đã tiến hành triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, để bảo đảm cho con heo được quản lý từ trang trại đến nơi giết mổ và đưa ra tiêu thụ. Nhưng trong quá trình thực hiện, rõ ràng là chúng ta cũng vẫn phát hiện những trường hợp như Báo Lao Động đã phản ánh. Và phải nói là chúng tôi hết sức hoan nghênh và khâm phục các phóng viên điều tra đã lăn xả vào trong những chuyện này. Bởi vì rõ ràng sự việc nếu xảy ra như vậy, cho thấy có việc cố gắng che giấu và qua mắt cơ quan chức năng, đây cũng là một bài học để cho tất cả chúng ta, đặc biệt là cơ quan quản lý như chúng tôi phải làm sao để chấn chỉnh tình trạng này" - bà Lan nói.
Trước đó, từ ngày 14.3, Báo Lao Động đăng tuyến bài điều tra "Thâm nhập đường dây kinh doanh thịt bẩn lớn nhất phía Nam", phản ánh việc một số cán bộ thú y đã tiếp tay cho đường dây cung cấp thịt bẩn này để tuồn heo chết ra ngoài tiêu thụ.
Theo đó, đối tượng Biên Heo - được xem là "ông trùm" trong đường dây cung cấp thịt bẩn này - đã thản nhiên lái xe ôtô ra vào nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, lò mổ heo tập trung lớn nhất TPHCM) để chở thịt heo chết đi tiêu thụ. Trong khi theo quy trình, những con heo chết trước khi nhập vào lò mổ buộc phải đưa đi tiêu hủy. Thế nhưng, một số cán bộ thú y tại đây đã không lập biên bản buộc đưa đi tiêu hủy mà để cho nhân viên lò mổ đem mổ thịt thủ công rồi giao cho Biên Heo đưa đi tiêu thụ.
Tương tự ở lò mổ tập trung Xuyên Á, một số cán bộ thú y không lập biên bản buộc đưa đi tiêu hủy những con heo bị chết, mà để cho nhân viên lò mổ tuồn heo chết ra ngoài cho các đầu nậu đưa đi tiêu thụ. Số heo chết này, sau khi được tuồn ra ngoài đã đem bỏ sỉ cho nhiều sạp bán thịt, quán ăn, lò sản xuất giò chả....
Tuyến bài cũng phản ánh, quanh khu vực phường 12, quận Gò Vấp (TPHCM) có nhiều lò mổ heo lậu. Mỗi ngày, khu vực này cung cấp ra thị trường nhiều thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có cả heo bệnh, heo chết và không qua kiểm dịch.
Sau khi báo đăng, UBND TPHCM và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo xử lý. Hiện nhiều cơ quan ban ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố, UBND Quận Gò Vấp, UBND Phường 12... cùng vào cuộc xử lý những vấn đề báo nêu. Những vấn đề báo phản ánh, đang được cơ quan chức năng TPHCM tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định.