Đằng sau ca khúc 2 triệu lượt nghe, khiến nhạc sĩ Quốc Trung trào nước mắt

MINH ĐỨC (THỰC HIỆN) |

Nhạc sĩ Minh Cà Ri có những chia sẻ với Lao Động về nguồn cảm hứng và câu chuyện xúc động phía sau bài hát "Đến giờ cơm".

Ca khúc "Đến giờ cơm" mộc mạc, giản dị hát về bữa cơm gia đình của 2 em bé mồ côi được chia sẻ khắp mạng xã hội. Trong đó, nhạc sĩ Quốc Trung viết những dòng, "Lâu rồi... ai cũng nói to, ai cũng hét lên, ai cũng sợ nhạt, sợ thua. Lâu rồi tôi không được ăn cơm với bố và mẹ... nhớ trào nước mắt".

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với tác giả ca khúc "Đến giờ cơm", nhạc sĩ trẻ Minh Cà Ri.

Anh có bất ngờ với những thành tích mà "Đến giờ cơm" đạt được cho đến thời điểm hiện tại, với hơn 2 triệu lượt nghe và lọt top 3 thịnh hành YouTube?

- Đối với một người không theo trường lớp bài bản như tôi, việc "đứa con tinh thần" của mình đạt được những thành tựu tốt đến vậy thật sự khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên và phấn khởi.

Tôi tin rằng, ca khúc đã chạm đến trái tim của nhiều người, cũng như hy vọng vị trí của "Đến giờ cơm" trong lòng khán thính giả sẽ không thay đổi, kể cả cho tới khi ca khúc không còn nằm trên mục thịnh hành đi chăng nữa.

Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình nuôi lớn "Đến giờ cơm", từ bản demo được dùng trong một phóng sự trên đài truyền hình quốc gia đến bài hát mà Ái Phương thể hiện tại Làng Ngư Mỹ Thạnh?

- "Đến giờ cơm" được tôi chắp bút lần đầu vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3 năm 2022. Ban đầu, "Đến giờ cơm" chưa phải một ca khúc hoàn chỉnh, mà mới chỉ đơn thuần là một giai điệu dẫn dắt cảm xúc cho phóng sự "Hai đứa trẻ: Chuyến hồi hương đặc biệt".

Cho đến tháng 5 năm 2022, khi được nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền động viên hoàn thiện ca khúc để mang đến khán giả "Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân mùa 2", tôi dành ra một tuần để phát triển mạch truyện ban đầu, vừa nhằm giữ những ca từ sơ khai, cũng như sắp xếp mạch cảm xúc của bài hát nhằm dẫn dắt cảm xúc của thính giả đi theo đúng lộ trình tôi mong muốn.

Nhạc sĩ Minh Cà Ri Ảnh: Lê Ngọc Khánh
Nhạc sĩ Minh Cà Ri đang thành công với những bài hát gia đình mang chất liệu nhạc dân gian. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rất nhiều khán giả vương vấn mãi về câu chuyện trong bài hát, thậm chí mỗi người có một cách hiểu về gia đình Út (nhân vật trong bài hát). Anh nghĩ sao về điều này, có thuộc "lộ trình mong muốn" mà anh vừa nhắc đến?

Đó chính xác là mạch truyện, là thủ pháp tương phản mà tôi lồng ghép vào từng câu chữ, mong muốn khán thính giả cảm nhận được.

Họ bắt đầu với khung cảnh đơn sơ rất đỗi thân thuộc với căn nhà tranh, khói rơm thoang thoảng và mâm cơm gia đình thường nhật.

Để rồi dần dần khi những tấm màn được cởi bỏ, trong bức tranh chỉ còn lại hai đứa trẻ hoặc một - tùy theo cách hiểu của mỗi người, và bữa cơm không còn trọn vẹn, khi ấy cảm xúc của bài hát mới thật sự bùng nổ.

Tôi cũng rất phấn khởi khi đọc những dòng chia sẻ của người nghe về gia đình Út. Khi ấy, "Đến giờ cơm" đã không còn gói gọn trong khuôn khổ câu chuyện về cuộc đời hai chị em Khánh Như (nhân vật trong phóng sự - PV) nữa mà trở thành bài hát cho những em nhỏ mồ côi nói chung và mồ côi cha mẹ sau đại dịch COVID-19 nói riêng.

Nguồn cảm hứng và động lực nào giúp anh sáng tác "Đến giờ cơm", một khung cảnh bình dị với sự lạc quan nhưng nhiều nét buồn. Điều đó có liên quan đến gia đình anh?

- Khi nhận lời mời cộng tác cho chuỗi phóng sự về những trẻ em mồ côi sau đại dịch COVID-19 tại TPHCM của VTV24, tôi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với những thước phim về các mảnh đời cụ thể sẽ xuất hiện trong những phóng sự đó.

Lúc ấy, tôi cho phép bản thân mình tự vẽ nên khung cảnh trong câu chuyện của “Đến giờ cơm” - hai đứa trẻ bên mâm cơm gia đình, một Em hiểu chuyện và một Út ngây thơ đến nát lòng. Tất cả đều nằm trong tưởng tượng của tôi, chứ không hề liên quan đến gia đình hiện tại của tôi bây giờ.

Cho đến khi "Đến giờ cơm" được cất lên trong phóng sự về câu chuyện của Huỳnh Như và em trai ở Đồng Nai, tôi như chết lặng khi biết sự tương phản mình tạo ra, chúng không chỉ nằm trong tưởng tượng mà vẫn sẽ hiện hữu ở đâu đó trong cuộc sống thường nhật.

Ảnh: Binhlum
Bài hát "Đến giờ cơm" gây xúc động mạnh, được khắc họa bằng những nét vẽ. Ảnh: Binhlum

Dù không liên quan đến câu chuyện cá nhân nhưng có lẽ hình ảnh bữa cơm gia đình cũng quá đỗi quen thuộc để chạm vào trái tim khán giả, như chính nhạc sĩ Quốc Trung sau khi nghe bài cũng nhớ về mâm cơm nhà từng được ăn cùng bố mẹ và nhạc sĩ trào nước mắt. Anh muốn nhắn gửi điều gì qua bài hát này?

- Tôi tin rằng hình ảnh bữa cơm gia đình đều sẽ nằm trong tiềm thức của mỗi chúng ta, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều sẽ cho ra một cảm nhận khác nhau.

Khi chúng ta còn nhỏ, mâm cơm gia đình tựa như một lớp học vỡ lòng những phép tắc cơ bản.

Khi chúng ta lớn hơn một chút, mâm cơm gia đình hiện hữu như một nơi để trở về.

Và khi chúng ta đã có gia đình riêng, mâm cơm gia đình lại là động lực, thúc đẩy chúng ta phấn đấu để có thể dành cho con cái một lớp học vỡ lòng, một nơi để trở về như chúng ta có được ngày xưa.

Được biết, anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác với chủ đề tình yêu, với "Là em", "Mùa nắng vừa qua" trong cộng đồng indie. Nhưng dường như nhờ những chủ đề gia đình như "Trăng sáng soi", "Đến giờ cơm", anh mới tiếp cận được số đông khán giả. Trong tương lai anh sẽ phát triển theo hướng nào?

- Sở dĩ việc những ca khúc như "Trăng sáng soi" hay "Đến giờ cơm" may mắn có cơ hội được tiếp cận với số đông khán giả hơn những ca khúc trước đó, tôi tin là bởi vì chúng được lan tỏa qua những chương trình, phóng sự về COVID-19 - chủ đề được quan tâm hàng đầu bởi đại chúng trong vòng 3 năm trở lại đây.

Sau thành công của những ca khúc đó, tôi vẫn viết về tình yêu với ca khúc "Rằng ta có bao lâu để yêu?", tôi vẫn viết về những vấn đề xã hội như "Bước chân của em" - kể về những em nhỏ theo học các điểm trường khó khăn nhất nhì của tỉnh Hà Giang.

Và tôi nghĩ định hướng tương lai của tôi là không có định hướng gì cả - âm nhạc của tôi vẫn sẽ đi theo dòng chảy cảm xúc của tôi, vẫn sẽ thật trong trẻo và giàu tính hình tượng, và hy vọng mỗi bài hát đều sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả.

MINH ĐỨC (THỰC HIỆN)
TIN LIÊN QUAN

Đến giờ cơm - ca khúc giản dị về bữa cơm gia đình gây sốt

huyền chi |

Sau khi Ái Phương thể hiện "Đến giờ cơm", ca khúc nhanh chóng vượt mốc 800.000 lượt xem, gây sốt khắp mạng xã hội. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chia sẻ và thể hiện sự xúc động.

Nhịp Showbiz: Phạm Quỳnh Anh đáp trả antifan, Hứa Kim Tuyền phản hồi

Hải Long |

Thông tin giải trí trong ngày 24.6 gây chú ý trước những phản ứng gay gắt của Phạm Quỳnh Anh đáp trả antifan, Hứa Kim Tuyền phản hồi trước tin đồn đạo nhái…

Ái Phương đã lột xác thành hình tượng đả nữ của điện ảnh Việt như thế nào?

Tuấn Anh - Thanh Chân |

Vốn được biết đến với hình ảnh dịu dàng, nữ tính, Ái Phương đã có một màn lột xác đầy ấn tượng khi vào vai nữ trinh sát gan dạ, quyết đoán và giỏi võ trong dự án phim mới "Bằng Chứng Vô Hình".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Đến giờ cơm - ca khúc giản dị về bữa cơm gia đình gây sốt

huyền chi |

Sau khi Ái Phương thể hiện "Đến giờ cơm", ca khúc nhanh chóng vượt mốc 800.000 lượt xem, gây sốt khắp mạng xã hội. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chia sẻ và thể hiện sự xúc động.

Nhịp Showbiz: Phạm Quỳnh Anh đáp trả antifan, Hứa Kim Tuyền phản hồi

Hải Long |

Thông tin giải trí trong ngày 24.6 gây chú ý trước những phản ứng gay gắt của Phạm Quỳnh Anh đáp trả antifan, Hứa Kim Tuyền phản hồi trước tin đồn đạo nhái…

Ái Phương đã lột xác thành hình tượng đả nữ của điện ảnh Việt như thế nào?

Tuấn Anh - Thanh Chân |

Vốn được biết đến với hình ảnh dịu dàng, nữ tính, Ái Phương đã có một màn lột xác đầy ấn tượng khi vào vai nữ trinh sát gan dạ, quyết đoán và giỏi võ trong dự án phim mới "Bằng Chứng Vô Hình".