Bạn đọc Nguyễn Hà hỏi: Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được 14 năm. Năm nay tôi 36 tuổi, vậy tôi cần phải đóng bao nhiêu năm nữa mới được hưởng lương hưu?
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho hay, người lao động muốn hưởng lương hưu phải đáp ứng điều kiện về đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp của bà năm nay 36 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được 14 năm. Xét về thời gian tham gia, bà còn phải đóng thêm 6 năm bảo hiểm xã hội nữa để đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội (đủ 20 năm). Đối chiếu với quy định trên, bà được hưởng chế độ hưu trí khi đáp ứng thêm điều kiện về tuổi đời.
Từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu áp dụng theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 tuổi, lao động nữ là 60 tuổi.
Trường hợp của bà sẽ được nghỉ hưu khi đáp ứng đủ hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đã nêu trên.